Có lẽ nào chăng lại một lần nữa
cách mạng của những người vô sản bị bần cùng hoá xuống dưới đáy xã hội lại bùng
lên như đã từng trong lịch sử? Cách mạng quốc tế vô sản bắt đầu
từ những người vô sản, mà họ bị cho là đã bị bóc lột bởi tầng lớp tư sản mại bản
một cách thậm tệ.
Ông Mahatma Gandhi đã từng nói,
luật pháp bất công vốn đã chứa đựng sẵn trong nó sự bạo lực. Thế mà hiển hiện
lên một thực trạng trên một vùng đất phương Đông đúng như ông ấy mô tả và định
nghĩa. Hơn thế, nó còn là bạo lực công khai và được dung túng, kể cả việc trà
trộn vào trong những mảnh đời rách bươm để ném đá nhằm có cớ mà đàn áp chính những
người dân lương thiện đi tìm nguồn sống cho mình dần bị dồn đẩy vào bước đường
cùng.
Đọc cuốn Tổ quốc gọi tên dưới dạng
Hồi ký chiến tranh của vị tướng huyền thoại Charles De Gaulles (Pháp) mới thấy
hết được cái tầm vóc của một đất nước vốn vẫn vĩ đại được ẩn chứa trong tâm hồn
và trái tim một vị tướng tài ba, tha thiết sống để phụng sự cho tổ quốc, dù
trong bất kể hoàn cảnh nào cũng đều chỉ có một mục đích duy nhất là đấu tranh đến
cùng mà không có lựa chọn. Mặc dầu nước Pháp khi đó đã bị quân Đức của Hitler
đánh chiếm nhanh chóng vào trong lòng đất nước, trước sự tuyên chiến đồng thời
của quân Ý, trước một chính phủ hỗn loạn và lộn xộn, không còn chút tinh thần
cho danh dự và sự phản kháng đến cùng nào ngoài tư tưởng đầu hàng đã ngày càng
rõ rệt. Nhưng tướng Gaulles đã thành lập một chính phủ lưu vong ở Bắc Phi để
thiết lập quân đội bên ngoài hải ngoại. Và cuối cùng, dưới sự kiên cường của một
trí tuệ, của việc liên kết đồng minh với Anh quốc dưới sự dẫn dắt của vị thủ tướng
đại tài Winston Churchill, người Pháp và chính phủ lưu vong Pháp đã lấy lại được
tổ quốc cùng sự độc lập của mình khỏi quân phát xít sau 4 năm mất nước.
Ở vị tướng ấy, cho người ta thấy
niềm hy vọng như một ngọn lửa luôn bùng cháy, chỉ có tổ quốc và nhân dân để phụng
sự, không thể mua chuộc hay dễ dàng đầu hàng, mặc dù có điều kiện để mặc cả đi
chăng nữa, người Pháp đã không đánh mất đi danh dự và tổ quốc mình trong bất kể
trường hợp nào. Họ đã tiếp tục duy trì được nền cộng hoà của họ từ đó cho đến
ngày nay.
Vì vậy, nếu bất kể một ai chiến đấu
vì tổ quốc, thay vì vị lợi hay những mưu cầu cá nhân, thì những hy sinh ấy sẽ
trở thành niềm hy vọng để xây đắp nên những điều tốt đẹp cho quê hương, đất nước.
Người ta có cùng ngôn ngữ và quốc tịch, có cùng màu da và tổ quốc, thế thì hà cớ
gì mà phải tách bạch nhau thay vì liên kết lại để mà gây dựng quốc gia như một
mái nhà chung?
Quyền lực, nếu đã là của nhân
dân, thì trả về cho nhân dân chứ không thể nhân danh nhân dân để chiếm lĩnh nó
tuyệt đối vào trong tay mình, hoặc một nhóm người để ngạo mạn với thứ quyền lực
cướp đoạt ấy.
Không có thể chế nào vĩnh viễn, nếu
nó không thể hiện sức mạnh ý chí đồng nhất của dân chúng và bị kiểm soát bởi
chính người dân trong quốc gia đó. Ta không thể nói về quyền lực chính trị khôn
ngoan nếu chỉ có nòng súng và nhà tù để bắt bớ, giam cầm. Ta không thể đánh đập
hay bất chấp bằng vũ lực để đáp trả nếu đó là những tiếng nói khác biệt dù chỉ
là của một vài người dân, không vị thế chính trị nào trong xã hội. Nhân dân thì
không cần vị thế, nhân dân chỉ cần được tôn trọng với đúng vị trí làm chủ đất
nước của mình bằng luật pháp công minh.
Ở đất nước mà người ta không thể
nói lên ý kiến của mình, dù có bất đồng một cách sâu sắc và gay gắt, thì đó là
một đất nước xây dựng trên nền của những bộ đồng phục, dựa trên tư duy nô dịch
thân phận và cả tư tưởng con người. Đất nước đó sẽ bất định bởi sự chiếm cố và
tước đoạt trí tuệ con người. Nó không cho phép con người được sáng tạo và tự do
trở thành ai đó theo mong muốn và mưu cầu của mình.
Chúng ta có sợ chết không? Chúng
ta có sợ tù đày, đánh đập và hành hạ không? Chắc là có. Nhưng trong phạm vi nào
đó, khi tinh thần và tình yêu đặt vào nơi mà người ta mong mỏi đủ lớn thì những
nỗi sợ hãi sẽ dần biến mất và bị dập tắt bởi ngọn lửa trong bản thân mỗi người.
Người ta không thể có thứ tình
yêu đầy sợ hãi và dối trá được. Và nó cũng không thể bị khuất phục hay bị huỷ
hoại bởi những thứ vật chất hữu hình, bằng sự cùm kẹp hay đáp trả bằng thể xác.
Người ta đã sợ hãi chỉ đơn giản
vì tình yêu và mối bận tâm về tổ quốc trong họ chưa đủ lớn, chưa đủ lý lẽ để đứng
vững trước những cáo buộc và chà đạp hung bạo vô cớ từ những tầm thức man dại
khác.
Chỉ cần mỉm cười bình thản trước
mọi tâm hồn hay bất kể lực lượng hùng hậu nào, dù kể cả đó là kẻ tàn ác nhất,
thì chúng ta mới có thể đứng vững trước những hành động đối nghịch của họ dành
cho.
Đừng mặc cả về tình yêu quê hương
và đất nước, đừng e sợ khi trong mình có tình yêu thiêng liêng và cao cả dành
cho tổ quốc. Chẳng có gì đáng sợ hơn là tự mình đã tước bỏ và không hun đúc
tình yêu ấy lớn lên mỗi ngày.
Tôi lo sợ hơn trước tình cảnh hiện
tại, nếu những thứ vô pháp vẫn ngày càng được tiếp diễn công khai mà không có
giải pháp.
Dối trá và bạo lực vô pháp, không
chỉ là một ngòi nổ, mà cứ mỗi ngày sự dối trá và bạo lực đó được tiếp diễn là
cũng đồng nghĩa nó đang dẫn tới chất nổ đang cận kề.
Không có nhân dân, không có một nhóm
nhân dân hay kể cả chỉ là một cá nhân sẽ bị phân loại và sẽ trở nên là kẻ đáng
bị trừng trị nếu chỉ vì họ sẵn sàng cất lên tiếng nói trước các bất công của xã
hội, nhất là khi nó không cùng chính kiến với quan điểm của kẻ cầm quyền.
Đất nước mà không có nhân dân hoặc
sự đồng thuận của nhân dân, thì nhà cầm quyền sẽ sớm muộn tan rã.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét