Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

*10052 - Về một “ảo tưởng” của chính người dân chúng ta





Ông Nguyễn Công Khế, cựu TBT báo Thanh Niên trong một đăng tải công khai trên Facebook cá nhân đã đề cập đến tấm hình của nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ), cả hai ông cười trước khi “vào tù theo như tầm ngắm của những người phát động chiến dịch răn đe và đàn áp báo chí lúc đó (2008)”.



Ông Quốc Phong, một người từng bị vào tù cùng thời điểm và sự vụ nêu trên trong chia sẻ công khai trên Facebook của mình đã cay đắng: phải chăng bắt nguồn từ một niềm tin sai lầm của chúng tôi: bị ảo tưởng về công lý.

Thực ra, thế hệ của ông Chiến, ông Hải, ông Khế cũng là một thế hệ “ảo tưởng” lần 2, bởi trước đó – thế hệ từng gánh trên vai hai cuộc chiến (chống Pháp và chống Mỹ) đã vỡ mộng, vì họ “ảo tưởng” rằng, sau chiến tranh sẽ là phồn vinh XHCN, nơi mà “dân chủ, tự do” được ngập tràn trong mọi ngõ ngách xã hội, nơi mà “người bóc lột người” sẽ tan biến trước cái chết của CNTB.

“Sớm thôi” và “được thôi” – những con người cách mạng từng nghĩ như vậy, và họ dốc cả máu, nước mắt, thanh xuân mình cho cuộc chiến. Nơi thể trạng mà những anh bộ đội Bắc Việt “leo cành đu đủ” nhưng không gẫy đã bẻ gãy nền quân lực hùng mạnh nhất.

Cơ chế thị trường mở toan toàn bộ bản chất cốt lõi của thể chế: tầm nhìn ngắn hạn, chộp giật và tham nhũng.

“Được thôi” và “rồi sẽ ổn” – những con người sau sau thời chiến đã từng nghĩ sẽ khắc phục và sửa sai được lỗi cơ chế. Và cuộc chiến chống tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm vốn giằng xé quốc gia ra từng mảnh nhỏ sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng PMU18, Năm Cam,… đã chứng minh đó là “ảo tưởng”. Sau một bước tiến với khí thế hừng hực cách mạng, với ước mong làm sạch bọn “bán dân, hại nước” lại sớm bị phản đòn: kẻ vào tù, người bị về hưu sớm.

“Niềm tin đã trở lại” – “sớm thôi”, những quan điểm và kỳ vọng về một cuộc lột xác của đất nước trước tham nhũng, ngàn người nín thở nhìn về phía một cụ ông đã gần 80 đời đang tất bật “chỉnh trang” quy định và ra các chỉ đạo đưa người không tốt vào tù. Nhưng càng lôi ra, thì người không tốt lại càng nhiều, nhiều đến mức, có người còn bảo, không biết nếu cụ ông sống đến 100 tuổi, thì liệu đã lôi hết được chưa.

Trong khi cụ ông vẫn đang nằm trên giường bệnh thì mới đây ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Tp. Hà Nội, người đăng đàn nói về không vùng cấm, về dân chủ, chống lợi ích nhóm và tham nhũng, chống sân sau,… bị phát lộ có liên quan đến một vài doanh nghiệp. Một Nhật Cường cung cấp phần mềm liên quan đến đề án thành phố thông minh được cho liên quan đến ông. Một doanh nghiệp được cung ứng hóa chất tẩy rửa sông ngòi cho chính quyền thành phố lại có địa chỉ đăng ký giống địa chỉ thường trú của ông.

Một Formosa vẫn đang ngày đêm là trọng điểm ô nhiễm, mầm mống dịch hại cho thế hệ người dân Hà Tĩnh vẫn sừng sững ngự trị. Mới đây, một thông tin liên quan đến việc “Hà Tĩnh: Cảnh sát môi trường 'bó tay' với hàng triệu tấn chất thải của Formosa” gây xôn xao và phẫn nộ dư luận. Một luồng gió tưởng chừng như “đánh Formosa”, hiện thực lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người từng làm nức lòng dư luận với quan điểm “Không an toàn, không sản xuất, nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cử” vào năm 2017. Thế nhưng, tin tức khơi mào về Formosa đã bị gỡ bỏ, không ít người “kỳ vọng” đã trở nên hụt hẫng, mặc dù sau đó, báo chí tiếp tục được khai thác theo hướng “Gang xỉ ra Thái Nguyên”.

BOT với những lời hứa hẹn thanh kiểm tra để minh bạch và đúng luật vẫn tiếp tục là những lời hứa gió. Những tài xế phản đối BOT bẩn Bắc Thăng Long – Nội Bài (Tp. Hà Nội) đã bị lực lượng công an cưỡng chế bằng bạo lực và bắt về đồn. Trạm thu trái phép vẫn tiếp tục tồn tại, và cách nó được bảo vệ không khác gì BOT An Sương (Tp. HCM). Bạo lực đáp trả lại quyền đòi minh bạch, chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm của người dân, và một lần,… chính quyền lại đứng phía bên kia chiến tuyến. “Ảo tưởng” về không vùng cấm, về toàn dân tham gia “đốt lò”, về dân chủ cơ sở với “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tiếp tục vỡ vụn vào ngày 11.05.2019.

Nhân dân sẽ không quên cách mà lực lượng vũ trang ứng xử với họ vào những ngày mà họ đứng lên đòi quyền liêm chính cho chính đất nước, quê hương của họ. Và họ cũng không quên nhanh chóng dập tắt cái “ảo vọng” về sự thay đổi, cải đổi theo hướng đi lên của hệ cơ chế ngày nay. Và họ càng không quên và ghi khắc dấu, ngày mà họ vỡ mộng và trở về với hiện thực cách mạng mà họ cho đó là phản bội lợi quyền cộng đồng. 


Chấm dứt một sự “ảo tưởng” của chính người dân chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét