Ông Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch Nước trước Quốc Hội, Hà Nội, ngày 23/10/2018.
Chủ tịch nước, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng không xuất hiện từ gần một tháng nay. Truyền thông Nhà nước liên tục đưa tin sức khỏe lãnh đạo tối cao sẽ sớm cải thiện. Ngược lại, không ít thông tin trên mạng xã hội, hay truyền thông bên ngoài, khẳng định bệnh tình ông là trầm trọng. Sức khỏe lãnh đạo tối cao Việt Nam đột ngột thành tâm điểm chú ý suốt cả tháng nay. Vì sao sức khỏe ông Trọng thành « đại sự » ?
Ông Nguyễn Phú Trọng không trực tiếp xuất hiện trên truyền thông Nhà nước, kể từ ngày 14/04/2019, sau chuyến công cán tại tỉnh Kiên Giang. Rất nhiều thông tin lan truyền về việc ông bị tai biến não phải cấp cứu. Chính quyền không xác nhận, cũng không bác bỏ thông tin.
Cuối tháng 4/2019, rất nhiều người đã trông đợi ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ trì tang lễ quốc gia tướng Lê Đức Anh ngày 03/05. Nhưng ông không xuất hiện. Và dường như cũng không có kế hoạch xuất hiện tại một sự kiện quan trọng khác, là Hội nghị trung ương 10 của Đảng, tuần này. Tuy nhiên, hôm 10/05, Quốc Hội thông báo là vào ngày 29/05, chủ tịch nước sẽ đọc tờ trình về việc Việt Nam gia nhập một công ước quan trọng của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế về quyền lập công đoàn. Công chúng tiếp tục chờ đợi lãnh đạo tối cao bình phục.
Dù không xuất hiện, một số phản ứng tối thiểu của một nguyên thủ vẫn được duy trì. Ngày 05/05, lãnh đạo tối cao « gửi điện thăm hỏi » Nga về vụ tai nạn máy bay khiến 41 người chết. Ngày 06/05, gửi thư « chức mừng » ông Volodymyr Zelensky, tân tổng thống Ukraine. Ngày 09/05, « chúc mừng » Ngày Độc lập của Israel...
Ngay trong thời gian ông Trọng không xuất hiện, ngày 05/05, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương ra thông báo về danh sách một loạt cựu quan chức cao cấp bị đề nghị kỉ luật, trong đó có một cựu phó thủ tướng, một cựu thứ trưởng Quốc Phòng, nguyên tư lệnh Hải Quân. Nhiều người nuôi hy vọng là sự nghiệp « đốt lò », cụm từ thông dụng mới đây ở Việt Nam dùng để chỉ chiến dịch « chống tham nhũng » của tổng bí thư – chủ tịch nước, sẽ tiếp diễn, thậm chí quyết liệt hơn.
Càng ít thông tin về bệnh tình ông Nguyễn Phú Trọng, thì vấn đề sức khỏe ông dường như lại càng trở nên một câu chuyện quan trọng đối với một bộ phận xã hội Việt Nam. RFI đặt câu hỏi với nhà báo Võ Văn Tạo (Nhà Trang), người quan tâm từ lâu nay đến chính trường Việt Nam.
***
Vì sao sức khỏe ông Trọng thành chuyện ‘‘đại sự’’ ?
Nhà báo Võ Văn Tạo : Những người nào biết rõ về chính trị Việt Nam, thì biết rằng nguyên tắc làm việc của mấy ông Đảng, Nhà nước Việt Nam không phải theo nguyên tắc cá nhân là chính đâu, mà là làm việc tập thể. Có một quyết định quan trọng nào đó, thì họ họp nhau lại, biểu quyết, rồi theo đa số. Thậm chí trong lịch sử, từng có trường hợp người giữ cương vị cao nhất nhưng thuộc phe thiểu số, thì vẫn phải phục tùng đa số. Cho nên là, việc một cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng ở cương vị tổng bí thư, rồi kiêm chủ tịch Nước, mà ông ấy bệnh, thì với những ai hiểu biết chuyện chính trường Việt Nam, thì thấy rằng nó không quan trọng.
Nhưng tại sao nó lại trở nên quan trọng ?
Là vì có chuyện úp úp, mở mở về chuyện sức khỏe lãnh đạo, cán bộ cao cấp, của Nhà nước Việt Nam, luật pháp Việt Nam. Tôi nhớ cách đây 4, 5 năm, một ông cỡ bộ trưởng trong các trao đổi, tranh luận ở Quốc Hội nói là « sức khỏe của lãnh đạo Đảng, Nhà nước không có gì phải bí mật cả ! Công khai thôi ! ». Báo chí trong nước đăng tải. Thế nhưng mà đến cuối hoặc giữa năm ngoái 2018, thì tự nhiên thông qua luật về sức khỏe lãnh đạo Đảng, Nhà nước thuộc về bí mật Nhà nước. Cho nên là « trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ».
Điều buồn cười là ở chỗ này : Đã là bí mật, thì theo nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, thì tại sao ông Nguyễn Thiện Nhân (bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh), tại sao bà Kim Ngân (chủ tịch Quốc Hội), tại sao bà Hằng, người phát ngôn bộ Ngoại Giao, lại nói công khai trong tiếp xúc cử tri, và báo chí đăng lại ? Nếu như sức khỏe của ông Trọng là bí mật Nhà nước, thì ba người này đã vi phạm luật rồi.
Qua đây mới thấy là ở Việt Nam có hiện tượng, luật là một việc, còn những người giữ cương vị cao cấp trong Đảng, trong Nhà nước, thì họ không chịu sự điều chỉnh của luật. Nhìn chung là như vậy.
Trừ khi có vấn đề gì đó, có chiến dịch gì lớn, hoặc là do phe phái, có người vẫn bị xử theo luật. Như ông Đinh La Thăng chẳng hạn. Trước đây, hiếm khi các ông làm đến Bộ Chính Trị hiếm khi bị đưa ra xử ở tòa hình sự… Có những vụ như Năm Cam, có liên quan đến Bộ Chính Trị, nhưng nội bộ họp rồi các ông ấy gợi ý với nhau : thôi, đồng chí nghỉ đi, làm đơn xin nghỉ, vì lý do sức khỏe, thì sẽ miễn trách nhiệm hình sự.
Thứ hai nữa, tại sao cử tri quan tâm đến sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng ?
Vì gần đây, ông Nguyễn Phú Trọng phát động chống tham nhũng. Như danh chính ngôn thuận mà nói, theo ông ấy, là vì cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, có nhiều chuyện tiêu cực, tham nhũng, móc ngoặc, mafia, đủ trò hết, cái này làm mục ruỗng Đảng. Nếu không ngăn chặn nguy cơ đó, thì Đảng sẽ tan rã, mất chế độ cộng sản của các ông…
Công cuộc chống tham nhũng đang đà rất cao. Từ vài tháng trở lại đây, người ta dùng cái từ « người đốt lò vĩ đại » để nói về ông Trọng. Lôi ra rất nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước ở trung ương, cũng như địa phương, đưa vào xử lý hình sự. Phải nói là cả nước, dân chúng, cán bộ đều hào hứng với thông tin đó. Người dân cũng như cán bộ cấp thấp, những người thấp cổ bé họng đều biết rằng nạn tham nhũng quá nhiều, làm khổ cho dân. Còn mất chế độ hay không, mất Đảng hay không họ chưa nghĩ đến. Họ chỉ mong là dẹp bớt cái đó đi. Cho đến việc ông Trọng tự nhiên không còn xuất hiện những chỗ đông người, như tiếp khách nước ngoài, tiếp xúc cử tri… như thông tin đại chúng của Nhà nước vẫn thường đưa, thì họ lo lắng.
Đặc biệt là khi thông tin xì ra trên mạng là ông Nguyễn Phú Trọng ngất xỉu ngày 14/04, khi đang làm việc ở tỉnh Kiên Giang, rồi sau đó phải đưa cấp tốc máy bay về bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh để điều trị, rồi sau đó hai ngày đưa về bệnh viện Quân Y trung ương 108. Đây là những nguồn tin hết sức đáng tin cậy, vì họ đều có ảnh kèm theo.
Tôi cho rằng, đối với một nước văn minh, thì sức khỏe của một tổng thống hay một nhân vật tương tự, không phải là điều gì bí mật lớn cả. Ông ấy ốm thì nói là ốm…. Không hiểu vì sao với những nước cộng sản lại đưa vào vấn đề bí mật. Chính vì quy định như thế cho nên rất luộm thuộm. Báo chí thì lúc đăng, lúc không. Các nhân vật cao cấp của Đảng, Nhà nước phát ngôn cũng thế. Trên mạng thì ít thông tin chính thống, và thông tin chính thống không minh bạch, nên người ta đồn đại lung tung, đủ kiểu hết.
Chủ trương đưa sức khỏe cán bộ cao cấp vào bí mật là lợi bất cập hại. Nói nôm na là « gậy ông, đập lưng ông ».
Phát biểu về sức khỏe ông Trọng của một số lãnh đạo Việt Nam nói lên điều gì ?
Nhà báo Võ Văn Tạo : Gần đây khi mà ông Trọng không xuất hiện trước công chúng nữa, từ hôm 14/04 đến giờ, thì một số thông tin mà một số lãnh đạo cao cấp như ông Nguyễn Thiện Nhân, rồi bà Kim Ngân, cứ nói là sức khỏe tốt này kia…, thì theo suy nghĩ của riêng tôi, là sắp sửa đến Đại hội 13, thì cuộc chạy đua vào những cương vị cao nhất khá là quyết liệt. Có thể ai đó đưa ra những thông tin như thế có thể là để trấn an dư luận, và cũng để dằn mặt phe đối thủ : Đừng manh động, coi chừng ! Cụ vẫn còn sống đấy, cụ khỏe lắm ! Không phải cụ mất đâu mà làm loạn ! Đấy là một cách hoãn binh của họ, thì sao ?
Nghi vấn này sẽ được giải đáp, nếu sau đây vài ba tháng, nếu ông Nguyễn Phú Trọng không xuất hiện trở lại làm việc. Tôi cho rằng đây chỉ là một cách hoãn binh, ổn định tình hình, trước khi họ thu xếp xong.
Trong những ngày tới sẽ diễn ra Hội nghị trung ương 10, được coi là một hội nghị quan trọng của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong dư luận, có quan điểm cho rằng với sự biến mất của ông Trọng, cuộc chạy đua quyền lực đã bắt đầu. Ông nghĩ sao ?
Nhà báo Võ Văn Tạo : Theo một số nguồn tin không phổ biến công khai, có người trao đổi với tôi về tình hình cuộc chạy đua, để chuẩn bị cho Đại hội 13, thì ông thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng đang tập trung sức lo vấn đề đó. Ông Vượng là người kín tiếng, chứ không phải là « hay nổ » như một vài người khác. Ví dụ như ông Nguyễn Xuân Phúc chẳng hạn.
Không rõ nguồn tin có đúng hay không, nhưng đại khái là họ nói rằng ông Trọng đã tin tưởng và giao việc lại cho ông Trần Quốc Vượng. Tôi nghĩ điều này cũng hợp lý thôi, vì ông Trọng vốn dĩ là người xuất thân thuần túy từ bên Đảng, chứ không phải làm công tác bên chính quyền, chính phủ, các bộ ngành, hay chính quyền địa phương. Ông Trần Quốc Vượng cũng thuộc dạng giống như thế.
Thứ hai là từ lúc ông Trần Quốc Vượng được điều động làm viện trưởng Viện Kiểm Sát Tối Cao, đặc biệt là giai đoạn làm chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Đảng, thì tôi thấy rằng sức làm việc của Ủy Ban Kiểm Tra Đảng đã khác hẳn ngày xưa, khác đến 180° luôn. Chúng tôi làm nhà báo nhiều năm, tiếp xúc với thanh tra chính phủ, vào làm việc ở Khánh Hòa rất nhiều. Thứ hai, chúng tôi cũng có những nguồn tin từ trung ương nữa, thì rất nhiều đời các tổng tranh tra chính phủ làm việc là hầu như không có hiệu quả. Đa phần họ là một ổ tham nhũng, từ tổng thanh tra, đến phó tổng thanh tra, đến các trưởng đoàn, là vào các địa phương nơi có vụ việc, chỉ để… Thậm chí họ còn gặp các nhà báo họ còn rò rỉ thông tin, để các nhà báo viết lên, cho nặng lên, sau đó họ hành tội bên kia. Những người bị nghi, « biết điều » với họ, thì kết luận lại khác hẳn… Bên Ủy Ban Kiểm Tra thì những giai đoạn trước có vẻ trong sạch hơn, không có chuyện tiêu cực ấy, nhưng năng lực làm việc của họ rất yếu.
Từ khi ông Vượng làm chủ nhiệm, tôi thấy khác hẳn. Phát hiện ra các vụ Vina, Vinalines, Vinashine…. Mà thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, quyền lực thâu tóm về ông ấy, có quyền ký tá (bổ nhiệm) các nhân vật chủ chốt của các tập đoàn Nhà nước, các tổng công ty 91. Thì rõ ràng ông Vượng đã khui được chuyện đó. Và điều này hợp với ý ông Trọng, nên ông ấy có vẻ tín nhiệm ông Vượng.
Nhưng có một điều bất ngờ, là hôm vừa rồi, trong đám tang ông Lê Đức Anh, ông Trần Quốc Vượng lại không phải đại diện cho đoàn của Đảng đến viếng và đọc điếu văn, mà lại là ông Nguyễn Xuân Phúc. Cho nên cái này cũng làm cho dư luận rất khó phán đoán. Có thể ông Phúc sẽ là người kế nhiệm, nếu như ông Trọng không thể qua nổi. Kế nhiệm một trong hai chức, hoặc cả hai.
Vậy ông nhìn nhận về việc này thế nào ?
Nhà báo Võ Văn Tạo : Về chiêu bài tổ chức, họ có nhiều chiến thuật ghê gớm lắm. Tức là cứ để cho ông Phúc làm như thế, để mọi người tin rằng ông Phúc sẽ là người cầm trịch cao nhất, nhưng đến phút chót họ thay đổi phương án. Những điều đó, mình khó biết được lắm. Chỉ có trong nội bộ các ông ấy mới biết được thôi. Nhưng qua kinh nghiệm của một số đảng cộng sản khác, Liên Xô ngày xưa, Trung Quốc cũng vậy. Việt Nam cũng thế, ví dụ như những năm trước có những trường hợp rất bất ngờ ở phút chót. Do chuyện tranh đua quyền lực, nên một người nào có dấu hiệu lộ rõ là có dấu hiệu sẽ lên chức, thì sẽ có nhiều đối thủ ngay. Có những anh làm tổ chức rất thâm hiểm. Đưa những người anh không muốn cho lên, nhưng đánh tiếng từ trước mấy tháng, cả năm trời (trước Đại hội), người đó trở nên có nhiều đối thủ, nhiều đơn thư tố cáo. Thế là bị xem xét, rồi bị gác lại.
Cho nên trong chuyện vừa rồi, ông Phúc (thủ tướng) đọc điếu văn, rồi làm trưởng đoàn của Đảng, tôi thấy có hai khả năng, chứ không phải chỉ là một, như trên mạng đồn đoán, tức là đây là dấu hiệu cho thấy ông Phúc sẽ là người kế vị ngôi tổng bí thư của ông Trọng. Đây chỉ là một khả năng. Có thêm một khả năng khác, đây là hướng nghi binh của những người làm công tác tổ chức, thì sao ?
Các đảng Cộng Sản, như đảng Cộng Sản Việt Nam, thao túng mọi lĩnh vực, kể cả chính quyền, các đoàn thể xã hội…, họ làm việc theo nguyên tắc tập thể, nên nếu có thay đổi ai (tức vị trí lãnh đạo tối cao), thì chỉ khác một phần, chứ không phải lớn lắm. Về bản chất của thể chế, của nền chính trị Việt Nam, không thay đổi nhiều đâu. Vì ông Trọng đang phát động chuyện « đốt lò » nên người ta quan tâm. Ngoài ra, vì ngoài ông Trọng ra, chưa có ai nổi trội, nên dư luận càng khó đoán định.
Cũng có người cho rằng ông Phúc có khả năng kế nhiệm tổng bí thư hơn cả, vì từng ở trong « Tứ trụ » (tức bốn chức vụ cao nhất) rồi, còn ông Vượng thì không ? Nhưng đó là thông lệ. Tuy nhiên, việc ông Nguyễn Phú Trọng, tuổi tác như thế mà hai lần tổng bí thư, thì cũng là ngoại lệ chứ ? Có thể là cái ngoại lệ của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ mở ra một tiền lệ cho những người khác thì sao ? Tuy nhiên, bình luận cho vui vậy thôi. Thực chất tôi nghĩ là họ không khác nhau là mấy đâu. Họ làm việc theo nguyên tắc tập thể mà. Cá tính từng người nắm cương vị cao nhất chỉ có thể tạo nên khác biệt chút đỉnh thôi.
Xin cảm ơn nhà báo Võ Văn Tạo đã trả lời phỏng vấn RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét