Trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ là một diện trong mâu thuẫn đa diện giữa hai nền kinh tế có sản lượng lớn nhất địa cầu ở hai bờ Thái Bình Dương vì vậy, hai xứ này khó dàn xếp được những thỏa thuận có thể kiểm chứng được. Nhưng hậu quả cho các nước khác như Việt Nam thì sao? Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hậu quả này…
Hậu quả của thương chiến Mỹ-Trung
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, dư luận quốc tế đã tưởng đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể ngã ngũ sau 10 vòng thương thảo suốt 10 tháng vừa qua. Nào ngờ, phía Hoa Kỳ cáo buộc Bắc Kinh là bội tín vì phủ nhận những cam kết trong các hội nghị trước và ra tối hậu thư sẽ tăng thuế nhập nội trên hàng hóa xuất phát từ Trung Quốc, kể từ Thứ Sáu mùng 10 này. Biến cố ấy làm các thị trường chấn động, từ Á Châu qua Âu Châu về tới Hoa Kỳ. Theo dõi chuyện này, ông nhận xét thế nào và rút tỉa bài học gì cho Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ nhiều người đã lầm khi cho là mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thu gọn vào số nhập siêu của Mỹ khi buôn bán với Bắc Kinh. Một trong các lý do giải thích sự hiểu lầm đó xuất phát từ phía Hoa Kỳ khi Chính quyền Donald Trump áp thuế nhập nội trên hàng Trung Quốc để tái cân bằng quan hệ thương mại với Bắc Kinh trong tinh thần gọi là công bằng và hai chiều, có đi có lại. Thật ra, mâu thuẫn kinh tế giữa hai nước gồm có nhiều vế khác nhau, như thương mại, chế độ đầu tư và bảo hộ kín đáo của Bắc Kinh nhằm tiếp thu công nghệ cao cấp của thiên hạ mà không tôn trọng luật lệ về quyền sở hữu trí tuệ, v.v....
- Ngoài hồ sơ kinh tế vốn đã rắc rối, hai quốc gia còn có nhiều mâu thuẫn về an ninh và chính trị trong khu vực Đông Á, là điều có thể hiểu được khi Trung Quốc muốn tiến lên vị trí siêu cường có khả năng cạnh tranh và đe dọa quyền lợi lẫn ảnh hưởng của nước Mỹ. Các mâu thuẫn an ninh chính trị ấy tiềm ẩn bên dưới nhưng vẫn chi phối các vòng đàm phán thương mại. Khi Tổng thống Trump rồi ban tham mưu thương mại của Mỹ tố cáo việc Bắc Kinh đảo ngược cam kết trước đó về chế độ cưỡng hành những điều đã thỏa thuận nên dọa áp giá từ 10% lên 25% trên lượng hàng Trung Quốc trị giá tương đương với 200 tỷ đô la kể từ mờ sáng Thứ Sáu này, rồi trên một lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ khác, chúng ta trở về với thực tại phũ phàng….
Thực tại phũ phàng
Nguyên Lam: Thưa ông, thực tại đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thực tại đó có nhiều mặt. Một là lãnh đạo đôi bên đều nghĩ mình giữ thế mạnh nên không nhượng bộ. Phía Hoa Kỳ là tình hình kinh tế và nhân dụng khả quan hơn với thất nghiệp thấp. Phía Trung Quốc cũng vậy sau biện pháp kích thích kinh tế và sự thành công của hội nghị quốc tế về Con Đường Tơ Lụa tại Bắc Kinh. Hai là chính quyền đôi bên đều không có đất lùi vì áp lực từ trong nội bộ. Chính quyền Trump nghĩ tới cuộc bầu cử năm tới và duy nhất có sự đồng thuận với đối lập Dân Chủ và các công đoàn là chính sách cứng rắn với Bắc Kinh. Chính quyền Tập Cận Bình cũng bị sức ép của phe thủ cựu theo chủ nghĩa Đại Hán khi năm nay có nhiều sinh hoạt tưởng niệm lịch sử. Chuyện thứ ba là sau khi ông Trump đưa ra tối hậu thư qua hai Twitter vào ngày Chủ Nhật thì các thị trường cổ phiếu tuột giá thê thảm vào phiên chợ ngày Thứ Hai.
- Tuột mạnh nhất là Chỉ số Phức hợp Thượng Hải mất gần 6% và Chỉ số Thâm Quyến mất 7,4%, coi như tuột giá nặng nhất kể từ Tháng Hai năm 2016. Tính ra tiền thì hai thị trường đó mất khoảng 420 tỷ Mỹ kim trong có một ngày! Vì vậy, sau khi nín thinh không cho dân chúng biết về vụ này, Bắc Kinh vẫn phải quyết định là để Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế và là đại diện cho Tổng bí thư Tập Cận Bình cầm đầu một phái bộ qua thủ đô Mỹ đàm phán trong hai ngày mùng chín mùng 10. Nhưng tôi không tin đôi bên sẽ đạt thỏa thuận trước kỳ hạn áp thuế của Mỹ vào mùng 10 và trận chiến sẽ còn leo thang. Qua Thứ Ba mùng bảy thì thị trường cổ phiếu Trung Quốc còn nhen nhúm hy vọng chứ thị trường Mỹ lại tuột giá thê thảm, bình quân mất 2% vì nỗi lo leo thang. Thành thử đôi bên đang dàn trận và các thị trường hàng ngày tính điểm được thua. Mà mọi trận chiến đều có tổn thất nên vấn đề là ai chịu được tổn thất nhiều hơn thì có hy vọng thắng.
- Thế rồi còn một yếu tố bất ngờ khác là nạn dịch tả heo lợn do vi khuẩn xuất phát từ Châu Phi lại hoành hành dữ dội tại Trung Quốc kể từ Tháng Tám năm ngoái và lan tại Việt Nam thì từ các tỉnh miền Bắc đã vào Đồng Nai với ảnh hưởng là giá thịt heo sẽ tăng và giá ngô bắp đậu nuôi heo sẽ sụt. Loại ảnh hưởng đó tác động vào Trung Quốc và Việt Nam là hai xứ ăn nhiều thịt heo nhất Châu Á tính theo đầu người, mà cũng chi phối trận thương chiến Mỹ-Hoa vì Trung Quốc nhập khẩu ngô đậu từ Mỹ và áp giá trên loại nông sản này để trả đũa. Chúng ta đừng quên Việt Nam là nước sản xuất thịt heo đứng hàng thứ sáu của thế giới với một bày heo lên tới 27 triệu con so với hơn 400 triệu con của Trung Quốc.
Nguyên Lam: Câu chuyện quả thật phức tạp rắc rối tới mức bất ngờ. Trong viễn ảnh trận chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa thể dàn xếp được một thỏa thuận tạm và còn lây lan thì thưa ông, ảnh hưởng cho kinh tế Việt Nam sẽ là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như chúng ta đã trình bày nhiều lần trên diễn đàn này, Việt Nam có lợi vì là bãi đáp cho giới đầu tư trực tiếp từ các nước khác khi mà thị trường Trung Quốc hết còn ưu thế nhân công đông và lương bổng thấp. Nhưng khi trận thương chiến Mỹ-Hoa leo thang với viễn ảnh bị áp thuế tới 25% trên 325 tỷ hàng hóa thì chính nhà sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc bị thiệt hại nên cũng tìm cách đầu tư ra khu vực Đông Nam Á để bù lỗ dù có tốn kém hơn. Nơi đó có thể là Việt Nam nên Việt Nam có cơ hội hơn trước mà cũng dễ bị rủi ro.
Rủi ro cho Việt Nam
Nguyên Lam: Thưa ông, những rủi ro đó là gì cho Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có các bài toán chủ quan nội tại của Việt Nam là nạn ô nhiễm môi sinh và khả năng kiểm soát vệ sinh và dịch tễ. Bài toán khác là hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất phù trợ cho sản xuất và xuất khẩu trong khi lại lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư trực tiếp của ngoại quốc. Nếu ngoại quốc đây lại là từ Trung Quốc với quá nhiều dự án gây tai tiếng và tai họa cho Việt Nam, khi họ lánh nạn thương chiến và đầu tư vào Việt Nam thì ta chớ vội mừng mà nên nghĩ đến chuyện cháy nhà hàng xóm lan qua nhà mình!
Nguyên Lam: Chúng ta đang chứng kiến một mâu thuẫn thuộc cơ chế kinh tế, xã hội và chính trị giữa hai quốc gia, với hậu qủa dồn dập gần như hàng ngày hàng giờ tràn lan qua các nước khác. Theo như ông nghĩ thì Việt Nam nên tự chuẩn bị ra sao với tình huống đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là nên nhìn từ xa tới gần thay vì phản ứng với chuyện trước mắt. Chuyện trước mắt là sự trồi sụt của thị trường, chuyện sâu xa lâu dài là chính sách kinh tế trong nhiều năm sắp tới vì đã quyết định rồi thì mất dăm ba năm mới thực hiện và hoàn thành. Khi đã quyết định thì nên thường xuyên kiểm chứng tiến độ thi hành đối chiếu với các thay đổi dồn dập ở bên ngoài.
- Sở dĩ như vậy vì Việt Nam ở bên Trung Quốc với lãnh đạo Bắc Kinh có tham vọng trường kỳ và toan tính lâu dài. Lần này, họ lúng túng vì Hoa Kỳ có một tổng thống là ông Donald Trump không muốn đi vào vết xe đổ của các vị tiền nhiệm nên gây áp lực dữ dội. Nhưng Bắc Kinh có thể nghĩ Tổng thống Mỹ chẳng tồn tại mãi mà cứ hai năm lại bị tấm lịch bầu cử chi phối nên họ đối phó theo hướng đó như đã từng làm như vậy và thành công trong mấy chục năm qua với Hoa Kỳ. Việt Nam nên thức tỉnh với thực tế khá phũ phàng này và tự hỏi là vài chục năm tới thì mình sẽ là gì, làm gì…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét