Vòng xoáy cướp đất núp dưới vỏ bọc thu hồi đất cho dự án đã và đang
đẩy hàng triệu nông dân Việt Nam vào cảnh khốn cùng. Tình trạng này diễn
ra đặc biệt khốc liệt xung quanh các trung tâm đô thị và công nghiệp
lớn. Những khoản lợi nhuận kếch xù lên đến hàng nghìn, hàng chục nghìn
tỷ VNĐ khiến các đám tham quan sẵn sàng dẫm đạp lên tất cả hòng đạt được
một mục đích duy nhất: TIỀN.
Với vị thế một trung tâm kinh tế nằm sát cửa ngõ thủ đô, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) là một trong những điểm nóng về tình trạng tham nhũng đất đai. Trong những lần về đây tìm hiểu tình hình, chúng tôi được bà con cho biết về hàng loạt vụ cướp đất trắng trợn, phân lô bán nền, núp dưới vỏ bọc là các dự án hạ tầng kỹ thuật làng nghề.
Đơn cử, ngày 8 và 16/11/2010, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành 2 quyết
định số 1521 và 1572 thu hồi và giao 84.079m2 với thời hạn 50 năm cho
Công ty TNHH Đông Á và Công ty CP Việt Trung để xây dựng, kinh doanh hạ
tầng kỹ thuật khu thương mại dịch vụ làng nghề tại xã Phù Khê và phường
Đồng Kỵ. Vị trí dự án chạy dọc theo bờ sông Ngũ Huyện Khê, một con sông
với chiều dài 34km đảm bảo tưới tiêu, thoát lũ phục vụ cho sản xuất và
sinh hoạt của 5 đơn vị hành chính cấp huyện của Hà Nội và Bắc Ninh (Đông
Anh, Từ Sơn, Yên Phong, Tiên Du và TP Bắc Ninh). Hai công ty trên ngang
nhiên san lấp hơn 3/4 lòng sông Ngũ Huyện Khê, khiến dòng sông bị “thắt
cổ chai” trên một chiều dài lên đến 1km, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê
điều.
Trên giấy tờ, hai công ty Đông Á và Việt Trung được giao đất để xây
dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu thương mại dịch vụ làng nghề.
Song trên thực tế đây lại là dự án phân lô bán nền và xây dựng chợ cho
thuê. Với hàng chục ngàn m2 lòng sông bị bức tử, các “chủ đầu tư” hầu
như không mất tiền đền bù, vì thế ước tính lợi nhuận mà họ thu được từ
dự án lên đến hàng ngàn tỷ VNĐ.
Với sự cấu kết, thông đồng của cả một đường dây từ thôn xã lên đến
trung ương, những kẻ đứng đằng sau dự án hầu như không gặp phải bất kỳ
trở ngại đáng kể nào trong quá trình thực hiện dự án, ngoại trừ một
người mà thoạt tiên sự phản đối của anh khiến người ta dễ liên tưởng đến
hình ảnh “châu chấu đá voi”. Đó là anh Phạm Văn Hiếu, một nông dân 53
tuổi ở thôn Tiến Bào, xã Phù Khê.
Gia đình anh Hiếu sở hữu một cù lao rộng khoảng 7.000m2 giữa dòng sông Ngũ Huyện Khê, trong khu vực mà hai công ty Đông Á và Việt Trung san lấp. Hàng chục năm trước, đó là khoảnh đất ruộng nằm trong lòng sông. Gia đình anh đã tốn rất nhiều công sức, thuê máy móc bồi đắp, khu đất mới nên hình hài như ngày nay. Những gia đình khác có ruộng vườn nằm trong lòng sông như anh đều bị chủ đầu tư đe nẹt, hù doạ và buộc phải nhận số tiền đền bù bèo bọt. Anh Hiếu không chấp nhận thương lượng với hai công ty kia, bởi anh cho rằng dự án của họ là bất hợp pháp. Suốt nhiều năm, anh đã cùng một số bà con trong xã gửi đơn tố cáo khắp nơi, từ tỉnh lên đến trung ương. Bà con đã mời một số cơ quan báo chí nhà nước vào cuộc. Sai phạm nghiêm trọng của các cấp chính quyền và doanh nghiệp ở Bắc Ninh là rõ rành rành, không chối vào đâu được, ấy vậy mà không một ai liên quan đến sai phạm bị hề hấn gì.
Đám mafia đội lốt doanh nhân và quan chức đứng sau dự án, thông qua
bọn tay chân côn đồ, đã nhiều lần bắn tiếng đe doạ, nhưng anh không nao
núng. Có thời gian, anh thường xuyên túc trực 24/24h tại khu vườn; con
cái hàng ngày tiếp tế cơm nước cho anh. Anh tuyên bố sẵn sàng chết để
bảo vệ khu vườn đã thấm đẫm mồ hôi xương máu mấy thế hệ gia đình. Anh
căn dặn vợ con là nếu anh chết thì chôn anh ngay tại vườn. Các thế lực
hắc ám thừa hiểu anh không nói đùa, nhất là khi họ biết anh từng trải
qua gần 4 năm trong quân ngũ, từ năm 1984 đến 1987.
Không đe dọa được anh, những kẻ cướp đất lại tìm cách phá hoại anh về
kinh tế. Cách đây chừng một tháng, đàn gà vịt hàng trăm con mà anh chăn
thả trong vườn bỗng nhiên lăn đùng ra chết sạch. Bốn con chó của anh
cũng ăn phải bả rồi chết.
Những người trong xã ban đầu đồng hành với anh thì về sau một số bỏ cuộc vì không chịu nổi áp lực, vì đủ trò mua chuộc, gây chia rẽ của đối phương. Song điều đó không làm anh nản chí.
Bất chấp tình cảnh bị đe doạ, o ép và phá hoại về kinh tế, anh không
những không lùi bước mà còn khích lệ bà con trong xã Phù Khê cũng như
thị xã Từ Sơn đoàn kết, dũng cảm để đương đầu với bọn cướp đất cùng bộ
máy tay sai. Anh đã “ngộ” ra một chân lý đơn giản: đối với cộng sản, mọi
sự kiến nghị, thỉnh cầu hay thậm chí kiện cáo đều vô ích như nhau.
Anh đang đấu tranh không chỉ cho quyền lợi cá nhân, mà còn cho cả chòm xóm và cộng đồng.
(Hình trong bài: Lê Anh Hùng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét