Chuyện “Công an Hà Tĩnh bó tay với Formosa” trên báo chí ngày 6 tháng 5 vừa qua, thực sự đã là một cú sốc đối với mọi người. Con số chất thải được đưa ra là 3.360.500 tấn. Để có một cái nhìn cụ thể về con số không lồ này, tôi xin làm một bài toán nhỏ: Nếu đem số bùn này trải đều trên tất cả đường sá cùa 19 quận nội ô của Sàigòn, ta có một lớp bùn dày khoảng… 1 mét (nếu chỉ tính 1 tấn bùn tương đương với 1 mét khối). Cũng theo Bộ Tài Nguyên và Môi Trường “thì bùn thải có chứa thông số xyanua vượt ngưỡng chất thải nguy hại”. Vậy là 3 năm sau ngày nổ ra vụ Formosa, mọi người đều ngã ngửa ra rằng tình hình không những cải thiện mà nó ngày một trầm trọng thêm.
Để có một cái nhìn toàn cảnh và đầy đủ, dưới đây tôi xin tóm tắt lại một vài chi tiết quan trọng:
Formosa Hà Tĩnh là một dự án có mức đầu tư cam kết lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Nó có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 28 tỷ USD, đặc biệt có nhà máy sản xuất gang thép có công suất 22,5 triệu tấn/năm.
Dự án có tổng mức quỹ đất và mặt nước tới 3.300 ha, giấy phép cấp 70 năm, một biệt lệ vượt quá mức quy định của Luật Đất Đai và tiền thuê đất trong cả vòng đời dự án chỉ vỏn vẹn 96 tỷ VND. Có nghĩa là tiền thuê một mét vuông chỉ vào khoảng 3 đồng rưỡi một tháng! (đồng VN). Và dù có nhiều quan ngại về môi trường, nhưng chủ đầu tư Formosa đã cam kết sẽ đảm bảo áp dụng các tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất về phát thải. Cam kết là một chuyện, thực hiện dĩ nhiên lại là một chuyện hoàn toàn khác biệt:
− Ngày 4 tháng 4, 2016, một ngư dân ở Vũng Áng chuyên hành nghề lặn biển phát hiện thấy sự hoạt động mạnh của đường ống xả thải khổng lồ chôn ngầm dưới vịnh của Formosa. Tại thời điểm phát hiện, ống thải ngầm này đang phụt ra rất mạnh một thứ nước có màu vàng bốc mùi khó chịu. Người này đã báo ngay với cơ quan chức năng, nhưng không có cuộc điều tra nào đã diễn ra. Diễn biến sau đó là cá bắt đầu chết trên diện rộng, khởi đầu từ Hà Tĩnh và lan dần ra Quảng Bình, Quảng Trị và đến Thừa Thiên− Huế.
− Theo phóng sự của báo Giao Thông, từ đầu năm 2016, Formosa đã nhập 297 tấn hoá chất độc hại để phục vụ thi công và súc rửa đường ống để chuẩn bị cho giai đoạn vận hành. Một phóng sự khác của báo Tuổi Trẻ, đề cập rõ hơn: Có hàng trăm tấn hoá chất cực độc phục vụ súc xả đường ống đã được Formosa nhập khẩu và sử dụng mà không hề thông báo cho cơ quan quản lý tại địa phương theo luật định. Formosa thừa nhận chuyện này nhưng giải thích ngắn gọn là không biết đến quy định đó. Việc một chủ đầu tư một dự án 28 tỷ USD với một đội ngũ cố vấn pháp lý hùng hậu không biết đến những quy định về quản lý môi trường và xả thải tại địa phương quả là một lời biện hộ khác thường.
− Trong nhiều ngày liên tục, truyền thông đã chiếu hình ảnh về sự tàn phá môi trường tiếp theo vụ việc này. Số hải sản chết dạt vào bờ được đánh giá khoảng 100 tấn, trên 17.600 tàu cá và gần 41.000 người đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Trên 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng theo. Do không thể đánh bắt trong phạm vi từ bờ đến 20 hải lý, có tới 90% tàu lắp máy công suất thấp và gần 4.000 tàu không lắp máy đã phải nằm bờ. Sản lượng khai thác ven bờ thiệt hại khoảng 1.600 tấn/tháng. Với hoạt động nuôi trồng thủy sản, có 9 triệu tôm giống bị chết, hàng ngàn lồng nuôi cá cũng bị thiệt hại. Về lâu dài, do các rạn san hô, phù du sinh vật cũng chết nên có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi thức ăn biển, khiến suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản khu vực, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của dân. Theo Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự cố này gây ra đã gây thiệt hại 0,3% GDP của Việt Nam.
Đầu tháng 8, 2016, sau khi nhà nước Việt Nam họp báo, Tập Đoàn Formosa thú nhận là thủ phạm gây ra sự cố thảm họa môi trường và đã đưa ra 5 cam kết chính:
1. Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam;
2. Bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền tương đương 500 triệu USD;
3. Hoàn thiện công nghệ, xử lý triệt để chất thải, không để tái diễn sự cố môi trường;
4. Phối hợp với Việt Nam xây dựng giải pháp đồng bộ để phòng chống ô nhiễm, không xảy ra sự cố môi trường;
5. Thực hiện đúng cam kết nêu trên, không tái diễn, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo pháp luật Việt Nam.
Mức bồi thường 500 triệu USD cho cả 3 vấn đề: thiệt hại của người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và bồi thường phục hồi môi trường biển thật nhỏ nhoi nếu chỉ so với dân số của 4 tỉnh bị ảnh hưởng chính là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên−Huế là gần 4 triệu người. Trong đó, số ngư dân đánh bắt cá biển và người nuôi trồng thuỷ sản ven biển xấp xỉ 1 triệu người; số người làm dịch vụ du lịch, chế biến thuỷ hải sản, xuất khẩu cũng cỡ vài chục ngàn người. Tính ra bồi thường sinh kế bình quân cho mỗi đầu người chỉ khoảng 125- 130 USD cho gần 4 tháng xảy ra thảm hoạ. Nghĩa là mỗi tháng mỗi người dân chỉ được đền bù khoảng 1 triệu đồng.
Đó là những gì xảy ra cách đây 3 năm. Từ đó mọi chuyện rơi vào quên lãng. Nói đúng ra, người dân hầu như ai cũng bức xúc và đã có hơn 10 ngàn người xuống đường ngày 1/5/2016 tại Hà Nội và Sàigòn để phản đối Formosa, tuy nhiên nhà nước đã huy động một lực lượng hùng hậu để trấn áp. Hàng trăm người bị bắt tại chỗ và sau đó nhiều người bị kết án cực kỳ nặng nề vì tiếp tục tìm hiểu thông tin về vụ việc trong các vùng bị thiệt hại.
Tất cả yên tĩnh cho đến ngày 6 tháng 5, 2019 với bản tin “Hà Tĩnh: Cảnh sát môi trường ‘bó tay’ với hàng triệu tấn chất thải của Formosa” được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng. Tuy nhiên, ba ngày sau − như một phép lạ, tất cả đều biến mất − và chỉ còn xuất hiện trên các trang nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước! Điều này không khiến cho người ta có những câu hỏi:
− Sau này 20 tháng 4, 2016, cả một “hệ thống chính trị” đều vào cuộc và thông báo rộng rãi về sự kiện. Sau khi Formosa thông báo mức bồi thường, tất cả đột nhiên im lặng. Sự kiện này có thể được hiểu như nhà nước tạm “bật đèn xanh” cho người dân và truyền thông phản ứng rồi sau khi đi đến thỏa thuận bồi thường, họ bắt đầu phong tỏa và cấm đoán mọi tin tức về vụ việc cũng như trấn áp những ai còn “cố tình” đi tìm hiều thông tin.
− Sang năm 2017, truyền thông được chỉ thị viết các bài phóng sự mô tả sự “hồi sinh” của các vùng bị thiệt hại. Người ta trình chiếu cảnh các ngư phủ vui mừng với mẻ cá mới thu hoạch, các bộ trưởng ở trần xuống tắm rồi sau đó lên bờ ăn hải sản, cảnh người dân vui mừng đến ký tên nhận tiền bồi thường… Ngày hôm nay, sau khi nguồn tìn 3,5 triệu tấn bùn thải được thông báo, tôi tự hỏi không biết không khí còn “hồ hởi, phấn khởi” như trước nữa không? Những nhà báo đã từng chạy tin về sự hồi sinh của ngư phủ, bây giờ họ sẽ nghĩ sao?
− Ngày 1 tháng 7, 2016, trong lúc Formosa đang nóng, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “không thể vì phát triển kinh tế, vì thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, nhất là môi trường sống của người dân (…) Yêu cầu quan trọng nhất sau việc này là Formosa phải cam kết không tái diễn hành vi vi phạm, nếu tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa.” Ngày 20 tháng 7, 2018, trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Xuân Phúc đã đến thị sát và có cuộc làm việc với Formosa Hà Tĩnh (FHS), sau khi nghe lãnh đạo Công ty báo cáo rằng sự cố môi trường biển xảy ra trước đó 2 năm đã được khắc phục một cách căn bản, ông Phúc đã nói “Tôi nói điều này để sự cố đáng tiếc không nên và không thể xảy ra ở Hà Tĩnh, ở Việt Nam trong quá trình sản xuất ở Formosa.” Vậy thì đứng trước sự việc 3,5 triệu tấn bùn thài này, đây có phải là cơ hội để ông Phúc thực hiện tuyên bố “kiên quyết đóng cửa” hay không?
Tôi bất giác nghĩ đến thân phận của các “cảnh sát môi trường Hà Tĩnh”, các anh làm cái quái gì mà để 3,5 triệu tấn bùn đùng một cái xuất hiện như Tề thiên đại thánh? Giờ này, với việc đi xóa hết tất cả các dấu tích về tin tức số bùn này, chắc các anh đang phải “tự xét lại lương tâm nghề nghiệp”?
Tôi bất giác nghĩ đến 4 triệu người (coi như) đã nhận đủ 130 USD bồi thường cách đây 3 năm, không biết họ đã tiêu hết ngần ấy tiền chưa? Không biết cuộc sống của họ đã “hồi sinh” đến đâu?
Đừng quên Formosa!
Phải đóng cửa vĩnh viễn Formosa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét