Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Đảng trưởng ĐCSVN đã nắm giữ chức Chủ Tịch nước sau một hồi 'bầu kín' với kết quả không đúng chất cộng sản, nhưng phù hợp với thông lệ quốc tế: 99,79%.
Facebooker Hung Vu bày tỏ kết quả bầu một cách hài hước: Cộng đồng trong nước bày tỏ quan ngại sâu sắc cho tương lai của 0,21% đại biểu không bỏ phiếu tín nhiệm về việc này. Tạm gác qua bên con số chưa thực sự tròn trĩnh, ông Nguyễn Phú Trọng, TBT kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhanh chóng bày tỏ cảm xúc vừa mừng, vừa lo trước sự 'tín nhiệm của Quốc hội', và ông hứa sẽ cố gắng thực hiện những lời mà ông đã tuyên thệ. Vậy lời tuyên thệ của ông Nguyễn Phú Trọng có gì đặc sắc so với người tiền nhiệm (Trần Đại Quang)? Không có gì cả, ngoài tổ hợp đúng 74 từ với những lời lẽ chung chung.
Lời phát biểu sau khi nhậm chức cũng có phần khiêm nhường, bày tỏ nhiều về mặt cảm xúc, không có bất kỳ chương trình hành động nào đặt ra.
TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước. Ảnh: Zing |
Quay trở lại với lần 'lên ngôi' này, nhiều chuyên gia đánh giá, vị tri của ông Trọng sẽ không báo hiệu bất kỳ sự thay đổi lớn nào về mặt chính sách kinh tế.
‘Ông ấy sẽ có nhiều quyền lực hơn nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế hay hệ thống chính trị,’ ông Lê Hồng Hiệp, một nghiên cứu sinh chính trị tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói. ‘Chúng ta phải quan sát liệu sự sắp xếp này có vượt quá 2021 hay không [tính nó mang tính lâu dài hay tạm thời].’ Tuy nhiên, trước mắt ông Trọng có cơ hội thực hiện các chính sách mà mình mong muốn nhiều hơn (mà ở đây ám chỉ cuộc chiến đốt lò).
Còn chuyên gia Việt Nam học, ông Thayer trong một bài đánh giá nhanh đã khẳng định, từ giờ, ông Trọng sẽ rất bận rộn với nhiều việc, trong đó có cả thiết lập những ‘trợ lý đặc biệt’ để giúp ông – một người đã cao tuổi như ông thừa nhận trong lễ đăng quang, trong các vấn đề liên quan đến đảng và nhà nước.
Không rõ ông sẽ nhận sự hỗ trợ từ chuyên gia pháp lý, chuyên gia kinh tế, chuyên gia ngoại giao hay là chuyên gia… xây dựng đảng. Và sự lựa chọn trợ lý giúp việc có thể giúp ông Tổng Trọng hoàn thiện về một mặt nào đó mà ông thiếu vắng, có thể là liên quan đến tôn trọng ngoại giao quốc tế, và tôn trọng luật pháp quốc gia.
Trong một đánh giá khác, trên trang tin Aljazeera, trích dẫn quan điểm của Zachary Abuza, giáo sư tại trường Đại học ở Washington, chuyên về các vấn đề chính trị và an ninh ở Đông Nam Á cho biết.
‘Sự sáp nhập lần này sẽ là vĩnh viễn, ông Trọng rất tự tin, không chỉ bằng quyền lực của chính mình, mà bằng quyền năng của chức vụ Tổng Bí thư’. Bởi nếu có bất kỳ sự nghi ngờ nào liên quan đến suy giảm quyền lực của mình, thì ông Trọng vẫn sẽ giữ các chức vụ này tách biệt.
Sự hợp nhất lần này được đánh giá là gia tăng tính chất quyền lực cá nhân theo mô hình của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Khắc Giang, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam tại Hà Nội trong một chia sẻ với ABC News cho biết, nhất thể hóa hai chức vụ lần này có thể làm suy yếu khả năng lãnh đạo tập thể, vốn được coi là dân chủ hơn chế độ độc đảng của Trung Quốc. ‘Khi quyền lực được tập trung vào một cá nhân, xu hướng có thể tiêu cực theo cách làm giảm sự lãnh đạo tập thể bên trong đảng,’ ông Giang nói.
Khác với ông Giang, ông Lê Hồng Hiệp, lại cho rằng, một người nắm giữ hai vị trí thì sẽ có quyền lực nhiều hơn một, nhưng hệ thống ở Việt Nam có tính đa nguyên hơn, nghĩa là ông Trọng sẽ phải tham khảo ý kiến các đồng chí của mình trong Bộ Chính trị, nó không giống như vị trí độc tôn của Tập Cận Bình (Trung Quốc).
Nhiều quan điểm đi xa hơn về nhận định một Quốc Hội của năm 2021, khi đặt câu hỏi, ai sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng?
Nicholas Chapman, một nghiên cứu viên tại Đại học Quốc tế Nhật Bản, người tập trung vào chính trị Việt Nam, cho biết đề cử của ông Trọng có thể sẽ giúp một cá nhân củng cố quyền lực trong đảng và đất nước trong nhiều năm tới.
‘Thủ tướng hiện tại, Nguyễn Xuân Phúc, là đồng minh với Trọng,’ Chapman nói. ‘Nhưng ông Trọng cũng đang cảnh giác với tương lai.’
Ông Chapman cũng đồng ý rằng, việc ra quyết định chính trị trong Đảng Cộng sản là không rõ ràng, nhưng các nhà phân tích cho rằng, có thể quyết định giữ cả hai vị trí chỉ là tạm thời. cho đến năm 2021, khi kỳ Quốc hội mới diễn ra với dàn nhân sự đảng và nhà nước mới.
Trong một phản ứng có liên quan đến sự kiện này, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết, việc lựa chọn ông Nguyễn Phú Trọng ngồi vào ghế Chủ tịch nước diễn ra vào thời điểm quan hệ song phương Việt - Mỹ phát triển mạnh mẽ.
'Trong hai thập kỷ qua, Mỹ và Việt Nam đã cùng nhau tìm ra mục đích chung dựa trên các lợi ích chung. Chúng tôi đã mở rộng quan hệ an ninh, tạo mối liên kết kinh tế và thương mại mới,... với mong muốn chung là thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.'
'Chúng tôi mong muốn tiếp tục làm việc chặt chẽ với Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để tăng cường hơn nữa, mở rộng hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt Nam', Kritenbrink nói.
Sự lên ngôi của ông Nguyễn Phú Trọng cũng mang lại như câu chuyện hài hước ngoài lề, một trong số đó là hiện tượng nịnh trên báo đài truyền thông.
Nếu tác giả Ngô Đức Hành (báo Pháp luật) thể hiện tính chất nịnh qua bài đại diện: Lịch sử đã lựa chọn, Nhân dân đã lựa chọn!. Thì Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang có hẳn một chia sẻ dài hơi, trong đó tái nhấn mạnh, ‘Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước nên hiểu là việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân’. Còn báo Nhân Dân cũng không bỏ qua sự kiện này, bằng bài viết nịnh theo lối khoa học của GS. TS Trần Ngọc Đường: Tổng Bí thư của Ðảng đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch nước là sự đòi hỏi khách quan.
‘Nịnh’ đến mức mà Facebooker Nguyễn Như Phong, nguyên TBT báo Petrotimes cũng phải thừa nhận: Báo chí bây giờ xem ra cũng cực kỳ cơ hội đấy!!!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét