Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

16309 - Lên đoạn đầu đài vẫn không nhớ nhân dân


Không có nhân dân trong những ánh mắt ráo hoảnh, những lời nói sau cùng của tội đồ trong các đại án. Ở Sài Gòn, một số dân chơi ra hầu toà, người nhận sai, kẻ đứng giữa vòng vây thân hữu. Họ có loáng thoáng một chút khí phách Nam bộ, thua thì chung. Nhưng cái chất Nam bộ ấy không còn gốc gác phù sa, không phảng phất hơi hào sảng nhân dân nữa. Khí chất ấy được phôi thai từ tà quyền, từ tham vọng và man trá. Kiểu lục lâm thảo khấu chấp nhận một cuộc cờ tàn phe cánh, vương quyền.
Trò chơi đó, đương nhiên được đặt trên tấm lưng, vai áo nhân dân, những cuộc cướp đất, những màn biển thủ tiền dân. Nếu có một chút “nhân dân tính”, sẽ biết trăm tỷ nghìn tỷ là rất nhiều. Sẽ nhìn thấy dân ở tù vì cướp bánh mì, giết nhau vì vài trăm nghìn đồng, thảm sát vì tranh chấp nửa mét đất…
Ở Hà Nội, kẻ làm đến quan thượng thư, trong những lời nói sau cùng cũng không hề có một chữ “dân”. Họ chỉ xin lỗi đảng và nhà nước dù biết rằng người bị hại là nhân dân.
Trăm tỷ nghìn tỷ họ chiếm đoạt, dân sẽ phải nai lưng làm lụng, chịu đựng thuế phí và vật giá để bù vào. Cho tới giờ phút cuối cùng, họ vẫn không hiểu hoặc cố tình không hiểu, người phải chịu đắng cay để cứu chuộc lỗi lầm của họ vẫn là dân. Người phải cáng đáng nghiệt oán họ tạo ra vẫn là nhân dân. Kể cả chén cơm họ lùa trong lao tù, cũng từ bàn tay nhân dân vun vén.
Một chính quyền của dân, do dân và vì dân mà ngót nghét nửa thế kỷ rồi, nhân dân không được nghe một lời xin lỗi. Tôi nhớ người cuối cùng nói điều đó là ông Sáu Khải.
Những kẻ tội đồ, những đứa con phản trắc của nhân dân hôm nay giáp mặt với nhân quả, vẫn muốn chết như những đế vương đánh mất cơ đồ. Có thể hiên ngang hoặc quỵ luỵ trước chủ thể thanh trừng họ. Còn bá tánh, nghiễm nhiên là con số không tròn trĩnh, không mảy may tồn tại trong suy nghĩ của họ.
Kẻ thất thế còn mang tâm thế ấy, kẻ đang có thời rất khó để khom lưng xuống cầm tay dân. Mâu thuẫn giai cấp là ở đó, bất công là ở đó, không cần lý luận xa vời.
Những kẻ đi từ nhân dân, mang một lời tuyên thệ “vì dân” có lẽ đã biết sẵn đó là lời chót lưỡi đầu môi, là câu vè đưa họ bước vào sân khấu quyền bính và lợi ích.
Có lẽ gấm vóc lụa là, biệt điện xa giá và quyền lực đã găm vào não trạng của họ một tiềm thức đế vương. Vì thế, đối với dân lành, họ không thương và cũng không sợ. Họ chắc chắn nghĩ rằng đã đánh tráo được cái nhất thời và vạn đại như đã đánh cắp thân phận, cuộc sống của bao người.
Và như thế, không phải nhân dân, chính họ mới là những kẻ đang nhen nhóm một cuộc can qua tàn khốc của mai sau…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét