Thâm hụt ngân sách là một vấn đề nan giải mà nhà cầm quyền Việt Nam chưa tìm ra hướng giải quyết. Thực trạng này đang kéo theo một loạt các hậu quả như gia tăng tỷ lệ nợ công, làm tăng lãi suất, tăng thuế phí, lạm phát… khiến cho nền kinh tế Việt Nam sa lầy trong gánh nặng nợ công ngày càng tăng và gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Theo bản tin của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) hôm 14 tháng 10, đã trích dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội CSVN, cho biết thu ngân sách nhà nước năm 2018 ước đạt trên 1.35 triệu tỷ đồng, trong khi đó dự tính chi ngân sách lên tới hơn 1.56 triệu tỷ đồng. Như vậy, năm 2018 bội chi ngân sách Việt Nam sẽ là 204,000 tỷ đồng (khoảng $8.8 tỷ Mỹ Kim), tương đương 3.67% GDP.
Báo cáo này cũng cho biết, nguồn thu của ngân sách nhà nước đang “hẹp dần”. Các nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đều giảm, một nửa địa phương không đạt số thu ngân sách, 2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP HCM liên tục bị hụt thu trong hai năm vừa qua. Trong khi đó, các khoản chi ngân sách thì cứ ngày một nhiều, dẫn đến mất cân đối, đe dọa tính bền vững của ngân sách nhà nước.
Thu không đủ chi
Bội chi ngân sách tại Việt Nam luôn ở tình trạng năm sau tăng hơn năm trước. Nguyên nhân của tình trạng này là do ngân sách đang bị lạm dụng dưới hình thức “chi tiêu công” qua việc các địa phương thi đua xây dựng đường sá, tượng đài, nhà hát, trụ sở cơ quan. Có xây những công trình này thì cán bộ mới có thể rút ruột và những công trình này xây xong lại không đưa vào xử dụng vì chất lượng quá tồi.
Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước còn phải gồng gánh hàng loạt những dự án đội vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng, cùng với nghĩa vụ phải trả nợ cho các tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ như Vinashin, Vinalines, và những dự án khai khoáng chỉ “đào lên bán mà cũng lỗ”. Đồng thời, các khoản chi thường xuyên để nuôi bộ máy công chức không những không được tinh giản mà ngày càng phình to. Quả thực đây là một gánh nặng rất lớn, và cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thâm hụt ngân sách.
Đầu tư công kém hiệu quả đã đẩy nợ công tăng cao và trở thành vấn đề bức bách nhất của nền kinh tế. Nợ công của Việt Nam đã tăng liên tục trong nhiều năm, từ 36% GDP năm 2001 lên 62,4% vào năm 2016. Theo dự báo của IMF, nợ công năm 2017 và 2018 sẽ là 63,3% và 64,3%. Báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” của UNDP đánh giá Việt Nam đang là quốc gia có tỷ trọng nợ công/GDP cao nhất khu vực ASEAN.
Tình hình nợ công tăng cao trong bối cảnh các nguồn thu ngày càng bị sụt giảm, về lâu dài có thể khiến Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro cho tăng trưởng kinh tế. Bởi khi nợ công quá cao so với GDP, thì dù vay bằng hình thức nào, GDP sẽ bị ảnh hưởng xấu, thậm chí có thể dẫn đến tăng trưởng âm, vì hầu hết tiền thu từ thuế sẽ đều phải dùng để trả lãi và trả nợ chứ không còn để đầu tư cho kinh tế. Đây chính là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khó bền vững, thậm chí là dẫn đến tình trạng vỡ nợ.
Tăng thuế
Trong quản lý kinh tế, để bù đắp thâm hụt ngân sách, nhà cầm quyền CSVN thường đưa ra các biện pháp thu như: in thêm tiền, tăng các loại thuế phí, hoặc đi vay, chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, hoặc vay vốn ODA… Trong đó, dù sử dụng giải pháp nào, cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên, giải pháp dễ dàng và được nhà cầm quyền áp dụng thường xuyên nhất chính là tăng thuế.
Có thể nói, chưa lúc nào giá xăng tại Việt Nam cao như thời điểm hiện tại, từ việc tăng giá liên tục, cho tới việc thuế môi trường đối với xăng cũng tăng lên mức kịch trần 4.000 đồng/lít, bất chấp các lo ngại về lạm phát gia tăng. Bên cạnh đó, không chỉ xăng dầu, nhiều lĩnh vực khác cũng đang đối mặt với việc tăng thuế như: thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản nhà đất, thậm chí là thuế VAT bị đề xuất tăng từ 10% lên 12%. Những chính sách này đang vắt kiệt sức lao động của người dân và khiến doanh nghiệp không thể tích lũy tái đầu tư.
Theo World Bank, tỷ lệ thu thuế trên GDP của Việt Nam đã ở hàng cao nhất thế giới, chiếm khoảng 20% GDP, cao hơn ba nước giàu hơn trong khu vực là Thái Lan (16,1%), Indonesia (13,5%) và Malaysia (14,3%). Như vậy, nghịch lý là trong khi Việt Nam có tỷ lệ thuế, phí/ GDP thuộc hàng cao nhất khu vực và người dân đang phải trả thuế, phí cao gấp 3 lần các quốc gia khác. Thì vị trí đứng đầu thâm hụt ngân sách/ GDP cũng lại thuộc về Việt Nam. Điều này nói lên rằng vấn đề không nằm ở việc tăng bao nhiêu thuế, mà là nằm ở chỗ chính quyền chi tiêu hiệu quả như thế nào đối với thuế thu được từ người dân và doanh nghiệp.
Tóm lại, ngân sách thiếu hụt ở các nước xã hội chủ nghĩa là căn bệnh trầm kha và nó chỉ có thể giải quyết khi chế độ độc tài tiêu vong. Tức là khi Việt Nam có một nhà nước dân chủ, lo cho dân thực sự thì mới có thể kiểm soát chi thu của bộ máy công quyền một cách chặt chẽ. Sự tranh đoạt quyền lực, dẫn đến tình trạng “ngáng cẳng lẫn nhau” trong bộ máy công quyền, đã làm cho chế độ độc tài cộng sản không bao giờ kiểm soát hay cân bằng ngân sách như mong đợi. Lãnh đạo cộng sản biết tăng thuế thì lòng dân sẽ bất mãn nhưng không tăng thuế thì không thể duy trì được chế độ và đó là nguyên nhân làm bộc phát những cuộc đấu tranh quần chúng ở những giai đoạn cuối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét