Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

6794 - Nước Pháp và những cuộc truy lùng tội phạm chiến tranh


Một bé gái giữa những căn nhà đổ nát tại Raqqa, Syria, ngày 12/10/2018. Làm sao xác định được tội ác của chế độ Assad?Reuters
« Những ngày thế giới đấu tranh nhắm vào tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại » lần đầu tiên được Viện Công Tố Paris tổ chức từ ngày 18/10/2018 tại Paris. Nhân dịp này, tuần báo L’Express giới thiệu bài viết « Nước Pháp truy lùng tội phạm chiến tranh bằng cách nào ? »
Năm 2012, Cơ quan trung ương đấu tranh nhắm vào các tội ác chống nhân loại, các vụ thảm sát và tội ác chiến tranh được thành lập với nhiệm vụ truy lùng những kẻ đã gây ra các vụ thảm sát, những tên đao phủ và những kẻ tra tấn, từ châu Phi cho tới Trung Đông, nếu nạn nhân hoặc hung thủ là người Pháp hoặc thủ phạm đang có mặt tại Pháp. Cơ quan này cũng có nhiệm vụ truy tìm những kẻ đã gây ra các tội ác tại Pháp có liên quan đến sắc tộc, tôn giáo và khuynh hướng tính dục của các nạn nhân.
Năm 2017, cơ quan này xử lý hơn 70 hồ sơ. Mùa thu năm nay, số hồ sơ mà họ đang sử lý nhiều hơn so với năm ngoái khoảng 20 vụ. Các hồ sơ liên quan đến Rwanda trong nhiều năm liền luôn chiếm số lượng nhiều nhất, năm nay tụt xuống hàng thứ 2 với 18 hồ sơ đang xử lý. Đứng đầu là Syria (25 vụ), đứng thứ ba là Trung Phi (17 hồ sơ).
Trên tường của trụ sở cơ quan điều tra về tội ác chống loài người, các vụ thảm sát và tội ác chiến tranh, những bức ảnh chụp các hàng rào thép gai, vũ khí, những khuôn mặt sưng vù, những em nhỏ bị sát hại … gợi cho người ta nhớ đến những cảnh tượng man rợ, tàn bạo trong quá khứ và cả ở hiện tại.
Một khó khăn lớn đặt là làm thế nào điều tra được các tội ác xảy ra cách nước Pháp hàng ngàn km, đôi khi là từ cách nay nhiều năm. Chẳng hạn, làm cách nào để xác định danh tính những kẻ đã tra tấn những người đối lập với chế độ của tổng thống Syria Bachar al Assad khi chỉ dựa trên 54.000 tấm ảnh chụp thi thể của các nạn nhân đã bị hành quyết mà một cựu nhiếp ảnh gia của lực lượng an ninh quân sự Syria đã mang ra khỏi đất nước mình ? Một thẩm phán lãnh đạo đơn vị điều tra « Tội ác chống nhân loại » thuộc viện Công Tố Paris cho biết họ cần xác định trách nhiệm của từng cá nhân trong các tội ác mang tính tổ chức tập thể.
Tìm kiếm và phân tích các tài liệu và hồ sơ lưu trữ, tìm lại được các nhân chứng và những người may mắn thoát nạn, đó là công việc hàng ngày của nhân viên cơ quan chống tội ác chống loài người, các vụ thảm sát và tội ác chiến tranh. May mắn là các hiến binh, cảnh sát thuộc cơ quan này có thể dựa vào mạng xã hội, mạng internet, phần mềm nhận diện hình ảnh từ mọi nguồn như Youtube, các vidéo giám sát an ninh … và các tổ chức phi chính phủ.
Ngoài ra, còn phải kể tới các định chế chính thống như mạng lưới điều tra về các vụ thảm sát thuộc cơ quan Tư Pháp châu Âu Eurojust, gồm các thẩm phán và nhà điều tra của châu Âu, Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, Na Uy ; cơ quan cảnh sát châu Âu Europol và cơ sở dữ liệu của Europol về « tội phạm quốc tế » hoặc M3I, cơ quan của Liên Hiệp Quốc chuyên về thu thập chứng cớ về cuộc xung đột ở Syria.
Từ năm 2015, Cơ quan bảo vệ di dân và những người vô quốc tịch đã báo động Tư pháp Pháp về tình trạng một số di dân Syria, Iraq, Sri Lanka, Lybia, Tchéchènia … đến Pháp xin tị nạn trong khi những người này bị tình nghi là đã từng gây ra tội ác chiến tranh ở đất nước họ. Chỉ trong một năm qua, số hồ sơ đặc biệt được đóng dấu « 1F » đã tăng vọt từ 10 lên tới khoảng 40 vụ.
Hồi năm 2017, một người Irak, 30 tuổi, tên là Ahmed H. đã được nhà chức trách Pháp cấp quy chế tị nạn, nhưng sau này chính Cơ quan này, phối hợp với An Ninh Nội Địa Pháp, đã nghi là người này thuộc hàng ngũ chỉ huy của Daech và đã tham gia vào một vụ thảm sát nhắm vào doanh trại quân đội Speicher, gần Tikrit, khiến 1.400 tân binh Irak thiệt mạng.
Cú sốc Ả Rập Xê Út
Một trong những đề tài được nhiều tuần báo Pháp quan tâm là « Cú sốc Ả Rập Xê Út » liên quan đến cuộc khủng hoảng sau vụ nhà báo đối lập với chính quyền Riyad, Jamal Khashoggi, mất tích khi tới tòa lãnh sự của Ar Rập Xê Út ở Thổ Nhĩ Kỳ làm giấy tờ. Theo tuần báo Le Point, vụ mất tích của nhà báo Khashoggi gây hại cho các nỗ lực cởi mở của chế độ Riyad.
Hoàng thái tử Mohamed Ben Salmane, với biệt hiệu MBS, đã thể hiện là một người canh tân dẫn dắt Ả Rập Xê Út tiến tới kỷ nguyên của những tiến bộ. Tuy nhiên, theo nhà báo Luc de Barochez, sự bốc đồng và tính hung hăng của vị thái tử 33 tuổi đã khiến Trung Đông vốn bất ổn lại càng thêm bất ổn. Luc de Barochez cũng cho rằng những hành động vô liêm sỉ của Mohamed Ben Salmane đã mang lại cho vương quốc Ả Rập Xê thêm nhiều rủi ro chính trị, quân sự và tài chính.
Chính quyền Riyad bị nghi ngờ có dính líu đến vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích hôm 02/10/2018. Theo các nhà điều tra thổ Nhĩ Kỳ, nhà báo Khashoggi đã bị tra tấn, giết hại, thi thể bị chặt thành nhiều khúc ngay bên trong tòa lãnh sự. Trước khi xảy ra vụ việc này, Ả Rập Xê Út đã có hàng loạt quyết định vừa tàn nhẫn, vừa vô nghĩa về ngoại giao.
Mặc dù Ả Rập Xê Út là nước có ngân sách quân sự cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, nhưng cuộc chiến khốc liệt ở Yemen mà Ả Rập Xê Út tiến hành nhắm vào phe nổi dậy Hồi Giáo hệ Shia vốn đã rệu rã, nay bước sang tận năm thứ tư mà Riyad vẫn chưa có cơ hội chiến thắng. Vụ Ả Rập Xê Út áp đặt quyết định phong tỏa Qatar lại càng củng cố vị thế quốc tế của quốc gia nhỏ bé này. Vụ thủ tướng Liban Saad Hariri bị bắt cóc ở Riyad cũng chỉ được giải quyết nhờ sự can thiệp của tổng thống Pháp.
Còn ngay tại Ả Rập Xê Út, mặc dù thái tử MBS cho phụ nữ được quyền lái xe hơi, nhưng ông cũng đã cho bỏ tù nhiều nhà tranh đấu là phụ nữ. Trong khi chính quyền Riyad đang nỗ lực thu hút đầu tư, việc thái tử cho giam giữ vài chục doanh nhân và thành viên hoàng tộc trong một khách sạn hạng sang suốt nhiều tuần lễ đã làm giảm lòng nhiệt tình các nhà đầu tư nước ngoài. Quyết định của thái tử Mohamed Ben Salmane đưa hãng dầu lửa khổng lồ Aramco lên sàn chứng khoán để có thu hút tài chính cho công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế cũng đã thất bại.
Vụ việc xảy ra ở Istanbul làm phiền lòng những người đã từng hy vọng là thái tử MBS sẽ làm thay đổi sâu sắc Ả Rập Xê Út, giải phóng nền kinh tế khỏi sự lệ thuộc vào chất đốt, đưa xã hội thoát ra khỏi sự gò bó bảo thủ và khyến khích chủ nghĩa Hồi Giáo cởi mở, tự do, thay cho chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan mà Riyad tuyên truyền suốt nhiều thập kỷ.
Thế nhưng, theo tuần báo Le Point, hoàng thái tử Mohamed Ben Salmane cải tổ đất nước trước tiên là để củng cố chế độ quân chủ chuyên chế. MBS cuối cùng cũng chỉ là một nhà chuyên chế. Hình mẫu của MBS là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã cho bắt giam giám đốc Interpol và tổng thống Nga Vladimir Putin, người có liên quan tới kế hoạch ám sát cựu điệp viên Sergeil Skripal bằng vũ khí hóa học ở Anh Quốc.
Và cuối cùng, bước thụt lùi của Ả Rập Xê Út là một sự sỉ nhục đối với châu Âu, nhất là Pháp và Anh Quốc, hai nước ủng hộ Riyad mạnh mẽ nhất trong số các nước châu Âu. Cả hai nước đều khuyến khích phát triển thương mại với Ả Rập Xê Út, với hy vọng có được những hợp đồng mang lại nhiều lợi nhuận. Paris và Luân Đôn đều nhắm mắt làm ngơ trước nhiều hành động của Riyad, chẳng hạn vụ không quân Ả Rập Xê Út đã ném bom một chiếc xe bus chở học sinh đi học, cướp đi mạng sống của 40 em nhỏ ở Yemen hôm 09/08.
Pháp và Anh cũng giữ yên lặng khi Riyad hủy các hợp đồng với Đức, vì Berlin nhấn mạnh việc Riyad phải tôn trọng nhân quyền, hay khi MBS cắt đứt quan hệ với Canada khi nước này kêu gọi Riyad trả tự do cho hai nhà nhà đấu tranh dân chủ. Vì những chuyện này mà Pháp và Anh mất thể diện, nhưng không vì thế mà hai nước kiếm thêm được hợp đồng với Ả Rập Xê Út.
Bài báo kết luận : Suốt hơn 70 năm qua, Ả Rập Xê Út tạo dựng sức mạnh và sự phồn thịnh dựa trên 3 cột trụ : dầu lửa, đạo Hồi và nước Mỹ. Dầu lửa thì không thể khai thác mãi được, Hồi Giáo thì đã bị tổ chức khủng bố Al Qaeda làm cho rung chuyển. Còn sự ủng hộ của Hoa Kỳ, có được nhờ tổng thống Mỹ Donald Trump, sẽ kéo dài cho đến khi nào ?
Cải cách hưu trí và những điều người Pháp muốn
Trong tuần qua, cải cách hưu trí là một đề tài được nhiều báo Pháp quan tâm. Nghiệp đoàn CFDT của Pháp mới đây đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến về hưu trí. Trong bài viết có tiêu đề « Điều người Pháp muốn », tuần báo l’Obs giới thiệu phân tích của nhà kinh tế Annie Jolivet thuộc Trung tâm nghiên cứu về lao động và việc làm, theo đó các cuộc thăm dò ý kiến của nghiệp đoàn CFDT về chế độ hưu trí chưa bao thu hút được sự quan tâm của nhiều người đến như vậy (120.000 người trả lời). Điều đó cho thấy người dân Pháp rất quan tâm và lo lắng về chế độ hưu trí.
Đa phần những người ở tuổi 40 không chắc sẽ được hưởng lương hưu. Tỉ lệ lo ngại này thấp hơn ở những người sắp tới tuổi về hưu. Nhưng đối với những người ở tuổi 62-67, về hưu thường bị xem là « điều đáng sợ ». Dù ở lứa tuổi nào thì đa phần số người được hỏi dự báo mức sống của họ khi về hưu sẽ kém đi. 65% cho rằng người hưu trí là người nghèo.
Những người lo ngại nhất về chế độ hưu trí là những người có nhiều vấn đề về sức khỏe, những người đã có thời gian thất nghiệp, ký hợp đồng ngắn hạn hay chỉ có việc làm tạm thời, những người vốn hay thất bại trong sự nghiệp, muốn giữ công việc lâu dài cho đến tuổi về hưu cũng là điều khó khăn.
Phụ nữ cũng lo lắng nhiều hơn nam giới về chế độ hưu trí. Để có thời gian chăm sóc gia đình, con cái, nhiều phụ nữ chỉ làm việc bán thời gian, xin nghỉ chế độ kéo dài để chăm sóc con nhỏ, nên họ sợ tiền trợ cấp hưu trí sau này sẽ thấp. Cứ ba phụ nữ thì có hai người cho rằng chế độ hưu trí dành nhiều ưu đãi hơn cho phụ nữ cũng là điều bình thường, bởi vì phụ nữ thường thiệt thòi hơn trong sự nghiệp so với nam giới. Khoảng 20% số nam giới được hỏi cũng đồng ý như vậy. Nhưng điều cần thiết nhất, theo nhiều người, là phải giảm sự bất bình đẳng nam - nữ trong lĩnh vực lao động.
Mỹ phẩm dành cho phụ nữ ung thư vú
Trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, trong bài viết « Ung thư, làm thế nào để được thoải mái », tuần báo L’Expresse cho biết năm 2017 Pháp ghi nhận thêm 4.000 phụ nữ mắc bệnh ung thư vú, nhưng cho tới nay các thương hiệu mỹ phẩm lớn vẫn chần chừ chưa dám hướng trực tiếp tới nhóm khách hàng này. Rất may là còn có những doanh nghiệp mới, những nhà sản xuất nhỏ quan tâm cho ra mắt các dịch vụ chăm sóc, làm đẹp hay các dòng mỹ phẩm đặc biệt phù hợp với các phụ nữ đã qua quá trình trị liệu ung thư.
Hồi đầu tháng 10, ở Bordeaux, rất nhiều phụ nữ sau phẫu thuật cắt bỏ khối u ở ngực đã tới Tuần lễ xăm hình « Rose Tattoo » để được các nghệ nhân xăm hình lên ngực để xóa vết sẹo hoặc làm đẹp bộ ngực đã qua phẫu thuật tái tạo. Các nghệ nhân tham gia tuần lễ xăm hình cho phụ nữ bị ung thư vú đều làm việc tình nguyện, không thu phí.
Còn hãng mỹ phẩm « Même » thì cho ra mắt dòng sản phẩm chăm sóc đặc biệt cho làn da, móng tay, mái tóc … của những phụ nữ phải trị liệu ung thư, giúp họ quyến rũ hơn. Chỉ trong vòng 1 năm, thương hiệu mỹ phẩm Memecosmetics đã gặt hái được nhiều thành công, mở rộng được mạng lưới phân phối sản phẩm : từ chỉ bán hàng trên mạng và có sản phẩm bán ở 300 hiệu thuốc, nay Memecosmetics đã có 1.500 điểm bán hàng.
Sáng kiến của những hãng mỹ phẩm nhỏ như Memecosmetics hay Ozalys đã có tác động nhất định đối với các hãng mỹ phẩm lớn trong việc chú ý hơn đến những phụ nữ không may mắc bệnh ung thư vú.
Trung Quốc: Thế hệ trẻ em nông thôn bị smartphone hủy hoại
Trong lĩnh vực xã hội, tuần báo Courrier International dịch và giới thiệu bài viết « Thế hệ trẻ em nông thôn bị smartphone hủy hoại » đăng trên tờ Trung Quốc Thanh Niên Báo (Zhongguo Qingnian Bao).
Tại Trung Quốc, khoảng 60-100 triệu trẻ em ở nông thôn sống xa cha mẹ. Họ rời làng quê ra thành phố kiếm sống, thường là ở hững nơi rất xa. Trong thời đại công nghệ số, tương lai của các em dường như còn đen tối hơn vì thói quen sử dụng điện thoại di động không thể kềm chế.
Bài phóng sự được bắt đầu với câu chuyện về một thiếu niên học bậc phổ thông, sống ở nông thôn miền đông Trung Quốc cùng bà vì cha mẹ em đi làm ăn ở tận Bắc Kinh. Cậu bé hàng ngày mải miết chơi điện thoại di động, bất chấp những lời than vãn của bà. Bà em nói đã già, thậm chí là quá già nên không thể quản lý nổi em. Nghỉ hè, buổi sáng, mặt trời đã lên cao mà em vẫn nằm ườn trên giường chơi điện tử trên smartphone. Buổi trưa, ăn vội vàng vài miếng rồi cậu bé lại chơi điện tử. Đêm khuya, thậm chí đến 2-3 giờ sáng, cậu vẫn còn chơi điện thoại. Trả lời với phóng viên, cậu bé nói « Cháu còn biết làm việc gì khác ngoài chơi điện tử ? ».
Đúng là rất khó để tìm được trò chơi gì hay ở trong làng, các em không có chỗ bơi lội, không được trèo cây, chẳng có hoạt động vui chơi nào khác, cũng không có lớp học phụ đạo. Ở Trung Quốc, trò chơi điện tử trực tuyến ngày càng hủy hoại cuộc sống của các thiếu niên, bởi nhiều em chơi không ngừng nghỉ và cho rằng thế mới là hợp thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét