Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

2810 - Đảo Kuku, bài 3: Chuyến đi 'có thể chưa là cuối cùng' của Carina

Ben Ngô

BBC Tiếng Việt, viết từ Indonesia

Trong hai mươi năm qua, Carina Hoàng đã có tám chuyến về lại đảo Kuku để đưa người tìm mộ thuyền nhân và có lúc bà nghĩ chuyến đi vào thượng tuần tháng 4/2018 "là chuyến cuối."
Bà Carina, một thuyền nhân từng trải qua thời gian ở đảo Kuku, là tác giả của tập sách ảnh Thuyền Nhân được đánh giá "không chỉ là một cuốn sách ghi nhận sự kiện mà còn là một tài liệu lịch sử". Tác phẩm này thu thập thủ bút, nhật ký, thư từ, điện tín và lời kể của 38 người từng đi vượt biên.
Vài tháng trước khi tổ chức chuyến về đảo Kuku tìm mộ vào thượng tuần tháng 4/2018, bà Carina nhận được một bức thư viết:
"Em tôi mất ở Indonesia vào năm 1979. Mấy năm sau gia đình mới dám báo tin buồn cho mẹ tôi biết."
"Khi biết tin, bà rất đau buồn và hay khóc mỗi khi nhớ con. Khi mẹ tôi ngoài 80 tuổi, dù trí nhớ đã kém. Bà thường xuyên nói với gia đình là "ước nguyện duy nhất" của bà là mang được tro cốt con gái về quê nhà."
Nay mẹ tôi đã qua đời. Gia đình cũng biết rằng không dễ thực hiện ước nguyện của bà.
Cầu xin ơn trên giúp cho chị Carina có khả năng và nghị lực để giúp chúng tôi…"


Carina
Image captionBà Carina sơn lại dòng chữ đã phai màu ghi trên mộ của một thuyền nhân nằm lại ở đảo Kuku

'Tấm lòng và khả năng'

"Lời nhờ cậy của người viết thư cũng là nỗi khắc khoải của tôi trong những năm qua," bà Carina mở đầu câu chuyện với người viết.
"Năm 1998, thể theo ý nguyện của người bác ruột, tôi tìm đủ mọi cách về đảo, tìm được nơi chôn người anh họ và đã hỏa táng, đem cốt về cho bác thờ cúng."
"Đến năm 2009, tôi cũng giúp được một số người về đem cốt thân nhân đi."





"Nhưng từ thời điểm ấy về sau thì nhà chức trách Indonesia không cho phép dời hoặc bốc hài cốt của bất kỳ mộ phần thuyền nhân trên đảo."
"Họ nói đây là di tích lịch sử và cũng là phong tục."
"Tuy vậy, có suy đoán là chính quyền địa phương muốn giữ mộ để các du khách là thân nhân của người đã khuất, quay trở lại thăm viếng, tạo công ăn việc làm cho người địa phương."
"Ước tính có khoảng 400, 500 mộ thuyền nhân tại cụm đảo này."
Để trả lời cho câu hỏi "Tại sao và làm sao, sau bao nhiêu năm, Carina Hoàng vẫn trở lại những trại tỵ nạn ngày xưa trên các hoang đảo ở Nam Dương [Indonesia], bà viết trên website cá nhân: "Mỗi chuyến đi, tôi mất mấy tháng để tổ chức, liên lạc với mọi người trong nhóm cũng như chính quyền ở Nam Dương, và sắp xếp công việc làm và gia đình để có thể thực hiện chuyến đi."
"Tôi dùng thời gian, công sức và tài chánh của mình cho mỗi chuyến đi với tính cách tự nguyện."
"Tôi thực hiện điều này là vì tôi có tấm lòng, và vì có khả năng."


kukuBản quyền hình ảnhGAYLORD BARR
Image captionĐảo Kuku hồi năm 1981

Bà nói thêm với người viết: "Cứ mỗi chuyến đi như thế này thì tôi lại vui theo, buồn theo những người đi cùng mình."
"Vui vì mình giúp người ta trở lại và tìm được mộ thân nhân."
"Buồn vì chứng kiến những người còn nặng lòng khi để thân nhân nằm lại trên đảo xa mà không phải muốn đến viếng lúc nào cũng được."
"Mỗi năm gần như chỉ có hai tháng Tư và Mười là tương đối an toàn để đi Kuku, những tháng còn lại thì tàu hay gặp mưa bão hoặc biển động."
"Lần này đi, tôi cũng nghĩ, thôi chắc đây là chuyến cuối."
"Vì mình đã quá cực về tinh thần và sức lực."
"Nhưng dường như có những chuyện liên quan đến tâm linh cứ níu giữ mình lại và tự nhủ mình phải tiếp tục, khi nhận được lời nhắn, thư từ nhờ cậy của người ta."


kuku
Image captionKuku ngày nay nhìn qua giống như một đảo du lịch

Buổi trưa ngày cuối cùng trên đảo Kuku, Carina và con gái của bà tỉ mẩn ngồi sơn lại từng chữ bị phai màu trên các bia mộ.
Bà và con gái lặng lẽ làm việc ấy trong cái nắng oi bức.
Một hồi sau, bà tiếp tục câu chuyện: "Mỗi mộ phần ở đảo đều là hoàn cảnh, nỗi niềm chất chứa của một gia đình."
"Trong một chuyến tìm mộ, tôi nhận thấy có một ngôi mộ một phụ nữ nhìn tấm bia rất chắc chắn."
"Sau đó người anh của cô này nói cho tôi hay rằng ông ấy lặn xuống biển gỡ sắt tàu chìm làm bia cho em, để sau này nếu có trở lại thì hy vọng dễ tìm hơn."
"Đau lòng là có ngôi mộ chôn chung hai vợ chồng mất trên đảo nhưng mộ của họ sau này không còn nguyên vẹn vì nghi là bị ai đó quật tìm của chôn theo."


thuyền nhânBản quyền hình ảnhAMAZON
Image captionTác phẩm Thuyền Nhân được ấn hành hồi năm 2015

Trên chiếc tàu trở về đất liền, Carina chia sẻ thêm về tập sách Thuyền Nhân: "Trong quá trình thu thập tư liệu cho cuốn sách này, chuyện làm tôi day dứt nhất là về những người phụ nữ bị hãm hiếp"
"Nhưng người khổ tâm hơn là những người có thân nhân bị hải tặc bắt đi và không biết những chuyện gì đã xảy ra."
"Đôi khi họ ước gì người thân của họ đã chết, vì ít nhất họ còn có thể thương tiếc. Nhưng họ không thương tiếc được. Họ không bao giờ biết rõ. Và đó là một trong những thảm trạng của cuộc đào thoát khỏi Việt Nam sau 1975."
Tôi hỏi: "Vậy thì ngày đó, sao bà đi vượt biên?"
Carina đáp: "Bố tôi là sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, bị bắt vào cuối tháng 4/1975 và bị giam gần 14 năm."
Bà tránh không dùng các từ "học tập cải tạo" khi nói về bố mình.
"Toàn bộ tài sản của gia đình bị tịch thu. Với lý lịch gia đình như vậy, mẹ tôi lo là khi các con của bà đủ tuổi thì sẽ bị bắt đi nghĩa vụ quân sự. Nhất là thời điểm đó chiến tranh Việt Nam và Campuchia đang diễn ra."
"Năm 1979, tôi 16 tuổi, mẹ đành phải để tôi ra đi vì bà không muốn mất con ở chiến trường."

kuku

Bản quyền hình ảnhGAYLORD BARR
Image captionBên trong một ngôi chùa nhỏ của người Việt trên đảo Kuku hồi năm 1981, nay không còn tồn tại dấu vết gì về ngôi chùa

"Bà nghĩ gì về biến cố 1975 và liệu có liên hệ gì giữa sự kiện này và các chuyến vượt biên của người Việt Nam?," tôi hỏi.
"Bất cứ ai đã từng chứng kiến hoặc trải qua biến cố 1975 (ngoại trừ trẻ nhỏ) sẽ không bao giờ quên được trong quãng đời còn lại của mình," bà Carina đáp.
"Đối với rất nhiều người dân miền Nam Việt Nam thì biến cố 1975 là nguồn cơn của rất nhiều sự mất mát, đau thương cho cả người ở lại và kẻ ra đi..."
Carina Hoàng hiện đang cùng chồng con sống tại Perth, thủ phủ miền Tây nước Úc. Bà sắp cho xuất bản cuốn Hồi Ký Talbot Bashall do bà chấp bút. Trong cuốn sách này, Bashallmột người Anh từng là trưởng Trung tâm Quản lý các trại tỵ nạn Hong Kong trong giai đoạn 1979 - 1982, chia sẻ những hồi ức sống động về đời sống thuyền nhân Việt Nam.

Bình luận trên Facebook BBC Tiếng Việt

Sau khi BBC Tiếng Việt đăng tải loạt bài về hành trình thăm mộ thuyền nhân tại đảo Kuku, Indonesia, trang Facebook của chúng tôi đã ghi nhận được nhiều phản hồi. Dưới đây là một vài ý kiến trong số đó:
Bạn đọc David Nguyn cho hay: "Không ngờ những kỷ niệm xưa nhắc nhớ mình về đảo Kuku. Mình đã từng đến đảo một ngày vào năm 1989 trên một tàu Cao Ủy chở 256 người tỵ nạn. Trên tàu lúc đó có một người chết do bệnh sốt rét, vàng da sau khi rên rỉ khoảng ba ngày. Tàu Cao Ủy phải ghé đảo Kuku và mình là một trong sáu người tình nguyện khiêng người chết (một phụ nữ khoảng 32 tuổi), bỏ vào bốn tấm ván đóng thô sơ đưa xuống chiếc ghe nhỏ và chèo vô đảo. Từ bãi phải khiêng thi thể khoảng 200 mét lên một đồi dốc cạnh bãi đáp trực thăng. Nơi đó chính là "nghĩa địa đảo Kuku". Lúc đó tôi nhớ có khoảng mười ngôi mộ. Sau đó mình được tắm nước ngọt và đi trở lại tàu qua trại tỵ nạn Galang…"
Bạn đọc Võ Tiến Mạnh viết: "Rất xúc động về một giai đoạn lịch sử mà người Việt Nam chúng ta đã từng phải trải qua, rất may mắn có nhiều quốc gia đã dang rộng vòng tay nhân từ để chào đón những người Việt máu đỏ da vàng, để rồi giờ đây chúng ta đã có một cộng đồng người Việt tại hải ngoại, thịnh vượng và phát triển."
Bạn đọc Cẩm Hằng ghi: "Lịch sử của giai đoạn trả thù thanh lọc và xua đuổi những nạn nhân thời phải bỏ nước ra đi vì không thể ở lại được. Người may mắn đến được bến bờ tự do, kẻ không may thì bỏ xác ngoài biển hoặc nằm lại nơi đảo vắng. Tôi cũng có biết trong hoàn cảnh đó..."


kukuBản quyền hình ảnhGAYLORD BARR
Image captionKuku và các đảo trong quần đảo Anambas nhìn từ tàu Seasweep hồi năm 1981

Đây cũng là bài cuối về hành trình tìm mộ thuyền nhân ở đảo Kuku, Indonesia vào thượng tuần tháng 4/2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét