Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

2852 - Nhìn lại một thập niên tự do báo chí tại Việt Nam

Hòa Ái


Bản đồ tự do báo chí thế giới năm 2018 của RSF
Bản đồ tự do báo chí thế giới năm 2018 của RSF

Thưa quý vị, theo báo cáo của tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) vừa công bố vào ngày 25 tháng 4 vừa qua, thì Việt Nam được xếp vào danh sách quốc gia không có tự do báo chí. Hồi trung tuần tháng 11 năm ngoái, tổ chức Freedom House công bố bản phúc trình thường niên về “Tự do internet 2017”, trong đó Việt Nam cũng bị xếp vào nhóm quốc gia không có tự do internet. Qua hai báo cáo vừa nêu, Hòa Ái có cuộc trao đổi với Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, ở Hoa Kỳ và Blogger/Nhà báo Trương Duy Nhất ở Việt Nam để cùng nhìn lại thực trạng báo chí tại Việt Nam trong một thập niên qua như thế nào?
Hòa Ái: Thưa quý vị, vào thời điểm khoảng năm 2006-2007, tại Việt Nam bắt đầu bùng nổ về kết nối qua internet với Yahoo 360 và các mail group, người ta có thể kết bạn qua mạng để chuyển tải hay chia sẻ những thông tin mà họ quan tâm. Xin thưa Blogger Điếu Cày, Hòa Ái được biết ông là một trong năm thành viên sáng lập ra Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do hồi tháng 9/2007,  đây là một tổ chức xã hội dân sự đầu tiên hoạt động về tự do báo chí ở Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của CLBNBTD và khi thành lập, 5 thành viên có lường trước được những thử thách mà tổ chức sẽ phải đối diện trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, có nghĩa là truyền thông phải có sự chỉ đạo và kiểm duyệt chặt chẽ từ phía Chính quyền Việt Nam?
Blogger Điếu Cày: Cách đây 10 năm vào tời điểm đó có những sự kiện lớn ở trong nước xảy ra. Đặc biệt, sự kiện hàng ngàn nông dân ở miền Tây Nam Bộ lên thành phố biểu tình trước Văn phòng 2 của Quốc Hội trong gần 1 tháng nhưng trong số 800 tờ báo thì không có một tờ báo nào có một dòng đưa tin về sự kiện đó cả. Khi đó, anh em blogger của chúng tôi phải chuyển những hình ảnh của các cuộc biểu tình qua Yahoo 360. Rồi tình hình của ngư dân ở ngoài Hoàng Sa bị tấn công, nhưng báo chí cũng không đăng tin. Vì vậy, chúng tôi mong muốn những tiếng nói của họ được cất lên và chúng tôi sử dụng Yahoo 360 để đưa các thông tin đó. Tuy nhiên lúc đó, anh em blogger muốn có một ngôi nhà chung, một tổ chức để cùng hoạt động. Chúng tôi nhận ra rằng quyền lực truyền thông của blog có thể nói là quyền lực thứ 5 và sử dụng blog để đấu tranh, để cất lên tiếng nói như là một cách làm phân mảnh quyền lực tập trung của báo chí. Cho nên dẫn đến việc 5 thành viên chúng tôi cùng nhau thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Chúng tôi nghĩ rằng việc làm phân mảnh truyền thông tập trung của Chính quyền Việt Nam như thế này thì cũng có những rủi ro, nhưng không thể nghĩ sự đàn áp khốc liệt đến như vậy. 
Hòa Ái: Thưa Blogger/Nhà báo Trương Duy Nhất, cũng vào thời điểm những năm 2006-2007, Hòa Ái được biết ông đang làm việc cho cho quan báo chí nhà nước, đồng thời ông cũng có lập trang blog cá nhân của mình. Ông có nghe gì về thông tin Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do ra đời và về phía cơ quan báo chí nơi ông làm việc, thì họ có đề cập đến các hoạt động truyền thông mạng như trường hợp của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do không, thưa ông?
Blogger Trương Duy Nhất: Thật ra lúc đó những người cầm bút chúng tôi cũng có nghe đến và đọc được những bài viết trên trang của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Thực sự vai của câu lạc bộ này khi đó được phổ biến nhiều nhất trên mạng Yahoo 360. Sau này không còn Yahoo 360 thì chuyển sang một số mạng khác. Các trang blog bùng nổ và sau này các truyền thông mạng, mà người ta gọi là truyền thông lề trái. Nhưng mà có một số tờ báo, ví dụ như Báo Đại Đoàn Kết, nơi tôi công tác, và một số các tờ báo khác khi đó cũng chưa có quy định xiết các nhà báo trong vấn đề nêu ý kiến trên truyền thông mạng, bởi vì hiệu ứng của các trang báo độc lập lúc đấy cũng không được mạnh như bây giờ.
Hòa Ái: Thưa Blogger Điếu Cày, trước sự tăng cường kiểm soát một cách tối đa của Chính quyền Việt Nam hiện nay qua nhiều hình thức, chẳng hạn như họ kết hợp với Facebook và Google để kiểm duyệt và gỡ bỏ các thông tin trên mạng do những blogger và nhà báo độc lập đăng tải; hay là mới đây nhất dư luận tại Việt Nam cũng đang rất quan tâm đến các nhà mạng ở trong nước bắt buộc các khách hàng sử dụng thuê bao phải gửi hình chân dung của họ mà người ta cho rằng đây là một hình thức để quản lý chặt chẽ hơn nữa. Ông nghĩ rằng các blogger và nhà báo độc lập ở bên ngoài Việt Nam như ông sẽ làm gì để góp phần thúc đẩy sự phát triển của tự do báo chí ở Việt Nam, thưa ông?
Blogger Điếu Cày: Sau khi ra tù, tôi nhận ra rằng việc phát triển mạng lưới truyền thông tự do là một trong những việc quan trọng nhất. Bởi vì bạn ở trong nước thì bạn có thể tham gia vào các sự kiện và viết bài nhưng bạn gặp khó khăn trong việc có thể đặt máy chủ hoặc thiết kế, phát triển các trang mạng ở trong nước. Vì vậy, những bạn ở bên ngoài Việt Nam được tự do hơn để phát triển mạng lưới truyền thông tự do và góp phần vào phát triển mạng lưới này càng mạnh bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Vào do đó, chúng tôi mong muốn những mạng xã hội cũng như các trang website độc lập phát triển một cách mạnh mẽ. Đó là lý do vì sao chúng tôi hoạt động trên trang Baothamnhung.com và trang Vietnamweek.net. Trong đó, trang Vietnamweek.net từng bị hàng ngàn dư luận viên của Chính quyền Cộng sản Việt Nam báo cáo cho Facebook và Facebook chặn đường link của Vietnamweek.net. Chúng tôi phải khiếu kiện rất lâu thì họ mới mở lại.
Hòa Ái: Thưa Blogger Trương Duy Nhất, Chính quyền Việt Nam cũng tăng cường các biện pháp để quản lý truyền thông mạng xã hội, như là họ có một lực lượng hơn 10 ngàn người, gọi là “Lực lượng 47”, ông có nhận định gì về tính hiệu quả của lực lượng này?
Blogger Trương Duy Nhất: Tôi cho rằng sẽ không có hiệu quả được, bởi vì thực ra đến bây giờ tăng cường đội ngũ đó, chủ yếu xây dựng đội ngũ dư luận viên tham gia mạng để chống phá, chỉ mang tính chất quấy rối hoặc các lời bình luận, comments chỉ mang tính chất chửi bới trên mạng thôi. Tôi gọi là để đấu tranh bút chiến trên mạng thì gần như không có. Thật sự, những người cầm bút như chúng tôi đang mong muốn có sự đấu tranh bút chiến này để công khai tranh luận trên mạng, nhưng thực ra chỉ dùng để làm công cụ đàn áp, bắt bớ và giam cầm các cây bút lề trái là các nhà báo và blogger độc lập. Tình trạng bắt giữa các nhà báo và blogger tại Việt Nam ngày càng nhiều. Theo số liệu của Tổ chức Ủy ban bảo vệ các Nhà báo (CPJ) thì Việt Nam nằm trong số 6 quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất thế giới. Từ năm 2000 đến 2016, Việt Nam giam giữ 42 nhà báo, trong đó có 39 người là blogger và nhà báo độc lập, cộng thêm không dưới 10 nhà báo và blogger độc lập bị bắt trong năm 2017, và những tháng đầu năm 2018, tình trạng nhà báo bị bắt giữ và giam cầm đang bị báo động. Song song với việc bắt giữ, những bản án dành cho các nhà báo và blogger độc lập cũng nặng nề và tàn khốc hơn. Điển hình như vụ xử Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù, chị Trần Thị Nga là 9 năm và trường hợp mới nhất anh Hoàng Đức Bình đến 14 năm tù giam. Chủ yếu Chính quyền Việt Nam xây dựng đội ngũ trong quân đội và công an để tấn công và xử lý những cây bút lề trái.
Hòa Ái: Qua hai bản báo cáo mới nhất về tình hình tự do báo chí và tự do internet ở Việt Nam của RSF và Freedom House, và theo ghi nhận của hai vị, có thể tạm gọi tình hình tự do báo chí ở Việt Nam là một bức tranh rất ảm đảm. Xuyên suốt một thập niên qua, nếu như nói về 1 điểm sáng trong bức tranh ảm đạm này, thì điểm sáng đó là gì, thưa Blogger Điếu Cày?
Blogger Điếu Cày: Thực chất buổi ban đầu chúng tôi thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do thì các hoạt động mặc dù gần như là tự phát và mạng lưới truyền thông lúc đó cũng còn nhỏ lẻ. Tôi nhìn lại quãng đường gần 7 năm trong tù và thời gian ra ngoài thì tôi thấy rằng mạng truyền thông bây giờ đã phát triển mạnh so với trước rất nhiều, và những hoạt động trên mạng truyền thông bây giờ chuyên nghiệp hơn cũng như phối hợp trong và ngoài nước rất mạnh mẽ. Chúng ta thấy rằng nhà cầm quyền đã mất kiểm soát trên truyền thông. Họ không định hướng được và cũng không bưng bít được, mà đó là hai việc quan trọng nhất mà họ muốn làm. Bây giờ, hầu hết người dân xem tin tức trên Facebook nhiều hơn đọc báo. Đó là những điểm sáng mà chúng ta có thể nhìn thấy được. Mặc dù phong trào bị đàn áp rất khốc liệt, rất nhiều anh em nổi bật bị bắt, bị tù đày với những bản án rất nặng, nhưng tinh thần trên mạng không hề suy giảm
Blogger Trương Duy Nhất: Chúng tôi cho rằng mặc dù phía Chính quyền Việt Nam vẫn tăng cường trấn áp, nhưng cũng không thể làm nhục ý chí của hệ thống truyền thông mạng. Bởi vì nói như anh Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải thì cái gì cũng có hai mặt, trong sự u ám của báo chính chính thống như thế thì báo chí lề trái và truyền thông mạng lại tạo ra điểm sáng mà nhiều người nói là nó trở thành một quyền lực thứ 5, nhiều khi bỏ qua báo chí, dẫn dắt báo chí, chiếm đoạt quyền năng và thay thế chức phận của báo chí chính thống. Tôi nói đến những hiệu ứng tích cực đối với chính thể này thì lại thuộc về truyền thông mạng và báo chí lề trái và thực sự nó đã tạo nên những hiệu ứng mà phía chính quyền phải lắng nghe và phải thay đổi, thậm chí những chính sách và chủ trương lớn, đó là những điều báo chí chính thống không thể làm được và đã nhường hẳn thế trận cho truyền thông mạng và báo chí lề trái.
Hòa Ái: Cảm ơn Blogger Điếu Cày và Blogger/Nhà báo Trương Duy Nhất đã dành thời gian tham gia cuộc hội luận này với Đài RFA.
*Tham khảo toàn bộ nội dung cuộc hội thoại tại https://www.facebook.com/RFAVietnam/videos/10156441920244571/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét