Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

6867 - Gục ngã và đơn độc

Mekong Review - Tác giả: Will Nguyễn
Dịch giả: Châu Minh Dũng

Will Nguyễn bị CA TPHCM kéo lê trên đường vào ngày 10/6/2018. Ảnh: Facebook

Người phụ nữ cao tuổi lặng lẽ bước tới và vỗ nhẹ vào vai tôi, vốn đang nhễ nhại mồ hôi dưới buổi chiều tháng Sáu tại thành phố Hồ Chí Minh. Mái tóc hoa râm, mắt hé nhìn, miệng hơi lộ các nướu răng, cô đưa một cái lon đã mở nắp và ra hiệu cho tôi uống.
Cô ấy không biết rằng tôi đã gặp cô ấy ở một trụ sở công an, thuộc lực lượng an ninh Việt Nam, vài phút trước đó. Tôi lịch sự từ chối. Và người cùng biểu tình với tôi, một người đàn ông trẻ ở tuổi hai mươi, thì thầm: “Hãy cẩn thận. Công an có thể bỏ thuốc vào nước uống của anh. Người ta biết họ thường làm vậy”.
Công an cho rằng tôi là một trong những người cầm đầu cuộc biểu tình. Tôi không đổ lỗi cho họ. Khi dòng người biểu tình tiến tiến đến từ Công viên Hoàng Văn Thụ, gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hướng tới đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, một trong các trục đường chính dẫn vào trung tâm thành phố, tôi chuyển từ việc cập nhật tình hình trên trang Twitter của tôi sang việc phá các rào cản.
Tại một số giao lộ dọc theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, công an đã triển khai hàng loạt sĩ quan mặc đồng phục được trang bị khiên chống bạo loạn (riot shield). Tôi di chuyển qua đám đông và đứng lên đối diện những người công an, một đội hình gồm những người đàn ông trẻ và gầy, kéo dài khoảng ba bốn lớp. Họ có vẻ lo lắng và sợ hãi, và vẫn đang giữ đường chỉ vì cấp trên đứng ngay phía sau họ, gào lên ra lệnh. Họ bị bao vây bởi những người biểu tình còn đông hơn, những người đang hét lên:
“Tiền thuế của chúng tôi trả cho những con phố này! Chúng tôi có quyền tuần hành trên chúng!”
“Người trẻ như các anh nên tham gia cùng chúng tôi!”
“Chúng tôi đang biểu tình vì đất nước!”
“Tại sao các bạn chống lại nhân dân?!”
Những người biểu tình ở trong trạng thái kích động nhưng cũng sợ hãi. Họ hiểu rõ về lực lượng an ninh rộng lớn và hung hãn đằng sau những chiếc khiên đó. Nhìn từ phía trên, dòng người trông như thể một con đập sắp nổ tung. Tôi biết rằng, với lượng người bên phía chúng tôi, một cú đâm đơn giản có thể phá vỡ được đội hình của họ, vì vậy tôi đã vượt lên. Và tôi đã làm như vậy ít nhất tại ba nút giao thông. Đó là quyết định đã được tính toán.
Vào thời điểm chúng tôi đến góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lý Chính Thắng, chỉ cách Dinh Độc Lập vài block đường, phía công an đã tìm ra cách. Họ đậu một hàng xe tải trên giao lộ.
***
Tôi tiến lên phía trước một lần nữa và yêu cầu cảnh sát di chuyển xe tải của họ. Họ từ chối. Tôi liền trèo lên một chiếc xe tải và bắt đầu giúp những người biểu tình vượt qua rào chắn này. Tôi nắm chặt nhiều bàn tay ngày hôm đó, kéo những người trẻ và già lên để sang phía bên kia rào chắn.
Tuy nhiên, những người biểu tình trên xe máy vẫn bị cản trở, nên tôi bắt đầu tìm một lối khác cho họ. Các xe tải vẫn đang án ngữ con đường, còn trên lối đi bộ, xe máy của cảnh sát đã được tận dụng để làm hàng rào chặn đường người biểu tình. Một vài người biểu tình cùng với tôi bắt đầu dời chúng ra khỏi đường, và khi chúng tôi làm vậy, công an một lần nữa đụng độ với người biểu tình.
Họ yêu cầu chúng tôi không được chạm vào những chiếc xe máy, nhưng chúng tôi đã hét lên rằng, chúng tôi sẽ không làm hỏng chúng, mà chỉ đơn thuần di chuyển chúng. Khi những người biểu tình trên xe máy bắt đầu tiến lên từ từ qua lối hẹp vừa được mở, phía công an càng khó ngăn người biểu tình. Những tiếng reo hò dậy lên từ đám đông. Một nhóm người biểu tình nắm tay nhau để tạo thành một hàng rào đứng giữa công an và hàng xe máy.
Thật không may, khoảnh khắc bình yên này không kéo dài được lâu.
“Anh cần phải quay lại đám đông càng nhanh càng tốt”, một phụ nữ trẻ kéo tôi sang một bên và cố làm ra vẻ bình thường. Cô cuống cuồng thì thầm: “Họ đang tìm cách tách anh ra để bắt anh. Tôi vừa nghe họ nói vậy”.
Tôi cảm ơn cô ấy và bắt đầu tiến về vùng dày đặc trong dòng người, cẩn thận quan sát công an, chỉ cách cô gái trẻ ấy vài mét.
Nhưng trước khi tôi có thể làm được điều đó, một nhóm nhân viên công lực mặc đồng phục đã lao vào tôi, khóa đầu tôi và mở toang ba lô của tôi. Một số người biểu tình đã cố gắng giải cứu tôi, họ nắm lấy tay tôi. Tôi cố hết sức để kéo mình về phía họ. Trong vài giây quý giá, chúng tôi dường như đã chiến thắng.
Sau đó, một cơn mưa đòn dội vào tôi, những nắm đấm và dùi cui giáng xuống đầu và quai hàm của tôi. Khi tôi ngã xuống đất, tôi chỉ kịp nói với họ: “Tôi là người yêu nước! Tại sao các anh đánh tôi?”
Tôi không nhớ được nhiều về những gì xảy ra tiếp theo. Trong tâm trí tôi, hành trình từ mặt đất đến chiếc xe tải diễn ra nhanh gọn. Tôi nhớ đã nằm trên khung sàn xe tải, nhìn lên bầu trời và chấp nhận thất bại.
Video ghi lại những gì đã diễn ra cho thấy hành trình đó không hề trơn tru chút nào. Tôi liên tục kháng cự và nhoài người khỏi vòng xiết của những kẻ bắt giữ. Họ phải hạ gục tôi bằng cách chùm một túi vải to màu cam lên đầu tôi. Khi họ đặt tôi lên sàn xe tải, tôi đứng dậy, đầu rướm máu, và vẫy tay với những người biểu tình.
***
“Người Việt Nam không cần sự giúp đỡ của anh”, viên công an lớn tuổi phản bác. Tôi đang ngồi trên chiếc ghế kim loại đối mặt với ông ta, cả hai chân tôi bị cùm vào một thanh kim loại rỉ sét. Ông ta ngồi sau bàn, đeo kính, gương mặt biểu hiện nghiêm khắc nhưng lạnh lùng. Ông ta nhắc tôi nhớ đến một những người chú của mình, tôi tự nghĩ như vậy.
Ông ta thẩm vấn tôi về động cơ hành động, nguồn tài trợ của tôi và mối liên hệ của tôi với các tổ chức hải ngoại. Cố gắng che đậy sự tức giận, ông ta không thể tự tin, hoặc không muốn tin, rằng tôi đã hành động một mình, theo ý chí tự do của riêng tôi.
Ông ấy nói rằng ông ấy tin vào chủ nghĩa cộng sản – một trong số ít đảng viên mà tôi đã gặp thẳng thắn nói vậy – và hỏi tôi có bao giờ đọc Marx và Lenin không. Tôi nói tôi có, và chúng tôi đã có một cuộc hội thoại ngắn về các giai đoạn phát triển tư tưởng của Marx. Ông nói rằng giai đoạn tư bản này của Việt Nam chỉ là tạm thời, rằng đất nước đang trên đường hướng tới một điều gì đó vĩ đại hơn.
Họ thay phiên nhau thẩm vấn tôi trong nhiều giờ liền. Những câu hỏi của họ chỉ nhằm lừa và bẫy tôi. Có một người đàn ông khoảng hai mươi tuổi, có lẽ là người thứ tư hoặc thứ năm trong đêm đó. Lúc ấy đã quá nửa đêm khi đến lượt của anh ta. Anh đóng cửa, bất chấp sự phản đối của đồng nghiệp. Ngôn ngữ cơ thể của anh ấy nói với tôi rằng anh ta không hề muốn làm cái công việc anh ta được giao để làm. Anh ta kéo ghế tới trước mặt tôi, và chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện cởi mở.
“Thật nực cười, ở Việt Nam, nếu bạn tin vào điều gì đó tiến bộ, bạn lập tức được gắn mác phản động”, anh ấy bắt đầu cuộc trò chuyện như vậy. Sau đó, anh ấy nói rằng anh ấy thông cảm với những gì tôi đã làm, rằng bất kỳ người Việt Nam nào cũng sẽ hiểu tại sao tôi làm vậy. Tôi không biết đây có phải là một trò dàn dựng hay không.
***
Vào buổi sáng diễn ra phiên tòa dành cho tôi, một trong những bạn tù của tôi – một người Philippines trẻ, từng là một đầu bếp và một thợ cắt tóc – đề nghị được cắt tóc cho tôi. Chúng tôi dùng còi nhà tù để cạo sát hai bên, còn mái tóc đỉnh đầu thì để dài. Đó chính là kiểu tóc của tôi trước khi bị bắt. Khi mái tóc được tích lũy qua bốn mươi ngày nhẹ nhàng rơi xuống sàn nhà tù vào sáng hôm đó, tôi cảm thấy một sự thư giãn tâm linh.
Tại tòa án, tôi thừa nhận đã gây rối trật tự công cộng. Các công tố viên nhanh chóng đề xuất hình thức trục xuất. Thẩm phán lập tức đọc hình phạt dành cho tôi; tôi nhớ những từ: “Trục xuất ngay lập tức khỏi Việt Nam”. Trong tuyên bố sau cùng của tôi, tôi đã nói với tòa án rằng, tôi không muốn gì hơn là được trở về Việt Nam trong tương lai để giúp đất nước này phát triển.
Tôi đã được hộ tống ra khỏi Tòa án Nhân dân tối cao của Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lần này tôi không bị còng tay và tự do đi giữa những người canh giữ mặc đồng phục. Người công an hộ tống tôi xuống các bậc thang đến xe ô tô và mở cửa cho tôi theo kiểu tài xế, đã trở thành một đề tài bàn tán trên mạng xã hội.
Bên trong chiếc SUV, tất cả chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, kể cả người công an. Một người đặt tay lên đầu gối tôi, mỉm cười và nói: “Đã xong rồi”. Và khi chúng tôi đến Nhà tù Chí Hòa, một nhà tù cổ từ thời Pháp thuộc nằm ở trung tâm của thủ đô phía nam, tôi nhận ra rằng tôi sẽ không được trở lại phòng giam của mình để thu thập tư trang. Những người tự do không được phép trở lại Chí Hòa.
Đồ đạc của tôi được gửi đi, bao gồm một cây kim may được chạm khắc từ xương và hai cái móc khóa hình cá được dệt từ sợi nhựa. Đó là những món quà lưu niệm từ các bạn tù của tôi, họ đã dự đoán rằng tôi sẽ không phải ở lâu trong thế giới của họ.
Thật vậy, tôi đã không ở Việt Nam được lâu. Khi mặt trời lặn, tôi đã ở trên không, hướng tới Hoa Kỳ. Và khi tôi ngồi trên máy bay nhìn Thành phố Hồ Chí Minh từ từ biến mất ở chân trời xa, tôi cảm thấy như ngày 30 tháng 4 năm 1975 lại diễn ra lần nữa: Một sự giải phóng và một sự lưu đày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét