Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

12839 - Cà cuống “chết đến đít còn cay”


Những năm sau 1975, tôi vẫn còn thấy con cà cuống trên đồng ruộng. Khi mưa xuống, cà cuống không biết từ đâu xuất hiện, nó hay nép mình dưới gốc rạ khi thấy động…Bây giờ, nhắc lại cà cuống, chắc mấy đứa nhỏ không biết. Tôi từ lâu cũng quên đi những con cà cuống quê mình. Mưa ngập ruộng, có cây mọc đầy, cá con cũng nhiều là nguồn thức ăn dồi dào cho cà cuống.

Con Cà cuống "chết đến đít còn cay"
(Ảnh qua vietnam.vnanet.vn)

Nhìn hình mọi người có thấy cà cuống giống con gián không. Quả vậy, chỉ có điều cà cuống lớn hơn một chút và thân hình nó cứng hơn con gián. Rốt cuộc, cà cuống có gì đặc biệt? Tôi tình cờ đọc được một lời bình nói về những điểm độc đáo của cà cuống như sau:
Tinh dầu cà cuống, theo tôi được biết, là một túi tinh dầu ngay trên phần cổ của con cà cuống đực (gờ bụng cà cuống đực thon nhỏ), chỉ bằng hạt tấm, mày gạo, đến khi nướng/hấp chín cà cuống, túi đó có màu xanh. Người ta lấy tinh dầu cà cuống từ đây và tuyến cay ở ức. Ăn cà cuống, sẽ thấy đít nó không cay, mà cay ngay ở cái cổ và ức của nó (cổ là phần ngon nhất vì ngoài túi cay/thơm, cổ cà cuống còn có các bó cơ/thịt bọc lấy túi thơm đó). Tuyến cay ở ức cà cuống không cay bằng. Thịt nơi đó như thịt gà, nhưng ngon hơn nhiều. Con cái (gờ bụng cà cuống cái nở nang), lại ngon phần bụng (kể cả chóp cuối/đít) vào mùa có trứng (thường là từ tháng 3 đến tháng 5). Chùm trứng cà cuống cái gần bằng hai đốt ngón tay người lớn rất thơm, bùi, màu xanh, khi nướng/hấp chín.
Đọc qua lời bình luận này, tôi mới thấy cà cuống thật sự hấp dẫn.
Tuy vậy, tại sao “cà cuống chết đến đít vẫn còn cay”? Bởi cà cuống khi chết cái bọc chứa tinh dầu của nó vẫn còn. Chủ yếu câu thành ngữ trên là nói về những người thủ đoạn độc địa dù thua trắng mắt vẫn không chịu lui bước, thua người khác rồi mà vẫn cay cú.
Kết quả hình ảnh cho con cà cuống
Những năm cuối thập niên 70 trở đi, tôi thường nghe mọi người hay đi bắt cà cuống bán cho dân Bắc. Họ nói ngoài Bắc thích ăn bánh cuốn với nước mắm cà cuống. Khi mưa xuống họ đi săn tìm cà cuống để bán vì rất có giá.
Tôi ra ruộng nhổ cỏ thỉnh thoảng có thấy vài con cà cuống. Tôi bắt lên nhìn một hơi rồi thả chúng đi, vì ăn chay nên có bắt về cũng chẳng biết làm gì, có vài ba con bán cho ai.
Cà cuống giờ không còn thấy nữa, lớp người ta săn tìm cả cà cuống có trứng, cộng thêm phân bón, hóa chất của ba vụ lúa một năm đã xóa dần đi sự tồn tại của cà cuống.
Người ta có nhắc đến một người đàn ông ở Củ Chi đã đi lùng sục kiếm được mấy con cà cuống khi mưa xuống. Ông mang về chăm chút chúng để nhân giống ra. Người đàn ông này sở hữu bốn trang trại nuôi côn trùng, trong đó có nuôi dế cũng là lấy thức ăn cho cà cuống.
Từ 5 con cà cuống ban đầu giờ anh có trong tay hơn năm ngàn con. Mỗi ngày anh bán từ 60-70 con, mỗi con khoảng năm chục ngàn. Chỉ mỗi nuôi cà cuống là anh có tiền triệu, chưa kể là anh bán con giống cho người khác mang về nuôi…
Thật tiếc, nếu con cà cuống có giá trị như vậy bị tuyệt chủng. Tinh dầu lấy từ cà cuống thật đặc biệt. Cà cuống trong tự nhiên hầu như không nghe ai nhắc đến nữa.
Mong rằng, huyền thoại về cà cuống không chỉ là “huyền thoại” một thời…
Kieu Duong
Đăng lại từ Fanpage Dấu Quê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét