Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

12819 - Chờ mùa nước nổi, nhưng có đợi nổi 'tầm nhìn' của Bộ Chính trị đảng?



Ở Việt Nam, mọi vấn đề mang tính chiến lược khi được đánh giá ‘thành công’, thì đều cho rằng đó là nhờ tầm nhìn mang tính quyết định của Bộ Chính trị. Điều 4, Hiến pháp 2013 đã ‘mặc định’ vậy.
Mất mùa là tại thiên tai...

Chờ mùa nước nổi

Người miền Tây nói rằng bao đời nay nước tràn đồng mang theo biết bao huê lợi thiên nhiên dành cho xứ sở này. Ruộng đồng nhờ mùa nước nổi mà đỡ tốn bạc tiền cho phân bón, thuốc trừ sâu; nhứt là thời gian trước năm 1975, miền Tây chỉ làm lúa một mùa dài đến 6 tháng trời, phù hợp với xứ này chỉ có hai mùa mưa, nắng.

Thuở ấy với nông dân miệt đồng, lễ Hạ điền tổ chức vào đầu mùa mưa, có ý nghĩa như là lễ xuống đồng, khai trương việc cày cấy. Lễ Thượng điền cử hành vào cuối mùa mưa, lúc đã thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp.

Vừa làm vừa chơi là vậy. Khi con nước về, mùa lúa xong rồi, người ta quay qua chài lưới, thả câu và… ăn nhậu. Rất nhiều món ngon chế biến từ cá, từ các sản vật mùa nước nổi cũng đến từ năm rộng tháng dài đó. Thế rồi ‘ngày thống nhất’, vựa lúa miền Nam vừa phải ‘nuôi’ người anh em miền Bắc, vừa phải gánh nợ vay trong chuyện mua súng ống đạn dược của miền Bắc thời huynh đệ tương tàn. 

Vậy là phải làm thêm vụ hai, và ‘đắp kênh bao ngăn lũ’ để một năm làm được tới 3 vụ. Đất đai bị bóc lột còn hơn thời địa chủ - tá điền như trong tuồng cải lương Tiếng hò sông Hậu. Giống lúa ngắn ngày của canh tác 3 vụ thường cho gạo không ngon. Thuốc trừ sâu, phân bón hóa học được dịp đổ xuống ruộng đồng để lúa có thể đủ sức ‘tốt 3 vụ’. Môi trường giờ đây liên tục bị nhiễm độc, dẫn tới cá tôm tự nhiên ngoài ruộng đồng, sông rạch dần cạn kiệt.

“Mấy ông Bộ Chính trị còn sống hay đã chết, quá khứ hay hiện tại đều cần phải nhìn rõ chuyện đã có tầm nhìn không qua ngọn cỏ ấy đối với miệt sông nước miền Tây. Không dũng cảm nhìn nhận lại những vết đổ, thì làm sao tránh được sai lầm tiếp theo?” Ông Hai, một lão nông tri điền ở huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ nói. 

Bàn về cái sai ấy như lời ông Hai – một lão nông xuất thân là sĩ quan công an thời Cần Thơ còn nằm chung địa giới hành chánh với tỉnh Hậu Giang, TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường - Tài nguyên thiên nhiên của trường Đại học Cần Thơ, cho biết ngay tại đồng bằng sông Cửu Long có 2 vùng trữ lũ rất lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, được xem là 2 túi nước điều hòa cho đồng bằng.

“Nhưng nhiều năm trước, do chạy theo sản lượng lúa, chúng ta đã đắp rất nhiều đê bao để ngăn không cho nước lũ tràn vào khu vực này, để tăng diện tích canh tác lúa vào mùa lũ lên. Cái đó làm cho không gian trữ nước của đồng bằng bị thu hẹp, lượng nước ngọt không giữ lại được, mùa hạn đến thì lượng nước tại chỗ không còn đủ để bổ sung cho sông Hậu, sông Tiền đẩy bớt nước mặn ra biển. Và càng vào mùa khô hạn thì xâm nhập mặn càng sâu vào nội đồng”, ông Ni diễn giải.

Thượng điền tích thủy hạ điền khan!

Câu nói này không liên quan gì đến hai nghi thức lễ như nêu ở trên. Hiện tại thượng nguồn các dòng sông, các con suối, người ta tiến hành ngăn đắp để làm thuỷ điện. Khi thượng nguồn tích nước các tua bin chạy sản xuất ra dòng điện, lượng nước đổ về hạ nguồn ngày một ít hơn, trong khi nhu cầu nước phục vụ cho sản xuất ở vùng hạ nguồn ngày một lớn hơn. Thượng điền tích thủy, hạ điền khan là vậy.

Tin tức từ báo chí Thái Lan, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết đã yêu cầu Trung Quốc, Lào, Myanmar xả nước vào sông Mekong, và sẽ tiếp tục đàm phán về nước trong bối cảnh hơn một nửa đất nông nghiệp của Thái Lan đang thiếu nước.

Tổ chức Mekong Freedom Network của Thái Lan nhận định với 8 đập thủy điện nằm trên lãnh thổ Trung Quốc đã chặn 40 tỷ m3 nước sông Mekong là thủ phạm chính khiến mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục.

Một nghiên cứu khoa học của Việt Nam cho thấy tổng lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng bị giảm tới 65% và nếu tính chung cả các thủy điện thượng nguồn phía Trung Quốc, lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn lại khoảng 15 triệu tấn, chưa đến 10% so với điều kiện tự nhiên; xâm nhập mặn sẽ gia tăng tại hầu hết các vùng ven biển.

Nếu tính thêm tác động của bậc thang 11 công trình thủy điện dòng chính ở hạ lưu vực sông Mekong và của các công trình thủy điện dòng nhánh sông Mekong, tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm giảm tới 80%.

“Tôi không biết trong những lần hai tổng bí thư Đảng cũng như hai Nhà nước của Trung Quốc và Việt Nam gặp nhau, phía Việt Nam có lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc vụ độc chiếm Mekong hay không? Chỉ rõ là ông Nguyễn Xuân Phúc không phải là ngài Prayut Chan-o-cha. Tôi chưa thấy “bản tin tham khảo hạn chế” nào mà dịch vụ Thông Tấn Xã cung ứng cho báo chí, có dẫn tin tức chuyện Việt Nam đã phản ứng vụ việc này ở cấp Đảng và cấp Nhà nước đối với Trung Quốc”. Biên tập viên M.T của tạp chí chuyên ngành cảng biển, nhận xét.

Trong danh sách thành viên Bộ chính trị có tên ông Nguyễn Xuân Phúc, và người đứng đầu Bộ này thì hiện không chỉ ‘buông rèm chấp chính’, mà còn giữ im lặng cam chịu trước mọi ngang ngược gây hấn trên Biển Đông cho tới độc chiếm sông Mekong từ ‘bạn vàng’ Trung Quốc.

“Tôi từng mơ mộng sẽ biên tập bản tin đại khái vầy: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ thị Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát hành Công hàm gửi chính phủ Trung Quốc yêu cầu chấm dứt việc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam; đồng thời, Trung Quốc phải có trách nhiệm trong sử dụng chung tài nguyên nước của sông Mekong. 

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu Ngoại trưởng Phạm Bình Minh có Bị vong lục (Memorandum) tuyên bố, khẳng định lại lập trường của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề Biển Đông và sông Mekong gửi đến Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường”. Biên tập viên M.T bày tỏ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét