Phùng Hoài Ngọc
Ba hôm nay, ngay từ sau sự kiện 1 chiếc giày cao gót của Nguyễn Thùy Dương sinh 1990 bay thẳng về phía Nguyễn Thị Quyết Tâm ngồi bàn chủ tịch đoàn (cạnh ông Nguyễn Thiện Nhân, Phan Nguyễn Như Khuê) trong cuộc tiếp xúc bà con cử tri quận 2 Thủ Thiêm, mạng xã hội “tràn ngập” giày dép từ Nam ra Bắc.
Những bức ảnh chiếc giày cao gót bay khắp mạng xã hội; nnhững bức tranh vẽ mô phỏng giày cao gót; những bức tranh affiche bộ phim chưởng “Tiểu Lý phi dép” mô phỏng gương mặt trái xoan của Nguyễn Thùy Dương đang phi thân, vung tay về phía Nuyễn Thị Quyết Tâm.
Cô Nguyễn Thùy Dương, người làm nên "chiếc giày Thủ Thiêm". Ảnh: Facebook |
Đặc biệt bức đồ họa mô hình Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm nguyên mẫu chiếc giày cao gót xuất hiện dự thi vẽ mẫu.
Cô Nguyễn Thùy Dương, trở thành nhân vật nổi tiếng nhất cộng đồng xã hội Facebook từ ba ngày qua. Trong một chia sẻ ngắn cho cho hay, sau khi ký tờ biên bản của CA vào lúc 14 giờ ngày 21/10: “Hậu tiếp xúc cử tri, Dương về, giày ở lại”.
Đó 1 câu viết bình thường nhưng lại là 1 câu đối chỉnh và tràn đầy chất thơ.
“Dương về” là một thông tin: nhà cầm quyền không dám bắt giữ cô. Chỉ viết một tờ biên bản vi phạm hành chính. Phạt 750 000. Không năn nỉ kỳ kèo trả giá, Nguyễn Thùy Dương móc bóp đóng phạt luôn, cầm chiếc giày kia mang về. Những người cầm quyền đã hiểu sức nặng và nỗi đau chiếc giày đè nặng lý tưởng của họ. Chiếc giày báo hiệu một thời kỳ phản kháng mới mà họ không thể kết tội “chống người thi hành công vụ”. Chiếc giày không phải vũ khí sát thương, nó chỉ là vật dụng “non-violent”. Nhưng chiếc giày gây tổn thương vô hạn cho kẻ bị ném. Không thể tính bằng tiền.
“Giày ở lại” như một câu thơ hàm xúc kỳ lạ.
Chiếc giày ở lại trong lòng nhân dân, trong lòng lịch sử và mãi mãi mang tên “Chiếc giày Thủ Thiêm”.
“Giày cũng ở lại” cùng với nỗi ô nhục của những kẻ thất bại phải ôm về cơ quan cầm quyền mà bàn bạc với nhau.
Từ hôm qua, chiếc giày làm nên một thành ngữ mới, như một điển tích, điển cố cho đời sau dùng trong những trường hợp tương tự.
Sự kiện lần này cũng tạo nên trào lưu thơ nhái, thơ tráo phúng, thơ trữ tình trên Facebook. Nổi bật là “Chiếc giày Thủ Thiêm bay lên” của tác giả Trần Viêt. Dòng thơ này lên án những người nhận giày dù không trúng ngay mặt ai. Anh đã kịp nhận ra sức mạnh kỳ diệu, màu nhiệm của chiếc giày bay lên. Gọng thơ anh đanh thép hào hùng khi kết án.
“Một chiếc giày đã bay
Nhằm mặt quân sâu hại
Và mang theo thời đại
Vào lịch sử mai sau
Ôi chiếc giày nhiệm mầu!
Đang in vào lịch sử
Lòng hờn căm thác lũ
Của thân phận lầm than
Một thời đại suy tàn
Giày bay lên báo hiệu
Giày bay lên hiệu triệu
Muôn trái tim can trường
Này này lũ bất lương
Ngày tàn bay đã điểm
Dù hôm nay lấp liếm
Lấy tàn bạo che thân
Tương lai thuộc nhân dân
Tương lai rồi nhìn lại
Có một thời tàn hại
Nỗi nhục bốn ngàn năm”.
Trong khi, tác giả Nguyễn Văn Trung lại viết “Khi chiếc giày bay lên” theo cảm hứng trữ tình anh hùng ca cổ điển. Anh nhận thấy chất thơ của chiếc giày bay. Hình ảnh giày bay lên như “Bài ca chim báo bão”, “Bài ca con chim ưng” hai sáng tác của nhà văn Maxim Gorki trong thời buổi suy tàn chế độ phong kiến Nga hoàng cuối thế kỷ 19. Ông viết hai truyện ngắn trong không khí nhiều cuộc cách mạng hừng hực của Nước Nga chớm nở (Việt Nam từ sau khi chấm dứt Nội chiến thảm khốc 1975, văn học nghệ thuật không còn chút “anh hùng ca” nào nữa).
Người viết thơ am hiểu rất rõ tâm trạng ý chí của cô gái 28 tuổi người ném giày – người mẹ trẻ mới có một đứa con bốn tuổi.
“Khi chiếc giầy bay lên
Không còn là giầy nữa
Là tia chớp phẫn nộ
Xé trời xanh vút lên.
Khi chiếc giầy bay lên
Là cùng đường, tuyệt vọng
Là tiêu tan hy vọng
Là mất hết niềm tin.
Khi chiếc giầy bay lên
Là những lời tuyên chiến
Không phải bằng súng đạn
Bằng thánh thiện lòng dân.
Khi chiếc giầy bay lên
Đất trời sẽ thay đổi
Vun đắp cho nguồn cội
Của nhân tâm sáng ngời.
Rồi sẽ đến một ngày
Giầy không bay lên nữa
Giầy nâng gót sen đỏ
Trên trời xanh bao la”.
Riêng tác giả Nguyễn Xuân Lộc, ông lại sử dụng một nghệ thuật khác. Nghệ thuật trần tình giãi bày. Anh thác lời cô gái ném giày, kể tội thế lực cầm quyền. Nói với những người bị ném, hầu giúp cho thế lực đen tối đó hiểu mình. Bài thơ như lời chú thích cho chiếc giày lao vun vút. Mình không phải là kẻ gây rối trật tự công cộng. Mình chính là Dân oan. Mình đấu tranh đòi quyền sống. Thế thôi!
“Cô chú huyên thuyên nhiều rồi
Chiếc dép cao gót là Lời của em,
Lời người dân của Thủ Thiêm
Mất nhà, mất đất, ngày đêm kêu gào.
Nghiến răng, gan tím, máu trào
Chính quyền bưng bít, đảng nào có nghe,
Dùi cui, khóa sắt gằm ghè
Kiêu binh cùng lũ ma-fia một bầy...
Bao nhiêu oan trái lâu nay
Dân đen còn một chút này nữa thôi,
Đất thành nhà hát, sân chơi
Còn ba hoa nói những lời mị dân...
Bà là Nguyễn Thị - Quyết Tâm
Con quan nhờ dựa cha ông mà thành,
Còn em, con gái nhà lành
Quyền chức không có, nên đành trái ngang.
Hôm nay chiếc dép em mang
Nói thay lời của dân oan bao ngày”.
Còn rất nhiều vần thơ hả hê, chế nhạo phong cách nôm na khác. Đó là không khí tấp nập chia sẻ tin tức và hình ảnh cô gái ném giày trên MXH hai ngày qua, không thể chép lại hết.
Nhà văn Trần Thanh Cảnh ở Hà Nội cám cảnh Thủ Thiêm viết. Anh cũng như niều người ngạc nhiên về hiệu ứng domino ngày nay. Nghĩ cũng lạ, một cô ca sĩ thị trường ở Hà Nội lên tiếng bênh vực “Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm” đã gây chấn động mạnh đến mức dư luận công chúng Hà Nội nổi giận thúc giục cơ quan chức năng Hà Nội phải lao vào xới lại “Vụ vi phạm đất rừng huyện Sóc Sơn” mà vợ chồng ca sĩ này là một trong các thủ phạm.
Nhà văn viết một thứ văn chương phi thể loại, tạm gọi là nghệ thuật “nhại/ nhái”.
“Thủ Thiêm gọi, Sóc Sơn trả lời !
Thế gọi là Nước Việt Nam Thống Nhất
Nước Việt Nam là một,
Quan chức Việt Nam là một…giuộc.
Núi rừng có thể xẻ, sông hồ có thể lấp.
Tất cả đều có thể thành biệt phủ quan tham.
Chân lý đó không bao giờ thay đổi !”.
Kết
Lướt qua báo chí nhà nước gần hai ngày qua, 100% tuyệt nhiên không có từ “giày dép” nào cả. Người ta nói, đa phần các nhà báo vui thầm trong bụng nhưng biết rằng không thể viết và đăng bài. Những qui tắc kiêng kỵ đã được “học tập quán triệt” bởi Ban tuyên giáo rồi - bài học nằm làm lòng rồi. Đến chiều hôm nay 22/10, báo Thanh Niên mới tìm ra thủ thuật tiếp cận cô gái ném giày để đăng báo chính thức. Với cái tựa đề có vẻ dửng dưng khách quan, hàm một chút phê phán nhẹ:“Người phụ nữ ném giày trong buổi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri bị phạt 750.000 đồng”. Dù sao cũng là một chút cố gắng lách khỏi “vòng kim cô” báo chí mà các báo khác bó tay.
Tuy nhiên “chiếc giày bay” của cô gái một con, sinh trong một gia đình cách mạng, khiến cho một Facebooker tên ĐKP giảng viên một trường đại học ở TP.HCM ghi cảm tưởng trên FB của anh “Con gia đình cách mạng ném giày vào mặt cán bộ cách mạng là hồng phúc của dân tộc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét