Tàu hải quân Malaysia.
Sự hiện diện của các tàu mới của Trung Quốc và những hoạt động
tuần duyên mà Bắc Kinh tiếp tục tiến hành trong vùng biển Malaysia coi là thuộc
chủ quyền của mình, đang tăng sức ép với chính quyền Kuala Lumpur phải cưỡng lại
Trung Quốc. Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm
Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), 3 tàu tuần duyên Trung
Quốc tuần tiễu trong vùng biển ở ngoài khơi đảo Borneo của Malaysia trong hơn
60 ngày từ tháng 12 cho tới cuối tháng Hai năm nay.
Áp lực đối với Malaysia phải có phản ứng
Giới phân tích nhận định rằng vụ việc này đang tăng áp lực từ
công chúng đối với chính quyền của Thủ Tướng Najib Razak phải đề ra những bước
mạnh mẽ để chống đối Trung Quốc.
Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu về các vấn đề hàng hải tại
Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore nói:
“Tôi tin rằng những vấn đề đó chắc chắn sẽ trở thành một điểm
gây khó khăn cho ông Najib. Ông không thực sự muốn đưa chính sách đối ngoại vào
nghị trình thảo luận bởi vì đây sẽ là một vấn đề đặc biệt phức tạp mà ông sẽ rất
khó xử lý.”
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) nói một số tàu
Trung Quốc và một tàu tuần duyên của Malaysia, dường như đang theo dõi các động
thái của Trung Quốc, đã được tìm thấy gần bãi cạn Luconia.
Năm 2015, Malaysia phát hiện một tàu tuần duyên Trung Quốc
neo đậu tại cùng các bãi cạn này, những thực thể nhỏ bé trong vùng đặc quyền
kinh tế của Malaysia, chỉ nằm cách bang Sarawak trên đảo Borneo của Malaysia có
100 km về hướng Bắc.
Chiếc tàu được phát hiện tại đó đã có mặt từ năm 2013, theo
nhóm think-tank của Mỹ. Tháng Ba năm 2016, Malaysia lại phát hiện 100 tàu đánh
cá Trung Quốc được tàu tuần duyên của Bắc Kinh hộ tống.
Yếu tố kinh tế
Thủ Tướng Malaysia Najib Razak thường tránh đối đầu với Bắc
Kinh vì các quan hệ kinh tế mật thiết giữa hai nước. Trung Quốc, nền kinh tế lớn
thứ nhì thế giới, là đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia, và cũng là nguồn
đầu tư trực tiếp lớn nhất của Malaysia.
Đối với Kuala Lumpur, vốn vẫn tìm cách duy trì tình hữu nghị
với Trung Quốc, công khai lên án các hành động của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn
thế cân bằng mong manh đó, làm như vậy Malaysia có nguy cơ phải đối đầu với những
hậu quả kinh tế nghiêm trọng và những tác động khác, theo ông Jonathan
Spangler, Giám Đốc nhóm nghiên cứu chính sách Biển Đông ở Đài Bắc.
Liên minh của ông Najib trước cuối năm 2018 sẽ phải đối mặt
với các cuộc bầu cử gay go giữa lúc Malaysia phải đương đầu với các vấn đề kinh
tế như nạn lạm phát và sức tiêu thụ kém.
Các nước khác quan tâm
Trung Quốc trong thập niên qua đã giảm thiểu các quan hệ
kinh tế với Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Châu Âu mỗi khi Bắc Kinh không hài
lòng về các quyết định chính trị của các nước này.
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) nói sự hiện diện
‘hầu như liên tục’ của Bắc Kinh tại các bãi cạn Luconia không gây nhiều chú ý,
nhưng nói lên quyết tâm của Bắc Kinh một mực tìm cách xây dựng quyền kiểm soát
hành chánh của họ trên khắp vùng biển trong phạm vi cái gọi là “đường 9 đoạn”
do chính họ vẽ ra.
Các bãi cạn của Malaysia, chìm dưới mặt nước và được cho là
có trữ lượng dầu khí lớn, nằm cách Bắc Kinh tới 2000 km, nhưng vẫn rơi trong phạm
vi ‘đường 9 đoạn’ bao trùm 90% diện tích Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố thuộc
chủ quyền của họ.
Một thành phần dân số Malaysia, tổng cộng 31 triệu dân, tin
rằng chính quyền của họ đã tỏ ra quá thụ động trước những động thái của tàu bè
Trung Quốc, theo ông Koh.
Một phần để giám sát Trung Quốc, Malaysia đang thay thế 50%
các tàu hải quân của họ để duy trì chức năng hoạt động của hải quân Malaysia
cho tới năm 2030.
Trung Quốc có lực lượng quân đội hùng mạnh thứ 3 thế giới,
so với quân đội Malaysia, xếp thứ hạng 34 theo các dữ liệu của
GlobalFirePower.com.
Các vấn đề đối nội
Khác với người dân Việt Nam và Philippines, vốn cũng tranh
giành chủ quyền một phần Biển Đông với Trung Quốc, người Malaysia chú trọng nhiều
hơn tới các vấn đề đối nội, hơn là các tàu lảng vảng ở ngoài khơi nước này,
theo ông Oh Ei Sun, giảng viên môn quan hệ quốc tế tại Đại học Nanyang ở
Singapore.
Ông Sun nói:
“Đối với người dân Malaysia, tôi nghĩ nhờ đất nước chúng tôi
may mắn có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên nên dân chúng có vẻ hướng nội hơn.
Họ không thực sự chú ý mấy tới các vấn đề quốc tế, ngay cả khi các vấn đề này xảy
ra trong các vùng biển chung quanh Malaysia.”
Tuy nhiên áp lực quốc tế đối với chính quyền Malaysia có thể
tăng nhanh nếu Trung Quốc bắt đầu chặn các tàu đánh cá Malaysia trong vùng đặc
quyền kinh tế của nước này.
Thế cân bằng ngoại giao của Trung Quốc
Giới phân tích khuyến cáo Trung Quốc nên thận trọng để tránh
các cuộc phản đối mạnh mẽ trong việc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền của mình
trong khu vực.
Một cuộc tranh chấp tại bãi cạn Scarborough gần Philippines vào
năm 2012 đã dẫn tới quyết định của Manila nạp hồ sơ xin phân xử tại toà án trọng
tài quốc tế. Toà trọng tài ra phán quyết vào tháng 7 năm ngoái, trao phần thắng
cho Philippines, một phán quyết bị Bắc Kinh cho là “một trò hề.”
Trung Quốc đã đề nghị các biện pháp khích lệ kinh tế tại nhiều
nước trong vùng Đông Nam Á để đánh đổi sự đồng thuận của các nước này về ý đồ
bành trướng lãnh thổ trong khu vực. Các nước như Brunei, nước láng giềng của
Malaysia, và mới đây hơn, Philippines, có vẻ như đã bị các biện pháp kinh tế Bắc
Kinh thu phục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét