Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

Sức mạnh nhân dân...



Tôi không bàn về việc người dân xã Đồng Tâm đúng hay sai, chính quyền huyện Mỹ Đức sai hay đúng trong câu chuyện đang xảy ra ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Bởi, đúng sai ra sao tự mỗi chúng ta đều có nhìn nhận của riêng mình. Và, dẫu người ta có nói về nó một cách tròn trịa hay méo mó, thì cho đến cuối cùng, mọi chuyện đều bị người đời phán xét.

Chỉ là, tôi thấy xót xa cho những thân phận người nông dân Đồng Tâm hôm nay, giống như các anh chị đã từng xót xa cho Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, cho những người nông dân ở Đắk Nông hôm nào. Dù được bao bọc bởi những mĩ từ để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, để làm dự án này, xây nhà máy kia, thì suy cho cùng vẫn là một nhóm người lấy được đất bằng mọi thủ đoạn sẽ thu về những khoản lợi kếch sù, còn người dân mất đi tư liệu sản xuất có nguy cơ bị bần cùng hoá.

Có một thực tế vô cùng nhức nhối xảy ra suốt nhiều năm qua là các nhóm lợi ích muốn lấy đất của dân để làm dự án lại được chính quyền đứng ra thu hồi đất cho họ. Trong khi người dân muốn giữ lại tư liệu sản xuất của mình, những lá đơn gửi đi càng nhiều thì thứ nhận về thường là sự im lặng đến vô cảm từ các cấp chính quyền.

Khi cụ ông Kình, người đã 80 tuổi, trong đó có mấy mươi năm tuổi đảng, phải đứng ra tố cáo tham nhũng, tôi không biết cụ có còn nhớ khẩu hiệu "Người cày có ruộng" năm xưa hay không?

Trải qua càng nhiều dâu bể người ta càng khao khát bình yên. Nhân dân mình bao đời nay vẫn thế, chỉ mong được yên ổn làm ăn, chỉ mong được đổi những giọt mồ hôi mặn đắng lấy bát cơm trắng qua ngày. Không một người dân nào lại muốn đối đầu với chính quyền nếu như họ không cảm thấy sự oan ức đến tột cùng cần phản kháng. Không một người dân nào lại bắt giữ người của chính quyền, những thanh niên còn trẻ đi làm nhiệm vụ ấy thực chất vẫn là con em mình, đồng bào mình, nếu như họ không bị rơi vào tình huống đến mức phải đánh đổi.

Chính quyền, thay vì hoà giải, thay vì giải quyết những lá đơn của dân, thay vì đáp ứng nguyện vọng của dân nếu như nó chính đáng, lại lựa chọn biện pháp bắt người, trong đó có cả người lớn tuổi. Thay vì đối thoại, người ta trấn áp. Càng trấn áp thì người dân sẽ càng phản kháng. Và hậu quả là những gì đang diễn ra.

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho tất cả những điều này? Lẽ nào sẽ lại là một số người dân bị khép vào hành vi gây rối? Sai lầm từ đâu và do ai mà nhân dân lại phải trả giá? Ai đã buông lỏng để dồn dân vào thế đối đầu?

Trong sự việc đang xảy ra tại Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, từ khi nhen nhóm đến khi bùng nổ đều không thấy bóng dáng của cơ sở đảng tại đây. Họ không nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Công tác dân vận thuộc trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương. Cơ sở đảng tại Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đã bị buông lỏng và hoàn toàn tê liệt.

Thay vì khởi tố vụ án gây rối, đáng lẽ cấp thiết hơn phải là tổ chức đánh giá và xem xét trách nhiệm của các cấp uỷ đảng từ xã đến huyện... Cấp uỷ nào buông lỏng, không sâu sát nhất thiết phải kiểm điểm và kỷ luật. Với phạm vi nhỏ không quản lý tốt, không nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, không đối thoại được với dân mà để đến mức đối đầu, gây bức xúc trong dư luận, mất niềm tin vào chính quyền thì mong gì đến quy mô lớn hơn.

Những lãnh đạo yếu kém, những lãnh đạo mắc sai lầm cần phải bị xử lý. Chỉ có như thế lòng dân mới yên. Đừng nghĩ rằng trấn áp có thể giải quyết được vấn đề. Thực tế đã chứng minh, người dân biết họ có sức mạnh đến nhường nào...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét