Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

6863 - Chợ đoạn trường



Tôi thường bị rầy “oan” khi viết bài chen tiếng Mỹ. Thật ra do hoàn cảnh sống đấy thôi, nghe hoài rồi nhập tâm, tự động xài chứ không phải ra vẻ là dân ở Mỹ. Nói nào ngay, tôi ca tụng tiếng mẹ đẻ tuyệt vời, dễ hiểu hơn tiếng nước người. Ðiển hình nhất là những chữ nói về cái chợ.
Tiếng Anh của tôi thuộc loại ăn đong, nên khi nghe Mỹ gọi flea market, tôi mở tự điển, họ nói flea là con bọ chét. Nhưng gom hai chữ flea market vô thì không có dính dáng gì tới con bọ chét. Không cần biết tự điển tiếng Anh giải thích flea market dài dòng lôi thôi, tiếng Việt chỉ đơn giản “chợ trời” là mọi người già trẻ lớn bé đều hiểu ngay. Bởi vì ai cũng biết chợ trời bên xứ mình là chợ lộ thiên, theo như câu than “màn trời chiếu đất”, chứ nhiều chợ trời ở Mỹ  không thấy trời đâu hết, vì ở dưới tầng hầm của một số chung cư.
Như vậy theo tôi chữ chợ trời của VN tượng hình hơn chữ flea market của Mỹ. Hoặc khi gọi “chợ chồm hổm” là mọi người hiểu ngay người bán hổng có ghế ngồi, ai cũng ngồi chồm hổm, mọi thứ sơ sài, chỉ có tấm nylon trải ra bày hàng. Người Việt mình gọi tên chợ kiểu gì, người nghe cũng hiểu: chợ nổi (bán trên thuyền), chợ xép (chợ nhỏ), chợ chiều (cuối ngày, sửa soạn dẹp). Chợ đời không có bán hàng, mà bán kinh nghiệm sống v.v.
Thời VNCH ít ai nghe nói tới chợ trời, nhưng sau ngày tan hàng 30/4, mọi người nghèo quá phải mang đủ thứ trong nhà ra bán ở lề đường. Lúc này hai chữ “chợ trời” được nhắc thường xuyên trong mọi gia đình, hầu như tất cả mọi thứ trong nhà từ món to tới món nhỏ, đều lần lượt ra nằm ngoài lề đường, bán để mua thức ăn. Các cụ bảo: Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ, là không đúng đâu. Cả nước thất nghiệp, chẳng có tay nào làm, tay nào quai nhưng miệng vẫn phải ăn. Nhìn quanh nhìn quất chỉ còn cách duy nhất là mang đồ trong nhà đi bán.


cho-doan-truong
Chợ trời sau 1975

Sau ngày 30/4 dân miền Nam mới nghe câu chà đồ nhôm chôm đồ nhà. Hồi xưa kẹt tiền thì mang đồ ra tiệm cầm đồ. Nhưng là những món đồ có giá trị như đồng hồ, nữ trang, xe cộ, ti vi… chứ đồ tạp nhạp không ai chịu cho cầm thế. Trái lại chợ trời mua tất cả, bất kỳ cái gì dù cũ nát tới mấy cũng vẫn bán được.
Chợ trời ở VN sau 75 là nơi có thể kiếm được chút tiền mua thức ăn cho gia đình. Hết đồ có giá trị thì tới quần áo. Hết quần áo, nồi niêu soong chảo thì cạy gạch bông, gỡ cả tấm tôn (tole) lợp mái. Nếu trong nhà có đứa con hư hỏng, chúng sẽ lén lấy đồ trong nhà đi bán để tiêu xài riêng, gọi là “chà đồ nhôm”. Ðây là tiếng lóng mới hình thành ở Saigon sau ngày mất nước. Chà đồ nhôm thì về nhà chỉ nghe cha mẹ mắng chửi, chứ ra ngoài ăn cắp coi chừng bị đánh hội đồng te tua.
Người nghèo phải ra buôn bán ở chợ trời thì bị cảnh “chó cắn áo rách” do đám chôm chỉa rình móc tiền bạc, hoặc bị lũ công an “ăn cướp cơm chim”, tịch thu càn quét mang về phường. Ðây là một hình thức cướp cạn giữa ban ngày. Cướp có giấy phép và tên gọi hẳn hòi: Quản lý thị trường.
Quản lý thị trường là mỹ ngữ gọi đám công an đi tịch thu hàng hóa buôn bán trái phép. Nghe cho hay ho chứ thực chất là “cướp cạn”, vì chúng dùng tiền cướp được của người nghèo để chén chú chén anh, ăn nhậu phè phỡn trên đồng tiền xương máu của dân khố rách áo ôm bị ghép cho tội buôn bán trái phép. Có bao giờ họ cho phép đâu mà bảo trái hay phải. Nếu cách gọi đám cướp cạn thay đổi từng giai đoạn, thì tiền chúng cướp được cũng gọi khác nhau tùy lúc tùy nơi. Lúc thì gọi là thu giá, lúc thì thu phí, nói nôm na là thu tiền mãi lộ.
Dù bị cấm đoán, chợ trời không thể dẹp; vì đó là chỗ sinh sống (duy nhất) cho người miền Nam, nơi họ có thể bán bất cứ thứ gì, và người mua chính là mấy ông dép râu nón cối. Sau 75 cuộc sống của người dân miền Nam vô cùng thê thảm. Kinh tế là những con đường “một chiều”, tức là chỉ có bán chứ không có buôn. Ðồ đạc trong nhà mỗi ngày cứ đội nón ra đi, không hẹn ngày về.
Ngày xưa bán chợ trời, đương nhiên ngồi chồm hổm, nhưng “chợ chồm hổm” lại không phải là “chợ trời”. Chợ chồm hổm thường là những chợ quy tụ ít người ở những vùng quê, ai có gì bán nấy: rau trái trong vườn, tôm cá tát đìa trong mương. Trong khi chợ trời bán đủ thứ tạp nhạp, đa số là đồ cũ nên giá rất rẻ. Thời VNCH có một chợ bán đồ cũ nhưng không gọi là chợ trời, mà gọi là “Chợ dân sinh”. Chắc hàm nghĩa cho dân (nghèo) sinh sống. Chợ dân sinh chuyên bán đồ lạc xoong. Bây giờ không còn ai nhớ (hay biết) tên “Chợ dân sinh”, chỉ còn một chữ: chợ trời.
Trước 1975 muốn mua đồ cũ thì ra Chợ dân sinh; sau 75 muốn mua đồ cũ ra chợ trời. Chợ trời mọc ra khắp nơi, sau đó gom tụ thành những khu vực khổng lồ: chợ trời Lăng Cha Cả, chợ trời ngã ba Chú Ía gần Quân Y Viện Cộng Hòa ngày xưa.
Lưu lạc xứ người, chợ trời là nơi quen thuộc cho di dân bước đầu gây dựng lại đời sống nơi xứ lạ quê người. Chúng ta có thể tìm được ở đó (hầu hết) những thứ mình cần với giá rất rẻ, vừa với túi tiền của người nghèo. Chợ trời bây giờ thịnh hành đến độ bất kỳ địa phương nào cũng có chợ trời, đó là nhu cầu thiết yếu giúp cho bước đầu lập nghiệp của di dân.
Chợ trời ở Mỹ do chính quyền địa phương điều hành nên mọi thứ được tổ chức có quy củ. Chỉ việc trả tiền thuê chỗ là sẽ có người canh gác cho mọi người yên tâm buôn bán trong trật tự, không có cảnh mắt la mày lét, lúc nào cũng sẵn sàng túm đồ chạy như ở VN hồi xưa.
Chợ là nơi mua bán thức ăn và đồ tiêu dùng, bản thân chợ chẳng có tội tình gì, nhưng khi nói đến chợ người ta lại gán cho nó đủ thứ tiếng xấu. Ồn như cái chợ, cơm hàng cháo chợ, đầu đường xó chợ, ăn quán (chợ) ngủ đình (chùa).
Chợ là nơi có nhiều hình ảnh xấu như cảnh “buôn gian bán lận” hay “đá cá lăn dưa”. Ngay cả người buôn bán cũng bị khinh chê, cãi nhau như phường “hàng tôm hàng cá”. Vì thế người xưa khuyên: đừng ở nhà gần chợ, trẻ con sẽ nhiễm tính xấu. Bởi vì muốn bán được hàng thì phải nói láo phi thương bất phú vi phú bất nhân.
Sau ngày mất nước, miền Nam trở thành một cái chợ trời khổng lồ. Nhìn thấy người mua toàn dân nón cối, nhà văn Hoàng Hải Thủy đã cám cảnh than thở: Bán đồ toàn những người ta / Mua đồ thì rặt những ma cùng mường.
Cảnh buôn bán ở chợ trời là tương lai thê thảm của người dân miền Nam. Vâng, bây giờ quê nhà tôi đang biến thành một cái chợ trời khổng lồ; nơi đó đủ thứ cảnh buôn gian bán lận xảy ra. Chuyện cho thuê đất để thành đặc khu tự trị là một thứ gian lận trắng trợn. Buôn thần bán thánh, mua quan bán tước, mãi dâm, ma túy, bằng giả, hàng giả. Cái gì cũng giả, treo đầu dê bán thịt chó. Cái xã hội nhốn nháo hỗn loạn với đủ thứ tệ nạn, là hình ảnh của cái chợ trời toàn mán cùng mường, một lũ ma trơi, ma cà bông, ma cô, chúng “ bán nước”. Bây giờ tôi thấy gọi quê tôi là chợ trời theo tiếng Việt, không hay bằng tiếng Mỹ: Flea market, vì nơi đó toàn là một lũ bọ chét hút máu dân lành.
Ở Mỹ chỉ có một ngày Halloween cho ma quỷ ( giả) nhởn nhơ chọc phá, chứ nơi quê nhà ngày nào cũng là ngày ma quỷ lộng hành. Người ta gọi đó là lũ “cô hồn sống”, những con ma cà rồng hút máu dân lành. Ðúng là một lũ “Cô hồn các Ðảng”, các cụ nói không sai.
Chợ Trời, hay chợ Ðoạn Trường,
Ðầu âm phủ, cuối thiên đường là đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét