Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

6779 - Người dân Thủ Thiêm yêu cầu kỷ luật ông Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang



Một phần của khu đô thị Thủ Thiêm nhìn từ trên cao
Một phần của khu đô thị Thủ Thiêm nhìn từ trên cao RFA

Tại cuộc họp với người dân Thủ Thiêm của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 20/10, một cử tri Thủ Thiêm yêu cầu thành phố phải “xử lý hình sự ông Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang”, là những lãnh đạo thành phố có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Cao Văn Ca, cử tri phường Bình Khánh, Quận 2 phát biểu trước đông đảo cử toạ cuộc họp rằng người dân Thủ Thiêm không muốn tiếp tục nghe lời xin lỗi của lãnh đạo thành phố, nhất là khi những lời xin lỗi đó lại không đến từ những người tham gia trực tiếp là cựu Bí thư thành phố Lê Thanh Hải và đương kim Phó Bí thư Thành uỷ Tất Thành Cang. Ông Ca đề nghị phải quốc hội phải đưa vụ án khu đô thị Thủ Thiêm vào chương trình nghị sự tại cuộc họp sắp diễn ra vào ngày 22/10. Theo ông, từ đó Uỷ ban Kiểm tra trung ương Đảng mới có cơ sở để có hướng kỷ luật đảng những người mắc lỗi.
Ngày 21/9 và 18/10 vừa qua, lãnh đạo thành phố HCM liên tục công khai xin lỗi người dân Thủ Thiêm về những sai phạm trong việc quy hoạch Thủ Thiêm, đẩy nhiều người dân vào khốn khó.
Phát biểu trước hàng trăm cử tri tại cuộc họp, Bí thư thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ xử lý cá nhân sai phạm ở Thủ Thiêm trong tháng 11 tới. Bí thư thành phố được truyền thông trong nước trích lời nói rằng trong tháng 11 này, các cán bộ thực hiện không đúng quy hoạch, đền bù tái định cư phải kiểm điểm. Tuỳ mức độ đến đâu, xử lý đến đó. Ông khẳng định ‘việc này cả Thanh tra Chính phủ, Trung ương sẽ cùng làm… những người có liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật’.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm bên kia bờ sông Sài Gòn được bắt đầu quy hoạch từ khoảng cuối những năm 90 và bắt đầu di dời giải toả vào khoảng đầu những năm 2000, tăng tốc vào giai đoạn 2012. Chính quyền thành phố muốn biến khu đô thị này thành một trung tâm tài chính giống như Phố Đông ở Thượng Hải. Tuy nhiên, quá trình giải toả đã khiến 14.600 hộ dân với khoảng 60.000 người phải di dời. Nhiều người trong số này không đồng ý với mức đền bù mà lãnh đạo thành phố đưa ra, và cho rằng có những nhóm lợi ích đứng đằng sau vụ quy hoạch để tham nhũng. Nhiều hộ dân đã ra tận Hà Nội để khiếu kiện nhiều năm ròng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét