Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh là mang trong mình tinh thần của tiền nhân như Chu Văn An, Ức Trai và dám chủ động 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' để trở thành 'nhà yêu nước hợp thời cuộc,' theo một nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Minh Triết Việt Nam. Bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 26/12/2019 về việc Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vừa từ trần tại Hà Nội ở tuổi 104, ông Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm nói:
"Tư tưởng thì có thể nói ông là một con người lão thực, xem xét vấn đề ngược xuôi, tình lý, và vì thế ông là một người sẵn sàng tự diễn biến, tự chuyển hóa từ cái chỗ mình là người cộng sản, nhưng mà chuyển hóa thành một con người yêu nước mà hợp với thời cuộc, sẵn sàng phê phán những sai trái của đảng của mình.
"Những lỗi lầm của đảng của mình cũng không bỏ qua, cũng đóng góp và ông là người cương trực có thể có nét này là trong người ông có tinh thần của Chu Văn An, của Nguyễn Trãi, thừa hưởng cái tinh thần ấy.
"Cho nên ông cương trực góp ý kiến, ông đề xuất những vấn đề rất lớn của thời cuộc hiện nay, ông phê phán những chính sách đối thoại thân Trung Quốc, ông phê phán chính sách và hành động bành trướng đại Hán, gian hiểm của Trung Hoa hiện nay.
"Và ông để tâm đến rất nhiều công việc thời sự, trong một ông già tám, chín mươi rồi một trăm tuổi, mà luôn luôn thức thời, đấy là con người hiếm có...
"Ông theo dõi thời sự như thế không phải như những anh Khốt-ta-bít hiện nay ở trong nước đâu, điều hết sức đặc biệt đối với ông mà tôi hết sức khâm phục và chúng tôi nói với nhau là đấy là một nhà minh triết hiện đại của dân tộc...
"Có thể nói, tôi gọi ông là một con người thức tỉnh, ông không giáo điều.
"Con người này không hề giáo điều một chút nào hết và rất tỉnh táo để mà phân biệt cái đúng, cái sai, cái lạc hậu, cái tiên tiến, cái hợp lý với thời cuộc, văn minh, hiện đại, nhân văn với cái hủ bại mà chúng tôi gọi là cái 'hủ Marx' - tức là một thứ Marxism hủ lậu, quê mùa, lạc hậu, bảo thủ.
"Thì có thể nói ông già Nguyễn Trọng Vĩnh này là một con người rất là thức thời, đúng là một kẻ sĩ thức tỉnh mà trở thành tấm gương cho chúng tôi, cho các anh em và cho các bạn trẻ nữa," nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương ĐCSVN nói.
'Chuyển biến và gương sáng'
Cũng hôm 26/12, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, người từng tu nghiệp ở Thượng Hải, nói về vị cựu Đại sứ từng có 13 năm đứng đầu đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và nhấn mạnh vào sự thay đổi tư duy lúc cuối đời của ông:
"Phải nói là ông là một tấm gương tất cả chúng tôi noi theo, một sự kiên trì sáng suốt, sống trong sạch.
"Còn việc ông là một vị Đại sứ, Thiếu tướng và đảng viên đảng Cộng sản, thì tôi cũng rất vui mừng nhận ra rằng ông đã có những biến chuyển và nói ra được những lời biến chuyển lúc cuối đời.
"Trước kia, kẻ xấu ông chê, nhưng ông luôn cảm thấy rất là coi trọng chuyện phải vẫn giữ đảng Cộng sản, làm sạch dần đi, nhưng rồi dần dần ông cảm thấy chuyện đó vô lý và những ngày cuối đời ông có được những câu nói là thay đổi phải sửa hẳn, phải bỏ nó đi hẳn.
"Còn làm cái gì cho nó tốt hơn, thì những người sáng suốt phải làm, bây giờ thì không thể làm được nữa.
"Một người chúng tôi rất thương quý, nhưng mà tôi thấy là ông từng khá là bảo thủ, tức là những gì đã tôn thờ cả tuổi trẻ, cả đời thì vẫn cứ tôn thờ, nhưng đến giờ phút chót, hơn một năm nay, thì ông nói được những lời khác.
"Sau đó để xác minh lại, tôi ngồi với chị Nguyên Bình (con gái của Tướng Vĩnh), thì chị nói đúng thế, ông đã thấy là không thể chấp nhận là nó tồn tại song song được.
"Cái gì cần phải từ bỏ, thì từ bỏ. Chính điều ông nói đó làm cho nhiều người cảm thấy là phải từ bỏ những điều mình đã cố bám lấy, bởi vì sự ngoan cố, sự trì trệ kéo dài ấy làm cho đất nước bị đau khổ, khó chịu như là cảnh cam phận nhiều quá.
"Bởi vì đông nhất trong hàng ngũ cán bộ cũ, những người tốt, (tôi không nói những người xấu, những người mà biến chất, mà làm bậy, tai tiếng), ta nói là người tốt đấy, họ vẫn bị ám ảnh về cái gì mà từ thời đại Hồ Chí Minh đã có, thì bây giờ phải giữ, thì nay chính ông đã thấy phải thay đổi."
Bàn thêm về nhân cách và di sản của Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, từ Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện nói:
"Ông là một con người am hiểu văn hóa, là một con người rất mềm dẻo và có một phong cách ngoại giao rất lịch sự và ôn hòa, nhưng mà cũng vô cùng cương quyết.
"Nhân cách, con người của ông Nguyễn Trọng Vĩnh, con người giản dị, mực thước và lão thực của ông là một tấm gương.
"Và đấy có thể coi là một di sản lớn mà ông Nguyễn Trọng Vĩnh có gửi lại cho chúng ta.
"Và trong niềm kính tiếc vô cùng như thế này, thì những bài học đó và tấm gương của ông Nguyễn Trọng Vĩnh sẽ được những người dân Việt Nam yêu nước học tập và noi theo," Tiến sỹ Diện chia sẻ với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét