Ánh Liên (VNTB)
Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm giữ chức vụ Chủ tịch nước, các bài báo ‘nịnh’ lại có xu hướng tăng lên, từ bài viết ‘Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và chuyện bức ảnh độc đáo thời sinh viên’ đến ‘Bộ vest cũ màu và căn nhà số 5 phố Thiền Quang’.
Những chuyển biến này trong đời sống báo chí khiến không ít người giật mình vì nó rất giống ‘tinh thần học tập, ca tụng đồng chí Tập Cận Bình’ bên Trung Quốc. Thậm chí, hình ảnh trường ĐHQG Hà Nội đóng khung kính luận văn tốt nghiệp của TBT Nguyễn Phú Trọng, đặt ở trung tâm phòng truyền thống lại mang chút gì đó,… sùng bái cá nhân.
Với bài báo ‘Bộ vest cũ màu và căn nhà số 5 phố Thiền Quang’ (được lấy cảm hứng từ bài ‘Tân Chủ tịch nước ở nhà công vụ, cuộc sống bình dị’ trên báo TTO), cảm tưởng như đọc một bài quảng cáo (PR) đã được đặt hàng nhằm tô vẽ thêm cốt cách của một cá nhân. Hẳn đó là tính cần-kiệm-liêm-chính-chí-công-vô-tư mà bản thân người viết hướng tới ông Nguyễn Phú Trọng như một Hồ Chí Minh thứ hai, một lãnh tụ thời hiện đại.
Trong bài viết trích dẫn phát ngôn của ông Phó chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Nguyễn Văn Tuyết: ‘Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu rất xúc động, và tôi cũng rất xúc động khi nghe, cảm nhận những lời phát biểu ấy. Ông được Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội tín nhiệm gần như tuyệt đối, nhưng lời phát biểu của ông vẫn hết sức khiêm nhường.’
Cách vận dụng ngôn từ đầy tính cảm xúc này không khác lắm cách dụng ngôn từ của nhà báo Phan Đăng (người đang dẫn chương trình Ai là triệu phú) trong bài viết: Vợ con sống giản dị như công chức bình thường và sĩ phu Bắc Hà giữa nanh vuốt của những ‘nhóm lợi ích’. Trong bài viết này, nhà báo xưng hô là ‘Ngài Trọng’ trong sự ‘đáng kính’, và rằng, ‘trái tim tôi run lên mỗi khi nhìn thấy Ngài trên truyền hình, thấy mái tóc trắng phau của Ngài, phong thái điềm đạm nhưng uy kính, giọng nói ôn tồn nhưng đầy lửa cháy mà Ngài tạo ra’.
Người viết không phê phán nhà báo Phan Đăng hay ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết, vì đó là quan điểm và cảm xúc riêng của ông đối với một cá nhân mà hai ông thần tượng. Nhưng đối với các bài viết trên mặt báo có số lượng lớn người đọc, ca tụng một người trong hiện trạng người đó vẫn đang quyền cao chức trọng, chưa hề mất đi thì cảm giác như là một hiện tượng ‘sùng bái chủ nghĩa cá nhân’.
‘Sùng bái’ từng xuất hiện dày đặc trong lịch sử, nhất là những nước Cộng sản như Joseph Stalin, Kim Nhật Thành, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh,… những người mà sinh thời, văn thơ nhạc họa vây quanh để ca ngợi họ.
Người viết không rõ ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có vui vẻ với những bài viết ‘nịnh chữ’ như vậy không, nhưng giả như ông có trung thành với Marx-Engel thật, thì có lẽ ông sẽ hiểu hơn hết tinh thần chống sùng bái của 2 vị này.
Với K. Marx, đó là ‘ác cảm với mọi thứ sùng bái cá nhân đã khiến tôi không bao giờ cho đăng tải vô số thư từ nhiều nước gửi đến ca tụng tôi, chúng chỉ khiến tôi bực mình.’. Còn F. Engels, ‘chúng tôi chống lại những lời biểu dương đối với cá nhân chúng tôi, ngay khi chúng tôi còn sống.’
Trở lại với câu chuyện ‘Bộ vest cũ màu và căn nhà số 5 phố Thiền Quang’, thực ra mà nói, với tư cách một công dân, thì người viết sẽ luôn mong muốn lãnh đạo phải ăn mặc chỉnh tề, bộ vest phải đậm màu, và không cần ở nhà cũ kỹ. Tức những yếu tố vật chất sẽ tương xứng với chức vụ mà lãnh đạo đang gánh vác, thậm chí là cả mức lương. Bởi suy cho cùng, đất nước có phát triển được hay không, xã hội có tiến lên phía trước được hay không, nó không phụ thuộc vào một lãnh đạo ‘tiết kiệm’ cho bản thân qua lối ăn mặc, mà nó phụ thuộc vào một lãnh đạo sáng suốt, tư duy mở, biết nắm lấy cơ hội và đề ra những quyết sách đúng đắn.
Sẽ thật khó chịu khi nhìn thấy một lãnh đạo già cỗi, hơi thở yếu trong màu vest bạc màu, run rẩy đứng trên bệ nói với giọng yếu ớt, và nói về những chủ nghĩa lạc hậu, những giá trị cằn cỗi quan liêu với hàng trăm, hàng vạn con người bên dưới.
Việt Nam không cần những người như vậy, 70 năm qua đã quá đủ cho sự ‘trải nghiệm’ những ‘cá nhân’ như vậy rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét