Nền kinh tế Việt
Nam sẽ như thế nào trong trận thương chiến của Mỹ-Trung Quốc?
Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng của đảng Cộng sàn Việt Nam đã chính thức nhận thêm vai trò
Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kề từ ngày 23 Tháng 10. Trong
vai trò tập trung này, ông có thể đưa kinh tế Việt Nam về đâu khi mâu thuẫn
giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng gia tăng? Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu
sau đây…
Bối cảnh của Việt nam
Nguyên
Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam
xin chào chuyên gia kinh tếNguyễn-Xuân Nghĩa. Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng vừa kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước của Việt Nam đã được nhiều người so
sánh với trường hợp Tổng bí thư Tập Cận Bình bên Trung Quốc, thưa ông, nếu vậy
thì liệu người lãnh đạo mới tại Việt Nam có thể làm được những gì cho kinh tế
xứ này trong bối cảnh mâu thuẫn gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở hai bờ
biển Thái Bình Dương?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng ông Trọng là
người sáng trí khi mượn chữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du khi nàng Kiều thế
thốt với Kim Trọng mà nói ngay sau lễ tuyên thệ, rằng ông là “phận mỏng cánh
chuồn”! Ở tuổi 74, già hơn Tập Cận Bình gần 10 năm, ông sẽ mãn nhiệm trong Đại
hội đảng khóa tới vào năm 2021, nên chỉ còn vài năm ở tại chức khi Tập Cận Bình
đã có hơn năm năm tập trung quyền lực, kể từ cuối năm 2012, mà vẫn chưa thể
chuyển hướng kinh tế của Trung Quốc, như đã muốn.
- Hoàn
cảnh của Việt Nam tất nhiên là khác Trung Quốc và sau khi làm Tổng bí thư từ
năm 2011, ông Trọng đã có thể cải hướng kinh tế của Việt Nam mà vẫn chưa xong.
Chúng ta phải trở về bối cảnh sâu xa, trước khi nói tới Việt Nam trong những
mâu thuẫn gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nguyên Lam: Nếu vậy, Nguyên Lam xin ông
trình bày cho bối cảnh sâu xa đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc nay chỉ là một
ẩn dụ, là một hình tượng lãng mạn, của một cường quốc kinh tế. Từ những năm
2013, sau khi Tập Cận Bình lên lãnh đạo, họ đã thấy mấy chục năm tăng trưởng
hết còn nữa, như nhiều xứ khác sau vài chục năm áp dụng quy luật kinh tế thị
trường để hiện đại hóa. Một cách cụ thể, Trung Quốc hết là công xưởng toàn cầu
với lợi thế nhân công nhiều và rẻ vì lợi thế đó đã hết do nhân công hiếm hơn và
đòi lương cao hơn. Nạn lão hóa dân số là một trong nhiều nguyên nhân. Khi ấy,
Trung Quốc phải tìm sách lược mới là nâng trình độ sản xuất với các mặt hàng có
giá trị cao hơn. Vào hoàn cảnh đó, giới đầu tư quốc tế đã góp phần cho đà tăng
trưởng của kinh tế Trung Quốc sau mấy thập niên phải tìm nơi đầu tư khác và đấy
là một cơ hội cho Việt Nam.
-
Trên diễn đàn này, từ bốn năm năm về trước, tôi có trình bày về cơ hội đó cho
Việt Nam, nhưng xứ này vẫn chưa cải sửa cơ chế dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng. Bây giờ, giữa trận thương chiến Mỹ-Hoa, Việt Nam có một cơ
hội nữa mà chẳng biết là có kịp chuyển hướng không vì phải cạnh tranh với nhiều
quốc gia khác.
Cơ hội bị bỏ lỡ
Nguyên
Lam: Xin ông phân tích lại về cơ hội bị bỏ lỡ trong ba bốn năm
về trước.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi Trung Quốc hết giữ vị
trí công xưởng toàn cầu với loại hàng rẻ nhờ nhân công có lương bổng thấp, nhà
đầu tư quốc tế cần tìm ra các thị trường thay thế tại các nước đang hay mới
phát triển, thí dụ như Mexico, Peru, Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar,
Philippines, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Lào hay Cam Bốt, v.v… Nhưng tiêu
chuẩn của giới đầu tư không chỉ có nhân công rẻ mà còn là tay nghề hay năng
suất, là hạ tầng cơ sở vật chất lẫn vô hình như môi sinh, luật lệ và đào tạo,
trong một chuỗi cung ứng đan kết với nhau.
-
Việt Nam mới chỉ nhắm vào lợi thế nhân công rẻ và mời chào bằng biện pháp đặc
miễn thuế khóa và đất đai nên vẫn tập trung vào sản xuất hàng dệt sợi, may mặc,
giày dép và đồ gỗ, mà là loại rẻ tiền. Mối lợi lớn thì giới đầu tư nước ngoài
lấy hết còn nhân công của Việt Nam vẫn không thăng tiến về lương bổng và nhất
là về kiến năng, kiến thức và khả năng. Việt Nam thiếu một chiến lược công
nghiệp hóa lâu dài và linh động để cũng lên tới trình độ sản xuất cao hơn, như
dùng công nghệ hiện đại về thông tin, điện toán, điện tử, kỹ nghệ ráp chế xe
hơi….
-
Trong chuỗi sản xuất quốc tế, Việt Nam ở vào trình độ hạ đẳng, nôm na là thấp
nhất, và tư doanh của Việt Nam lại còn bị quốc doanh chèn ép. Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng không thể không biết nhược điểm ấy mà tại sao lại chưa làm và
nay mới tìm ra cơ hội giữa trận bão thương chiến của thiên hạ trong khi cơ chế
kinh tế quốc gia lại tích lũy nhiều vấn đề mới?
Cơ hội giữa trận thương chiến
Nguyên
Lam: Thưa ông, những vấn đề ấy là gì và có thuộc trách nhiệm
của Thủ tướng chăng?
Tổng Bí
thư đảng CSVN tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước tại Hà Nội ngày 23 tháng 10 năm
2018. AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói về trách nhiệm thì ta
không quên cái thứ tự đã định chế hóa, là đảng rồi mới tới nhà nước, là Tổng bí
thư rồi mới đến Chủ tịch nước và Thủ tướng, Quốc hội, v.v…. là các bình phong
của nền “dân chủ tập trung”.
-
Về các vấn đề thì kinh tế Việt Nam 1/ quá lệ thuộc vào xuất nhập khẩu; và 2/ bị
nhập siêu là nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, tai hại nhất là xuất nhập khẩu với
Trung Quốc; 3/ quá lệ thuộc vào đầu tư của nước ngoài, khi nguồn đầu tư ấy lên
tới 50% của Tổng sản lượng và đóng góp tới 70% cho xuất khẩu, mà tai hại nhất
cũng lại là đầu tư từ Trung Quốc; 4/ bị bội chi ngân sách quá cao, tới gần 6%
Tổng sản lượng và thuế vào quá ít; và 5/ lại vay mượn quá nhiều.
-
Căn bản nhất, Việt Nam còn đi đường tắt là cho đầu tư vào lĩnh vực gia cư và
địa ốc nên sản sinh rất nhiều đại gia tỷ phú đóng góp rất ít cho sản xuất của
cải trên lằn ranh mập mờ của tham ô. Nói về giao dịch thì Việt Nam có lợi thế
địa dư là ở bên cạnh Trung Quốc trong việc buôn bán với các nước trên vùng biển
Thái Bình Dương, nhưng lợi thế địa dư cũng là một tử điểm về chính trị và đấy
là trách nhiệm của đảng.
Nguyên Lam: Bây giờ ta bước qua phần
hai, thưa ông, là vị trí kinh tế của Việt Nam trong mâu thuẫn giữa hai nền kinh
tế có sản lượng lớn nhất tại hai bờ Thái Bình Dương. Việt Nam có thể làm gì và
nên chuyển hướng ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việt Nam cần chấn chỉnh
lại thất quân bình vĩ mô như vừa nói ở trên.
-
Bây giờ khi trù tính chiến lược kinh tế trong hoàn cảnh đổi thay rất lớn hiện
nay, Việt Nam nên dùng đầu tư nước ngoài làm đòn bẩy cho đầu tư nội địa, cho tư
doanh của quốc gia. Yếu tố then chốt là chuyển giao công nghệ, là cho người
Việt tiếp nhận và sử dụng kiến năng, kiến thức và khả năng, thì mới bắt kịp các
nước lân bang trong vùng Đông Nam Á. Và công nghệ đó không là thứ phế thải của
Trung Quốc. Việc Việt Nam vừa ký kết nhiều hiệp ước tự do thương mại, tổng cộng
cho đến nay là 12 hiệp ước, và sẽ thi hành hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình
Dương TPP đã cải tiến và mở rộng với 10 nước khác là một ưu điểm của một xứ
chậm tiến nhất trong nhóm 11 quốc gia. Nhưng Việt Nam còn phải thực thi việc
cải cách về môi sinh và điều kiện lao động thì mới có thể cạnh tranh thành công
trong trường kỳ và hết là một bãi rác của Trung Quốc.
Nguyên Lam: Thưa ông, thế còn với Hoa
Kỳ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có thể nhớ tới
kinh nghiệm của Samsung, một tập đoàn tư doanh Nam Hàn, đã đóng góp tới 25% cho
xuất cảng của Việt Nam. Nói về Hoa Kỳ thì Việt Nam nên mở rộng việc tiếp nhận
đầu tư của doanh nghiệp Mỹ trong nhiều ngành sản xuất sau các trường hợp Intel
và Microsoft. Khi tiếp nhận thì nên nghĩ xa hơn doanh lợi mà còn phải chuẩn bị
hạ tầng nghiên cứu và áp dụng để dân ta vừa làm vừa học. Nếu không nhìn xa như
vậy thì Việt Nam rất khó cạnh tranh với Malaysia, Thái Lan hay Philippines,
Indonesia. Việc thực thi những cam kết trong khuôn khổ của Hiệp ước Xuyên Thái
Bình Dương đã cải tiến cũng cho Việt Nam lợi thế khi đàm phán một hiệp ước song
phương với Mỹ.
-
Vả lại, ngoài Hoa Kỳ, Việt Nam còn nhiều nguồn đầu tư từ các nước dân chủ tiên
tiến như Nhật Bản hay Âu Châu. Khi nhìn chung như vậy, ta nên thấy ra một sự
chuyển hướng cần thiết cho Việt Nam là thoát dần khỏi sự lệ thuộc quá nặng vào
Trung Quốc mà mở rộng cơ hội hợp tác với các nền kinh tế tiên tiến, vốn dĩ cũng
coi trọng nhân quyền và quyền lợi của giới lao động.
Khó khăn của Việt Nam
Nguyên
Lam: Nhìn ngược lại thì đâu là những khó khăn của Việt Nam
trong hoàn cảnh trớ trêu là nằm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được cho là người có quan
điểm thân hữu với Bắc Kinh. Cho tới nay, ông chưa làm gì để phủ nhận chuyện đó,
lại còn dùng Truyện Kiều để than trong lễ tuyên thệ rằng “Khuôn xanh có biết
vuông tròn mà hay”. Khuôn xanh là ông trời, vuông tròn là đất ở dưới, trời ở
trên, hay nói bóng là ăn ở cho phải đạo. Phải đạo với ai mới là vấn đề!
-
Chẳng khác gì Trung Quốc, Việt Nam không thể một bước nhảy vọt vào công nghiệp
mà phải dọ dẫm học hỏi. Sau quá nhiều thập niên học hỏi từ Trung Quốc với hậu
quả gần như sinh tử mà ai ai cũng biết, Việt Nam nên tìm một nếp suy tư khác,
thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh về tư tưởng, rồi về chiến lược phát triển
kinh tế. Rút kinh nghiệm của nửa thế kỷ vừa qua, Việt Nam không nên là tiền đồn
chống Trung Quốc của bất cứ ai, nhưng cũng chẳng nên là mũi xung kích của Bắc
Kinh xuống vùng biển Đông Nam Á. Chi bằng hợp tác với mọi quốc gia trong khu
vực và đa dạng hóa giao diện hay diện giao tiếp với các nước, về cả an ninh lẫn
kinh tế, trước hết là kinh tế. Với chức vụ kiêm nhiệm hiện nay, ông Nguyễn Phú
Trọng nên nói ra việc chuyển hướng đó và trực tiếp rà soát việc thực thi trong
những năm tới. Đấy là một cách thoát Tầu mà giành lại nền độc lập thật ra vẫn
chưa hề có từ mấy chục năm nay.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự
Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân
tích những mâu thuẫn của Việt Nam ở giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét