Người dân Đồng Tâm ngăn không cho chính quyền lấy đất. Ảnh chụp từ clip
Người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức đang rủi ro sinh mệnh pháp lý của
mình khi đối đầu với chính quyền. Nhưng đấy là quy luật của muôn đời. Lãnh thổ
thiêng liêng với một quốc gia như thế nào thì đất đai cũng trở thành máu thịt với
người dân như thế.
Kể từ Luật Đất Đai 1993, các quyền của người dân đối với đất
đai đã được trả lại cho dân gần như là quyền về tài sản. Bộ Luật Dân Sự 1995 tiếp
tục minh định điều đó khi coi "5 quyền" của người sử dụng đất của dân
là quyền dân sự. Từ Hà Giang tới Phú Quốc, người dân thực sự là chủ trên mảnh đất
của mình cho đến khi có những "nhà đầu tư" bắt tay dưới gầm bàn với
chính quyền, nhân danh các dự án, thu hồi đất của họ với giá rẻ mạt rồi bán lại
với giá ngất ngưởng rồi trở thành tỷ phú.
Sở dĩ các địa phương có thể làm được điều này là vì Luật
trao cho chính quyền từ cấp huyện trở lên quyền thu hồi đất. Điều 27, Luật Đất
Đai 1993 quy định khá chặt chẽ các trường hợp bị thu hồi. Luật sửa đổi 2003 tuy
mở ra cho chính quyền quyền thu hồi đất đai vì "mục đích phát triển kinh tế"
nhưng vẫn còn rất giới hạn. Từ năm 2007, khi các "nhóm đặc quyền đặc lợi"
bắt đầu lộng hành, Chính phủ đã ban hành hai Nghị định 84 & 181, bổ sung
khái niệm "Nhà nước thu hồi đất để phát triển các dự án phát triển kinh tế
quan trọng". Từ đây, chính quyền các cấp càng lộng hành.
Nếu như "sở hữu toàn dân"(SHTD) được coi là quan hệ
cuối cùng mang chút "nội hàm" xã hội chủ nghĩa thì "thu hồi đất"
lại là dấu hiệu có ý nghĩa nhất còn lại để xác lập SHTD. Có thể những người bảo
vệ chế độ cần SHTD như một liều thuốc an thần nhưng chính họ đêm qua lại đang mất
ngủ.
Có thể giờ này Chính quyền đang nhìn vụ Đồng Tâm như nhìn một
vụ án. Đừng nghĩ mưu để thắng dân. Nếu như các vị chưa học được gì sau "Quả
bom Đoàn Văn Vươn" thì nên ngồi lại sau vụ Đồng Tâm. Cái gốc vấn đề vẫn là
SHTD. Thời bao cấp thì nó làm cho toàn dân đói kém, thời kinh tế thị trường thì
nó làm cho toàn dân bất an. Việc cần làm ngay là Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải
đình chỉ quyền thu hồi đất của chính quyền địa phương trước khi bãi bỏ nó.
Xôi thịt thì "nhóm lợi ích" ăn chia với bọn tham
nhũng cấp huyện cấp tỉnh. Sự bất ổn chính trị thì đe dọa trước hết các nhà lãnh
đạo Trung ương. Đừng đẩy dân vào thế phải đối đầu chỉ vì các nhà làm chính sách
muốn tự ru ngủ mình trong các ngôn từ sáo rỗng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét