Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Cho Assad một bài học

Ngô Nhân Dụng



Tổng Thống Donald Trump nổi tiếng là người không ai đoán trước được ông sẽ nói hay làm cái gì. Nhiều người chỉ trích, coi đó là một nhược điểm. Ông Trump mới làm một việc bất ngờ. Nhưng thay vì chỉ trích, mọi người Mỹ đều hoan nghênh, khi ông ra lệnh đánh Syria bằng 59 hỏa tiễn phóng thẳng (Tomahawk).

Thực ra hành động của ông Trump không “bốc đồng.” Cuộc tấn công đã được chuẩn bị tại Bộ Chỉ Huy Trung Khu (U.S. Central Command) đặt tại Tampa, tiểu bang Florida, trong ít nhất 48 tiếng đồng hồ. 

Người ta phải chọn: Ðánh vào đâu? Phải có bản đồ ấn định mục tiêu đánh chỗ nào trong phi trường quân sự al-Shayrat. Phải quyết định đánh bằng thứ vũ khí nào, phát xuất nơi nào gần nhất. Ông Trump đã chuẩn bị dư luận ngày hôm trước, khi lên truyền hình bày tỏ nỗi xúc động trước cảnh các trẻ em bị chế độ Bashar al-Assad giết bằng bom hơi ngạt sarin.

Phi trường al-Shayrat được chọn lãnh đạn vì đó là nơi xuất phát những máy bay đi thả bom hơi ngạt giết 85 người dân Syria. Ðó là một trong 6 phi trường quân sự, lại không có Không Quân Nga đồn trú.

Trước khi hỏa tiễn được đưa lên giàn phóng, các sĩ quan liên lạc Mỹ đã báo trước với phía Nga ở Syria, để họ có 60 phút chuẩn bị, tránh không gây đụng độ lớn. Chính quyền Syria hiện có loại hỏa tiễn S-300 của Nga có thể bắn lên chống hỏa tiễn Tomahawk. Nhưng chắc Nga đã khuyên họ đừng sử dụng, để chuyện nhỏ không xé ra to.

Trong cuộc tranh cử năm ngoái, ông Trump vẫn hô hào “Lo cho nước Mỹ trước hết!” Không lo chuyện thiên hạ! Ông nói mục tiêu hàng đầu tại Trung Ðông là tiêu diệt lực lượng cực đoan IS, không quan tâm tới chế độ Assad. Ðánh một lúc cả hai thứ, IS và Assad là “điên và ngu” (madness and idiocy). Muốn diệt IS thì phải cộng tác với Nga. Năm 2013, ông Trump đã “tuýt” những lời khuyên nhủ vị tiền nhiệm: “Tổng Thống Barack Obama! Ðừng tấn công Syria, Lợi không thấy đâu, chỉ thấy hại.” Ông Obama đã làm đúng như vậy, không đánh Syria mặc dù đã đe dọa sẽ đánh. Ông né tránh bằng cách hỏi ý kiến Quốc Hội, biết rằng thế nào Quốc Hội cũng từ chối.

Nhưng ông Trump không bỏ thời giờ hỏi ý kiến Quốc Hội, biết trước rằng các nhà chính trị, Cộng Hòa hay Dân Chủ, cũng phải đồng ý đánh. Hành động càng nhanh chóng, càng bất ngờ thì hiệu quả tâm lý càng mạnh.

Từ năm 2011, chính phủ Obama vẫn công khai đòi Bashar al-Assad phải từ chức, trước khi bàn với Nga về việc lập một chính quyền mới cho Syria. Các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu và trong vùng, như Á Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, vân vân, đều đòi lật đổ Assad. Ngược lại, hai đối thủ của Mỹ là Nga và Iran đều yểm trợ Assad, trên không và trên mặt trận. Chính quyền Trump đã chính thức xóa bỏ điều kiện đó. Mới tuần trước, Ngoại Trưởng Rex Tillerson nói rằng nước chính phủ Mỹ không quan tâm đến chuyện ông Assad còn ngồi đó hay không. “Hãy để cho dân chúng Syria quyết định,” ông Tillerson tuyên bố; nhưng đó cũng chính là đề nghị mà chính phủ Nga vẫn rêu rao lâu nay, biết rằng chế độ Assad giỏi gian lận bầu cử hạng nhất.

Khi máy bay của Assad thả bom hơi độc, nhiều người cho rằng nhà độc tài Syria đã yên tâm địa vị của mình được cả Nga, Iran và Mỹ bảo đảm, cho nên tha hồ hành động dã man. Tổng Thống Donald Trump phải chứng tỏ ngược lại: Nước Mỹ không dung thứ Assad. Tấn công trừng phạt Assad về tội giết người bằng hơi độc, ông Trump đã chứng tỏ hùng hồn rằng ông “thay đổi,” khi Assad dùng bom hơi ngạt giết thường dân và trẻ em. Sau khi hỏa tiễn Mỹ đã đánh, ông Tillerson và bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đều nói lại rằng Assad không còn chỗ đứng ở Syria.

Cuộc tấn công Syria của Tổng Thống Trump không chỉ chuyển hướng chính sách của Mỹ ở Trung Ðông mà còn thay đổi cách nhìn của cả thế giới về chủ trương của Mỹ. Các nước Hồi Giáo trong vùng đều hoan nghênh hành động mạnh của ông Donald Trump. Thổ Nhĩ Kỳ đã lập lại đề nghị thiết lập một “không phận an toàn” (no-fly zone) để thường dân Syria tị nạn. Chính phủ Mỹ có thể ủng hộ ý kiến này, nếu Tổng Thống Trump thật sự chuyển hướng. Saudi Arabia và các nước Á Rập theo phái Sun Ni Hồi Giáo cảm thấy yên tâm hơn khi cộng tác với Mỹ trong mặt trận chống lại mộng bành trướng của Iran, một nước bảo trợ cho chế độ Assad vì gia đình Assad cùng theo giáo phái Shi A, cai trị một nước đại đa số là dân theo phái Sun Ni.

Chính quyền Nga cũng hòa hoãn, chỉ lên tiếng phản đối lấy lệ. Ðặc biệt, họ không đòi ngưng lại cuộc viếng thăm của Ngoại Trưởng Tillerson. Tuần tới, ông Tillerson sẽ qua Moscow bàn chuyện sắp xếp lại bàn cờ Syria với chính phủ Putin.

Ông Trump đã đề cao việc cộng tác với Nga để thanh toán lực lượng IS, nhưng hai bên chưa bàn về những trao đổi. Tổng Thống Vladimia Putin vẫn mơ ước Mỹ bãi bỏ cấm vận, ít nhất một phần, và công nhận vai trò của Nga ở Ukraine, để Nga giúp tiêu diệt IS. Nhưng bây giờ thì chắc ông Putin không còn hy vọng đòi được điều kiện đó nữa. Ngược lại, phía Mỹ có thể đặt điều kiện đòi Không Quân Nga giữ lời hứa không tấn công những nhóm quân chống Assad và cũng chống IS, được Á Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và các nước Hồi Giáo Sun Ni hỗ trợ. Tillerson cũng sẽ đòi Nga phải kiềm chế Assad không cho giết hại dân lành.

Với lời yêu cầu đó, nước Mỹ sẽ lại đóng vai trò bảo vệ những luật lệ quốc tế, bảo vệ tinh thần nhân đạo. Trước đây người ta vẫn nghĩ rằng Tổng Thống Trump chủ trương cô lập, không muốn nước Mỹ dấn thân khắp nơi, đóng vai một cảnh sát quốc tế. Bây giờ ông Trump đã đích thân đóng vai cảnh sát, phạt chế độ Assad vi phạm luật!

Hành động tấn công một phi trường Syria bằng hỏa tiễn bay thẳng sẽ không thay đổi cục diện chiến trường. Ðó cũng là một lý do khiến Tổng Thống Trump có thể an tâm ra lệnh đánh, khác hẳn tình trạng bốn năm trước đây. Năm 2013, nếu Mỹ đánh vào các phi trường và kho vũ khí của Syria thì chế độ Assad có thể sụp đổ rất nhanh. Khi đó, Không Quân Nga chưa vào Syria; trong khi các lực lượng nhân dân theo phái Sun Ni nổi dậy đang bốc lên rất nhanh. Nhưng nếu Assad bị lật đổ lúc đó thì tổ chức cực đoan IS mạnh nhất trong số các lực lượng dân quân sẽ lên nắm chính quyền. Giữa hai tai họa, Assad và IS, không chính quyền Mỹ nào muốn nhóm IS thành công!

Năm nay, lực lượng IS đang bị quân của Assad và Không Quân Nga tiêu diệt dần. Các nhóm dân quân không phải IS đang chiếm dần dần thủ đô của nhóm IS.

Chính phủ Mỹ không thể lật đổ chính quyền độc tài Assad nếu không cho bộ binh xung trận; mà điều này thì không người Mỹ nào muốn. Mỹ và các nước đồng minh cũng không có những lực lượng dân quân đủ mạnh tại Syria để vừa chống Assad vừa đánh IS. Tốt nhất là chính phủ Mỹ tạo áp lực ngoại giao để Nga ép Assad không được tìm cách tiêu diệt các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ, Á Rập Saudi, Mỹ, và các nước Hồi Giáo khác ủng hộ.

Nga có thể nhượng bộ, vì cuộc một chiến tranh ở Syria kéo dài sẽ khích động khối dân Hồi Giáo Sun Ni bên trong nước Nga và các nước Trung Á lân cận, khiến mối căm thù Nga mạnh hơn. Vụ bom nổ ở St. Petersburg vừa qua là một triệu chứng báo động cho ông Putin.

Không riêng gì ông Assad đã nhận được một bài học do cuộc tấn công của Tổng Thống Trump. Những nước thù nghịch với Mỹ như Iran, Bắc Hàn, cũng hiểu rõ ông tổng thống Mỹ mới hơn trước. Ông Trump ra lệnh đánh Syria trong lúc đang tiếp đón Tập Cận Bình, chắc chắn đã gây ấn tượng mạnh!

Donald Trump vẫn là một người khó tiên đoán, không ai biết ông sẽ nói gì, làm gì, thay đổi ý kiến lúc nào, và hành động ra sao. Trong tình trạng chiến tranh, đặc tính đó có thể là một lợi thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét