Ông Nguyễn Phú Trọng đã không tới dự lễ tang Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Việt Nam hôm 3/5/2019. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng sự vắng mặt của ông tạo nhiều chú ý. Lần đầu là vào ngày 14/4 ông đang thăm Kiên Giang nhưng từ đó không xuất hiện làm nảy sinh tin đồn trên mạng xã hội, nào là ông bị tai biến phải chở gấp về bệnh viện Chợ Rẫy, rồi có tin còn nói ông được chở thẳng qua Nhật Bản điều trị.
Truyền thông nhà nước im lặng về tình trạng của ông trong hơn 10 ngày, đến 25/4 người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng nói sức khỏe ông bị "ảnh hưởng do làm việc nhiều và thời tiết", nhưng sẽ "sớm làm việc lại bình thường."
Ngay sau đó là tin nói ông Trọng gửi điện mừng các nguyên thủ nước ngoài, dù không thấy hình ảnh ông, và điều đáng mong đợi hơn là người ta nói ông sẽ là trưởng ban tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh.
Nhưng 'đến hẹn' mà TBT Trọng đã không xuất hiện và cũng không có lời giải thích trực tiếp nào từ nhà nước Việt Nam cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thế nhưng, đến ngày 7/̀05 Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân lại được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói rằng sức khỏe của ông Trọng đang ngày càng tốt lên.
"Chúng ta cũng biết về sức khỏe thì mỗi người có một mức độ khác nhau, chúng ta không thể tự đưa ra một thời hạn nhất định nào được. Nhưng tôi tin rằng cử tri sẽ sớm thấy đồng chí Tổng bí thư xuất hiện làm việc."
Trước những sự việc này, một người đọc bình thường cũng có thể nghĩ ra hai trường hợp sau đây:
Một là TBT, Chủ tịch nước đang bận một công việc gì đó quan trọng hơn việc làm trưởng ban tang lễ. Nếu vậy thì hẳn phải có thông báo.
Hai là sức khỏe của ông vẫn chưa hết "bị ảnh hưởng".
Bí mật về sức khoẻ
Sức khỏe của các vị lãnh đạo nhà nước Việt Nam vốn được giữ kín từ lâu.
Khi ông Hồ Chí Minh bị bệnh nặng, thông tin cũng được giữ rất kín.
Ngay cả ngày ông tạ thế vào ngày nào người ta cũng giữ kín, và sửa lại để không trùng với ngày quốc khánh, chuyện cả chục năm sau mới được công bố.
Song song với chuyện sức khỏe, chuyện ông Hồ không hoàn toàn chỉ đạo công việc trong những quyết định quan trọng như cuộc tấn công Tết Mậu Thân, cũng được giữ kín.
Mấy mươi năm sau, có những thông tin thế này thế kia đưa ra người ta mới được biết, nhưng biết một cách không chính thức.
Thường thì người ta không nghe gì cả về việc bệnh tật của một vị lãnh đạo, một chuyện thường tình của con người, rồi đùng một cái người ta hay tin người đó mất.
Thế nhưng chuyện giữ kín như vậy bắt đầu không được dễ dàng nữa khi có internet, khi có mạng xã hội.
Với hơn 30 triệu tài khoản Facebook, chưa kể YouTube, Twitter, người Việt Nam hiện nay biết được các nhà lãnh đạo nổi bật của chính phủ ở đâu từng ngày một, sự vắng mặt hoặc biến mất của họ được loan tải ngay lập tức.
Chuyện như vậy đã xảy ra với ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng ban nội chính trung ương, ông Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước.
Người ta bàn tán với nhau hai ông bị bệnh nặng, thậm chí là đã mất, trong một thời gian dài, mà truyền thông nhà nước cứ im lặng như tờ.
Rồi cũng sau đó có tin họ qua đời.
Luật về sức khỏe lãnh đạo là bí mật nhà nước được bàn ở Quốc hội tháng 10/2018, và thông qua vào tháng 11 cùng năm.
Như vậy chuyện không công bố tình trạng sức khỏe của ông Trọng là đúng theo luật này, mặc dầu nó chỉ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Tại sao sức khỏe các vị lãnh đạo lại bí mật như thế?
Có người cho rằng đó là thói quen hoạt động bí mật của những đảng cộng sản trước khi họ cầm quyền.
Nhưng nay họ đã cầm quyền rồi, mà còn là cầm quyền không có sự thách thức nào cả thì tại sao vẫn giữ bí mật?
Nếu ta nhìn các tượng đài kỷ niệm các lãnh tụ cộng sản từ Tây sang Đông, ta thấy có một kiểu rất giống nhau là các vị ấy có dáng cao lớn mạnh khỏe, vươn người về phía trước, tay giơ cao rất dứt khoát.
Từ tượng Lenin, Stalin đến Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật tới tượng Hồ Chí Minh, tất cả đều có dáng dấp khỏe mạnh.
Trước khi Mao qua đời, Trung Quốc nói ông ấy còn từng bơi vượt sông Trường Giang để chứng minh sức khỏe tuyệt vời của người "cầm lái vĩ đại".
Có thể giữ kín tin tức về bệnh tật của lãnh đạo thuộc dòng ý thức xem lãnh tụ là mạnh mẽ, 'sống mãi' trong truyền thống sùng bái cá nhân ở các nước cộng sản.
Ngoài ra còn có thể là để dè chừng các phe phái với nhau trong nội bộ nữa.
Tin đồn về việc ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quị càng có vẻ kích thích người dân hơn nữa khi biết là ông biến mất khỏi truyền thông sau ngày 14/4 khi thăm tỉnh Kiên Giang, nơi được xem là căn cứ địa của gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu đối thủ chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng dù vắng mặt ông Trọng trong tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh, Ủy ban kiểm tra Trung ương tiếp tục được các công bố đề nghị kỷ luật hàng loạt cựu viên chức cao cấp, tướng lĩnh quân đội, trong đó cả Hải quân và Quân khu 9, vì có liên quan đến những cáo buộc tham nhũng.
Người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương hiện là ông Trần Cẩm Tú, và người được xem là nhân vật thứ hai về mặt Đảng hiện nay là ông Trần Quốc Vượng, một đồng minh của ông Trọng.
Theo ông Nguyễn Khắc Giang, từng làm ở Viện nghiên cứu chính sách tại Hà Nội, viết trên trang The Diplomat rằng yếu tố sức khỏe đã được đảng cộng sản đưa ra làm một tiêu chuẩn cho việc phân chia quyền lực.
Đầu năm 2018, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã đưa ra Quy định 90 nói rằng lãnh đạo phải có sức khỏe tốt, tuổi tác phù hợp.
Ông Nguyễn Khắc Giang nói qui định đó được xem như là để ông Trọng dùng để hạn chế ảnh hưởng của ông Trần Đại Quang, lúc ấy cũng được xem là lớn tuổi và không khỏe. Nay, theo lời ông Khắc Giang, Quy định 90 sẽ cản trở người tạo ra nó là ông Nguyễn Phú Trọng.
Tuy nhiên nếu nhìn theo hướng tích cực người ta cũng thấy "bí mật sức khỏe" không còn gay gắt như xưa.
Hồi năm 2018 Trung ương đảng chính thức công bố ông Đinh Thế Huynh, lúc ấy đang nắm vị trí thường trực ban bí thư, một vị trí rất quan trọng, vì bị bệnh nên không đảm nhiệm chức vụ được nữa, dù rằng việc công bố ấy cũng khá muộn sau một thời gian mạng xã hội bàn tán về sự vắng bóng của ông Đinh Thế Huynh.
Còn hiện nay, rõ ràng việc công bố ông Trọng có "sức khỏe bị ảnh hưởng", dù hơi muộn nhưng cũng là có công bố.
Với luật sức khỏe lãnh đạo là bí mật quốc gia đã thông qua, nhà nước Việt Nam hiện nay hoàn toàn có quyền phớt lờ chuyện ông Trọng khỏe hay yếu.
Nhưng họ cũng đã phải nói là sức khỏe ông "bị ảnh hưởng".
Có thể giải thích sự "công khai dần" như thế bởi hai lý do, thứ nhất là sức ép của mạng xã hội quá mạnh, thứ hai là chính phủ Việt Nam vẫn phải tiếp xúc với các chính phủ nước ngoài, báo chí nước ngoài, người ta cần biết sức khỏe của đối tác của mình.
Ngay trong những ngày ông Trọng có "sức khỏe bị ảnh hưởng", theo lịch trình ông phải tiếp phái đoàn nghị sĩ Mỹ do ông Patrick Lehy dẫn đầu.
Chắc hẳn người Mỹ cũng muốn biết lý do tại sao một vinh dự tiếp đón bởi chủ tịch nước như vậy lại không diễn ra.
Và tháng Năm này ông Trọng còn phải chủ trì kỳ họp quan trọng của Trung ương Đảng, được xem là để chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, 2021.
Trong bài trả lời BBC News Tiếng Việt, chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer nói nếu nói Tổng bí thư bị bệnh thì có gì là xấu hổ đâu chứ, vì sức khỏe của ông Tổng thống Donald Trump bên Mỹ vẫn được người ta theo dõi đều.
Nhưng sự khác nhau là ông Trump được người Mỹ thuê để lãnh đạo đất nước qua cuộc bầu cử trực tiếp, còn ông Trọng thì không phải như thế.
Sức khỏe của ông vẫn ít nhiều là một thứ 'bí mật quốc gia'.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét