Một chuyến bay từ Manila đến
Singapore sẽ đưa bạn từ một trong những sân bay tồi tệ nhất đến một trong những
sân bay tốt nhất trên thế giới. Nó cũng sẽ đưa bạn từ một trong những nhà nước
yếu kém và dễ sụp đổ sang một trong những nhà nước mạnh của châu Á.
Cho tới gần đây, sân bay Ninoy
Aquino của Manila mới nhường cái danh hiệu “sân bay tồi tệ nhất thế giới” cho
sân bay quốc tế Islamabad Benazir Bhutto của Pakistan, theo trang The Guide to
Sleeping in Airports. Năm 2014, sân bay Manila đã leo lên hạng thứ tư trong những
sân bay tồi tệ nhất thế giới nhờ việc mở thêm sân ga thứ ba.
Ngược lại, sân bay quốc tế Changi
của Singapore đã được bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới trong 18 năm liên
tiếp. Trên thực tế, trong số các sân bay tốt nhất thế giới, có năm sân bay nằm ở
Châu Á, ngoài Singapore thì bốn sân bay còn lại là Seoul, Kuala Lumpur, Hồng
Kông và Tokyo (sân bay Haneda).
Những đánh giá xếp hạng của độc
giả trên trang “The Guide to Sleeping in Airports” có thể không phải là bằng chứng
khoa học về chất lượng của sân bay hay là về sức mạnh của các nhà nước ở châu
Á. Nhưng chắc chắn là chúng phù hợp với các chỉ số khách quan khác.
Yếu tố quyết định quan trọng nhất
của sự thành công ở Châu Á là sự hiện diện của “các nhà nước mạnh” trong các nền
kinh tế như Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan. Theo Chỉ số
các nhà nước dễ sụp đổ của Quỹ Hòa bình, thì Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đều
đạt điểm số cao (Hồng Kông và Đài Loan không được xét tới ở đây). Ba quốc gia
này được xếp vào nhóm “rất ổn định” cùng với các nước phát triển như Mỹ, Đức,
Pháp và Anh.
Phải lần xuống phía dưới danh
sách mới có thể tìm ra các nước châu Á khác. Có thể thấy Malaysia nằm trong
nhóm “cảnh báo”, thấp hơn Hàn Quốc khoảng 39 bậc trong danh sách gồm 178 quốc
gia này. Tiếp tục xuống tới nhóm “cảnh báo cao độ” là Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ,
Thái Lan và Trung Quốc. Và thậm chí xuống thấp hơn nữa tới nhóm “cảnh báo rất
cao” là Lào, Philippines và Campuchia. Xuống gần cuối danh sách là nhóm “báo động”
gồm các quốc gia như Nepal, Sri Lanka, Bangladesh, Bắc Triều Tiên và Myanmar.
Vậy, làm thế nào mà chúng ta có
thể biết được liệu một nhà nước có yếu và dễ sụp đổ?
Một nhà nước yếu có thể thể hiện
sự kém cỏi ở nhiều khía cạnh. Đáng chú ý nhất là khi nó không có khả năng cung
cấp dịch vụ công cho người dân. Chất lượng của các dịch vụ công cơ bản như nước
sạch, vệ sinh, y tế, giáo dục và các phương tiện giao thông là những thứ rất
kinh hoàng tại các nhà nước yếu và dễ sụp đổ ở châu Á. Điều này có thể là do
các nhà nước này không có khả năng thu đủ thuế để cung cấp tài chính cho các dịch
vụ công, bởi các tầng lớp chóp bu bòn rút hệ thống thuế một cách có hệ thống,
nhất là ở Philippines.
Tắc đường là căn bệnh trầm kha
chưa biết khi nào mới có thuốc chữa của Philippines. Ảnh: PBS.
Nỗi bất an cũng là một đặc điểm của
các xã hội yếu, nó thường là sản phẩm của sự nghèo đói, bất bình đẳng và cái cảm
giác bất công xã hội. Nạn tham nhũng và lực lượng cảnh sát kém cỏi cũng góp phần
vào nỗi bất an ấy.
Một đặc điểm nữa của các nhà nước
yếu là, chúng thường bị mất kiểm soát đối với lãnh thổ của chúng, hoặc đối với
sự độc quyền sử dụng vũ lực một cách hợp pháp. Nhiều quốc gia châu Á như
Myanmar và Ấn Độ không thể khẳng định chủ quyền trên phần lớn lãnh thổ của họ,
do các nhóm sắc tộc thiểu số vẫn nắm giữ quyền lực, hoặc do giới chóp bu địa
phương thường sở hữu quân đội riêng. Giới chóp bu đầy quyền lực này cũng có thể
ép buộc các chính phủ yếu kém phải thực hiện các chính sách thiên vị cho lợi
ích của họ, như là bảo vệ sự độc quyền. Các cuộc bầu cử cũng có thể bị lạm dụng
một cách sai trái, do sự chi phối của các nhóm gia đình chính trị, việc mua bán
phiếu bầu, và những mánh khóe chính trị khác.
Rõ ràng là những đặc điểm này của
các nhà nước yếu đã làm xói mòn những triển vọng phát triển kinh tế và xã hội.
Trường hợp của Philippines đã đưa
ra một góc nhìn thú vị về tình trạng của nhà nước ở châu Á. Quần đảo gồm 7107
hòn đảo này được coi là có một nhà nước yếu và một xã hội mạnh. Có tác giả đã gọi
đây là “tình trạng vô chính phủ giữa các gia đình”.
Thật vậy, cho đến khi thực dân
Tây Ban Nha xâm lược Philippines vào thế kỷ 16, ở vùng đảo này dường như không
có lấy một nhà nước. Ngoài một số ông vua Hồi giáo ở miền Nam, thì các xã hội
tiền thuộc địa đã bị chia cắt thành những ngôi làng tự trị hoặc bị giao do các
tầng lớp chóp bu địa phương cai quản. Nói cách khác, Philippines không tồn tại
như một quốc gia cho đến khi các thủy thủ Tây Ban Nha lui tới đảo quốc này vào
thời vua Philip II. Thậm chí ngày nay, dường như nhiều người Philippines vẫn gắn
bó với bản sắc địa phương của họ hơn là với bản sắc quốc gia.
Trong thời kỳ thuộc địa, người
Tây Ban Nha đã không thành lập một nhà nước mạnh. Ngoài Manila ra thì vùng thuộc
địa này chủ yếu do Giáo hội Công giáo và giới kinh doanh tư nhân quản lý. Cuối
thời kỳ Tây Ban Nha cai trị ở cuối thế kỷ 19, khi những người thuộc địa kết hôn
với giới cai trị thực dân (“mestizos”), và khi những người Trung Quốc di cư đến
Philippines, thì họ hình thành nên một tầng lớp chóp bu địa phương. Tầng lớp
này tiếp tục củng cố vị thế quyền lực kinh tế và chính trị của chính nó trong
thời kỳ thuộc địa của Mỹ ở nửa đầu của thế kỷ 20.
Giới chóp bu của Philippines (ước
tính gồm khoảng 178 gia đình) đã duy trì sự kiểm soát đối với nền kinh tế và
chính trị của đất nước thông qua các giai đoạn cai trị quân sự lẫn dân chủ, và
kết quả là nhà nước Philippines vẫn yếu và dễ sụp đổ.
Một số gia đình thuộc giới chóp
bu như Ayala và Aboitiz đã thống trị kể từ thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha. Lợi
nhuận kinh doanh của họ thu được từ những dịch vụ công cho tới phát triển nhà cửa,
từ ngân hàng cho tới viễn thông và các ngành công nghiệp gia công đang bùng nổ.
Địa vị thống trị của các gia đình chóp bu này thường chẳng phải là nhờ vào sự
nhạy bén tuyệt vời trong kinh doanh, mà chủ yếu là do chính phủ sắp đặt nhằm
mang lại sự độc quyền và bảo hộ cho những người chơi chính. Mặc dù đã có những
cải cách rộng khắp từ năm 1981, nhưng phần lớn thị trường vẫn bị độc quyền.
Tình trạng yếu kém của đất nước
thể hiện rõ ràng nhất ở cơ sở hạ tầng hết sức nghèo nàn về vận tải và năng lượng,
cũng như ở các hệ thống y tế, giáo dục, vệ sinh, và nguồn nước cũng nghèo nàn
không kém. Chính quyền Philippines cũng bị cho là kém cỏi trong việc thực thi
những điều luật và các quy định có thể mâu thuẫn với lợi ích của giới đầu sỏ
(như đánh thuế, lâm nghiệp, cải cách ruộng đất). Tình trạng này còn được thể hiện
qua những cuộc nổi dậy dai dẳng của người Hồi giáo và cộng sản, các vụ bắt cóc
và các hành vi bạo lực khác, cũng như tình trạng tham nhũng ăn sâu.
Sự yếu kém của nhà nước
Philippines cũng hiện rõ trong cái cách mà nó xử lý trước trận siêu bão Yolanda
vào năm 2013. Chính phủ đã không thể quản lý các hoạt động cứu trợ thiên tai một
cách hiệu quả.
Sau nhiều thập kỷ mang danh “người
bệnh” của châu Á, nền kinh tế Philippines hiện đang bùng nổ, được thúc đẩy bởi
các hoạt động xây dựng và tiêu dùng. Nhưng dấu vết của một nhà nước yếu vẫn còn
rất rõ ràng.
Do cơ sở hạ tầng đô thị không
theo kịp với tốc độ đầu tư bất động sản nên tình trạng tắc nghẽn giao thông
ngày một tồi tệ hơn. Mặc dù đã mở một nhà ga mới, song sân bay Manila vẫn còn
đông đúc, hỗn loạn. Tình trạng tắc nghẽn giờ đây đã lan sang các cảng biển
Manila, do trình độ kém cỏi của cơ quan hải quan và tham nhũng nghiêm trọng.
Vào thời điểm bài này được viết, một số tàu thuyền [nước ngoài – ND] đã hết
kiên nhẫn và quay trở về cảng nước họ với hàng hóa vẫn chất đầy tàu.
Hơn nữa, mức tăng trưởng kinh tế
mạnh mẽ ở Philippines không theo lý thuyết khuếch tán lợi ích, với tỷ lệ đói
nghèo vẫn ở mức gần 30% dân số. Cielito Habito, cựu Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế,
đã ước tính rằng lượng tài sản gia tăng trong năm 2011 của 40 gia đình giàu nhất
Philippines trong danh sách người giàu của Forbes chiếm tới 76% mức tăng trưởng
GDP của cả nước, cao hơn rất nhiều so với ở Thái Lan, Malaysia, hay Nhật Bản.
Nói cách khác, tầng lớp tinh hoa
nhỏ bé của Philippines đang cóp nhặt phần lớn nguồn tài sản mới của đất nước,
trong khi người nghèo bị đẩy ra ngoài. “Tôi nghĩ người ta đang cảm thấy một điều
rất rõ ràng là, có cái gì đó không đúng về mặt cấu trúc. Giới đầu sỏ đã kiểm
soát quá nhiều tài nguyên của đất nước”, Habito nói.
Con đường dẫn tới sự giàu có cho
nhóm nhỏ này cũng được thúc đẩy bởi một nền văn hoá chính trị chủ yếu dựa trên
quan hệ cá nhân hơn bất cứ yếu tố nào khác, Habito nói thêm.
Một hình ảnh khắc họa tình trạng
bất bình đẳng ở Manila, Philippines. Ảnh: Oxfam.
Rốt cuộc, người dân Philippines
đã bị thúc đẩy hơn bao giờ hết để rời bỏ đất nước của họ và gia nhập đội ngũ đồng
hương ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Hơn 10% dân số và hơn 20% số người
trong độ tuổi lao động, đã rời khỏi đất nước.
Đã có nhiều lời kêu gọi cho một
nhà nước mạnh mẽ hơn và có kỷ luật hơn tại Philippines, trong đó có cả lời kêu
gọi đến từ Lý Quang Diệu của Singapore. Nhưng cựu Tổng thống Philippines Ramos
đã nhanh chóng nhắc lại cái “nỗi bất hạnh độc tài” của Philippines dưới thời Tổng
thống Marcos.
Thật vậy, Philippines đã từng có
một chính phủ mạnh hơn nhưng lại tham nhũng nghiêm trọng thời Marcos. Quá khứ
này đã làm tan biến triển vọng về một nhà nước mạnh có khả năng cung cấp các dịch
vụ và an ninh mà nền kinh tế và người dân Philippines đang rất cần và xứng đáng
được hưởng.
Ấn Độ là một ví dụ khác cho hình ảnh
một nhà nước yếu và một xã hội mạnh. Những cải cách kinh tế được đưa ra vào năm
1991 đã dẫn tới sự bùng nổ tăng trưởng. Nhưng trong những năm gần đây, tốc độ
tăng trưởng của Ấn Độ đã chậm lại khi nền kinh tế chạm đến những giới hạn của một
nhà nước yếu, cụ thể là cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thói quan liêu của bộ máy và
tham nhũng tràn lan. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng chính quyền của Thủ tướng
Narendra Modi có thể thành công trong việc củng cố nhà nước Ấn Độ.
Tàu lửa ở Ấn Độ thường xuyên chịu
cảnh quá tải hành khách, ảnh được chụp vào năm 2016. Ảnh: Reuters/Anindito
Mukherjee.
Nhiều người rất ấn tượng với sức
mạnh của nhà nước Trung Quốc, khi mà nó có thể xây dựng những cơ sở hạ tầng xuất
sắc như sân bay và tàu cao tốc. Nhưng nhà nước mạnh của Trung Quốc cũng lạm dụng
quyền lực của mình thông qua việc ưu đãi lợi ích cho các đảng viên Cộng sản, vi
phạm nhân quyền, đàn áp bất cứ ai có dấu hiệu bất đồng chính kiến về xã hội
và chính trị, và hạn chế các quyền tự do cá nhân.
Bất kể tầm quan trọng của việc sở
hữu một nhà nước mạnh lớn đến đâu, thì cũng có những rủi ro khi nhà nước ấy trở
nên quá mạnh, theo nhận định của Giáo sư Daron Acemoglu. Thuế và các hệ thống
phúc lợi xã hội rất cao ở Tây Âu có thể ảnh hưởng đến tính năng động của nền
kinh tế. Và trong khi một nhà nước mạnh có thể thúc đẩy phát triển thì nó cũng
có thể bị kiểm soát bởi các tầng lớp tinh hoa mới nổi lên từ sự phát triển
nhanh chóng, như trường hợp của Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Chúng ta có thể thấy rõ điều này
trong trường hợp của Nhật Bản, khi mà nó từng là một nền kinh tế năng động song
đã nhanh chóng trở nên xơ cứng. Các nền kinh tế và xã hội mở, với sự phá hủy
mang tính sáng tạo và đổi mới không ngừng, mới là chìa khóa cho sự thịnh vượng
liên tục.
Tóm lại, điều quan trọng nhất là
phải làm cho sức mạnh và vai trò của nhà nước được sử dụng “đúng”. Trong giai
đoạn phát triển ban đầu, một nhà nước mạnh thường có tầm quan trọng nhiều hơn
so với khi quốc gia đạt đến giai đoạn phát triển cao và chủ yếu dựa vào đổi mới
kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng. Và quan trọng nhất, một nhà nước mạnh nên
luôn luôn được cân bằng bởi một xã hội mạnh để đảm bảo trách nhiệm giải trình
và sự minh bạch của nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét