Bốn mươi hai năm về trước ở nước ta có một vụ án được che đậy kỹ càng, chỉ một số ít người trong đảng cộng sản được biết, có tên là ”Vụ án Tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”.
Gọi là vụ án, nhưng không thể hiểu nó theo cách thông thường của nhân loại, bởi trong vụ này những kẻ gây án tuỳ tiện bắt người bỏ tù rồi giam giữ nhiều năm không qua bất kỳ thủ tục pháp lý nào, không được ra bất cứ toà án nào xét xử.
Những người quan tâm tới lịch sử của chế độ độc tài toàn trị nay có thêm một tia sáng soi rọi vào vụ án ấy qua một tài liệu được giữ bí mật nhiều năm do chính người tham gia cuộc trấn áp viết ra.
Tác giả của bức thư gửi những người và cơ quan lãnh đạo đảng cộng sản – ông Nguyễn Trung Thành, là một cán bộ cao cấp trong Ban Tổ chức Trung ương.
Lời nói của ông đáng tin cậy. Nó là bằng chứng khách quan.
Là một đảng viên cộng sản tận tuỵ hết lòng với đảng của mình, nhưng trong ông vẫn còn giữ được tinh thần công chính lương thiện để viết ra sự thật và vì thế ông đã phải trả giá cho hành động bị coi là phản bội đảng – bị đảng mà ông phục vụ suốt đời đuổi ra khỏi đảng.
Tôi giới thiệu tài liệu này với các bạn quan tâm tới những sự kiện bị che đậy trong lịch sử.
___________________
NGUYỄN TRUNG THÀNH
Hà Nội, ngày 3 tháng 2 năm 1995
Kính gửi:
Đồng chí Tổng Bi thư
Các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư
Các cố vấn Ban chấp hành TW
Các đồng chí trong Ban Kiểm tra TW
Các đồng chí Trưởng Ban Tổ chức TW,
Ban Nội chính chính TW, Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ.
Các đồng chí Viện trường Viện Kiểm soát tối cao, Chánh án Tòa án tối cao.
Đề nghị: cứu 32 đảng viên bị xử trí oan khuất gần 30 năm nay trong cái gọi là ”Vụ án Tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”.
***
1. Tôi là NGUYỄN TRUNG THÀNH, nguyên là cán bộ thuộc Ban Tổ chức TW (1951 – 1988), nguyên là Vụ trưỏng Vụ Bảo vệ Đảng (1962 – 1988), nguyên là Uỷ viên thường trực Tiểu ban bảo vệ Đảng trung ương (1977 – 1979) và chuyên viên giúp Ban Tổ chức TW vể công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nay đã về hưu, được xếp chuyên viên 9.
Tôi đã có tham gia các công tác sau đây:
Giúp phát hiện và sửa chữa những sai lầm trong chỉnh đốn tổ chức, cải cách ruộng đất đợt 4 và đợt 5 (1955 – 1956).
Giúp TW xem xét về mặt chỉnh trị cùa cán bộ dự kiến bầu vào Trung ương, ở các kỳ Đại hội III, IV, V, VI và kiện toàn bộ máy các cơ quan Nhà nước.
Giúp thẩm tra 10 cán bộ cấp cao có bị nghi vấn vế chính trị.
Góp phần và trực tiếp phát hiện và giải quyết một số vụ án sai, bắt oan nhiều cán bộ, đảng viên vô tội.
2. Từ năm 1963, tôi được phân công giúp việc cho Ban Bí Thư, Ban Tổ chức TW và làm một phần trong vụ án nói trên trong nhiều năm với sự phối hợp của các đồng chí Trần Hữu Đắc (Uỷ ban Kiểm tra TW), Trần Quyết, cục trưởng, Hồng Thao, phó cục trường và các cán bộ thuộc Bộ Công an nay là Bộ Nội vụ, Kinh Chi, cục trưởng (Tổng cục Chính trị).
Trong hàng chục năm trước đây, do chỗ chỉ được biết từng bộ phận riêng lẻ của tài liệu nên tôi vẫn tin rằng các kết luận của Bộ Chính trị và của Trung ương đối với vụ án là đúng đắn, là chính xác.
3. Gần đây, do có nhiểu đơn khiếu nại liên tục của những người bị xử trí và thân nhân trong vụ án, do có thư đề nghị của nhiều cán bộ, đảng viên, và theo chỉ thị của trên, đồng chí Nguyễn Đình Hương, Trưởng ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ có giao cho tôi nắm lại toàn bộ vụ án để báo cáo với Ban bí thư Trung ương. Trong hơn một năm qua, tôi có điều kiện và đầy đủ thời gian nghiên cứu lại toàn bộ các hồ sơ tài liệu cùa vụ án, đi sâu phân tích các tài liệu, so sánh đối chiếu các tài liệu điều tra, các lời khai cung, các biên bản những những cuộc họp cùa Ban chỉ đạo vụ án, các đơn khiếu nại trước và nay vv…
4. Qua nghiên cứu lại một cách tỉ mỉ, nghiêm túc và thận trọng tôi nhận thấy một cách có căn cứ rằng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng trước đây khi kết luận về vụ án đã tin vào những báo cáo của Ban chỉ đạo vụ án. Những báo cáo đó đã không dựa vững chắc trên những cơ sở khách quan có thực, mà chỉ dựa vào một số lời khai (bản thân những lời khai này có nhiều mâu thuẫn giữa người này với người khác và giữa lời khai trước và sau của cùng một người) mà không được xác minh cẩn thận. Hơn nữa, lời khai của can phạm khi đang bị công an bắt giữ không có giá trị pháp lý đích thực. Ngay lúc công bố kỷ luật, có người đã chối không công nhận kết luận. Sau này hầu hết bọn họ và thân nhân đều khiếu oan.
Do báo cáo của Ban chỉ đạo thiếu những cơ sở chứng cứ, nẻn các kết luận của Bộ Chính trị và của Trung ương đều thiếu căn cứ xác thực.
5. Từ việc phân tích, đối chiếu các tài liệu điểu tra và các bản khai cung, rõ ràng không thể quy cho những người đã bị bắt vế những tội chống Đảng, chống Nhà nước, cỏ tổ chức, có cương lĩnh, cung cấp tình báo cho nước ngoài vv…
Nhiều đồng chí bị bắt đã phạm một số sai lầm so với những quy định trong Điều lệ Đảng, nhưng họ không phạm tội do với những điều khoản pháp luật.
Trong những người bị bắt, bị xử trí, phần lớn là cán bộ cao cấp, trung cấp (4 ủy viên Trung ương, 1 thiếu tướng thứ trưởng, 4 vụ trưởng, 3 đại tá). Một số là cán bộ hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám 1945 đã bị thực dân Pháp bắt và cầm tù nhiều năm.
6. Với sự thôi thúc của lương tâm hàng ngày hàng giờ bị cắn rứt, tôi cho rằng vấn đề cấp bách hàng đầu hiện nay là phài khẩn thiết giải oan cho những đồng chí đã bị bắt và bị xử trí oan. Điều đó chỉ có lợi cho uy tín của Đảng, cho sự đoàn kết trong và ngoài Đảng, cho sự ổn định chính trị hiện nay. Đảng ta chính đại quang minh đã từng thừa nhận khuyết điểm trước toàn dân, đã sửa chữa nhiều vụ án bắt oan sai, và qua đó đã vũng mạnh lên.
7. Các vấn đề cấp bách thuộc quyền lợi cần giải quyết ngay cho số đồng chí bị bắt và bị xử trí oan là:
+ Xếp một mức lương thỏa đáng với từng trường hợp, làm căn cứ lương hưu, và được truy lĩnh từ tháng 1 năm 1994.
Với những người đã tham gia cách mạng trước tháng 12/1944, được hưởng các chế độ ưu đãi, thâm niên hiện hành, thâm niên quân đội.
Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể cấp một khoản trợ cấp đền bù.
+ Tùy trường hợp cụ thể, có thể hoặc cấp nhà, hoác bổ sung diện tích, hoặc giúp cơi nới cải tạo nơi ở.
+ Được hưởng chế độ khen thưởng tương ứng.
+ Hoà nhập vào sinh hoạt các Hội, Đoàn tương ứng (nhà tù, hưu trí, câu lạc bộ, hội cựu chiến binh vv…).
8. Để xác định lại những nhận xét trên đây của tôi, và cũng để thẩm tra lại toàn bộ công việc điều tra và xử lý vụ án trước đây, tôi đề nghị Bộ Chinh trị cho lập ra một Ban Thẩm tra vụ án nói trên, qua đó rút ra những bài học cho Đảng ta sau này. Tôi xin sẵn sàng phục vụ vô điều kiện.
Với lòng trung thực, với ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ Đảng và bảo vệ sinh mệnh chính trị của Đảng viên , tôi tha thiết kính mong Bộ Chính trị, Ban Bí thư có những quyết định dứt khoát để sớm cứu các đồng chí bị xử trí oan trước lễ kỷ niệm 105 ngày sinh Bác Hồ và 50 năm Cách mạng Tháng Tám.
Kính,
NGUYỄN TRUNG THÀNH
Nơi ở: 10C Dốc Ngọc Hà. Phòng 201+202.
Điện thoại: 258261/3746
Phụ lục:
– 3 phóng bản thư của Nguyễn Trung Thành
Ghi chú:
1. Vụ án kết thúc năm 1976 khi người tù cuối cùng được thả ra.
2. Tác giả chỉ quan tâm tới những đảng viên của đảng, không hề quan tâm nhiều người ngoài đảng cũng bị trấn áp trong vụ này.
3. Tác giả nói ông chỉ tham gia một phần trong vụ án, nhưng đó lại là phần rất quan trọng – ông tham gia mọi cuộc hỏi cung với tư cách người chứng kiến và chỉ đạo. Tôi biết, tôi làm chứng.
4. Không hiểu sao tác giả lại đề nghị cho nạn nhân vụ án truy lĩnh từ năm tháng 1 năm 1994, trong khi vụ trấn áp bắt đầu từ tháng 10 năm 1967. Thật khó hiểu. Chỉ có thể võ đoán là do sợ hãi nên mãi gần 20 năm sau ông mới nói ra sự thật mà mình biết, và cũng không dám đòi cho những nạn nhân được truy lĩnh và bồi thường kể từ ngày bị bắt (1967-1968).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét