Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Vua Bảo Đại trao ấn kiếm như thế nào?




 an kiem bao dai

Pháp tổ chức trao lại ấn kiếm cho. Quốc trưởng Bảo Đại tại Hà Nội tháng 3/1952




Ngày 30 tháng 8 năm 1945, tại lầu Ngọ Môn Huế diễn ra buổi lễ thoái vị của vua Bảo Đại: vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn đã trao hai vật tượng trưng cho vương quyền là chiếc ấn và thanh kiếm cho đại diện Chính phủ Lâm thời và Việt Minh để trở về làm dân của một nước độc lập.



Về nghi thức lễ trao ấn- kiếm, ông Phạm Khắc Hòe bấy giờ là Đổng lý Ngự tiền văn phòng của vua Bảo Đại, và cũng là một trong số người đứng ra tổ chức buổi lễ đã ghi lại trong hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”của mình như sau:



“…Bảo Đại đọc tờ Chiếu thoái vị một cách xúc động có khi tắt cả tiếng. Bảo Đại đọc xong thì trên kỳ đài cờ vàng của nhà vua từ từ hạ xuống và lá cờ nền đỏ thắm tươi long lanh năm cánh sao vàng được kéo lên giữa tiếng vỗ tay, những tiếng hoan hô như sấm cắt ngang bởi 21 phát súng lệnh vang lên chào quốc kỳ mới của Tổ quốc hồi sinh.



Tiếng súng lệnh chấm dứt. Bảo Đại hai tay đưa lên trao cho ông Trưởng đoàn Đại biểu chính phủ quốc ấn bằng vàng nặng gần mười ki lô gam và chiếc quốc kiếm để trong vỏ bằng vàng nạm ngọc. Rồi ông Trần Huy Liệu đọc bản tuyên bố của Đoàn đại biểu Chính phủ…” ( Từ triều đình Huế đến chiến khu…, sđd, tr 78).



 le thaoi vi bao dai

Hình minh họa buổi Lễ thoái vị (nguồn Internet)



Đại diện cho chính phủ và Mặt trận Việt Minh bấy giờ là hai ông Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận cũng đã ghi lại sự kiện đó trong những tập hồi ký của mình. Giống như ông Phạm Khắc Hòe, ông Trần Huy Liệu chép trong cuốn Hồi ký viết năm 1960 cũng tương tự như thế, nhưng ông có nhấn mạnh thêm:



“Trong giây phút thiêng liêng, nếu sự việc chỉ có thế thì cũng đơn giản thôi. Nhưng trong đó còn có chuyện khá buồn cười. Hai chiếc kiếm dài nạm ngọc và ấn vàng này theo lời người ta nói đều từ Gia Long để lại tạo nên sau khi đánh đổ Tây Sơn và thống trị cả nước. Cùng với ấn kiếm còn có một túi gấm đựng bộ quân cờ bằng ngọc và những thứ lặt vặt quý giá khác. Khi tiếp nhận thanh kiếm của Bảo Đại dâng lên thì không có gì đáng kể. Nhưng khi tiếp nhận chiếc ấn vàng, tôi đã phải chịu đựng sức nặng bất ngờ của cái ấn. Chiếc ấn nặng tới 7 ki-lô-gam vàng! Nói thật với các bạn khi giơ hai tay đỡ cái ấn, tôi có ngờ đâu nó nặng đến thế nên không chuẩn bị tư thế từ trước. Tuy vậy khi chiếc ấn nặng trĩu nằm trong tay, tôi phải cố gắng vận dụng hết sức bình sinh để chống đỡ, không để nó trĩu xuống, nhất là đừng để người tôi khỏi nghiêng ngả vì tư thế của tôi lúc ấy có phải thuộc riêng của tôi đâu, mà là tư thế của một vị đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đương làm một việc rất quan trọng trong giờ phút lịch sử…” ( Hồi ký Trần Huy Liệu, sđd, tr 370).



Trong cuốn Hồi ký Song đôi, nhà thơ Huy Cận có ghi lại sự việc nhưng không cụ thể:



“Bảo Đại đọc xong thì cột cờ hạ cờ vàng của vua xuống và kéo cờ đỏ sao vàng lên. Đồng bào vỗ tay như sấm dậy. Bảo Đại trao quốc ấn bằng vàng, đúc từ đời Minh Mạng, nặng gần 10kg và quốc kiếm, vỏ bằng vàng nạm ngọc nhưng lưỡi đã gỉ. Anh Liệu chuyển lại cho tôi và các đồng chí trong Uỷ ban Nhân dân Cách mạng ấn và kiếm rồi đọc bản tuyên bố của đoàn đại biểu của Chính phủ lâm thời…..” (Hồi ký Song đôi, sđd, tr 892)



Gần đây, khi còn tại thế, nhà thơ có kể lại sự kiện đó chi tiết hơn, nhưng cũng không thấy ghi cụ thể như cụ Hòe đã chép:



“Sau khi Bảo Đại đọc lời tuyên bố thoái vị, tới nghi thức trao ấn kiếm. Chiếc kim ấn truyền quốc làm bằng vàng ròng, nặng dễ đến ngót 10 kilôgam, anh Trần Huy Liệu vốn sức yếu phải gồng lên mới cầm nổi, còn tôi dĩ nhiên với cái tuổi 26 thì mươi cân cũng nhẹ nhàng thôi. Thú vị nhất là khi cầm cây kiếm, thấy vỏ ngoài dát vàng nạm ngọc rất đẹp, tôi thuận tay rút kiếm ra xem, ai dè bên trong lưỡi kiếm đã bị rỉ, tôi hồn nhiên nói ngay vào micro: “Thưa đồng bào, kiếm nhà vua rỉ hết rồi !…” Mọi người cười ồ. Bảo Đại cũng cười. Ông ta nói: “Thưa phái đoàn, từ nay tôi là một người dân bình thường của nước độc lập, xin phái đoàn cho tôi một vật gì để kỷ niệm cái ngày này”. Ý kiến bất ngờ. Chúng tôi hội ý và tôi nhanh tay rút chiếc huy hiệu cờ đỏ sao vàng mà Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên Huế tặng các thành viên của phái đoàn và cài lên ngực Bảo Đại, đoạn nói to: “Xin đồng bào hoan nghênh công dân Vĩnh Thụy” Nhiều tiếng vỗ tay vang lên”.( Vietbao.vn ngày 31-8- 2003, “Chuyện thoái vị của vua Bảo Đại qua lời kể Huy Cận” trích lại từ VNQĐ).



Qua lời thuật của các vị trên, có nhiều người thắc mắc: với khối lượng trên 10kg của chiếc ấn, lẽ nào Bảo Đại lại dễ dàng hai tay dâng lên một cách đơn giản như thế !? Hơn nữa, triều Nguyễn là triều đại rất chú trọng đến hình thức và nghi lễ, đây là việc hệ trọng lẽ nào chỉ là như vậy…!



Gần đây, trong một dịp họp họ tộc, chúng tôi được một người trong họ trao cho tập tài liệu đánh máy để lưu hành nội bộ trong gia tộc, tài liệu có tựa là Tôn Nhơn Tộc Sử liệu Hậu duệ hiếu biên, người biên soạn là cụ Tôn Thất Tương. Cụ Tương năm nay đã 87 tuổi. Trước Cách mạng tháng 8 cụ phục vụ tại Thái Miếu ở Đại Nội Huế, dưới quyền của chú ruột là cụ Tôn Thất Am, Đội trưởng Đội Từ Tế Hữu Ty, hàm Thất phẩm; sau đó được chuyển sang phục vụ tại Ngự Tiền Văn phòng, dưới quyền của người bác ruột là cụ Tôn Thất Thứ, Phó Đổng lý Ngự tiền văn phòng mà bấy giờ cụ Phạm Khắc Hòe làm Đổng lý. Trong tập tài liệu này, cụ Tương chép rằng cụ đã có mặt trên Lễ đài cùng với người chú và người bác để tham dự Lễ tuyên bố thoái vị của vua Bảo Đại, qua đó cụ đã kể lại khá chi tiết về diễn biến của nghi thức trao ấn kiếm giữa nhà vua và đại diện Việt Minh như sau:



“Buổi chiều ngày hoàng thượng tuyên chiếu thoái vị, tôi thấy:



-Hoàng thượng đứng chính giữa lầu Ngọ Môn, bận áo vàng, đầu chít khăn vàng, đi hài vàng rất nghi phong.



-Tầng cấp trước nền lầu thấp xuống một bậc và bên trái là 2 ông Cù Huy Cận và Trần Huy Liệu, bận toàn y phục trắng. Cũng tầng cấp ấy bên phải là ông Bộ trưởng của Hoàng thượng tên Nguyễn Duy Quang đứng, cũng bận âu phục trắng.



-Cụ Phạn Khắc Hòe thì đứng bên phải ngài và lui ra sau một bước. Một số cụ bưng khay đựng chiếu thoái vị; chiếu bà con gia tộc. Kiếm vàng, ấn vàng đều có bọc khăn thêu rồng vàng, trong đó có bác tôi (tức cụ TT Thứ- Phó Ngự tiền VP) đứng cạnh cụ Hòe.



-Góc bên phải lầu Ngọ Môn có các cụ khác ở Đại Nội, trong đó có chú tôi. Tôi cũng lò tò leo lên đến đây, đứng sau lưng chú tôi.



Sau mấy phát lệnh tại chân cột cờ nổ làm hiệu lệnh; cụ Hòe dâng khay đựng chiếu thoái vị lên hoàng thượng. Ngài cầm lấy và tuyên đọc…”



“Rồi ông Phạm Khắc Hòe dâng khay để đựng tờ chiếu ấy lên, hoàng thượng để tờ chiếu tuyên rồi lên khay. Ông Hòe bưng khay chiếu chuyển về. Bác tôi dâng khay đựng ấn vàng lên Hoàng thượng. Ngày tiếp sờ tay lên, rồi bác trao cho ông Nguyễn Duy Quang, ông Quang tiếp ấn vàng, trao lại cho người đại diện Việt Minh thứ nhất.



Tiếp đến, ông Hòe dâng khay đựng kiếm vàng lên hoàng thượng, ngài sờ tay lên kiếm xong, kiếm được chuyển đến ông Quang, ông Quang cầm kiếm trao lại cho người đại diện Việt Minh thứ hai. Rồi bác tôi tiến lên dâng khay đựng tờ chiếu cho bà con hoàng tộc, hoàng thượng tiếp lấy và đọc lời ban chiếu…



“Xong, hoàng thượng quay gót hồi loan. Đi sau lưng là ông Bộ trưởng Nguyễn Duy Quang. Còn 2 vị đại diện Việt Minh người bưng ấn, người cầm kiếm xuống lầu Ngọ Môn và bước ra phía cổng trước. Bên này, ông Hòe, bác tôi và các cụ ở Ngự tiền Văn phòng lục tục bước xuống bên sau cửa Ngọ Môn, trở về Đại Nội…” (Tài liệu đã dẫn, bản đánh máy, trang 27)  
 

Trang Gia phả nói về Lễ thoái vị của vua Bảo Đại




Trang Gia phả nói về Lễ thoái vị của vua Bảo Đại          



Trong một dịp về cố đô Huế, chúng tôi có gặp ông Nguyễn Hồng Trân. Ông Trân nguyên là Giám đốc thư viện Khoa học Huế đã nghỉ hưu. Năm 1945, ông đang học lớp Nhì tiểu học và được theo mẹ đến tham dự buổi lễ hôm đó. Khi được hỏi về chi tiết của buổi lễ, ông nói rằng: “Buổi lễ rất đông người, đứng xa thì không thấy được, chỉ một số người đứng cận kề với lễ đài mới có thể nhận thấy…”Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “Tôi cảm thấy nội dung trong quyển Hồi ký của cụ Phạm Khắc Hòe đã nêu sai sự thật một vài chỗ về buổi lễ thoái vị của Bảo Đại. Điều này thực tế không riêng gì tôi biết mà đã có một số vị có mặt trong buổi lễ đó đã biết chính xác.Ví dụ cụ thể là cụ Hòe viết “… 21 phát súng bắn chào…” sự thực chỉ có 7 phát súng lệnh. Hoặc cụ Hòe viết: “… ông Nguyễn Lương Bằng gắn huy hiệu cờ đỏ sao vàng cho công dân Vĩnh Thụy…”. Thực ra là ông Cù Huy Cận gắn huy hiệu…”(Những nhận định này đã được ông gởi đăng trên tạp chí Xưa&Nay số 337 tháng 8/2009 với tựa bài “Lịch sử cần chính xác”).



Cũng như ông Nguyễn Hồng Trân, gần đây nhân dịp kỷ niện Quốc Khánh 2/9, cụ Trần Phùng bấy giờ là một thanh niên tham gia vào tổ chức Thanh Niên Tiền Tuyến được phân công bảo vệ buổi lễ thoái vị hôm đó đã thuật lại rằng:



“Hôm đó vua Bảo Đại đội khăn vàng, mặc hoàng bào. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm và chỉ những người có phận sự mới được tận mắt chứng kiến lễ thoái vị của vua. Sau một hồi phái đoàn Chính phủ lâm thời làm việc với vua Bảo Đại, tôi thấy lá cờ vàng của triều nhà Nguyễn được hạ xuống, thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng. Mọi người tham dự buổi lễ đồng thanh vỗ tay”,



……



     Tóm lại, qua những điều nêu trên, ta thấy có rất ít người tận mắt chứng kiến công việc bàn giao ấn kiếm ngoài những người trong cuộc. Nhưng những sự việc có tính nghi thức và nghi lễ mà cụ Tôn Thất Tương ghi lại để lưu làm tài liệu Gia phả không giống với chi tiết mà cụ Hòe đã thuật lại, (cụ thể là cụ Hòe đã ghi là vua Bảo Đại hai tay nâng ấn và kiếm cho đại diện Việt Minh, nếu cả 2 thứ thì phải nặng nặng mười mấy kilogam !). Do đó, chúng tôi ghi lại đây lời kể của cụ Tôn Thất Tương như góp thêm tiếng nói của một nhân chứng có mặt trong ngày Lễ trọng đại của dân tộc.



Vẫn biết rằng, đó chỉ là “chuyen nhỏ”, nhưng nói như ông Nguyễn Hồng Trân: “Lịch sử cần chính xác”, vì thế chúng tôi hy vọng rằng sẽ có thêm tiếng nói của nhiều nhân chứng khác để xác định đâu là sự chính xác của những lời tự thuật này.


 3

Mộ vua Bảo Đại ở Paris


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét