Ngày 4/5/2019 báo Văn Nghệ có đăng bài của Thanh Loan, đầu đề: Niềm tin, lý tưởng- giá trị cốt lõi của người Việt Nam hôm nay. Bài báo liên quan đến vấn đề quan trọng và cấp thiết của xã hội. Nội dung tóm lược như sau: Mục 1: Niềm tin, lý tưởng – giá trị cốt lõi. Mục này trình bày vài nhận thức chung chung. Mục 2: Hiện trạng phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin. Trình bày thảm trạng mất niềm tin vào Đảng lãnh đạo và chính quyền, là phai nhạt lý tưởng của cách mạng vô sản. Đó là thực trạng của nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Điều này làm cho Đảng và Chính quyền hết sức lo lắng.
Mục 3: Nguyên nhân phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin: 1- Cơ chế thị trường. 2- Chủ nghĩa kỹ trị lên ngôi; 3- Tình trạng xâm lăng văn hóa bằng con đường phim ảnh, sách báo và nhất là internet; 4- Tình hình dân số tăng nhanh sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy rất khó giải quyết; 5- Sự thoái hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên; 6- Tình trạng quá lâu với triết lý giáo dục học để mà thi, … dẫn đến thiếu thực chất..
Mục 4: Giải pháp xây dựng lý tưởng, niềm tin trong hệ giá trị con người Việt Nam hôm nay. Gồm các ý: 1- Nhóm giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; 2- Nhóm giải pháp văn hóa; 3- Nhóm giải pháp giáo dục; 4- Nhóm giải pháp luật pháp, hành chính.
Đọc qua bài báo thấy được sự băn khoăn của Thanh Loan với tình hình đất nước, biết được lòng tốt của tác giả muốn chấn hưng lý tưởng và niềm tin vào Đảng. Tiếc rằng những ý kiến được trình bày, đọc qua thì thấy phần nào có lý, nhưng phân tích kỹ mới thấy nặng tính chất tuyên giáo cộng sản, không có thực chất, chỉ là một vài ý kiến tầm thường, được trang trí bằng màu mè, hoa lá.
Khi chọn tên bài, tác giả đã đúng khi cho rằng “Niềm tin, lý tưởng là giá trị cốt lõi”. Giá trị ấy là chung cho nhân loại trong mọi thời kỳ chứ không phải cho riêng người Việt Nam và vào hôm nay. Đáng bàn là nội dung mục 3 và 4.
Tác giả tuy có tìm tòi, suy nghĩ để nêu ra 6 nguyên nhân, nhưng đã quá hời hợt khi nêu ra các nguyên nhân 1- Kinh tế thị trường, 2- Chủ nghĩa kỹ trị; 3- Xâm lăng văn hóa; 4- Dân số tăng nhanh. Đành rằng về một phương diện nào đó 4 nguyên nhân trên đều có ảnh hưởng đến niềm tin, đến sự xuống cấp đạo đức, nhưng chúng không phải là nguyên nhân cơ bản, cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp. Nguyên nhân 5- Sự thoái hóa biến chất của 1 số người, đó là nguyên nhân gần, dễ thấy, nhưng cũng chưa phải là nguyên nhân cơ bản, Sự thoái hóa biến chất này do một nguyên nhân khác tạo ra, đó là sự độc quyền toàn trị của Đảng. Nguyên nhân 6- Tình trạng giáo dục. Đúng là giáo dục ảnh hưởng đến nhiều thứ, nhưng quy cho giáo dục làm giảm sút niềm tin vào chế độ, làm phai nhạt lý tưởng là vội vàng và hời hợt.
Thế nguyên nhân chính làm cho mất niềm tin, nhạt lý tưởng là gì? Rất có thể Thanh Loan thấy được phần nào, nhưng sợ, không dám viết ra một cách tường minh. Trong phần đầu mục 4 có nêu ra ý: “Thượng bất chính, hạ tất loạn”, nhà dột từ nóc và cán bộ “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Thế cái gì gây ra cảnh Thượng bất chính, nhà dột từ nóc và cán bộ không có đạo đức, hoặc sự thoái hóa biến chất tràn lan? Chính là sự độc quyền toàn trị, là chuyên chính vô sản, là việc Đảng tạo ra hệ thống cai trị gồm 3 cấp (Đảng, Chính quyền, Mặt trận) rất cồng kềnh, kém hiệu quả, là sự dối trá của tuyên truyền và cả hệ thống, là việc Đảng đã cướp quyền của dân, thi hành dân chủ giả hiệu, là việc chính quyền tạo ra nhiều nỗi oan sai khi cướp đất của dân, là sự đàn áp những người bất đồng chính kiến, là việc nhiều người dân đã thấy rõ những hứa hẹn tốt đẹp của chủ nghĩa cộng sản chỉ là bánh vẽ, lý tưởng Xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa chỉ là trò lừa bịp.
Như vậy các nguyên nhân Thanh Loan nêu ra không phản ảnh đúng thực tế, chỉ là một kiểu ngụy biện đánh lộn sòng.
Phần lớn những sự kiện rộng lớn trong xã hội thường do kết hợp từ 2 phía: người dân và chính quyền. Mà Chính quyền đóng vai trò quan trọng và quyết định. Trong sự mất lòng tin và phai nhạt lý tưởng thì rõ ràng chủ yếu là do lãnh đạo và chính quyền gây ra. Thử hỏi, ở các nước dân chủ như Na uy, Thụy Diển, Hà Lan, Đức, Nhật, Đài Loan, Nam Hàn, Singapore v.v… cũng kinh tế thị trường, cũng chế độ kỹ trị, cúng có xâm nhập văn hóa, cũng Internet… nhưng dân của họ vẫn vui vẻ, thân thiện. Nếu họ mất lòng tin vào đảng cầm quyền thì sẽ dùng lá phiếu khi bầu cử.
Vì đánh giá không đúng nguyên nhân nên các giải pháp (GP) đưa ra cũng chỉ hời hợt, có tính vuốt đuôi mà thôi.
Trong nhóm GP 1- Về lãnh đạo, chỉ đạo, Thanh Loan đưa ra tiên đề: “Dân ta rất thiết tha với Đảng, yêu Đảng và vì Đảng”. Đó là sự gán ghép theo tuyên truyền hoặc là sự ngộ nhận do ngu tín, ngu trung tạo ra. Nếu đã rất thiết tha, yêu và vì Đảng thì tại sao lại mất niềm tin. Sự gán ghép này không phản ảnh đúng thực tế. Thế rồi Thanh Loan đưa giải pháp: “Đảng phải lựa chọn cán bộ thực sự là “đầy tớ”, là “công bộc” của dân. Đấy là cách chủ yếu để trong sạch Đảng:…… “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau…” Phải chăng đây chỉ là tiếng hót của con vẹt.
Trong nhóm GP văn hóa Thanh Loan đề nghị đem phổ biến rộng rãi các tác phẩm Hậu tư huấn, Nhị thập tứ huấn, Gia huấn ca, làm sống lại văn hóa cổ truyền. Phải có những giải pháp quản lý văn hóa một cách chặt chẽ về mặt nhà nước, phải tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng, những sản phẩm độc hại. Liệu Thanh Loan có bị nhầm không khi đang trình bày GP nâng cao niềm tin và lý tưởng. Thấm nhuần Nhị thấp tứ huấn, Gia huấn ca, chông lai căng… có thể nâng đạo đức làm người, nó dính dáng gì đến niềm tin vào chế độ cộng sản?
Nhóm GP 3 – Về giáo dục. Thanh Loan đề nghi: Nhanh chóng hòa nhập với trào lưu giáo dục hiện nay của thế giới, Phải biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục ở mỗi cá nhân… Phải có kế hoạch sớm đưa vào chương trình phổ thông để giảng dạy cho học sinh một số bộ môn nghệ thuật dân tộc truyền thống cơ bản (như hát chèo, hát dân ca…). Xin hỏi, làm như đề nghị thì có thể nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng bằng cách nào để nâng cao niềm tin và lý tưởng cộng sản. Không khéo khi hòa nhập với trào lưu thế giới thì thầy trò đều tẩy chay cộng sản.
Nhóm GP 4- Luật pháp, hành chính. Thanh Loan viết: “Việc ra luật là rất cần thiết và việc giải thích, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực thi pháp luật cũng cực kỳ quan trọng. Luật phải đi vào đời sống mới có giá trị”. Đúng là tăng cường được luật pháp sẽ có thể làm xã hội ổn định hơn, Nhưng liệu có thể ra luật bắt dân tăng cường niềm tin vào chế độ, bắt dân yêu mến lý tưởng cộng sản.
Đọc xong bài của Thanh Loan tôi thấy nó quá dở, rất không muốn nhưng đành viết vài lời phản biện. Nếu Thanh Loan muốn đứng về “lề Đảng”, tuyên truyền cho Đảng thì trình độ còn quá non kém, trong lúc đó những người ở phía “lề dân” lại có thể đánh giá Thanh Loan chỉ là một bồi bút hạng thấp.
Tin vào ĐCS và chế độ chính trị hiện hành, tin vào lý tưởng XHCN và CSCN là niềm tin sai lầm của những người ngu tín, ngu trung. Nó nhanh chóng mất đi là điều tốt cho dân tộc. Phải xóa bỏ niềm tin này để tạo lập một niềm tin khác vào chế độ tự do, dân chủ, tiến bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét