Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

6788 - Quyết định của Trump về thương mại đã khiến dân chủ ở Việt Nam thụt lùi?



Việt Nam đã hứa hẹn nhiều hơn những quyền cho người lao động. Nhưng với việc TPP tồn tại mà không có Mỹ nữa, VN cộng sản đã tung ra một chiến dịch đàn áp.


Đó là một trong những hành động đầu tiên của Trump (trên cương vị Tổng thống): rút khỏi Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp ước thương mại bao trùm 12 quốc gia, một hiệp ước mà đã trở thành yếu tố quan trọng nhất trong “tái cân bằng chiến lược” của Tổng thống Barack Obama đối với châu Á.

Trump đã cáo buộc rằng những hiệp ước như vậy đã gây tổn hại cho ngành chế tạo của Mỹ, và ngày 23 tháng 1 năm 2017, tại Văn phòng Bầu dục, Trump đã ký lệnh rút khỏi TPP.

“Điều mà chúng tôi vừa thực hiện là một điều tuyệt vời đối với giới công nhân Mỹ”, Trump đã nói như vậy.

Bằng hành động đó, Trump đã khởi động một cơn bão kinh tế và chính trị mà hiện vẫn còn gây chấn động tại Việt Nam.

Không còn bị trói buộc bởi các điều kiện do chính quyền Obama áp đặt để tham dự vào hiệp ước thương mại này, chính phủ cộng sản Việt Nam đã loại bỏ kế hoạch cho phép các tổ chức công đoàn độc lập hoạt động và tung ra một chiến dịch khủng bố gắt gao nhất trong nhiều thập kỷ đối với giới bất đồng chính kiến. Chính phủ cộng sản Việt Nam đã bắt giữ đến vài chục nhà hoạt động xã hội, các blogger và những người ủng hộ dân chủ, kết án nhiều người với các bản án tù giam nặng nề từ 10 đến 20 năm.

Việt Nam là một ví dụ về sự xao lãng, một sự không mấy quan tâm (đến Việt Nam) của một số những quyết định sớm nhất của Trump (kể từ khi đắc cử tổng thống). Hiệp ước xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhanh chóng trở nên mờ nhạt, biến mất khỏi các tít lớn của báo chí Mỹ khi Trump tung ra các đợt trận chiến thương mại với quy mô và cường độ cao nhắm vào Trung Quốc, Châu Âu, Mexico và Canada. Nhưng các nhà ngoại giao và các nhà hoạt động lại cho rằng sự thay đổi chính sách đột ngột (của Trump) đã có một hiệu ứng làn sóng lan tỏa sâu rộng.

“Ngay sau khi Mỹ vừa mới rút khỏi TPP, quý vị đã có thể nhận thấy một sự thay đổi căn bản trong cung cách mà chính phủ [cộng sảnViệt Nam] đối xử với những công nhân, những nhà hoạt động trong giới lao động và công đoàn”, Đỗ Thị Minh Hạnh, 33 tuổi, một nhà hoạt động trong giới lao động, đã nói như vậy trong một quán cafe tại thành phố Hồ Chí Minh. “Rất nhiều người đã bị quấy rối, tiếp theo đó là bị cầm tù và bị đe dọa”.

Sự thay đổi chính sách của Trump không phải là yếu tố duy nhất trong các hoạt động đàn áp (của chính phủ cộng sản) Việt Nam - những người theo đường lối cứng rắn đã chiếm ưu thế trong đảng cộng sản (VN) và lo ngại về sự gia tăng các hoạt động xã hội và các cuộc biểu tình chống đối. Trump cũng không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm về số phận của TPP.

Obama đã không thuyết phục được một Quốc hội và công chúng (Mỹ) đầy hoài nghi về giá trị của TPP trước khi rời nhiệm sở, với kết quả là sáng kiến chính sách ngoại giao châu Á mang tên ông đã bị dư luận rộng rãi cho là không mấy hiệu lực. Thật vậy, đó là tâm trạng phổ biến của dư luận mà ứng cử viên (tổng thống) Hillary Clinton đã cho thấy ý định của bà muốn triệt thoái khỏi một thỏa thuận mà bà đã từng ca ngợi là “khuôn vàng thước ngọc” của các hiệp ước thương mại.

Khi được hỏi về quyết định (rút ra khỏi) TPP và tình trạng đàn áp tại Việt Nam, Garrett Marquis, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, nói rằng các hiệp ước thương mại không nhất thiết là sẽ mang lại hiệu quả cho công cuộc cải cách dân chủ. Ông lấy ví dụ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, và nói rằng việc đó “chứng tỏ rằng việc tăng cường nền thương mại quốc tế không phải lúc nào cũng dẫn đến tự do hóa các quốc gia độc tài độc đảng. Trong thực tế, nó có thể trì hoãn công cuộc tự do hóa bằng cách làm cho đảng cầm quyền mạnh hơn lên”.

Những điểm cộng và những điểm trừ của TPP là những vấn đề còn phải bàn cãi. Nhưng một số điều đang trở nên rõ ràng hơn.

Quyết định của Hoa Kỳ để thương thảo và sau đó rút lui khỏi TPP đã gây ra một cú sốc lớn đối với sự tin cậy của Mỹ tại châu Á, một điều mà Trung Quốc đã không ngần ngại để khai thác.

Các nhà hoạt động nói rằng quyết định này đã phải trả một cái giá bằng số phận thực tế của các nhà hoạt động dân sự Việt Nam.

Chính phủ Mỹ đã sử dụng các cuộc đàm phán về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương để đảm bảo những lời hứa từ lãnh đạo Việt Nam rằng Hà Nội sẽ sẽ cho phép nhiều quyền lao động và các cải cách khác. Ảnh: Linh Phạm/ Washington Post
Khi TPP còn đang được đàm phán, một phong trào chớm nở của các nhà hoạt động Việt Nam đã sử dụng truyền thông xã hội để truyền bá ý tưởng về các quyền của người lao động, về tính minh bạch, về trách nhiệm giải trình và thậm chí về một nền dân chủ. Chính phủ Hoa Kỳ (lúc đó cũng) đã thiết kế một thỏa ước thương mại sao cho được đảm bảo bởi những hứa hẹn từ giới lãnh đạo (cộng sản) Việt Nam rằng nó sẽ cho phép các công đoàn độc lập hoạt động, cho phép tăng cường kiểm soát môi trường và cho phép một mạng Internet tự do và cởi mở.

Khi TPP bị bỏ rơi, động lực đó bị đảo ngược.

Minh Hạnh đã nhìn thấy việc các nhà hoạt động đồng nghiệp trong giới công nhân bị bắt và bị các án tù dài hạn. Cô đã phải đối mặt với sự quấy rối liên tục, bao gồm cả bị tấn công bởi những người đàn ông đeo mặt nạ ném đá và chất nổ khi cô đang ở nhà của cha cô.

Lê Đình Lượng, một nhà hoạt động khác trong lĩnh vực môi trường, bị buộc tội lật đổ (chế độ nhà nước) và bị kết án 20 năm tù. Ông không được phép liên lạc với người vợ của mình, người mà đang lo sợ về sức khỏe mong manh của ông, nghĩa là ông có thể chết trong tù.

“TPP đã có thể là một luồng gió nào đó tạo sức đẩy cho các cánh buồm của các nhà hoạt động xã hội Việt Nam, các nhà hoạt động công đoàn và các nhà môi trường”, Brad Adams, giám đốc điều hành khu vực châu Á thuộc Tổ chức Nhân quyền (quốc tế) cho biết như vậy. “Việc rút khỏi TPP là một trở ngại lớn”.

“Động lực đối với công cuộc cải tổ 2.0”

Obama đã tính toán, đã thiết kế TPP như một cơ hội để Hoa Kỳ viết ra các quy tắc thương mại trong khu vực phát triển nhanh nhất của thế giới và nâng cao các tiêu chuẩn lao động và môi trường sao cho các công ty Mỹ không bị ảnh hưởng. Nhưng thỏa thuận này cũng là một nỗ lực ngụy trang mỏng manh nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, bằng cách hình thành một trật tự khu vực dựa trên luật lệ để loại trừ Bắc Kinh.

Những người có tư tưởng tự do trong đảng cộng sản Việt Nam đã coi TPP là một động lực, một sự tưởng thưởng mà chính phủ (cộng sản Việt Nam) cần có để mang lại một sự thay đổi, với việc nó (TPP) đề xuất, tạo ra một sự truy cập, một sự tiếp cận lớn hơn đối với một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam: (đó là) Hoa Kỳ.

“TPP là động lực đối với công cuộc cải cách 2.0, đối với môi trường kinh doanh, đối với công cuộc chống tham nhũng, đối với công cuộc cải cách lao động”, ông Trần Viết Thái, Phó tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược đối ngoại thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, một cơ quan nghiên cứu thuộc bộ ngoại giao (VN) cho biết như vậy.

Hiệu ứng lan tỏa

Việt Nam cam kết không chỉ cho phép các tổ chức công đoàn độc lập mà còn loại bỏ lao động trẻ em và cung cấp cho các công ty tư nhân một cơ hội lớn hơn để cạnh tranh với khu vực doanh nghiệp do nhà nước cộng sản điều hành. Các công dân được hứa hẹn một mạng “Internet tự do và cởi mở”.

Việt Nam, một quốc gia có hơn 95 triệu người, có nền kinh tế phát triển nhanh chóng và Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước này. Ảnh: Linh Phạm/ The Washington Post
Vào tháng 2 năm 2016, Hoa Kỳ và 11 quốc gia khác đã ký hiệp ước đó (TPP). Nó còn phải được quốc hội các quốc gia đó phê chuẩn. Nhưng lần đầu tiên kể từ thời chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã có được một đòn bẩy thực sự để buộc đảng cộng sản (VN) trao cho người dân một sự tự do chính trị lớn hơn.

Nhưng sau đó, chính quyền Trump đã triệt thoái khỏi TPP.

Ted Osius, đại sứ Mỹ tại Việt Nam lúc đó cho biết: “Nó (chính quyền Trump) đã bất thần rút bỏ sự ủng hộ đối với các nhà cải cách (VN)”.

Các vụ bắt giữ nhà hoạt động

Trong quá trình đàm phán TPP, Osius đã liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải có được một hiệp ước thương mại được Quốc hội phê chuẩn, và ông sẽ mang các lá thư của các thành viên của Quốc hội (Mỹ) sang cho chính phủ Việt Nam để nhấn mạnh sự chú ý của họ (các thành viên của Quốc hội Mỹ) đối với các vấn đề nhân quyền.

“Đó đã là một thông điệp rất mạnh mẽ”, Osius, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp được Tổng thống Obama bổ nhiệm làm đại sứ (Mỹ tại VN) đã nói như vậy. “Nó không hàm ý rằng họ (chính phủ cộng sản VN) đã mở toang tất cả cánh cửa các nhà tù, nhưng họ đã phải cân nhắc, phải suy xét về quan điểm của Mỹ trước khi họ đưa ra quyết định. Tôi không nghĩ đó còn là vấn đề được quan tâm kể từ khi chúng ta (Mỹ) rút ra khỏi TPP”.

Nhưng ở Việt Nam, các lực lượng khác vẫn đang hoạt động.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra vào mùa xuân năm 2016 sau một vụ xả thải hóa chất độc hại gây ra một thảm họa môi trường tồi tệ nhất của đất nước (VN), với việc môi trường biển tại suốt một dải lớn bờ biển bị bức tử (thảm họa môi trường Formosa – người dịch). Sự cố xảy ra tại một nhà máy do một công ty Đài Loan điều hành, nhưng sự giận dữ đã nhắm vào chính phủ Việt Nam vì cách thức ứng phó chậm chạp, thiếu minh bạch và tham nhũng.

Đó là cơn giận dữ lớn nhất trong bốn thập kỷ cai trị của Đảng Cộng sản (4 thập kỷ, tức là tính từ sau 1975 – người dịch).

Trong nội bộ Bộ chính trị (của đảng) cầm quyền của Việt Nam, những phần tử bảo thủ cứng rắn đã giành được thế thượng phong trong giai đoạn chuyển giao quyền lực chính trị vào tháng 1 năm 2016, trong khi Obama vẫn còn đang ở trong Nhà Trắng. Họ (cộng sản VN) không có ý định dung thứ cho một cuộc nổi dậy.

Dấu hiệu đầu tiên của một chiến dịch đàn áp đã diễn ra thậm chí ngay trước khi Trump thắng cử trong cuộc đua vào Nhà trắng, với sự giam giữ của một blogger được biết đến với cái tên Mẹ Nấm (“Mother Mushroom”) vào tháng 10 năm 2016. Nhưng không cần phải đến mùa hè năm 2017, việc bắt giữ các nhà hoạt động đã bắt đầu trở nên dày đặc và chóng vánh.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế thì Mẹ Nấm, (“Mother Mushroom”), tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trong quá khứ đã từng bị bắt giữ, nhưng lần này thì khác, bà đã phải lãnh một bản án 10 năm được tuyên vào tháng 6 năm 2017 vì “tiến hành tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa”. Bà là một trong số ít nhất 29 nhà hoạt động xã hội Việt Nam đã bị bắt giữ trong năm 2017 vì các bài viết và các hoạt động của họ vì các mục đích nhân quyền, môi trường và dân chủ.

Một tháng sau, vào tối ngày 24 tháng 7 năm 2017, nhà hoạt động môi trường Lê Đình Lượng đang trên đường về nhà thì bị một tá các nhân viên an ninh mặc thường phục ngăn chặn, đánh đập và đưa ông đi mất tích, người vợ của ông cho biết như vậy. Ông Lượng là một doanh nhân thành đạt (nhưng) nay đã trở thành một nhà tổ chức cộng đồng và một blogger.

Bà Nguyễn Thị Quý, 53 tuổi, vợ của ông, trong một cuộc phỏng vấn tại Hà Nội, cho biết rằng “Ông ấy (Lê Đình Lượng) muốn giúp đỡ những người khác, những người yếu thế và nghèo khổ, để chống lại sự bất công. Con trai và con dâu của chúng tôi (của ông bà Lê Đình Lượng) cũng đã bị đánh đập khi họ tìm hỏi cảnh sát về nơi hiện đang giam giữ ông Lê Đình Lượng”.

Ông Lê Đình Lượng, năm nay 52 tuổi và bị bệnh gút, bị kết án 20 năm tù vì “thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Vào năm 2013, Nguyễn Văn Đài, một luật sư, cùng với một số nhà hoạt động khác, đã thành lập Hội anh em dân chủ (“Brotherhood for Democracy”), và đã đi nhiều nơi trên đất nước (VN) để truyền bá những kiến thức cho những người khác về những phương cách để bảo vệ các quyền của họ.
Luật sư Nguyễn Văn Đài.
Vào ngày 5 tháng Tư, sau một phiên tòa, ông Đài, cùng với năm lãnh đạo khác của nhóm, đã bị kết án 15 năm tù. Ông Đài và một trong số những đồng nghiệp của ông đã được nhà cầm quyền trả tự do sang Đức - một phần là trên những lý do về sức khỏe (thật là một sự nhân đạo cộng sản! - người dịch) và một phần là nhờ có áp lực quốc tế, ông Đài nói. (Nhưng nếu không có áp lực quốc tế thì liệu cái “lý do về sức khỏe” kia có đủ để đưa ông Đài sang Đức hay không – người dịch).

Nếu chính phủ Mỹ (của Trump) không rút ra khỏi TPP, thì “Việt Nam sẽ phải thực hiện nhiều cam kết về cải thiện nhân quyền, cải thiện tình cảnh của những người lao động”, ông Đài nói trong một cuộc phỏng vấn tại căn nhà hai phòng khiêm tốn ngoại ô Frankfurt. “Nó sẽ là một cơ hội để thay đổi đất nước của chúng tôi”.

Việt Nam vẫn có ý định tham gia vào một phiên bản TPP mà sẽ vận hành nhưng không có Hoa Kỳ. Nhưng thỏa thuận đó đã loại trừ nhiều những bước đi khó khăn mà (chính phủ cộng sản) Việt Nam đã cam kết, kể cả các quyền của người lao động.

Hai phong cách, hai Tổng thống

Trong khi những phản ứng dội ngược ngày càng gia tăng, Heather Nauert, người phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao (Mỹ) đã nhiều lần nói rằng chính quyền (Trump) “vô cùng quan ngại” về việc cáo buộc và tuyên án đối với các nhà hoạt động xã hội Việt Nam, khi họ kêu gọi chính phủ (cộng sản Việt Nam) cho phép các cá nhân “thể hiện quan điểm của họ một cách tự do mà không sợ bị trả thù”.

Chính quyền Trump cũng gây áp lực để Việt Nam phải tôn trọng tự do tôn giáo, một viên chức trợ lý cao cấp của Nhà Trắng nói, với điều kiện giấu tên vì người này không được phép bình luận về hồ sơ này. Nhưng viên chức này thừa nhận rằng Hà Nội đã phần lớn phớt lờ áp lực từ bên ngoài.

“Tình hình là tồi tệ”, viên chức này nói. “Tôi nghĩ đó là một trở ngại đối với mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với Việt Nam”.

Ông Adams, người của Tổ chức Nhân quyền quốc tế, cho biết chính quyền cộng sản (VN) hiện nay phần lớn đã coi thường các khiếu nại của Bộ Ngoại giao (Mỹ).

Ông Adams nói: “Khi họ (chính quyền cộng sản VN) nhìn nhận Trump, họ thấy đó là một tổng thống Hoa Kỳ, người đã cho thấy ngày càng rõ hơn và rõ hơn rằng ông ta (Trump) không quan tâm đến các vấn đề nhân quyền và dường như nhìn nhận ông ta (Trump) như những người hùng”.

Tổng thống Barack Obama gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng vào tháng 7 năm 2015. Ảnh: Saul Loeb / AFP / Getty Images
Câu chuyện đằng sau hai cách hành xử của Hoa Kỳ đối với TPP cũng là một câu chuyện về hai phong cách khác nhau đáng kể của hai tổng thống.

Mặc dù có những lo ngại lâu dài về thành tích nhân quyền của Việt Nam, nhưng ông Obama quyết định rằng ông muốn đất nước Mỹ phải tham gia vào TPP, để tách biệt TPP (gồm 12 quốc gia) ra khỏi Trung Quốc.

Hồi tháng 7 năm 2015, Obama đã phá vỡ một tiền lệ để gặp tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam tại Washington. Tổng thống Mỹ đã dành bốn giờ để chuẩn bị cho cuộc gặp và có một thông điệp quan trọng để truyền đạt. Ông nói với Nguyễn Phú Trọng rằng Hoa Kỳ “tôn trọng” các hệ thống chính trị khác nhau, ba người có mặt tại cuộc gặp đó đã cho biết như vậy.

Nhân quyền và các quyền tự do dân chủ vẫn là những điều quan trọng, Obama nói, nhưng Washington không tìm cách lật đổ (chính quyền của) đảng cộng sản (VN).

Cuộc gặp đó đã mở đường cho một loạt các thỏa thuận song phương mang tính đột phá, theo Evan Medeiros, người mà sau này sẽ là giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia.

Chúng bao gồm việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí vào năm 2016 và một văn thư (phụ lục) đính kèm (“a side letter”) của thỏa thuận TPP, trong đó Hà Nội hứa sẽ sửa đổi các luật lệ của mình để cho phép các tổ chức công đoàn độc lập hoạt động.

Những tín hiệu từ Trump

Những chống đối ban đầu của Trump đối với TPP là nó (TPP) sẽ là một thỏa thuận tồi tệ đối với giới doanh nghiệp, giới công nhân và người nộp thuế ở Mỹ. Trong một cuộc tranh luận của chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa vào tháng 11 năm 2015, ông Trump than phiền rằng TPP đã thất bại trong việc giải quyết các hoạt động thao túng tiền tệ của Trung Quốc - mặc dù Bắc Kinh không phải là một phần của thỏa thuận TPP này. Sau đó, ông Trump đã viết trên tài khoản Tweet rằng ông hàm ý rằng Trung Quốc sẽ “đi vào cửa sau vào một ngày nào đó sau này”.

Vào thời điểm Trump nhậm chức, việc rút ra (khỏi TPP) là một “kết quả biết trước chắc chắn”, Thomas Shannon, một nhà ngoại giao lâu năm, người đã từng là quyền bộ trưởng ngoại giao vào thời điểm đó đã nói như vậy.

Trump “đã lượng định rõ ràng rằng TPP đã chết khi đến được phòng họp của Quốc hội chúng tôi (Mỹ)”, Shannon nói. “Tại sao ông ấy lại cứ phải đi đầu tư vốn liếng chính trị của mình vào một thỏa thuận mà ông ấy không hề thương thảo và đã nhận được rất nhiều lợi ích chính trị từ những cuộc tấn công như vậy như một ví dụ khác về việc giới tinh hoa phụ trách chính sách đối ngoại (của nước Mỹ) đang đàm phán các hiệp định mà phần lớn là theo một cách thức bí mật?”.

Cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với Việt Nam tương tự như của chính quyền Obama xét trên hai phương diện: (1) Nó nhấn mạnh một cách đáng kể tới mối quan hệ quân sự và an ninh ngày càng tăng, và (2) nó giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam tiếp cận được các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của chính phủ Hoa Kỳ.

Nhưng trên những phương diện khác, nó rất khác biệt.

Hồi tháng Năm năm 2017, Trump đã tiếp thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, tại Nhà Trắng. Osius, người cũng có mặt tại đó, cho biết rằng H.R McMaster - cố vấn an ninh quốc gia lúc đó, chỉ có năm phút để thông báo tóm tắt cho Trump. Một số nội dung của cuộc thông báo đó được Trump trao qua đổi lại với giọng điệu, sắc thái bỡn cợt.

“Rõ ràng là tổng thống (Trump) không biết là ai sẽ đến gặp ông ta, không biết nội dung cuộc gặp là gì và thậm chí không quan tâm đến những vấn đề sâu xa”, ông Osius nói.

Các quan chức Nhà Trắng thì lại phủ nhận rằng Trump đã không mấy được chuẩn bị. Một trợ lý cao cấp của Nhà Trắng cho biết rằng tổng thống (Trump) được thông báo về các cuộc gặp sắp tới với các nhà lãnh đạo nước ngoài trong các phiên họp giao ban ngắn gọn về các hoạt động trọng điểm nhiều tuần trước đó. Việc chuẩn bị của McMaster chỉ là một sự đánh giá cuối cùng, quan chức này cho biết như vậy.

Tháng 11 năm 2017, Trump tiếp Chủ tịch Trần Đại Quang tại Hà Nội như là một phần của chuyến thăm đến 5 nước châu Á. Một tuyên bố chung nói rằng “hai nhà lãnh đạo công nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người”.

Nhưng điều rõ ràng là Trump đã tập trung vào những vấn đề khác. Trong khi Obama, trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2016, đã gặp gỡ các nhà hoạt động xã hội dân sự và thanh niên, thì Trump lại nhấn mạnh đến việc cắt giảm thâm hụt thương mại và bán thiết bị quân sự của Mỹ.

“Chúng tôi muốn Việt Nam mua (nhiều hơn) từ phía chúng tôi, và chúng tôi đành phải loại trừ sự mất quân bình trong cán cân thương mại”, Trump nói. “Ngoài ra, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có một mối quan hệ tuyệt vời”.

“Không bao giờ bỏ cuộc”

Mối nghi ngờ (và thậm chí là ác cảm của người dân Việt Nam – người dịch) đối với Trung + đang dâng cao tại Việt Nam, không hẳn là bởi vì hai nước đang tranh chấp quyết liệt về các hòn đảo ở Biển Đông. Cho dù là ai ở trong Nhà Trắng đi nữa thì các nhà lãnh đạo Hà Nội vẫn cứ sẽ phải tiếp tục tìm đến Hoa Kỳ để cân bằng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Hồi cuối tháng 7, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tới thăm Đông Nam Á để quảng bá “Tầm nhìn kinh tế Thái Bình Dương” – một sự thay thế (của chính quyèn Trump) cho TPP, đã hứa hẹn một sự can dự về kinh tế lớn hơn dựa trên các nguyên tắc “tự do và cởi mở” và được dẫn dắt bởi các công ty Mỹ (và có lẽ điều này đã dẫn tới việc có các tin đồn rằng Mỹ sẽ khai thác ít nhất là dầu khí tại biển Đông, bất chấpTrung + chăng? – người dịch).

Trong khi đó tại Việt Nam, phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ Pope Thrower cho biết chính phủ Mỹ đã duy trì “cam kết lâu dài của mình để làm việc với các đối tác chính thức và phi chính phủ để nâng cao các quyền của người lao động tại Việt Nam”.

Nhưng (Đỗ Thị) Minh Hạnh, một nhà hoạt động trong phong trào công nhân, thì lại cảm thấy mọi thứ hơi khác một chút.

Cô biết ơn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đã giúp giải phóng cô ra khỏi một nửa của bản án tù bảy năm vào năm 2014 nhưng giờ đây cô cảm thấy cô đơn hơn.

“Thực tế là việc Hoa Kỳ ít quan tâm hơn đến các công đoàn đã khiến nhiệm vụ của tôi với tư cách là một nhà hoạt động công đoàn trở nên khó khăn hơn một chút”, cô nói. “Nhưng chúng tôi những nhà hoạt động sẽ không bao giờ lùi bước, không bao giờ từ bỏ cuộc đấu tranh, cho dù có hoặc không có sự hỗ trợ của Mỹ”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét