Lược dịch từ: The Coal Strike of 1902 –
Turning Point in U.S. Policy (Website Bộ Lao động Hoa Kỳ).
Xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, tỉnh
Hà Tây) hai ngày qua đang nóng lên với việc công an cưỡng chế đất đai, bắt giam
các “thủ lĩnh” đấu tranh, và bị người dân chống lại, bắt ngược lại 15 cảnh sát
cơ động. Cho dù kết cục thế nào, Đồng Tâm hôm nay cũng sẽ trở thành một ví dụ
kinh điển (case study) cho khả năng xử lý khủng hoảng – giỏi hoặc dở – của
chính quyền.
Cách đây hơn một trăm năm, nước Mỹ
tư bản cũng đã có một ví dụ tương tự, đó là cuộc đình công của công nhân ngành
than ở Pennsylvania năm 1902.
Vụ việc đã đi vào lịch sử như một
bước ngoặt trong chính sách ở Hoa Kỳ, đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò của việc
đảm bảo thông tin minh bạch, chính xác trong tiến trình chính sách. Ngoài ra,
nó còn làm nổi bật vai trò của một vị tổng thống mà đến nay vẫn được nhắc đến với
sự mến mộ: Theodore Roosevelt.
Thứ sáu, ngày 3/10/1902, Tổng thống
Theodore Roosevelt triệu tập một cuộc họp chưa từng có tiền lệ, tại khuôn viên
của Nhà Trắng (lúc bấy giờ ở số 22 Lafayette Place, Washington, D.C.). Cuộc họp
diễn ra trong bối cảnh đang có đình công lớn và kéo dài ở các mỏ than antraxit
của bang Pennsylvania, đe dọa an ninh năng lượng của cả nước. Bản thân ông
Roosevelt thì trước đó một tháng, vừa bị tai nạn khi chiếc xe ngựa chở ông bị
xe điện tông phải.
Roosevelt lo sợ “có những điều
chưa ai biết đến… và khả năng bạo loạn chắc chắn sẽ leo thang thành xung đột
trong xã hội”. Và mặc dù về mặt pháp lý, Tổng thống không có quyền can thiệp,
nhưng ông vẫn gửi điện tín đến cả hai phía (chủ mỏ và công nhân), mời họ tới
Washington để thảo luận, tìm giải pháp cho khủng hoảng.
Tại cuộc họp, ngồi trên xe lăn, Tổng
thống kêu gọi tinh thần yêu nước của các bên, để sẵn sàng “hy sinh cá nhân vì lợi
ích chung”.
Sau này, lịch sử ghi nhận rằng cuộc
gặp hôm ấy đã đánh dấu sự chuyển đổi của chính quyền liên bang Hoa Kỳ từ vai
trò “ngăn chặn đình công”, “phá đình công” sang vai trò “kiến tạo hòa bình”
trong các xung đột, tranh chấp phát sinh trong nền sản xuất công nghiệp.
Vào thế kỷ 19, mỗi khi đình công
nổ ra, các tổng thống Mỹ hoặc không có động thái gì, hoặc nếu có thì sẽ đứng về
phía giới chủ chống lại công nhân.
Tổng thống Andrew Jackson (nhiệm
kỳ 1829-1837) từng “phá đình công” vào năm 1834 khi ông điều quân đội đến công
trình kênh đào Chesapeake và Ohio. Năm 1877, ngành đường sắt đình công, Tổng thống
Rutherford B. Hayes (nhiệm kỳ 1877-1881) huy động quân đội đàn áp. Năm 1894, Tổng
thống Grover Cleveland (hai nhiệm kỳ, 1885-1889 và 1893-1897) cũng cho quân đội
phá cuộc “Đình công Pullman” của đường sắt toàn quốc. Thậm chí, năm 1886, ông
Cleveland còn đề nghị Quốc hội “lồng ghép” vào Uỷ ban Lao động (tiền thân của Bộ
Lao động sau này) một cơ quan có chức năng ngăn chặn các cuộc đình công lớn.
Công nhân khai mỏ ở bang Tây
Virginia năm 1908. Ảnh: Daily Mail.
Bối cảnh năm 1902
Vào cuối thế kỷ 19, ngành than
antraxit đã trở thành một ngành độc quyền tự nhiên ở nước Mỹ. Nguồn sản xuất tập
trung cả vào các mỏ nằm trên một diện tích vài trăm kilomet vuông, thuộc 5 hạt ở
bang Pennsylvania. Công nhân làm việc rất vất vả trong điều kiện nhiều rủi ro.
Giới chủ còn duy trì mức lương thấp bằng cách thuê thật nhiều lao động từ Đông
Âu và Nam Âu. Thống kê cho thấy có khoảng 150.000 công nhân, đến từ 14 nước
khác nhau, nói ngôn ngữ khác nhau, phong tục cũng khác nhau.
Dù sao, bối cảnh của năm 1902
cũng có một cái lợi cho công nhân, đó là rất nhiều người trong số họ đã ký hợp
đồng hợp tác với tổ chức có tên “Công nhân mỏ đoàn kết” (United Mine Workers,
UMW), một công đoàn đại diện cho quyền lợi của họ, với khoảng 115.000 thành
viên tính đến những năm cuối thế kỷ 19. (Tuy nhiên, chỉ có 8.000 trong số họ
làm việc ở Pennsylvania). Năm 1898, John Mitchell trở thành chủ tịch của công
đoàn này khi còn rất trẻ, 28 tuổi.
Ngoài ra, phần lớn công nhân mỏ
tham gia cuộc đình công năm 1902 là người Công giáo. Có thể đây cũng là điểm
thuận lợi bởi nó khiến họ có xu hướng đoàn kết và hợp tác với nhau hơn.
Tiến trình tranh đấu
Công nhân mỏ đòi tăng lương và giảm
giờ làm, tuy nhiên giới chủ than vãn rằng lợi nhuận của ngành đang thấp trong
khi công đoàn cứ khuyến khích sự vô kỷ luật. Các chủ mỏ từ chối đàm phán.
Trước tình hình đó, John Mitchell
đề nghị hai bên hòa giải thông qua Liên đoàn Dân sự Quốc gia, và nếu không được,
thì một ủy ban gồm các giáo sĩ, linh mục sẽ vào cuộc, làm báo cáo điều tra về
tình hình ở các mỏ than. Phía giới chủ đáp lại: “Khai thác mỏ antraxit là một
ngành công nghiệp chứ không phải chuyện tôn giáo, tình cảm hay học thuật”.
Ngày 12/5/1902, đình công chính
thức bắt đầu.
Ban đầu, vẫn còn hy vọng đình
công sẽ được giải quyết ổn thỏa, bởi lính cứu hỏa, kỹ sư, thợ bơm nước vẫn làm
việc. Tuy nhiên, vào ngày 2/6, đội ngũ này cũng đình công nốt. Một cuộc chiến đấu
khốc liệt giữa đôi bên – chủ và công nhân – bắt đầu và kéo dài dai dẳng:
147.000 người đình công, trong đó, 30.000 người bỏ đi nơi khác, chẳng hạn về lại
châu Âu (khoảng 8.000-10.000 người). Và mặc dù Mitchell kêu gọi đình công ôn
hòa, nhưng công nhân vẫn có những phản ứng bạo lực, chẳng hạn, tấn công những
người chống đình công, khủng bố gia đình họ, đánh luôn cả đội ngũ cảnh sát có
vũ trang được các chủ mỏ thuê đến (cảnh sát tư).
Tổng thống Theodore Roosevelt lúc
đó vừa nhậm chức, thay thế người tiền nhiệm William McKinley bị ám sát. Ông cho
rằng cả các chủ tư bản lẫn người lao động đều cần phải có trách nhiệm trước cộng
đồng.
Ngày 8/6/1902, Roosevelt yêu cầu
Đặc ủy lao động Mỹ Carroll D. Wright tiến hành điều tra về cuộc đình công và
báo cáo lại.
Wright không trực tiếp đến các mỏ
than vì cảm thấy rằng, với tư cách người đại diện cho Tổng thống, sự hiện diện
của ông ở đó sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Ông đến New York, tại đây, ông tiến hành
phỏng vấn các chủ mỏ, nhà tài chính, đốc công, giám sát thi công. Về phía đại
diện của công nhân, ông cũng mời cả Chủ tịch công đoàn John Mitchell. Wright
làm việc rất tận tụy và sau 12 ngày, ông gửi đến Tổng thống một báo cáo chi tiết,
có cả bảng biểu, số liệu thống kê.
Wright tường trình rằng cả hai
phía đều đã hợp tác với ông trong quá trình điều tra, và việc có những quan điểm
khác biệt chỉ đơn thuần là do lập trường khác nhau chứ không phải do có bên nào
xuyên tạc tình hình. Wright cũng cố gắng lập báo cáo trên cơ sở sự thực, dữ kiện
thực tế, chứ không lồng tình cảm vào. Ông giải thích đầy đủ về nguyên nhân sâu
xa, nguồn gốc của cuộc đình công, yêu sách của công nhân, những đòi hỏi và phàn
nàn từ giới chủ, các bất đồng về cân đong than, về mức lương, chi phí sản xuất,
lợi nhuận và chuyên chở.
Wright đề xuất thử giảm số giờ
công từ 10 xuống 9 tiếng một ngày, bảo vệ những người không phải thành viên
công đoàn, tổ chức một ủy ban hòa giải chung, và đặc biệt, cho áp dụng quyền mặc
cả tập thể bất cứ khi nào có thể. Ông mong những đề xuất này có thể “góp phần
đưa đến một ngày, khi mà ngành sản xuất than antraxit sẽ được quản lý công bằng
hơn và theo những tiêu chuẩn đạo đức cao hơn…”.
Bản báo cáo của Wright làm dấy
lên hy vọng về khả năng giải quyết khủng hoảng sớm. Các công nhân mỏ háo hức chờ
nó được ấn hành.
Báo chí cho rằng Tổng thống có phần
thiên vị báo cáo, còn báo cáo thì bênh vực những người thợ mỏ. Wright giận dữ
bác bỏ điều này. Tháng 8/1902, báo cáo được công bố trước dư luận.
Thế lưỡng nan của Tổng thống
Đình công vẫn kéo dài. Tổng thống
Roosevelt đứng ngồi không yên. Tổng chưởng lý Philander Knox khuyên Tổng thống
không nên can thiệp, vì không có quyền. Trong khi đó, giới chủ mỏ tỏ rõ quyết
tâm bẻ gãy các cuộc đình công, và họ bác bỏ mọi đề xuất hòa giải từ phía công
đoàn, nói rằng “chẳng có gì để đàm phán cả”.
Công đoàn gửi cho phát ngôn viên
George Baer của giới chủ mỏ một bức thư kêu gọi ông ta nhượng bộ, với tư cách một
người Cơ Đốc lương thiện. Đáp lại, Baer viết: “Quyền và lợi ích của người lao động
sẽ được bảo vệ và chăm sóc, nhưng không phải bởi những kẻ kích động, mà bởi những
Cơ Đốc nhân được Chúa sáng suốt ban cho quyền kiểm soát tài sản của đất nước”.
Ngay sau đó, công đoàn đã khôn khéo tận dụng lá thư này, đẩy mạnh yếu tố “quyền
thiêng liêng”, “quyền thần thánh” mà Baer đề cập tới. Kết quả là công luận ngả
sang ủng hộ công nhân và phản đối chủ mỏ.
Tổng thống Roosevelt lúng túng.
“Trên nguyên tắc, chính quyền liên bang chẳng có quyền làm gì” – ông than thở với
Thượng nghị sĩ Henry Cabot Lodge (bang Massachusetts). “Tôi không biết phải xử
lý sao”. Mùa đông càng đến gần, giá than càng tăng. Roosevelt lo lắng. Ông quyết
định đưa các bên xích lại gần nhau.
Đối đầu lịch sử
Tại cuộc gặp lịch sử, Roosevelt mời
đại diện của chính quyền địa phương, lao động và giới chủ. Tổng chưởng lý Knox,
Đặc ủy lao động Carroll D. Wright đều tham dự. “10 người có mặt trong phòng tôi
vào ngày 10/3” – ông viết. “Tôi vẫn chưa rời xe lăn được”.
Roosevelt cũng nói rõ rằng ông
không có quyền can thiệp, nhưng “tính chất nghiêm trọng của khủng hoảng vẫn lơ
lửng đó” buộc ông phải sử dụng ảnh hưởng của mình để “chấm dứt một tình trạng
đã trở nên không thể chịu nổi”.
Mitchell, theo đánh giá của
Roosevelt, “đã cư xử với sự tự trọng và điềm tĩnh tuyệt vời”, trong khi giới chủ
mỏ “ngược lại, thể hiện sự ngu ngốc kỳ lạ và thái độ rất tệ”. Bên chủ mỏ tỏ ra
xấc xược, liên tục buộc tội Mitchell là “kẻ cầm đầu những thành phần kích động
và cực đoan, gây ra cái chết của 21 người và ngăn cản hàng nghìn người được đi
làm việc, bằng đe dọa và vũ lực”.
Các chủ mỏ yêu cầu Tổng thống,
thay vì tốn thời gian đàm phán với “những kẻ kích động tình trạng vô chính phủ”
thì nên sử dụng quyền lực nhà nước để “bảo vệ những người thợ muốn lao động,
cũng như bảo vệ vợ con anh ta”. Nếu được bảo vệ thích đáng, họ sẽ sản xuất đủ
than để xử lý khủng hoảng thiếu nhiên liệu. Họ cũng giận dữ từ chối mọi nỗ lực
hòa giải của Tổng thống, từ chối giao thiệp với Mitchell.
Tổng thống Roosevelt không cho rằng
phía thợ đình công là hoàn toàn vô tội, nhưng ông không đồng ý với quan điểm của
phía chủ mỏ là “không có gì để đàm phán cả”. Ông tin vào báo cáo của Carroll D.
Wright, rằng “chắc chắn cả hai phía đều có đúng có sai”, tuy nhiên, phía chủ mỏ
không có lý do gì để từ chối hòa giải.
Ông Carroll D. Wright là Chủ tịch
đầu tiên của Uỷ ban Lao động Hoa Kỳ, nay là Bộ Lao động. Nguồn ảnh: Wikipedia.
Những nỗ lực không mệt mỏi
Không thấy triển vọng thành công,
Tổng thống quyết định mời Carroll D. Wright tiến hành điều tra tiếp. Cựu tổng
thống Grover Cleveland khuyên Roosevelt rằng các thợ mỏ cứ nên trở lại làm việc,
rồi đàm phán giải quyết mọi chuyện sau. Roosevelt hoan nghênh sự ủng hộ của
Cleveland và đề nghị mở rộng cuộc điều tra của Wright, bằng cách mời Cleveland
và một số nhân vật nổi tiếng khác “tham gia cùng” Wright. “Tôi chân thành năn nỉ
ngài chấp thuận việc này” – ông viết cho Cleveland.
Cựu tổng thống Cleveland miễn cưỡng
đồng ý và cũng chấp nhận bán lỗ toàn bộ cổ phần trong ngành than đường sắt của
mình để tránh xung đột lợi ích.
Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Elihu
Root cũng lo lắng. Vốn là một luật sư nổi tiếng chuyên về luật doanh nghiệp, và
là bạn của tỷ phú ngân hàng J. P. Morgan, Root nói với Roosevelt rằng ông muốn
đứng ra hòa giải theo một cách không có sự tham dự của Tổng thống. Ngày
11/10/1902, Root gặp riêng Morgan ở New
York, trên du thuyền của Morgan, và cùng nhau soạn thảo một đề xuất hòa giải bằng
trọng tài.
Giới chủ mỏ, lo sợ dư luận ngày
càng ghét họ và chịu sức ép từ Morgan, cuối cùng đã chấp nhận khuyến nghị từ
Root và Morgan. Họ đồng ý có trọng tài phân xử. Tuy nhiên, họ không chấp nhận
đàm phán với Mitchell trên tư cách của Mitchell là Chủ tịch công đoàn UMW. Họ
chỉ coi Mitchell là phát ngôn viên của những người thợ mỏ. Thêm vào đó, họ yêu
cầu ủy ban hòa giải chỉ có 5 thành viên, gồm một kỹ sư quân sự, một kỹ sư mỏ, một
thẩm phán, một chuyên gia trong ngành kinh doanh than, và một “nhà xã hội học
danh tiếng”.
Mitchell thì muốn Tổng thống bổ
sung vào ủy ban một người lao động – người mà chắc chắn hiểu rõ quan điểm của
phía công nhân – và một linh mục Công giáo, bởi phần lớn thợ mỏ đình công theo
Công giáo.
Roosevelt bèn đề cử E. E. Clark –
lãnh đạo công đoàn trong ngành dây dẫn đường sắt – làm “nhà xã hội học tài
năng”, cách gọi mà chắc Clark trước đó chưa bao giờ nghe đến. Ông cũng thuyết
phục được các chủ mỏ mời thêm một vị giám mục Công giáo vào ủy ban trọng tài.
Và cuối cùng, ông chỉ định Wright làm thành viên thứ bảy.
Điều quan trọng nhất trong việc
thành lập ủy ban trọng tài, đó là việc cả hai phía, thợ mỏ và chủ mỏ, đều đã đồng
ý rằng mọi tranh chấp cần phải được phân xử bởi trọng tài. Cả hai phía cũng nhất
trí rằng sẽ tuân thủ mọi quyết định của ủy ban.
Vào ngày 23/10/1902, cuộc đình
công kéo dài 163 ngày chấm dứt. Buổi sáng hôm sau, Tổng thống Roosevelt gặp gỡ
cấp tốc ủy ban trọng tài, yêu cầu họ cố gắng thiết lập quan hệ tốt giữa chủ và
công nhân ở các khu mỏ và tiếp tục giải quyết đình công.
Tiếp sau đó là quá trình nghe điều
trần từ các bên. Trước khi bắt đầu nghe điều trần, ủy ban trọng tài dành một tuần
đi thị sát khu mỏ. Phía chủ tình nguyện bố trí một chuyến tàu hỏa đặc biệt để
đưa đón họ, đồng thời, đề nghị họ đến thăm những mỏ do cả hai phía chọn ra. Tuy
thế, ủy ban từ chối đề nghị này. Họ muốn quan sát trực tiếp tình trạng ăn ở và
lao động của công nhân mỏ.
Carroll D. Wright hết sức bận rộn.
Ông dùng một phần lớn nguồn lực của Bộ Lao động (khi đó có tổng ngân sách hàng
năm là 183.000 USD) để hỗ trợ công việc của ủy ban. Ông mời thêm các chuyên
viên đặc biệt, chuyên gia, thư ký, đến khu mỏ để tìm hiểu thông tin giá cả các
mặt hàng mà thợ mỏ thường mua. Ông thường xuyên nhấn mạnh với họ về “nhu cầu khẩn
cấp” phải có dữ liệu đầy đủ, và thậm chí khuyến khích họ thuê phiên dịch, nếu
công nhân là lao động ngoại quốc nhập cư.
Ủy ban trọng tài, sau cuộc thanh
tra thị sát, họp nhau lại trong gần ba tháng để nghe điều trần. 558 nhân chứng
đã ra điều trần, trong đó có 240 đại diện cho thợ mỏ, 153 đại diện cho thợ mỏ
không phải thành viên công đoàn, và 154 người đại diện cho chủ mỏ. 10.047 trang
tài liệu đã được trình bày. John Mitchell đóng vai trò nổi bật trong việc trình
bày vụ việc từ phía các thợ mỏ.
Công nhân đòi tăng lương 20%, giảm
giờ làm xuống 8 tiếng/ngày. Sau quá trình phân xử, phần lớn được tăng lương
10%, làm 9 tiếng/ngày thay vì mức 10 tiếng phổ biến thời gian đó. Chủ mỏ vẫn
không công nhận công đoàn độc lập UMW, song John Mitchell lạc quan cho rằng UMW
đã giành được chiến thắng trên danh nghĩa, mà quan trọng nhất là đã thành lập
được ủy ban trọng tài để giải quyết tranh chấp, mà không chịu sự chi phối của
chủ mỏ.
Tổng thống Theodore Roosevelt
(trái) đã mở ra một chương mới trong lịch sử chính quyền Mỹ, khi kiến tạo cách
xử lý hoà bình các cuộc đình công và bạo loạn trong vụ đình công năm 1902. John
Mitchell (phải) cũng đi vào lịch sử như một trong những lãnh đạo công đoàn nổi
tiếng nhất, cùng với cha Micheal. J. Hoban (giữa) – người ủng hộ các công nhân
khai mỏ khi đó. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ.
Đình công và lợi ích chung
Nhà hoạt động công đoàn nổi tiếng
của Mỹ, Samuel Gompers (1850-1924), hồi tưởng: “Thỉnh thoảng lại có người hỏi
tôi sự kiện nào là quan trọng nhất trong phong trào lao động Mỹ, và tôi luôn
luôn đáp rằng, đó là cuộc đình công của công nhân mỏ than antraxit ở
Pennsylvania… Kể từ thời điểm ấy, thợ mỏ không còn là những cỗ máy-người thuần
túy chỉ sản xuất than nữa, mà họ đã trở thành con người, thành công dân. Cuộc
đình công là bằng chứng rõ rệt về hiệu quả của công đoàn”.
Chiến thắng của công nhân mỏ cũng
thổi một sức sống mới vào phong trào lao động Mỹ: Nó hỗ trợ đắc lực cho những
lãnh đạo công đoàn ôn hòa và các chủ lao động cấp tiến – những người đề cao đàm
phán, cho rằng đàm phán là cách kiến tạo hòa bình. Nó còn làm gia tăng uy tín của
Tổng thống Theodore Roosevelt.
Và một điều nữa, đôi khi cũng bị
người ta quên mất, đó là sự việc đã đưa đến một thay đổi lớn về vai trò của
chính quyền liên bang trong các vụ đình công mang tầm quốc gia.
Trong báo cáo của mình, ủy ban trọng
tài đã thận trọng tóm tắt trách nhiệm của chính quyền liên bang trong “các vụ
việc liên quan đến lợi ích chung”:
“Người dân có quyền được biết sự
thật, để có thể xác định trách nhiệm. Để làm được điều này, phải trao quyền cho
những đại diện được sự ủy nhiệm của người dân, để các đại diện đó hành động vì
dân, thay cho dân, bằng cách tiến hành điều tra toàn diện”.
Roosevelt phát biểu điều này một
cách mãnh liệt hơn. Những lá thư của ông có các dòng như:
“Không một người thông minh nào
có thể bác bỏ một điều: Trong vụ đình công than antraxit này, công chúng có lợi
ích liên quan”.
“Chính quyền liên bang đại diện
cho lợi ích chung của toàn thể dân chúng”.
Dự thảo lời tuyên bố của ông gửi
cho các chủ mỏ và lãnh đạo công đoàn tại cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 3/10/1902 có
viết: “Không được tạo tiền lệ chính quyền can thiệp vào đình công”.
Tuy nhiên, vì biết rằng chính
mình đang phá bỏ tiền lệ cũ, nên Roosevelt cuối cùng đã xóa câu này khỏi tuyên
bố chính thức. Ông hiểu rằng trong điều kiện bình thường, ông không có quyền
can thiệp vào đình công. Nhưng Roosevelt không phải loại người ngồi đó mà không
làm gì. Như ông đã nói với Tổng chưởng lý và Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, “hành động
có thể tạo ra một tiền lệ xấu”, nhưng ông thà chịu rủi ro bị Quốc hội đem ra luận
tội và cách chức còn hơn là để đất nước rơi vào hỗn loạn.
Các nỗ lực của Roosevelt cuối
cùng đã thành công. Các bên đều tán thành kết luận của ủy ban trọng tài, và
tình hình các mỏ than yên bình trở lại. Quan trọng nhất là, trong dài hạn, cuộc
xung đột đã xác lập một vai trò mới cho chính quyền liên bang trong các tranh
chấp về lao động.
Trong suốt cuộc đối đầu lịch sử
giữa các chủ mỏ than và công nhân vào ngày 3/10/1902, Roosevelt luôn nói: “Tôi
phát biểu không phải vì giới chủ mỏ cũng không phải vì các công nhân, mà vì
toàn thể cộng đồng”.
Ông đã cố gắng để cả hai bên hiểu
và chấp nhận sự thật rằng: Bên thứ ba – cả xã hội – có lợi ích và quyền lợi sống
còn, và từ đó, ông tạo ra tiền lệ để chính quyền liên bang can thiệp vào các
tranh chấp về lao động, nhưng không phải với tư cách kẻ phá đình công mà với tư
cách là người đại diện cho lợi ích công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét