Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Phương Thức Mới của Trung Quốc đối với Vấn Đề Biển Đông






Cùng với mục tiêu xây dựng “cường quốc biển” và đích đến “trăm năm” thứ nhất 2021, Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình củng cố yêu sách, tăng cường kiểm soát, chiếm đóng thực địa sau khi đã cơ bản thay đổi nguyên trạng bằng nhiều công cụ khác nhau. Tuy nhiên, do các biến động địa chính trị tại khu vực Đông Bắc Á diễn ra nhanh chóng, vùng ngoại vi của Trung Quốc đang trở nên bất ổn, cộng với yếu tố khó lường trong quan hệ Trung-Mỹ đã khiến Bắc Kinh phải xử lý vấn đề Biển Đông một cách thận trọng hơn, tránh gây ảnh hưởng cho các sự kiện đối nội, đối ngoại lớn trong năm 2017. 

Trung Quốc đang triển khai một phương thức mới, kết hợp các công cụ ngoại giao, năng lực tài chính và kỹ thuật, các sáng kiến kinh tế, và nhiều loại hình văn bản pháp quy. Qua đó, Trung Quốc tìm cách cân bằng lợi ích với Mỹ, kiềm chế Nhật và Hàn Quốc, giữ ASEAN trong vòng ảnh hưởng, và lôi kéo Nga can dự vào môi trường an ninh khu vực, đồng thời hạn chế tối đa tác động cộng hưởng từ nhiều điểm nóng, tiếp tục kiểm soát tranh chấp Biển Đông để tránh các hệ luỵ bất lợi cho các mục tiêu chiến lược mà Trung Quốc đã đặt ra.  



Thận trọng chính trị và linh hoạt ngoại giao



Hiện nay, Trung Quốc đang phải đứng trước nhiều những thách thức an ninh và chính trị mới tại các khu vực phụ cận do tác động mang tính cộng hưởng từ nhiều vấn đề, vụ việc có liên quan. Thứ nhất, các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Myanmar và quân du kích Kachin tại vùng biên giới Trung Quốc-Myanmar đang khiến giao lưu nhân dân, kết nối thương mại giữa hai bên bị ảnh hưởng. Đồng thời, xung đột này cũng tạo rủi ro, làm tăng nguy cơ dòng người thiểu số Myanmar tìm cách vào Trung Quốc lánh nạn. Thứ hai, chính quyền mới của Mỹ cũng đang thách thức yêu sách biển của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông bằng các hoạt động của tàu sân bay USS. Carl Vinson. Thứ ba, trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, trước việc Bắc Triều Tiên liên tục thử vũ khí hạt nhân (tháng 1 và tháng 9/2016) và phóng thử tên lửa, Mỹ đã phối hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc triển khai nhiều hoạt động quân sự với quy mô lớn tại khu vực Đông Bắc Á để gia tăng răn đe đối với Triều Tiên. Theo đó, Mỹ điều các loại máy bay ném bom chiến lược mới nhất như F-35, F-22, B-1B đến Nhật Bản, Guam, và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Mỹ cũng tổ chức cuộc tập trận “Đại bàng non” kéo dài trong hai tháng với sự tham gia của các vũ khí chiến lược kể trên.



Những diễn biến địa chính trị tại các khu vực lân cận là vấn đề rất nhạy cảm trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị và triển khai một loạt các sự kiện đối nội đối ngoại quan trọng của năm 2017, trong đó có kỳ họp “Lưỡng hội”, Hội nghị Diễn đàn Bác Ngao, Hội nghị Thượng đỉnh “Một vành đai, Một con đường”, và quan trọng hơn là Đại hội 19. Một số biến động có thể có tác động mạnh tới các mục tiêu an ninh và phát triển và đấu tranh trong chính trị nội bộ của Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh sẽ phải xử lý các vấn đề một cách thận trọng, tránh để Biển Đông trở thành tâm điểm cọ xát nước lớn Trung-Mỹ, làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật, và tạo ra bất ổn trong quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á.



Để đối phó với các thách thức và hóa giải “thế khó”, Trung Quốc tiến hành các động thái chính trị và ngoại giao theo hướng kiềm chế và nhượng bộ có lựa chọn trước đối thủ lớn Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường, Uỷ viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Vương Nghị và Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, đều kêu gọi Mỹ hợp tác, thúc đẩy quan hệ phát triển lành mạnh, tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, tránh chiến tranh thương mại, đi sâu phối hợp chính sách và tăng cường giao lưu nhân dân. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phản ứng “chừng mực” trước các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực, như tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông, bố trí quân sự và tập trận tại các vùng đệm xung quanh như Hoa Đông và Bán đảo Liên Triều.



Trái ngược những gì thể hiện với Mỹ, Trung Quốc lại đặc biệt cứng rắn với các hoạt động của Nhật Bản tại khu vực để không tỏ ra bị yếu thế, mất kiểm soát với tình hình. Về phía Nhật Bản, để thúc đẩy chính sách an ninh mới và phối hợp với hành động của Mỹ, thời gian qua Nhật Bản đã có nhiều hoạt động tăng cường gắn kết với khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, Nhật Bản đã đẩy mạnh hoạt động đối thoại cấp cao, cung cấp viện trợ kinh tế và tài chính, tổ chức giao lưu hải quân và hỗ trợ nâng cao năng lực hàng hải cho Indonesia, Philippines và Campuchia. Ngoài ra, Nhật Bản thông báo sẽ cử tàu trực thăng Izumo tiến hành hoạt động an ninh hàng hải tại Biển Đông, sau đó tham gia cuộc tập trận chung Malabar với Ấn Độ tại Ấn Độ Dương vào tháng 7/2017. Trung Quốc đã phản ứng gay gắt, cảnh báo Nhật Bản không nên can dự vào vấn đề Biển Đông hay đưa “tư duy Chiến tranh Lạnh” vào khuôn khổ hợp tác an ninh Nhật-Mỹ.[1]



Với ASEAN, Trung Quốc đang thể hiện một thái độ mềm mỏng, tăng cường thúc đẩy hợp tác với nhiều ẩn ý chính trị. Một mặt, Trung Quốc khẳng định cam kết đưa quan hệ với ASEAN lên một tầm cao mới trong chương trình nghị sự năm 2017 và kêu gọi hoàn thành việc nâng cấp khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN. Mặt khác, Trung Quốc tích cực quảng bá cho kết nối khu vực qua khuôn khổ sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển”, đẩy mạnh các đàm phán về đầu tư hạ tầng, đường sắt cao tốc và cảng biển với một số quốc gia ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Bên cạnh đó, Trung Quốc hết sức chú trọng “chăm sóc” Philippines, nước đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2017 bằng nhiều hợp đồng kinh tế lớn.[2] Trong vài tháng gần đây, nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc trong đó có Phó Thủ tướng Uông Dương, Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn và Đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Kiến Hoa đã có các chuyến thăm Philippines và tiếp xúc với Tổng thống Duterte kèm theo các cam kết hỗ trợ tài chính, đề nghị tăng cường đối thoại xử lý và kiểm soát bất đồng cũng như tăng cường hợp tác hàng hải.



Trên một hướng khác, tận dụng mâu thuẫn Mỹ-Nga sau các cáo buộc về can thiệp an ninh mạng và bất đồng giữa hai bên trong vấn đề an ninh tại châu Âu, Trung Quốc tìm cách kéo Nga can dự vào các vấn đề an ninh và chính trị tại Đông Á, trong đó có Biển Đông, để tăng “thế” của mình. Nhiều hoạt động đã được triển khai để quan hệ hợp tác toàn diện Trung-Nga, bao gồm mở rộng hợp tác thương mại, tăng cường đối thoại giữa hai chính đảng cầm quyền và Trung Quốc cho vay tài chính để Nga xử lý vấn đề thâm hụt quỹ phúc lợi xã hội. Ngoài việc ủng hộ Nga lần đầu cử chiến hạm thăm viếng cảng biển và diễn tập hải quân chung với lực lượng của Philippines, Trung Quốc còn tranh thủ Nga để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật bậc cao như phát triển các nhà máy điện hạt nhân trên biển. Trong một số phát biểu, quan chức Trung Quốc khẳng định hợp tác này có thể diễn ra ngay  tại những khu vực vẫn còn tồn tại tranh chấp để giải quyết việc “cung cấp năng lượng” cho các công trình xây dựng đa năng đang được triển khai.



Quân sự hoá dưới vỏ bọc dân sự và khoa học kỹ thuật



Cùng với các hoạt động chính trị, ngoại giao nhằm “thăm dò”, xác lập khuôn khổ quan hệ nước lớn và mở rộng ảnh hưởng với láng giềng, Trung Quốc đồng thời đẩy nhanh việc củng cố yêu sách và kiểm soát theo cách thức tiếp cận mới, giảm mức độ nổi cộm của các vụ việc có yếu tố quân sự. Do đó, Trung Quốc triển khai các hoạt động thực địa theo nhiều hướng, chú trọng kết hợp giữa quân và dân sự, nhấn mạnh yếu tố khoa học kỹ thuật.  Trung Quốc muốn tránh sự chú ý của bên ngoài về những thay đổi hiện trạng do các hoạt động đang tiến hành, nhưng đồng thời duy trì cơ sở để tuyên truyền về năng lực kiểm soát tình hình, quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ tại các sự kiện chính trị đối nội lớn trong năm .



Về các hoạt động quân sự, Trung Quốc đang gấp rút hoàn thiện tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Sơn Đông trong năm 2017, đồng thời tiến hành thử nghiệm các loại vũ khí chiến lược có tính răn đe cao như tên lửa Đông Phong DF-5C, Đông Phong DF-16, và máy bay J-20. Các loại vũ khí này giúp Trung Quốc tăng năng lực tiến hành phong tỏa và  ngăn chặn tiếp cận. Để tăng kiểm soát thực địa, Trung Quốc đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng chiếm đóng trái phép tại 8/20 điểm ở quần đảo Hoàng Sa và ít nhất là với 3/7 điểm ở Trường Sa.[3] Các công trình này cho phép Trung Quốc có thể cùng lúc bố trí nhiều loại vũ khí tác chiến và phòng thủ khác nhau, như rada, tên lửa phòng không và đối hạm, các máy bay tuần tra và trinh sát tàu ngầm. Bổ trợ cho các hoạt động này, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất hai cuộc diễn tập tác chiến hỗn hợp trong tháng 02.2017 với phạm vi mở rộng từ Hoàng Sa tới Trường Sa. Các vũ khí hiện đại nhất của Trung Quốc như tàu sân bay Liêu Ninh, các tàu khu trục Trường Sa, Hải Khẩu, và máy bay ném bom H-6 đã tham gia trong từng hạng mục của mỗi giai đoạn diễn tập, Tuy nhiên, trước sức ép dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn khẳng định việc xây dựng tại các đảo, đá là việc làm trong “phạm vi chủ quyền”, không liên quan đến “quân sự hóa”, và các cuộc diễn tập là “theo lộ trình thường niên”, đã được lập kế hoạch trước.



Trong lĩnh vực dân sự, Trung Quốc đang đẩy nhanh quy hoạch, quản lý biển, tăng cường hợp tác khoa học kỹ thuật, nhấn mạnh các ứng dụng khoa học kỹ thuật biển có tính đột phá với lý do là hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho an toàn hàng hải khu vực. Theo đó, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thiện việc đặt tên cho 255 cấu trúc ở Biển Đông, mở chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) tại thành phố được thành lập trái phép “Tam Sa”, thử nghiệm các chuyến bay dân sự, và cho phép “công ty vận tải tư nhân” Hải Hiệp đưa khách du lịch, đoàn viên thanh niên, sinh viên ra Hoàng Sa. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã hạ thủy hai tàu khảo sát khoa học hiện đại có khả năng hoạt động toàn cầu, đưa dữ liệu từ các trạm quan trắc trên các đảo, đá tranh chấp tại Trường Sa vào hệ thống dịch vụ dữ liệu, và để ngỏ việc xây dựng trạm quan sát đáy biển, trạm giám sát sóng thần tại Biển Đông. Trên phương diện hợp tác quốc tế, Trung Quốc đã lần thứ ba chủ trì cuộc khảo sát khoa học IODP với sự tham gia của 33 chuyên gia quốc tế, và đề ra kế hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân trên biển theo Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 với sự hợp tác của Nga.[4]



Đẩy mạnh cơ sở pháp lý, năng lực quy hoạch và phát triển biển



Để tạo môi trường trong ngoài thuận lợi cho các sự kiện đối nội và đối ngoại quan trọng như kỳ họp “Lưỡng hội” năm 2017 và chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã giảm cường độ tuyên truyền về các hoạt động quân sự, nhưng chủ động đẩy mạnh việc công bố các văn bản pháp quy về quản lý, quy hoạch biển để Nhân đại Trung Quốc xem xét thông qua. Đây là lộ trình tiếp theo trong việc Trung Quốc từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp luật nhằm quản lý các hoạt động liên quan tới khai thác, phát triển và sử dụng biển. Mặt khác, đây cũng là bước đi chiến thuật của Trung Quốc nhằm “cột chặt” vấn đề, buộc các bên sẽ phải cùng lúc xử lý nhiều tình huống và diễn biến khi các quy định này có hiệu lực, làm phức tạp thêm tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc cho rằng các văn bản pháp quy cũng góp phần giúp Trung Quốc có thêm cơ sở củng cố yêu sách, biện minh cho các hoạt động quân sự và dân sự tại khu vực tranh chấp trong tương lai.



Theo đó, Trung Quốc công bố 3 văn kiện quan trọng trong thời gian qua, đó là: (1) Cương yếu “Quy hoạch Đất đai Toàn quốc Trung Quốc năm 2016, tầm nhìn năm 2030”, trong đó khẳng định các mục tiêu tổng thể về nâng cao trình độ bảo vệ, khai thác biển vào năm 2020, cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng cường quốc biển vào năm 2030; (2) Dự thảo “Luật An toàn Giao thông Biển sửa đổi”, gồm 134 điều, trong đó có nhiều quy định mới liên quan tới việc kiểm soát, giám sát tàu thuyền, thiết bị, hoạt động hàng hải của nước ngoài trong vùng biển “thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc; (3) Đại cương “Phương án Sử dụng và Khai thác Hải đảo không người cư trú”,  nhằm quán triệt việc thực hiện “Luật Bảo vệ hải đảo năm 2009”, tăng cường quản lý và kiểm soát với các đảo chưa có cư dân sinh sống.



Bên cạnh đó, các Bộ, ngành của Trung Quốc cũng cho công bố nhiều văn bản, tài liệu liên quan về biển như: Báo cáo “Thống kê Kinh tế biển Trung Quốc năm 2016”, Thông báo “Thiên tai biển Trung Quốc năm 2016”, Thông báo “Bề mặt biển Trung Quốc năm 2016”, và Thông báo “Môi trường biểnTrung Quốc năm 2016”. Nội dung các tài liệu này tập trung đề cập nhiều khía cạnh hoạt động quản lý và sử dụng biển, trong đó có các tiêu chuẩn đánh giá về phát triển biển, các quy hoạch khai thác và sử dụng biển. Trung Quốc cho biết, kinh tế biển Trung Quốc năm 2016 tiếp tục tăng 6,8%, chiếm 9,5% GDP.



Một số địa phương ven biển của Trung Quốc chủ động thể hiện vai trò, đưa ra các quy định, kế hoạch nhằm phối hợp với chiến lược phát triển tổng thể của Trung ương. Tại kỳ họp “Lưỡng hội” vừa qua, tỉnh Hải Nam đã công bố “Quy hoạch phát triển du lịch tổng thể năm 2016-2020”, khẳng định sẽ nâng cấp các sản phẩm du lịch dưới nhiều hình thức nhằm kết nối (trái phép) Hải Nam và Hoàng Sa. Cái gọi là “thành phố Tam Sa” cũng thông qua phương án “Quy hoạch thực thi đồng bộ dịch vụ cảng Phú Lâm”, khẳng định đẩy nhanh việc xây dựng các dự án tại Vịnh Mộc Lan, Văn Xương của Hải Nam nhằm hình thành các cụm dịch vụ hậu cần, cơ sở khoa học, cứu hộ cứu nạn có tính kết nối. Chủ tịch tỉnh Hải Nam Lưu Tứ Quý còn khẳng định, tiêu chuẩn trong việc xây dựng “tỉnh cường quốc biển” Hải Nam không chỉ có phát triển kinh tế, mà gồm cả khoa học kỹ thuật và môi trường biển.[5]



Xu hướng và Hệ lụy



Xét về tổng thể, Trung Quốc đang tiếp tục áp dụng phương thức mới nhằm tìm cách thuyết phục Mỹ, lôi kéo Nga, răn đe Nhật Bản, trả đũa Hàn Quốc, và “ve vãn” ASEAN để kiểm soát tốt hơn cục diện an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Do đó, Trung Quốc đã chủ động lồng ghếp vấn đề hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật biển với các chiến lược lớn như “Một vành đai, Một con đường” nhằm “làm dịu” căng thẳng, “mềm hoá” tranh chấp, tránh tạo ra cớ các nước lớn khác can dự. Trung Quốc cũng tranh thủ quá trình mở rộng kết nối hạ tầng của các tỉnh ven biển với bên ngoài (đặc biệt là Hải Nam), kết hợp với các văn bản nội luật, quy hoạch phát triển mới nhằm từng bước hợp thức hoá cơ sở hạ tầng tại khu vực chiếm đóng trái phép.



Về mặt thời gian, thời điểm Trung Quốc tổ chức Đại hội 19 đang tới gần trong khi bối cảnh an ninh, chính trị khu vực Đông Bắc Á tiếp tục diễn biến khó nắm bắt. Chính vì vậy trong khi tiếp tục tận dụng vai trò tương tác kết nối của ASEAN, Trung Quốc có thể giữ thái độ kiềm chế, “mềm mỏng” trong khoảng thời gian ngắn trước khi xuất hiện các nhân tố đối nội và đối ngoại mới có thể thúc đẩy điều chỉnh. Do đó, nhiều khả năng Trung Quốc tiếp tục tập trung tìm cách xử lý ổn thoả nhân tố Mỹ, dùng “đối thoại thượng đỉnh Tập-Trump” để xác định mô thức tương tác mới, hạn chế sự can thiệp của Mỹ, Nhật Bản vào vấn đề an ninh khu vực. Cùng lúc đó, Trung Quốc vẫn tăng cường ảnh hưởng với ASEAN nhằm thu hút sự ủng hộ với các nghị trình đối ngoại quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh “Một vành đai, Một con đường”, đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các sáng kiến mới như “Vành đai hợp tác kinh tế Nam Hải (Biển Đông) mở rộng.” Qua các kênh này, Trung Quốc muốn tạo dựng đồng thuận về nhận thức trong ASEAN, coi hợp tác dựa trên khuôn khổ các sáng kiến do Trung Quốc nhấn mạnh triển khai DOC và coi đó là tiền đề cho khung COC. Sau cùng, Trung Quốc vẫn không ngừng củng cố kiểm soát trên thực địa bằng nhiều biện pháp trong đó tập trung vào các hoạt động dân sự có hàm lượng công nghệ cao. Theo đó, Trung Quốc tuyên truyền, giải thích theo hướng hỗ trợ phát triển kinh tế biển, kết nối thương mại, cung cấp dịch vụ công cho hoạt động hàng hải khu vưc.



Phương thức và các bước đi hiện nay của Trung Quốc không làm thay đổi bản chất của tranh chấp Biển Đông. Hoà dịu chỉ là tạm thời do sự chi phối bởi các toan tính chính trị nội bộ và đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc đưa ra các sáng kiến mới nhưng thường thiếu nội dung cụ thể, thiếu các điều kiện “cần và đủ” để hợp tác tiến triển. Nghi ngại an ninh không được giải toả và rủi ro va chạm vẫn thường trực. Điều này đồng nghĩa, cam kết an ninh của Trung Quốc tại Biển Đông chỉ mang tính hình thức nhằm che giấu các ý đồ chiến lược, cấu trúc bố trí chiến lược nhiều lớp. Trong đó, cốt lõi không đổi là việc Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh toàn diện, khả năng kiểm soát quân sự và chấp pháp thực tế. Lớp vỏ tiếp theo là các quy hoạch phát triển dài hạn, văn bản pháp quy đã được Trung Quốc công bố nhằm hợp thức hóa, pháp điển hóa chiếm đóng và kiểm soát thực tế trên cơ sở ưu thế quân sự, sức mạnh kinh tế, chủ nghĩa dân tộc, khả năng lợi dụng các kẽ hở của luật pháp quốc tế. Ở trên bề mặt, Trung Quốc đề ra nhiều khung sáng kiến hợp tác nhằm xoa dịu tìnhhình, trong khi tiếp tục để ngỏ dư địa điều chỉnh, mở rộng yêu sách khi hội tụ đủ các nhân tố cần thiết.



Thiếu thiện chí và thực tâm khiến nhiều sáng kiến kết nối thương mại và hợp tác kinh tế biển do Trung Quốc dẫn dắt không có tiến triển. Ngoài ra, cách tiếp cận của Trung Quốc tiếp tục ngăn cản các nước ASEAN hợp tác thiết thực với Trung Quốc nhằm đem lại ổn định thật sự tại Biển Đông.



Chú thích



[1] Phát biểu trong họp báo thường kỳ của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, ngày 26.1.2017.



[2] Tại chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn đầu tháng 3/2017, hai bên đã nhất trí về quy tắc Trung Quốc đầu tư vào 03 dự án với trị giá 3,4 tỉ USD. Đại sứ Trung Quốc tại Manila cũng đề cập, Trung Quốc muốn cung cấp cho Philippines 550 triệu NDT cho việc xây dựng các tiêu chuẩn hạ tầng và chống ma túy.



[3] Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) ra ngày 23.3.2017 cho biết, Trung Quốc đã “xây xong”, hoặc “sắp xong” các công trình chiếm đóng trái phép tại đá Subi, Vành Khăn, và Chữ Thập tại Trường Sa.



[4] Phát biểu ngày 14.2.2017 của Vương Nghị Nhẫn, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc.



[5] Phát biểu của Chủ tịch Tỉnh Hải Nam Lưu Tứ Qúy, ngày 13/3/2017, tại kỳ họp “Lưỡng hội” toàn quốc Trung Quốc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét