Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Mấu chốt nhất là phải cải cách thị trường





Tăng trưởng kinh tế quí 1-2017 chỉ còn 5,1%, thấp nhất so với cùng kỳ ba năm gần đây. Trao đổi với TBKTSG về những vấn đặt ra từ kết quả không khả quan này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng vấn đề mấu chốt nhất là phải cải cách thị trường, chưa cải cách thì nền kinh tế không còn động năng để phát triển bền vững.

TBKTSG: Thưa ông, ông bình luận gì về kết quả tăng trưởng kinh tế quí 1-2017?

- Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi đã từng cảnh báo, tăng trưởng sẽ ngày càng giảm xuống, cứ mỗi thập kỷ lại giảm một điểm phần trăm. Lý do cơ bản nhất là động năng của nền kinh tế ngày càng cạn kiệt, mà động năng đó không phải là gì khác ngoài thị trường. Giả sử đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thì cũng chỉ làm tăng trưởng từ 5,1% lên 5,2-5,3%, không giải quyết được vấn đề gì. Hiện nay cầu đang cần đẩy lên để hỗ trợ tăng trưởng thì ta lại tăng giá dịch vụ, tăng các loại phí, làm tăng chi phí lên, tức chính sách không nhất quán gì cả. Lẽ ra, muốn tăng đầu tư tư nhân thì cần giảm chi phí, giảm phí xuống chứ.

Tôi rất lo lắng là không mấy người điều hành nhìn thấy thị trường, hay hành động vì thị trường, đặc biệt là thị trường nhân tố sản xuất. Thị trường là yếu tố quyết định cho phát triển và phải được tự do hóa nhưng gần như không có bất kỳ một cải cách nào để khơi thông thị trường. Không có động thái nào thay đổi cả, toàn bộ hệ thống giờ vẫn là xin - cho. Khi Nhà nước cứ tiếp tục ôm khư khư, can thiệp hành chính mạnh bạo thì thị trường nào có dư địa để vận hành, phát triển.

TBKTSG: Lẽ nào ông không thấy tín hiệu về thị trường đất đai như đề xuất nới hạn điền, mở đường cho tích tụ ruộng đất, hay gói 100.000 tỉ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao?

- Đó không phải mở cửa cho thị trường, mà vẫn can thiệp hành chính. Muốn đất đai được thị trường hóa thì quyền sử dụng đất phải trở thành quyền tài sản của hộ nông dân, thay vì mới chỉ là công cụ sản xuất của nông dân. Tôi xin minh họa, một người dân đô thị có nhà, có vườn, khi đi khỏi đô thị đó hay chuyển đổi nghề nghiệp, anh ta vẫn sở hữu mảnh đất đó, vẫn bán được. Nhưng với nông dân thì không phải thế. Nếu họ không có hộ khẩu ở đó, thì đương nhiên họ không còn đất, người ta lấy lại để chia cho người khác. Nếu họ không làm nông nghiệp thì đất không còn là tài sản của họ nữa.

Lẽ ra, trung tâm của chuyển đổi đất đai phải là nông dân, quyền tài sản phải được đảm bảo. Tôi không muốn làm nông nghiệp nữa, tôi có quyền bán đất nông nghiệp chứ. Tôi bán cho ai cũng được, miễn là người đó phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Nhà nước điều tiết bằng đánh thuế. Lúc đó mới có thị trường.

Còn gói tín dụng 100.000 tỉ đồng để làm gì? Vấn đề không phải là vốn, mà là nền tảng để kinh doanh hàng nông sản là gì, ai đứng ra làm. Hãy để thị trường làm thì đồng vốn sẽ chảy về nông nghiệp. Nếu không cải cách thị trường, như tôi nói, thì những ý tưởng có tốt đẹp đến bao nhiêu cũng chưa chắc làm được.

TBKTSG: Chính phủ đang thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, nhưng thực tế vừa qua lại khác: có hơn 26.000 doanh nghiệp đăng ký mới, nhưng cũng có hơn 24.000 doanh nghiệp đóng cửa? Ông nhìn nhận điều này ra sao?

- Số doanh nghiệp đóng cửa gần như tương đương với số đăng ký mới. Thực ra, tôi cũng hơi sốc nhưng ngẫm nghĩ cũng có lý do. Quyền tài sản của họ không được bảo vệ khiến họ bất an trong kinh doanh. Tôi kiểm tra lại, số doanh nghiệp mới xuất hiện nhiều hơn trong các lĩnh vực có địa tô, xin- cho như bất động sản, tài nguyên.

Chính phủ đang cam kết kiến tạo phát triển với các nghị quyết cải cách môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, Nghị quyết 35 vẫn phải cần hành động cụ thể; còn với Nghị quyết 19, như tôi đã nói, mỗi một thay đổi nho nhỏ, ví dụ như bỏ kiểm tra formaldehyde trên vải mà mất đến 4-5 năm. Có rất nhiều bức xúc, rồi nỗ lực từ rất nhiều phía mới đạt được vài thay đổi nho nhỏ như vậy. Còn chưa cải cách các thị trường, chưa bảo vệ quyền tài sản thì khó đi vào thực chất khởi nghiệp.

TBKTSG: Nhìn vào cơ cấu chi ngân sách, khi chi đầu tư co lại chỉ bằng một nửa so với chi trả nợ, bằng một phần năm so với chi thường xuyên, ông băn khoăn điều gì?

- Cơ cấu đó đang làm hại cho cả tăng trưởng ngắn hạn và dài hạn, làm bất ổn kinh tế vĩ mô. Bộ trưởng Bộ Tài chính đổ lỗi bội chi tăng cao cho tình trạng tăng trưởng không đạt chỉ tiêu. Tất nhiên là có lý do đó, nhưng không phải tất cả. Nhà nước vẫn tăng thu cơ mà. Bao nhiêu năm nay, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng chưa năm nào không tăng thu cả, có năm tăng thu cả năm tỉ đô la Mỹ. Vì sao tăng thu mà thâm hụt ngân sách luôn trầm trọng như vậy? Vai trò của Quốc hội ở đâu?

Cơ cấu chi tiêu như thế này mang lại rủi ro rất lớn. Nếu tiếp tục mở rộng chi thường xuyên, và không tăng chi đầu tư thì những rủi ro vĩ mô từng diễn ra trong các năm 2010-2011 có thể lặp lại. Chính phủ đề cập tăng tổng đầu tư lên 35% GDP từ mức 32% GDP (như trong quí 1-2017) thì cũng được nhưng cần lấy nguồn từ bán cổ phần nhà nước để thúc đẩy những dự án lớn chứ không thể có gói kích thích tài chính nào nữa. Tiền bán cổ phần dự kiến hơn 200.000 tỉ đồng trong năm năm nữa cần được tập trung đầu tư cho những dự án lớn, có cơ chế quản lý chặt chẽ.

TBKTSG: Đâu là những việc nên làm ngay, thưa ông?

- Cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn. Ví dụ, việc thu phí hạ tầng ở Hải Phòng cần có tiếng nói “không” dứt khoát. Cảng Cái Mép - Thị Vải đang nghẽn thì cần giải pháp tháo gỡ ngay. Mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất sao bàn lên bàn xuống vậy, giải quyết nó nằm trong tầm tay cơ mà? Cần ngăn chặn tình trạng nở rộ các loại phí, lệ phí gây cản trở đầu tư, kinh doanh

Theo tôi, phải tiếp tục đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước đã thu được hơn 11.000 tỉ đồng từ bán phần vốn trị giá chưa đến 800 tỉ đồng, số tiền bán cổ phần sắp tới cần được chi đầu tư thay vì chi thường xuyên.


Theo Thời Báo Kinh Tế SG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét