Giáo Sư Đào Hữu Anh (thứ hai, phải) và các môn sinh. (Hình: Việt Nguyên cung cấp)
Tôi đến San Jose, thành phố Bắc California, vào một ngày gần cuối Tháng Tư, trời đầy nắng, thời tiết đẹp khác với San Jose một năm trước, rừng cây xanh, sông hồ đầy nước. San Jose phồn thịnh hơn ngày đầu tiên tôi đến vào mùa Hè năm 1978, ba tháng sau khi đến Mỹ, sau kỳ thi ECFMG. Đi trên con đường vạn dặm từ Portland, Oregon, xuống San Jose trên chiếc xe Volkswagen cà tàng đầy thử thách qua đèo núi chỉ để gặp lại những người bạn sau ba năm vắng tin.
Những ngày Tháng Tư, một Tháng Tư Đen, tưởng chừng như đã quên sau 44 năm nhưng những kỷ niệm lại hiện về khi người đàn anh Bác Sĩ Đặng Phú Ân từ Canada gọi đến đưa tôi về những ngày tháng cũ, ngày tháng ở trường Y Khoa Sài Gòn, ở bệnh viện Bình Dân.
Đó còn là một ngày 30 Tháng Tư chạy xe Honda trên khắp đường phố Sài Gòn, đứng ở góc đường Thống Nhất và Công Lý nhìn đoàn xe tăng Cộng Sản tiến về Dinh Độc Lập với những gương mặt bộ đội ngớ ngẩn hỏi đường với những cây súng chĩa xuống đầu dân đứng hai bên đường.
Và nhớ về đường Công Lý và những người lính Việt Nam Cộng Hòa đốt quân phục bỏ súng đi về nhà, nhớ những người lính nhảy dù mũ đỏ cố thủ trên nóc bệnh viện Nguyễn Văn Học nước mắt hai hàng bỏ súng cởi quân phục sau khi nghe tin Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng.
Nhớ cả con đường từ bệnh viện Nguyễn Văn Học về ngôi nhà trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đi qua cầu nhìn xuống dòng nước chảy đục ngầu như điềm báo hiệu cho dân miền Nam về tương lai những năm sẽ sống dưới thiên đường Cộng Sản.
Bốn mươi bốn năm trôi qua như nước chảy qua cầu!
Từ giã San Jose một ngày sau khi nói vài lời vĩnh biệt với người bạn đồng khóa từ năm dự bị y khoa 1968, Từ Mạnh Cường, chúng tôi lái xe đến thăm Giáo Sư Đào Hữu Anh, cựu khoa trưởng y khoa đại học Sài Gòn ở ngoại ô Woodland của thủ phủ Sacramento.
Thời gian như đứng lại. Tôi còn nhớ năm 1995 tôi có về Sài Gòn thăm ngôi trường cũ, vào trường y khoa với người bạn mới của tôi – Giáo Sư Đặng Vạn Phước, phó khoa trưởng – các sinh viên y khoa chào tôi “thưa thầy xưng con,” 45 tuổi ở Mỹ còn trẻ, cùng tuổi ấy ở Việt Nam đã già và tôi nhớ lại Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, Giáo Sư Đào Đức Hoành ngày 30 Tháng Tư, 1975 ở tuổi 53, các giáo sư trẻ như các thầy Đào Hữu Anh, Vũ Quý Đài, ở tuổi 42 trẻ hơn ngày tôi về thăm trường!
Gần ngày 30 Tháng Tư, 1975, đến thăm thầy Đào Hữu Anh những biến cố lịch sử lại đến với tôi. Vào trường y khoa Sài Gòn năm 1968 sau biến cố Tết Mậu Thân, tốt nghiệp năm 1975 ngày Cộng Sản chiếm miền Nam, chúng tôi đã sống trong thời kỳ đặc biệt, chiến tranh, xáo trộn, những chia rẽ qua những khủng hoảng chính trị, những thay đổi bất ổn đến trong trường y khoa Sài Gòn.
Năm 1967, Giáo Sư Phạm Biểu Tâm, khoa trưởng từ năm di cư 1954, đã bị “đảo chính” vì lý do ông bất đồng ý kiến về vấn đề chuyển ngữ giảng dạy tiếng Việt thay cho tiếng Pháp trong y khoa. Ông và các giáo sư được huấn luyện theo chương trình Pháp bị xem là thành phần thủ cựu. Phong trào sinh viên tranh đấu trong thập niên 1960 đã có những sinh viên y khoa như Nguyễn Thanh Công, Dương Văn Đầy, Huỳnh Tấn Mẫm có lý do tranh đấu.
Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ sai tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan đem quân vào trường đảo chánh Hội Đồng Khoa “coup de Faculté” lật đổ các giáo sư thạc sĩ Pháp, vi phạm nội quy tự trị của viện đại học trong đó khoa trưởng được hội đồng khoa bầu mỗi ba năm sau đó viện trưởng viện đại học chứng nhận và bộ trưởng giáo dục sẽ chứng nhận. Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ sau đó nhận ông là người sáng lập trường y khoa Sài Gòn!
Thật ra những thay đổi lớn đã xảy ra từ năm 1962, mỗi năm 250 sinh viên được thu nhận thẳng vào chương trình y khoa bảy năm sau kỳ thi tuyển. Từ năm 1966 đã có những thay đổi lớn qua cơ quan viện trợ Mỹ USAID với Trung Tướng y sĩ Humphrey nhằm giúp thay đổi chương trình y khoa Việt Nam theo hệ thống giáo dục y khoa Hoa Kỳ. Đề án nhằm huấn luyện và giảng dạy sinh viên y khoa hoàn toàn theo giáo dục với phương pháp và sách cung cấp từ Mỹ cùng các lớp Anh Văn bổ túc trong trường y khoa. Đề án cũng nhằm thay đổi điều kiện y tế của Việt Nam vào thập niên 1960-1970.
Năm 1966, Trung Tướng Humphrey của USAID đã bắt đầu dự án với sự thách thức của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, bộ trưởng giáo dục, và Giáo Sư khoa trưởng Phạm Biểu Tâm. Các giáo sư không cản trở sự thay đổi giáo dục từ chương trình Pháp sang chương trình Mỹ như những tuyên truyền vì lý do chính trị. Hội Y Khoa Hoa Kỳ AMA và 19 trường đại học y khoa Hoa Kỳ đã ký thỏa ước năm 1966 qua đề án “Cải tổ hiện đại hóa giáo dục y khoa Việt Nam,” trợ giúp kỹ thuật, hiện đại nền y tế Việt Nam trong điều kiện khó khăn về chính trị kinh tế của Việt Nam (sách Saigon Medical School của các Bác Sĩ William Ruhe, Norman Hoover và Tiến Sĩ Ira Singer).
Tổng cộng Hoa Kỳ đã giúp $9 triệu vào đề án cải tổ giáo dục y khoa Việt Nam từ năm 1966 đến năm 1975, con số quá nhỏ so với hàng tỷ đô la viện trợ quân sự, trong đó có $2 triệu 700 ngàn xây trường y khoa Sài Gòn bắt đầu năm 1963 hoàn thành năm 1966 (chính quyền VNCH đóng góp một nửa chi phí). Số tiền quá nhỏ so với viện trợ quân sự nhưng kết quả giáo dục và y tế rất lớn, một thế hệ trẻ với tinh thần tiến bộ kỹ thuật ham học hỏi những điều mới đã được đào tạo theo nền y khoa tân tiến Hoa Kỳ hơn hẳn nền y khoa Pháp.
Sau cuộc đảo chánh hội đồng khoa, Giáo Sư Lê Minh Trí, sau lên bộ trưởng giáo dục, là người khởi xướng cuộc đảo chính của Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Ông chủ trương thay đổi giáo dục nhanh chóng chỉ có thể xảy ra bằng cách loại trừ các thành phần thủ cựu thân Pháp trong hội đồng khoa.
Hai năm sau cuộc đảo chánh hội đồng khoa, ngày 6 Tháng Giêng, 1969, Giáo Sư Lê Minh Trí bị ám sát bằng lựu đạn ném vào xe hơi. Hai tháng sau, Tháng Ba, 1969, Giáo Sư Trần Anh bị bắn khi đi bộ từ trường y khoa về nhà. Theo Bác Sĩ William Ruhe và Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, Việt Cộng đã tổ chức ám sát cả hai Giáo Sư Lê Minh Trí và Trần Anh. Sau 1975, Thiếu Tướng Cảnh Sát Nguyễn Khắc Bình cho biết cuộc điều tra của chính quyền VNCH đã tìm ra kẻ cầm đầu là sinh viên Dương Văn Đầy.
Ngày 1 Tháng Năm, 1975, cán bộ Cộng Sản tiếp thu trường y khoa, choáng váng trước trường y khoa Sài Gòn khác hẳn trường y khoa Hà Nội cũ kỹ lạc hậu, đã phải thốt lên: “Bọn Mỹ không biết đánh giặc nhưng chúng đã biết xây một trường y khoa tốt” (giống như cán bộ từ khu về đã choáng váng với khung cảnh Sài Gòn tráng lệ). Câu khen ngợi đáng kể vì ít khi nào Cộng Sản nói thật!
Sau 30 Tháng Tư, 1975, chính sách chia rẽ để trị của Cộng Sản đã áp dụng trong trường. Tinh thần thầy trò, đồng môn, đồng nghiệp, đàn anh, đàn em rạn nứt.
Bốn mươi bốn năm nhìn lại thời kỳ chính trị đã chia rẽ các giáo sư trong trường y khoa tạo ra các khuynh hướng phe thân Mỹ thân Pháp, phe cựu thủ phe tiến bộ, phe già phe trẻ. Nếu “nhổ mũi tên ra khỏi trái tim” (Take the arrow out of the heart, lời thơ của Alice Walker), các thầy cô Nam, Bắc, Bình Dân, Chợ Rẫy, Nguyễn Văn Học, Hùng Vương, Từ Dũ… đã có công lớn đóng góp vào sự thành đạt của chúng tôi sau khi rời trường y khoa qua đất nước người. Các thầy cô như những đóa hoa quý trong vườn y học. Vườn hoa sau này nhìn lại, thầy trò đã ngậm ngùi nuối tiếc.
Tôi đã có duyên gặp nhiều thầy cô cũ, được tâm tình và thấy những ngộ nhận đôi khi vì những lời đồn vô căn cứ. Nam Bắc, Công Giáo, Phật Giáo, Y Nha khoa biến hai ông cựu bộ trưởng giáo dục Trần Ngọc Ninh và Nguyễn Văn Thơ thành hai kẻ thù tưởng tượng.
Gặp tôi, thầy Ninh vẫn hỏi thăm sức khỏe “Ở Houston ông bà Thơ vẫn khỏe?” và nhắc những kỷ niệm ở Việt Nam, gặp ông bà Nguyễn Văn Thơ câu hỏi “Anh Ninh lúc này ra sao em?” Những lời hỏi thăm của anh em trong gia đình y nha khoa đậm đà không thể dành cho kẻ thù!
Qua Mỹ, đi huấn luyện ở trong khung cảnh đại học và bệnh viện Mỹ, kỹ thuật hơn y khoa Việt Nam nhưng tình thầy trò và tình đồng môn khó tìm thấy.
Cuộc sống lưu vong tình cờ đem đến cho cậu học trò trẻ ngày nào được thành bạn tâm tình của các thầy. Ngày ở trường y khoa các thầy cô như “mặt trời” cậu học trò chỉ giám nhìn và đứng xa nay được ngồi nghe được thầy cô cầm tay tâm sự. Tôi đã viết nhiều bài về trường y khoa đại học Sài Gòn, về bệnh viện Bình Dân, về thầy tôi Giáo Sư Đào Đức Hoành và các Giáo Sư Phạm Biểu Tâm, Trần Ngọc Ninh cùng nhắc lại các thầy cô khác trong hai giới giáo sư già và trẻ của trường y khoa Sài Gòn trước 1975. Trong các thầy cô già nay chỉ còn Giáo Sư Trần Ngọc Ninh 97 tuổi và Giáo Sư Vũ Thị Thoa 93 tuổi, các thầy trẻ nay còn Giáo Sư Đào Hữu Anh, Vũ Quý Đài, Nguyễn Khắc Minh và Bùi Duy Tâm (học cùng lớp năm nay 86 tuổi).
Đến Woodland, ngoại ô Sacramento, hương đồng cỏ nội California như hương thời gian đã gợi tôi về những kỷ niệm với các thầy cô. Trong các thầy cô chỉ có Giáo Sư Bùi Duy Tâm bạn cùng lớp với các bạn già của tôi ở Houston, Chu Bá Bằng, Nguyễn Đình Phác, Vũ Hoạt, là tôi không có duyên chỉ có nợ!
Tháng Mười Một, 2013, tôi được gặp Giáo Sư Vũ Thị Thoa trong buổi họp mặt ở nhà hàng Vũng Tàu San Jose do Bác Sĩ Trần Đình Đôn tổ chức. Giáo Sư Vũ Thị Thoa nguyên là trưởng khu Nhi Khoa Bệnh Viện Nguyễn Văn Học và giáo sư nhi khoa Y Khoa Đại Học Sài Gòn, dạy bệnh trẻ em, một chuyên môn tôi ngu dốt! Mấy ông con nít không nói chuyện được khi khám bệnh chỉ có khóc. Tiếng khóc trẻ em hãi hùng nhất là đêm khuya (ở trại Guantanamo Bay 2 giờ sáng bọn tù khủng bố không ngủ được khi máy thu băng tiếng trẻ khóc được mở lên, bị tra tấn bằng cách này tù nhân phải khai thật!).
Trong bữa ăn cô ngồi im lặng nghe các học trò nói chuyện và nhìn tôi. Độ mười phút sau cô hỏi anh Đôn: “Người trước mặt tôi là Việt Nguyên?” được xác nhận cô vẫn không tin lời anh học trò của cô, quay sang Quỳnh Giao bà hỏi lại cùng câu, được vợ tôi trả lời, bà mới tin “ông này vừa nửa đùa nửa thật nên tôi không tin phải hỏi lại!” Biết được Việt Nguyên, bà đứng phắt dậy ôm chầm tôi mừng rỡ, hôn hai bên má kiểu dân Parisiene và sau đó ra sân chụp hình riêng với Việt Nguyên (trong 10 năm mua báo Ngày Nay sau khi đọc báo ở Minnesota bà tìm Việt Nguyên qua danh sách y sĩ hải ngoại nhưng không thấy tên). Sinh nhật 90 tuổi ở Paris cô cũng nhắc đến cậu học trò trong bài diễn văn. Nghề làm báo ít ra cũng đã đem lại hạnh phúc cho một người già bên kia bờ đại dương!
Giáo Sư Đỗ Khắc Thị Nhuận trưởng môn ký sinh trùng học trước nằm trong môn vi trùng học, vợ Bác Sĩ Vũ Quí Đài. Nhờ Tiến Sĩ Michael H. Ivey, Đại Học Oklahoma, giúp đỡ bà đã phát triển môn ký sinh trùng học.
Năm 1975, Bác Sĩ Bulmer và Bác Sĩ Nhuận đồng tác giả sách duy nhất về Nấm học, do trường Y Khoa Đại Học Sài Gòn xuất bản. Cô Nhuận nổi tiếng khó tính với sinh viên nhất là nam sinh viên. Vào phòng thí nghiệm cô bắt học trò đứng xếp hàng để cô xét hai bàn tay, không cắt móng tay bà đuổi ra cắt móng tay xong bà mới cho vào. Vậy mà không hiểu tại sao đến phiên tôi bà nhắm mắt bỏ đi không xét, “ở chỗ nhân gian không thể hiểu!” Năm ấy bạn cùng lớp gọi tôi là con cưng của bà Đài!
Thi vào dự bị y khoa tôi đậu một phần nhờ các câu hỏi về kiến thức của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh. Năm thứ hai tôi nhất môn ký sinh trùng học có lẽ nhờ những câu hỏi về óc quan sát của Giáo Sư Nhuận như: từ ngoài sân bước lên hành lang cầu thang có bao nhiêu bậc? Cầu thang từ tầng trệt lên đại giảng đường có bao nhiêu bậc? Bà nói sinh viên phải có óc quan sát nhưng có lẽ cô khó tính ít bạn, vẫn nhớ câu thơ “cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu?”
Thi thực tập sinh viên phải nhìn kính hiển vi đếm số trứng ký sinh trùng trong phân, “quen nhìn lên trời đầy sao sao sao” những đêm đi cắm trại, hôm ấy nhìn qua kính hiển vi “đầy trứng trứng trứng” tôi được chấm điểm nhất. Ngày có kết quả bà thầy thay vì chỉ khen bà hỏi: “Tại sao hồi trung học nó học dở hơn các cô cậu mà nay nó lại nhất.” Năm ấy một phần tôi học từ Bác Sĩ Lê Thành Hồ, giảng sư khu ký sinh trùng học, anh chỉ cho tôi thêm ngoài giờ học.
Bài học lớn nhất từ Bác Sĩ Hồ cũng như Bác Sĩ Trần Kiêm Thục là những bài học đời. Ngày anh Hồ du học từ Thái Lan về, gặp anh ở trong văn phòng, tôi hỏi anh: “Theo em biết trường y khoa Sài Gòn của mình là trường lớn nhất Đông Nam Á.” Đóng cửa phòng, anh nói với tôi “Anh mới được bà Đài gửi đi học ở Thái Lan về, qua đó anh thấy mình thua xa Thái Lan, em đừng bao giờ nói mình nhất Đông Nam Á người ta cười cho.” Đúng ngày tang lễ Giáo Sư Nhuận, tôi dọn phòng mạch đem kính hiển vi về để ở phòng làm việc, tôi giữ nó như một kỷ niệm nhớ về những ngày học với cô.
Pasteur nói “nhìn lên trời vũ trụ bao la, nhìn xuống kính hiển vi thấy một vũ trụ vô cùng nhỏ.” Giáo Sư Vũ Quí Đài, trưởng môn vi trùng học, phát triển qua y khoa nhiệt đới với sự giúp đỡ của cơ quan giáo dục Đông Nam Á (SEAMO). Khác tính Giáo Sư Nhuận ông nghiêm nghị nhưng vui tính có cách trị sinh viên không cần la mắng. Tôi nhớ một lần khi ông giảng bài lớp ồn ào ông chỉ nói “các anh chị lấy giấy viết ra để làm bài thi.” Thi mà không báo trước! Cả lớp im phăng phắc, ông giảng tiếp đến hết giờ, trong lớp không một tiếng động.
Qua Mỹ tôi được gặp ông vài lần ở Houston và San Jose nhưng gặp thường xuyên trên bán nguyệt san Ngày Nay phát hành ở Houston, ông đóng góp mục y học. Qua Mỹ không làm nghề cũ như ở Việt Nam ông đã dùng kiến thức giúp cho người già qua các bài viết về những bệnh trầm cảm, bệnh lú lẫn Alzheimer. Ông thực hành những điều ông khuyên, vứt bỏ những gánh nặng và chức vụ trên vai, giáo sư, tiến sĩ, cựu khoa trưởng Đại Học Y Khoa Sài Gòn nên năm nay 86 tuổi ông hát karaoke và nhảy đầm rất dẻo!
Giáo Sư Nguyễn Khắc Minh, trưởng khu gây mê bệnh viện Bình Dân, trưởng môn gây mê Y Khoa Đại Học Sài Gòn là một giáo sư trẻ khó tính khác với các bạn cùng lớp Vũ Quí Đài và Đào Hữu Anh. Trước có hành nghề giải phẫu sau chuyên về gây mê, tu nghiệp đại học Minnesota với Giáo Sư Walton Lillehei.
Tôi được đọc thư Giáo Sư Lillehei gửi Giáo Sư Phạm Biểu Tâm khen Bác Sĩ Nguyễn Khắc Minh – một người đã làm hãnh diện nền y khoa Việt Nam. Giảng dạy Tây y nhưng ông vẫn giữ truyền thống Đông y, âm dương ngũ hành, thực hành châm cứu trong nghành gây mê sau 30 Tháng Tư, 1975.
Gặp lại ông nhiều lần ở Houston thầy trò hiểu nhau hơn. Ông nói: “Bây giờ gặp nhau tôi không còn dạy học, tôi và anh là đồng môn chỉ cần gọi nhau là anh em.” Tháng Mười Hai đến nhà thăm ông ở Little Saigon ông nói “gặp nhau, vỗ vai nói hồi trước ‘toa’ có dạy ‘moa’ ở trường y khoa như vậy là vui rồi!” Ông nói thành thật nhưng tôi nghĩ đến Giáo Sư Đào Đức Hoành, một lần đến nhà tôi ông nói: “Anh có thể dạy tôi cái đạo của anh được không?” hay Giáo Sư Hiệu Trưởng Chu Văn An Bùi Đình Tấn mỗi lần gặp tôi trong các buổi tiệc đều đến chào tôi trước! Tôi hiểu các thầy Nguyễn Khắc Minh, thầy Hoành và thầy Tấn muốn dạy tôi về cách sống trên đời sao cho phải đạo!
Trong căn nhà nhỏ ở Woodland ngày chúng tôi đến thăm thầy cô, Giáo Sư Đào Hữu Anh, tôi gặp lại hình ảnh của người thầy hiền lành giản dị vui vẻ như những ngày ở trường y khoa những năm trước 1975. Đây là lần thứ hai tôi nhìn lại hình ảnh ông sau ngày hội ngộ Bình Dân vào Tháng Tám, 2017. Ốm yếu hơn hai năm trước không còn trẻ trung nhưng vẫn là hình ảnh “giản dị, khoan thai quần đậm màu, áo sơ mi trắng ngắn tay bỏ ngoài quần tay sách chiếc cặp da khoan thai trong khuôn viên trường” như bạn cùng lớp với tôi Bác Sĩ Nguyễn Việt Cường trong bài đọc vinh danh thầy. Người thầy trẻ ngày ấy luôn luôn vui vẻ trả lời các câu hỏi của sinh viên “thầy cho chúng ta tự tin khi đặt câu hỏi không làm chúng ta mất tinh thần.”
Vóc dáng ông khác hẳn Giáo Sư Nguyễn Huy Can luôn luôn nghiêm nghị với áo tay dài cà vạt áo choàng trắng của người thầy thuốc khi đứng giảng trên bục giảng, người mà ông đã thay chức trưởng môn cơ thể bệnh lý năm 1972 khi Giáo Sư Can đi Pháp không về.
Đây là lần thứ hai tôi được nói chuyện với thầy. Qua Mỹ Tháng Tư, 1978, chín tháng sau đậu kỳ thi Flex, khi cần giấy giới thiệu tôi có dịp nói chuyện với Giáo Sư Đào Hữu Anh đang dạy ở đại học Vanderbilt, Tennessee, qua điện thoại ông hỏi tôi: “Không hiểu tại sao anh đậu môn cơ thể bệnh lý với điểm 100, tôi đi học ở Mỹ (1960-1965) về Việt Nam dạy, qua Mỹ đi dạy, mà Flex của tôi môn bệnh lý không được 100?”
Lại “chỗ nhân gian không thể hiểu!” có lẽ một phần nhờ tôi đọc mẫu tế bào với Bác Sĩ Nguyễn Văn Chất (bạn cùng lớp với Giáo Sư Anh) ở khu ung thư Bình Dân sau khi mổ và đọc Pap Smear. Sự tận tâm và giúp đỡ của Giáo Sư Đào Hữu Anh đã được các học trò ghi nhận. Bác Sĩ Mộng Hoa (niên khóa 1969-1976) đã nói với thầy với sự thành thật: “Thầy đã giúp em và những sinh viên tốt nghiệp sau 1975, qua Mỹ được thầy chứng nhận. Thầy đã trả lời hàng trăm lá thơ của học trò và thơ chứng nhận, thơ giới thiệu, hướng dẫn đi học các nghành hậu đại học. Sự tận tâm của thầy chúng em không bao giờ quên.” Tôi và Bác Sĩ Vũ Trọng Tiến cũng đã được thầy xác nhận áp lực của Mỹ trong vấn đề thả các sinh viên tranh đấu sau Hiệp Định Paris 1973.
Năm giờ với học trò trong căn nhà nhỏ ấm cúng đã giúp thầy trẻ lại và sống lại không khí của gia đình y khoa trước năm 1975. Người già cô đơn, bỏ ngôi nhà ở Little Saigon với cộng đồng Việt Nam, bước ra ngoài cuộc đời nhưng ở tuổi 80-90 người già Việt không sống với thế giới ảo trên mạng nên không thể như các cụ ngày xưa treo ấn từ quan về nơi thôn dã.
Rời San Jose lần này tôi nhớ đến hai câu thơ của tôi mấy năm trước: “Cuộc đời như gió như sương/ Như hoa mới nở như hương năm nào.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét