Bất chấp dư luận xã hội phản ứng dữ dội và ngay cả một số bộ
ngành trung ương như Bộ Ngoại Giao, Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam
cũng phản bác đề xuất bản dự thảo sửa đổi Luật Thuế Bảo Vệ Môi Trường với 8,000
đồng đánh vào 1 lít xăng, vào ngày 10 Tháng Ba 2017, Bộ Tư Pháp thay mặt chính
phủ ký tờ trình gửi Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đã đề nghị bổ sung dự án này,
trong đó có nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa
8,000 đồng/lít, vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc Hội.
Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, Bộ Tư Pháp đã không còn
giữ được “tư cách” của mình. Trước đó vào Tháng Hai 2017 khi Bộ Tài Chính được
biến thành mũi tiên phong của nhóm lợi ích xăng dầu để trình ra đề xuất “còng số
8” (một cách mà người dân chua chát ví von về dự thảo 8,000 đồng đánh vào 1 lít
xăng), Bộ Tư Pháp còn “mong rằng Bộ Tài Chính cần đánh giá tác động một cách cẩn
trọng đối với các chính sách, đặc biệt là việc điều chỉnh khung thuế suất đối với
nhóm hàng hóa xăng, dầu,… cao gấp đôi quy định hiện hành, tạo khoảng cách lớn
giữa mức thuế tối thiểu và mức thuế tối đa.”
Nhưng vào lần này, dường như Bộ Tư Pháp đã bị ép để “đưa đầu
chịu báng,” trong khi lẽ ra phải là Phó Thủ Tướng Vương Ðình Huệ hay Thủ Tướng
Nguyễn Xuân Phúc ký văn bản gửi Quốc Hội.
“Còng số 8” đã được phía chính phủ khôn lanh chuyển sang tay
người chịu trách nhiệm bỏ phiếu thông qua luật là Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim
Ngân. Từ công đoạn này trở đi, không phải Bộ Tư Pháp, Bộ Tài Chính, Bộ Công
Thương hay Phó Thủ Tướng Vương Ðình Huệ và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà cơ
quan “của dân, do dân và vì dân” mới là nơi tập trung mọi tiếng chửi bới oán
thán của các tầng lớp bị bần cùng hóa trong một đất nước đang rất gần với cùng
tắc biến.
“Ðược lòng dân hơn” và kích động lạm phát
Một lần nữa, nhóm lợi ích chính sách độc quyền lại phát tác
chiến dịch bù lỗ vào dân. Mối lo thường trực của người dân đã trở thành hiện thực:
không lúc này thì lúc khác, nhóm lợi ích và các quan chức lobby chính sách sẽ
làm mọi cách để móc tiền từ túi nhân dân.
Bất chấp việc Petrolimex thua lỗ đến 10,700 tỷ đồng trong
năm 2008 từ những khoản đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản và bảo
hiểm, chiến dịch tăng giá xăng dầu đã luôn được những người đứng đầu Petrolimex
âm thầm chuẩn bị và được lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính hỗ trợ theo
chiến thuật: mỗi khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp lại được quyền xin
tăng giá trực tiếp qua Bộ Tài Chính hoặc gây sức ép bằng cách găm hàng, không
bán,… hoặc được trích lập quỹ bình ổn. Còn khi giá dầu thế giới giảm, doanh
nghiệp có thể từ từ xin giảm giá hoặc chờ quyết định từ cơ quan quản lý.
Thậm chí Thứ Trưởng Bộ Tài Chính Ðỗ Hoàng Anh Tuấn còn làm
nên một thành tích “liêm sỉ” khi tuyên bố cơ chế đánh thuế 8 ngàn đồng mỗi lít
xăng là “được lòng dân hơn.”
“Ðược lòng dân hơn” như thế nào?
Vào năm 2016, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường đã tăng
vọt gần gấp 4 lần so với năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ thực chi để “bảo vệ môi trường”
chỉ chiếm 30% số thu!
Trong khi Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương chưa bao giờ chịu
thừa nhận việc tăng giá xăng dầu vô tội vạ là dẫn đến lạm phát tăng vọt, một cơ
quan thuộc chính phủ là Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia đã cho biết: lạm
phát Tháng Hai 2017 tăng 0.69% so với đầu năm nhưng tăng tới 5.02% so với cùng
kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu của chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh như trên
là do giá nhóm giao thông tăng 9.97% so với cùng kỳ do giá xăng dầu Tháng Giêng
2017 tăng mạnh so với năm trước (tăng khoảng 13% so cùng kỳ); và cũng do chịu
tác động một phần của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình tại một
số tỉnh, thành (giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng lần lượt 57.21% và 10.07% so
với cùng kỳ 2016).
Không phải cho tới giờ doanh nghiệp độc quyền về giá xăng dầu
là Tập Ðoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) mới làm nên tội trạng khi kích động
lạm phát. Nhiều năm trước, đặc biệt dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ
Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, trục tam giác Petrolimex-Bộ Công Thương-Bộ Tài
Chính đã luôn kích hoạt giá xăng dầu để “tận khoan sức dân.”
Dân sẽ không cam chịu!
Tương lai và sinh mạng dân tộc Việt Nam lại đang phụ thuộc mật
thiết vào những đợt tăng giá.
Tăng giá và thuế má lại là một trong những biểu đạt cực đoan
nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Sự tồn vong của
đảng cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những thiệt
hại về chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân.
Thuế, phí ở Việt Nam lại thuộc hàng cao nhất trong khu vực,
đang bào mòn khủng khiếp sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo báo cáo Doing Business 2016 của Ngân Hàng Thế Giới,
doanh nghiệp Việt Nam phải dành khoảng 39.4% lợi nhuận để nộp thuế. Ðây là một
tỉ lệ rất cao so với mức 18.4% của Singapore, 27.5% của Thái Lan, 29.7% của
Indonesia…
Còn ông Trần Ðình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam,
cũng đưa ra con số cho thấy người Việt đang gánh tỉ lệ thuế, phí trên GDP cao gấp
1.4-3 lần so với khu vực. Cụ thể, trung bình giai đoạn 2007-2012, tỉ lệ thuế,
phí/GDP của Việt Nam là 21.6% trong khi Trung Quốc là 17.3%, Thái Lan và
Myanmar 15.5%, Indonesia 12.1%…
Sau đề xuất của Bộ Tài Chính về đánh thuế 8 ngàn đồng một
lít xăng, một số bộ ngành trung ương như Bộ Ngoại Giao, Bộ Tư Pháp, Phòng
Thương Mại và Công NGHIỆp Việt Nam đã phản bác. Sau đó, có thông tin cho biết
chính phủ “sẽ xem xét lại vấn đề này,” cùng lúc xuất hiện vài bài viết trên hệ
thống báo đảng mang tính trấn an, rằng với tinh thần “liêm chính-kiến tạo-hành
động” của chính phủ Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc thì hy vọng sẽ không có “còng số
8” cho dân.
Thế nhưng việc chính phủ Việt Nam như thể “ném đá giấu tay”
thông qua việc ủy quyền cho Bộ Tư Pháp để vẫn gửi văn bản “còng số 8” đến Quốc
Hội đã cho thấy không chỉ động cơ đi đêm tàn hại của nhóm lợi ích xăng dầu khi
quyết moi đến đồng cuối cùng trong gấu áo người dân nghèo, mà tình trạng ngân
sách quốc gia năm 2017 và những năm sau đó thực sự là một bi kịch, bi kịch đến
mức mà nếu không bổ thuế vào đầu dân thì “trung ương” sẽ không biết lấy đâu ra
tiền để nuôi dưỡng bảo bọc một bộ máy mà 30% trong số đó “không làm gì cả.”
Trong khi đó, một bất công rất lớn lại vẫn ngự trị: bội chi
ngân sách năm 2015 và năm 2016 không hề giảm, thậm chí còn có chiều hướng tăng.
Nếu năm 2013 được xem là “đỉnh” của bội chi ngân sách là 6.6% GDP, thì những
năm gần đây tỷ lệ bội chi cũng tròm trèm 6% GDP. Riêng năm 2016 vẫn bội chi ít
nhất 250 ngàn tỷ đồng.
Bội chi là thế, nhưng thu ngày càng giảm. Việc phát hành
“trái phiếu chính phủ” mà những năm trước vẫn thường “vắt” được của giới ngân
hàng thương mại đến 280 ngàn tỷ đồng, nhưng năm 2017 đã phải giảm chi tiêu này
xuống còn 180 ngàn tỷ đồng, tức sụt đến hơn 30%.
Hơn 30% cũng là tỷ lệ sụt giảm của lượng kiều hối của “kiều
bào ta” gửi về quê nhà trong năm 2016 so với năm 2015.
Ðầu năm 2017, Thủ Tướng Phúc bất chợt phải bật ra cảnh báo về
tương lai “sụp đổ tài khóa quốc gia.” Trước Thủ Tướng Phúc, chưa có bất kỳ một
quan chức cao cấp hay trung cấp nào dám phát ngôn về “sụp đổ” – một từ ngữ bị đảng
coi là đặc biệt nhạy cảm.
Nhưng cái gì cũng phải có giới hạn của nó. Cơ chế bổ lệ phí
vào đầu dân theo kiểu dựng lên càng nhiều càng tốt trạm thu phí BOT, rốt cuộc
đã khiến chính người dân thấp cổ bé họng phải phản ứng. Vào Tháng Ba 2017, có đến
vài ba chục xe ô tô của dân đã chặn trước trạng thu phí Tam Nông ở tỉnh Phú Thọ
để phản đối việc thu phí…
Hãy chờ xem Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân ứng xử ra
sao với “còng số 8.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét