Dĩ nhiên với khoảng cách quá xa, chiếc giày không thể ‘đập’ vào mặt bà chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm (xem clip, từ giây thứ 10). Đó là buổi sáng ngày 20-10-2018, ngày kỷ niệm Phụ nữ Cách mạng Việt Nam.
Nhiều cảm xúc cho hành động một cử tri đã ‘chọi giày’ về hướng các ông bà nghị của TP.HCM tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2. Bài viết tạm giới hạn câu chuyện ‘chọi giày’ trong khuôn khổ điều chỉnh của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội; và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cần bị bãi nhiệm!
“Hội đồng nhân dân giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương”. Điều 5.1.a của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã trao cho bà Nguyễn Thị Quyết Tâm quyền lực ấy. Bà Quyết Tâm cũng được trao quyền “chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân ở địa phương” (Điều 5.1.d, luật đã dẫn).
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là đại biểu hội đồng nhân dân TP.HCM hai khóa liên tiếp 8 và 9 ở đơn vị bầu cửa số 7, gồm cử tri các quận 2, 9 và Thủ Đức. Bà cũng là đại biểu Quốc hội hai khóa liên tiếp 12 và 13.
Bà từng có phát biểu gây nhiều phản ứng tiêu cực: “Nếu con em cán bộ lãnh đạo mà có sự trưởng thành và được các Đại hội Đảng tín nhiệm hoặc được tổ chức tín nhiệm giao những trọng trách quan trọng thì đó là điều hạnh phúc của dân tộc ta, của Đảng ta. Tôi nghĩ là vậy.
Đó là sự kế thừa, giữ gìn và biết phát huy truyền thống đó để kế tục sự nghiệp của cha ông. Đó phải là điều hạnh phúc đối với dân tộc mình chứ? Tại sao chúng ta lại nghi ngại?. Chỉ trừ những trường hợp khuất tất, anh thực sự không có năng lực mà được giao nhiệm vụ thì mới phải nghi ngại. Còn đây là được Đại hội Đảng tín nhiệm thì điều đó là rất đáng mừng. Nếu con em cán bộ lãnh đạo mà hư hỏng hết thì đó mới là điều bất hạnh.
Nhưng tôi cũng đồng ý với ý kiến là phải thi tuyển các chức danh lãnh đạo, điều này chúng ta cũng đã nói rồi, đã bắt đầu làm rồi, dần dần phải vươn đến việc thi tuyển vì nó thể hiện sự công bằng, minh bạch và chuyên nghiệp trong tổ chức bộ máy của chúng ta”. [Nguồn trích: http://bit.ly/2yPmqLM]
Như vậy, suốt gần 2 nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội, đặc biệt ở khóa 9, bà còn là chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM, song bà vẫn tiếp tục dung dưỡng hàng loạt sai phạm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Rất có thể bà thuộc trường hợp như bà từng nói, là mặc dù “được Đại hội Đảng tín nhiệm”, nhưng bà lại thuộc nhóm người cơ hội và thiếu tự trọng của chuyện “thực sự không có năng lực mà được giao nhiệm vụ” [nguồn đã dẫn]
“Chọi giày” bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: sự bất lực của pháp luật
Hành động cử tri ‘chọi’ chiếc giày hướng về phía trước nơi có các ông, bà nghị, xét về mặt lý thì là dấu hiệu gây rối trật tự công cộng, nhưng chưa đưa đến hậu quả nào (ngoài sự hả hê của cộng đồng!). Song về cả lý lẫn tình, thì đang rất cần truy xét vì sao người dân lại phải ‘tức nước vỡ bờ’ đến nỗi như vậy?
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là người đứng đầu Hội đồng Nhân dân TP.HCM. Bà biết rất rõ người dân Thủ Thiêm dồn nén uất ức vì bị chính quyền chèn ép, cưỡng chế thu hồi đất đai bất chấp pháp luật suốt hơn hai mươi năm qua.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã chọn việc im lặng, không thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một đại biểu Quốc hội theo luật định: “Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật” (Trích Điều 34. “Quyền yêu cầu khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật”, Luật Tổ chức Quốc hội).
Bà Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM và ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đều không thực hiện quy định tại Điều 43.2.c, Luật Tổ chức Quốc hội: “Tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia và phối hợp với Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát tại địa phương; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp thông tin, báo cáo về những vấn đề mà Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm”.
Như vậy, với sự bất tín nhiệm của cử tri Thủ Thiêm (Điều 7.4, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương), và việc không tuân thủ quy định của pháp luật như nói trên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm và cả ông Nguyễn Thiện Nhân đã có thể tự trọng để từ nhiệm đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa 9, và đại biểu Quốc hội khóa 13.
Bài viết này chưa đề cập tới trách nhiệm đảng viên của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, và ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TP.HCM. Nếu căn cứ vào Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị “về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”, ban hành ngày 08-03-2018 [tải về tại http://bit.ly/2PKgQS2] thì có lẽ chỉ xét riêng vụ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, đã có thể kỷ luật cả tập thể đảng bộ TP.HCM liên tiếp các nhiệm kỳ, kể từ thời Bí thư Lê Thanh Hải, Đinh La Thăng cho đến Nguyễn Thiện Nhân.
Ông bà có nói: Nhà dột từ nóc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét