Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

16328 - Trump sẽ “làm Trung Quốc vĩ đại trở lại”?



Gần đây, các thị trường tài chính đã hoan nghênh thông tin rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận “giai đoạn một” nhằm ngăn chặn sự leo thang hơn nữa cuộc chiến thương mại song phương. Nhưng thực sự có rất ít thứ để ăn mừng. Để đổi lấy cam kết dự kiến ​​của Trung Quốc về việc mua thêm nông sản Hoa Kỳ (và một số mặt hàng khác) cùng một số nhượng bộ khiêm tốn về quyền sở hữu trí tuệ và đồng Nhân dân tệ, Hoa Kỳ đã đồng ý hoãn đánh thuế đối với số hàng xuất khẩu trị giá 160 tỷ đô la của Trung Quốc, đồng thời hủy một số mức thuế được áp dụng từ ngày 1 tháng 9.
Tin tốt cho các nhà đầu tư là thỏa thuận này đã giúp tránh được một đợt thuế quan mới có thể khiến nền kinh tế Mỹ và toàn cầu rơi vào suy thoái và làm sụp đổ thị trường chứng khoán toàn cầu. Tin xấu là nó chỉ là một thỏa thuận hưu chiến tạm thời khác trong bối cảnh một cuộc cạnh tranh chiến lược lớn hơn, bao trùm các vấn đề như thương mại, công nghệ, đầu tư, tiền tệ và địa chính trị. Thuế quan quy mô lớn sẽ vẫn được giữ nguyên, và sự leo thang cũng có thể tiếp diễn nếu một trong hai bên trốn tránh các cam kết của mình.
Kết quả là, một sự tách rời giữa Trung Quốc và Mỹ nói chung có thể sẽ tăng cường theo thời gian, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Hoa Kỳ coi tham vọng của Trung Quốc nhằm đạt được sự tự chủ và sau đó là sự thống trị trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến – bao gồm trí thông minh nhân tạo, 5G, robot, tự động hóa, công nghệ sinh học và xe tự lái – là mối đe dọa đối với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia. Sau khi đưa Huawei (một công ty dẫn đầu về 5G) và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc vào danh sách đen, Mỹ sẽ tiếp tục cố gắng kiềm chế sự phát triển của ngành công nghệ Trung Quốc.
Các luồng dữ liệu và thông tin xuyên biên giới cũng sẽ bị hạn chế, làm dấy lên mối lo ngại về một mạng internet bị chia cắt (splinternet) giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Và do sự giám sát ngày càng tăng của Mỹ, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 80% so với mức năm 2017. Giờ đây, các dự luật mới đang đe dọa sẽ cấm các quỹ hưu trí công của Hoa Kỳ đầu tư vào các công ty Trung Quốc, hạn chế đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc vào Mỹ, và buộc một số công ty Trung Quốc hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Hoa Kỳ cũng ngày càng nghi ngờ hơn về các sinh viên và học giả Trung Quốc hoạt động tại Hoa Kỳ, những người có thể tham gia đánh cắp bí quyết công nghệ của Hoa Kỳ hoặc tham gia vào hoạt động gián điệp trực tiếp. Về phần mình, Trung Quốc sẽ ngày càng tìm cách đi vòng qua hệ thống tài chính quốc tế do Mỹ kiểm soát và tự bảo vệ mình trước việc Mỹ vũ khí hóa đồng đô la. Để đạt được điều đó, Trung Quốc có thể lên kế hoạch ra mắt một loại tiền kỹ thuật số do nhà nước phát hành, hoặc một giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán xuyên biên giới của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) vốn do phương Tây kiểm soát. Trung Quốc cũng có thể cố gắng quốc tế hóa vai trò của Alipay và WeChat Pay, các nền tảng thanh toán kỹ thuật số phát triển vốn đã thay thế hầu hết các giao dịch tiền mặt ở Trung Quốc.
Những diễn tiến gần đây trong tất cả các khía cạnh này cho thấy một sự thay đổi lớn hơn trong mối quan hệ Trung – Mỹ theo hướng chống toàn cầu hóa, phân mảnh kinh tế và tài chính, và ban-căng hóa chuỗi cung ứng. Chiến lược an ninh quốc gia của Nhà Trắng năm 2017 và Chiến lược quốc phòng năm 2018 của Hoa Kỳ coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” cần bị kiềm chế. Căng thẳng an ninh giữa hai bên đang diễn ra trên khắp châu Á, từ Hồng Kông và Đài Loan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hoa Kỳ lo ngại rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sau khi từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời” của người tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình, sẽ thực hiện một chiến lược bành trướng hiếu chiến. Trong khi đó, Trung Quốc lo ngại rằng Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của mình và bác bỏ những lo ngại an ninh hợp lý của mình ở châu Á.
Sự cạnh tranh giữa hai bên sẽ diễn tiến như thế nào vẫn còn chưa rõ ràng. Cạnh tranh chiến lược nếu không được kiểm soát rốt cuộc sẽ biến chiến tranh lạnh thành chiến tranh nóng, với những hệ lụy tai hại cho toàn thế giới. Điều rõ ràng là sự đồng thuận trước đây của phương Tây đã bị “việt vị”, theo đó họ từng cho rằng việc để Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới và tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ buộc Trung Quốc trở thành một xã hội cởi mở hơn, đi kèm với một nền kinh tế tự do và công bằng hơn. Nhưng, dưới thời của Tập, Trung Quốc đã tạo ra một nhà nước giám sát kiểu Orwell và tăng cường chủ nghĩa tư bản nhà nước vốn trái với các nguyên tắc thương mại tự do và công bằng. Trung Quốc hiện đang sử dụng sự giàu có ngày càng tăng của mình để khoa trương sức mạnh quân sự và thể hiện ảnh hưởng trên khắp châu Á và toàn thế giới.
Vậy, câu hỏi là liệu có những lựa chọn thay thế hợp lý nào khác để tránh chiến tranh lạnh leo thang hay không? Một số nhà bình luận phương Tây, như cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, ủng hộ “sự cạnh tranh chiến lược có quản lý”. Còn những người khác nói về một mối quan hệ Mỹ – Trung “vừa hợp tác vừa cạnh tranh (co-optetion). Tương tự, Fareed Zakaria đề xuất Mỹ theo đuổi một chiến lược kết hợp can dự và răn đe với Trung Quốc. Tất cả đều là các biến thể của cùng một ý tưởng: mối quan hệ Trung – Mỹ nên bao gồm sự hợp tác trong một số lĩnh vực – đặc biệt là khi liên quan đến các hàng hóa công toàn cầu như khí hậu, thương mại và tài chính quốc tế – trong khi chấp nhận rằng sẽ có sự cạnh tranh mang tính xây dựng trong những lĩnh vực khác.
Tất nhiên, vấn đề nằm ở Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người dường như không hiểu được rằng việc “cạnh tranh chiến lược có quản lý” với Trung Quốc đòi hỏi phải có sự can dự và hợp tác chân thành với các nước khác. Để thành công, Mỹ cần hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác nhằm đưa mô hình kinh tế mở, xã hội mở của mình tiến vào thế kỷ 21. Phương Tây có thể không thích chủ nghĩa tư bản nhà nước độc đoán của Trung Quốc, nhưng họ cũng phải ổn định nội bộ xã hội của mình trước. Các nước phương Tây cần tiến hành các cải cách kinh tế nhằm giảm bất bình đẳng và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính gây tàn phá, đồng thời thực hiện các cải cách chính trị nhằm kiềm chế phản ứng dân túy chống toàn cầu hóa, trong khi vẫn duy trì được nền pháp quyền.
Thật không may, chính quyền Mỹ hiện tại thiếu một tầm nhìn chiến lược như vậy. Chính sách bảo hộ, đơn phương và phi tự do của Trump rõ ràng có xu hướng làm bất mãn các bạn bè và đồng minh của Hoa Kỳ, khiến phương Tây bị chia rẽ và không sẵn sàng để bảo vệ và cải cách trật tự thế giới tự do mà nó tạo ra. Người Trung Quốc có lẽ thích Trump tái đắc cử vào năm 2020. Trump có thể là một mối phiền toái trong ngắn hạn, nhưng nếu có đủ thời gian tại vị, ông ta sẽ phá hủy các liên minh chiến lược vốn tạo nền tảng cho sức mạnh mềm cũng như sức mạnh cứng của Mỹ. Giống như hiện thân ngoài đời thực của nhân vật chính trong phim “Manchurian Candidate”, Trump sẽ cho Trung Quốc vĩ đại trở lại”.
Nouriel Roubini, giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York và Chủ tịch của Roubini Global Economics, từng là Kinh tế gia Cao cấp về Các vấn đề Quốc tế trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng dưới thời Chính quyền Clinton. Ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và Ngân hàng Thế giới.
Nguồn: Nouriel Roubini, “Trump Will Make China Great Again”, Project Syndicate, 23/12/2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét