Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

2284 - Vòng quanh thế giới ngày 30/4/2018

Tư Thẳng tổng hợp

1. Tin Trung Cộng – TC lo ngại bị gạt ra ngoài đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (Phải) tiếp ông Tống Đào phụ trách đối ngoại đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Bình Nhưỡng ngày 17/04/2018. Ảnh : KCNA/ Reuters

Quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng càng nồng ấm, thượng đỉnh Donald Trump- Kim Jong Un càng cận kề, Trung Cộng càng gia tăng tốc độ các hoạt động ngoại giao để giữ vai trò trung tâm trên hồ sơ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Giới quan sát tại Bắc Kinh lo ngại trước khả năngTrung Quốc "bị loại" khỏi tiến trình hòa đàm trên bán đảo Triều Tiên. Lo ngại đầu tiên của Bắc Kinh liên quan đến mối quan hệ trong tương lai giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trong ấn bản ngày 29/04/2018 trích dẫn một nguồn tin ngoại giao từ Seoul nêu lên khả năng Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đang có kế hoạch từng bước "pha loãng" ảnh hưởng của Trung Quốc.


2. Tin Slovakia - Nghi ngờ Trịnh Xuân Thanh 'bị đưa sang Slovakia'
 Hôm 24/4, phiên tòa xá»­ nghi phạm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bắt đầu tại Berlin
Hôm 24/4, phiên tòa xử nghi phạm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bắt đầu tại Berlin GETTY IMAGES

Bộ Nội vụ Slovakia tuyên bố rằng họ quan ngại về việc chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm hồi năm ngoái có thể đã bị 'lợi dụng' cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương, truyền thông nước này hôm 29/4 nói.
TASR, hãng thông tấn của Slovakia, dẫn nguồn từ Vụ Báo chí thuộc Bộ Nội vụ nói rằng Bộ đang phải phản hồi các thông tin từ truyền thông Đức, theo đó nói chuyến công du của ông Tô Lâm có thể có liên hệ tới hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam tại Đức. Truyền thông Đức trong những ngày gần đây nói rằng Slovakia 'có thể đã có dính líu' vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi 7/2017 tại Berlin.


3. Tin Armenia - Bầu thủ tướng mới : Lãnh đạo phong trào phản kháng có thể đắc cử

Ông Nikol Pachinian (P) trong cuộc tập hợp người ủng hộ tại quảng trường Cộng Hòa ở Erevan, ngày 29/04/2018. REUTERS/Gleb Garanich

Lãnh đạo phong trào phản kháng Armenia rất có thể trở thành thủ tướng, chấm dứt thời kỳ trị vì 10 năm của ông Sarkissian, bị cáo buộc để tham nhũng trở thành căn bệnh kinh niên ở quốc gia 2,9 triệu dân vùng Kavkaz.
Một ngày trước khi Quốc Hội Armenia bầu thủ tướng mới, hôm nay 30/04/2018, lãnh đạo phong trào phản kháng, ông Nikol Pachinian, một mặt tiếp tục đàm phán với đảng chiếm đa số trong Quốc Hội để tranh thủ phiếu bầu, mặt khác kêu gọi người biểu tình tạm ngưng các hoạt động bất tuân dân sự, chờ kết quả đàm phán.


4. Tin Hàn Quốc: TT Trump đáng được trao giải Nobel Hòa bình

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình vì nỗ lực chấm dứt thù địch với Bắc Triều Tiên.
Một giới chức của Dinh Ngói Xanh nói với truyền thông báo chí rằng Tổng thống Moon phát biểu trong cuộc họp với các bộ trưởng cấp cao rằng “Tổng thống Trump xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình. Điều chúng ta cần chính là hòa bình.” Ông Moon và lãnh tụ Kim Jong Un trong cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên sau hơn một thập niên hôm thứ Sáu vừa rồi đã cam kết chấm dứt thù địch giữa hai nước Triều Tiên và cùng làm việc với nhau để “giải trừ hạt nhân hoàn toàn” trên Bán đảo Triều Tiên.


5. Tin Nhật Bản: Kẻ vượt ngục ly kỳ đã bị bắt lại

 Tatsuma Hirao
Cảnh sát Nhật Bản đã bắt được tay trộm nổi tiếng - MATSUYAMA PRISON

Cảnh sát Nhật vừa bắt được một tội phạm đã lẩn trốn nhiều tuần liền trong một vụ vượt ngục ly kỳ làm xôn xao cả nước Nhật.
Tatsuma Hirao, 27 tuổi, trốn thoát từ một nhà tù mở ở thị trấn Imabari. Cảnh sát đã triển khai hơn 6.000 nhân viên trên hòn đảo nhỏ Mukaishima, nơi họ phát hiện thấy dấu vết của Hirao, để săn lùng người này. Họ sử dụng mọi biện pháp họ có, từ chó nghiệp vụ đến trực thăng và drones. Cuối cùng, Hirao bị bắt tại một sân ga ở Hiroshima, cách đó khoảng 50km. Trước đó, y không được coi là một tội phạm nguy hiểm.


6. Tin Việt Nam - Tại sao vụ Hội Thánh Đức Chúa Trời được làm rầm rộ?

Truyền thông Việt Nam đang ầm ầm đưa tin về một loại “tà đạo” mang tên Hội Thánh Đức Chúa Trời. Cách thức đưa tin kiểu này có cái gì đó không bình thường.
Trước tiên khẳng định một điều: Nếu có một loại “tà đạo” dẫn dắt con người đến con đường không đúng đắn thì việc cảnh báo người dân là cần thiết. Nhưng vấn đề là thế này: truyền thông Việt Nam có bao giờ đưa tin về những điều tích cực mà tôn giáo mang lại? Chẳng bao giờ! Chính vì thế mà khi có một vụ việc không hay liên quan đến tôn giáo là đăng tin ồ ạt trên tất cả các phương tiện truyền thông thì rõ ràng nó mang dụng ý không tốt. Với những người Việt Nam phần lớn chỉ đọc tin lề phải, họ dễ dàng bị dẫn dắt theo hướng xa lánh tôn giáo, nhất là khi một “tà đạo” có cái tên chỉ đích danh Thiên chúa giáo như thế này.


7. Tin Hàn Quốc - Giám đốc Samsung trở thành đại sứ Hàn Quốc ở Việt Nam

Hàn Quốc hôm 29/4 đã bổ nhiệm một giám đốc điều hành của tập đoàn điện tử Samsung làm tân đại sứ nước này ở Hà Nội.
Theo Yonhap, ông Kim Do-hyun, cựu nhân viên ngoại giao, là một trong số 19 tân đại sứ và 4 tổng lãnh sự sắp nhận nhiệm vụ. Hãng tin của Hàn Quốc cho biết thêm rằng ông Kim từng làm việc tại các đại sứ quán ở Iraq, Nga, Ukraine và Croatia trước khi trở thành giám đốc phụ trách hợp tác toàn cầu năm 2013. Và từ tháng 11 năm ngoái, ông phụ trách việc bán điện thoại di động ở nước ngoài của Samsung.


8. Tin Afghanistan: Nổ ở Afghanistan, 5 nhà báo và 16 dân thiệt mạng
 Afghanistan
Vụ nổ thứ hai nhắm vào những người có mặt ở nơi xảy ra vụ nổ thứ nhất-Reuters

Hai vụ nổ ở thủ đô Kabul của Afghanistan khiến ít nhất 21 người thiệt mạng, trong đó có nhiếp ảnh gia hàng đầu của AFP và bốn nhà báo khác.
Một kẻ tấn công đi xe máy gây ra vụ nổ đầu tiên vào sáng thứ Hai 30/4 tại quận Shashdarak của  Kabul.Khoảng 15 phút sau, sau khi các phóng viên có mặt tại hiện trường vụ nổ thứ nhất, vụ nổ thứ hai xảy ra. AFP cho biết nhiếp ảnh gia Shah Marai thiệt mạng. Hãng tin này cho biết vụ nổ thứ hai cố ý nhắm vào nhóm các nhà báo. Quận Shashdarak có bộ quốc phòng, cơ quan tình báo và trụ sở của NATO.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét