Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

16314 - Thế giới và những sự kiện quan trọng năm 2019



                             Người biểu tình Hong Kong ủng hộ người Uighur.


Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm 2020. Vào những ngày cuối năm, các ký/học giả và cơ quan truyền thông thường đúc kết những vấn đề những sự kiện nổi bậc nhất trong năm. Chẳng hạn như các bài viết hoặc thông tin được quan tâm nhiều nhất trên một hãng thông tấn nào đó.
Tờ The New York Times thì chia ra thành từng mảnh nhỏ, từ chính trị đến phi chính trị v.v…
Giáo sư chính trị học Stephen M Walt thì liệt kê 10 điều trên thế giới mà nhân loại nên biết ơn vào năm 2019 bởi vì những gì xảy ra không đến nổi tệ như nó có thể. Mặc dầu không đồng ý với tất cả những nhân vật liệt kê, hay ủng hộ các sự kiện này, giáo sư Walt trân quý vai trò và sự đóng góp cho lợi ích chung đối với nhân loại. Chẳng hạn, như cô Greta Thunberg cho môi trường và các thế hệ tương lai. Như viên chức vô danh trong chính quyền/đảng cộng sản Trung Quốc đã tiết lộ tài liệu mật cho báo The New York Times về trại cải tạo tập trung đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) ở Tân Cương. Như các tác giả đã cống hiến những tác phẩm cực hay và hữu ích cho nhân loại. Giáo sư Walt kết luận rằng thế giới hiện nay đang đối diện với những thử thách nghiêm trọng, từ một địa cầu ngày càng hâm nóng, các nền dân chủ đang gặp rắc rối, sự cuồng tín/cố chấp và bài ngoại gia tăng (rising bigotry and xenophobia), làn sóng tị nạn có thể tăng thêm, sự tấn công vào ý tưởng sự thật và quan niệm danh dự trên bình diện chính trị. Tuy thế ông vẫn cảm ơn vì một năm đã trôi qua mà xung đột giữa các quyền lực lớn chưa xảy ra, Hoa Kỳ chưa tham gia vào một cuộc chiến tranh mới, nền kinh tế thế giới chưa đổ bể, mức độ nghèo và bệnh tiếp tục gia giảm trên toàn cầu, và phần lớn người dân Hoa Kỳ có vẻ ý thức được rằng mình đã bầu cho một gã lang băm vào năm 2016.
James M Lindsay thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại thì liệt kê 10 biến cố quan trọng nhất trong năm 2019 trên bình diện bang giao quốc tế.
Đứng thứ 10 là sự bế tắc trong đàm phán giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ về phi hạt nhân. Qua hai lần đàm phán và bao nỗ lực sắp xếp giữa hai phía nhưng kết quả chẳng đi đến đâu, Bình Nhưỡng tiếp tục gửi thông điệp với Washington vào đầu tháng 12 rằng Hoa Kỳ sẽ phải quyết định “món quà giáng sinh nào họ sẽ chọn để nhận”. Viễn ảnh năm 2020 vẫn không có gì sáng sủa hơn.
Kế đến là Brexit, một vấn đề gây nhức nhối và chia rẽ cho toàn Anh quốc. Cuối cùng vào ngày 20 tháng 12 quốc Hội Anh cũng bầu chọn quyết định ra khỏi Liên hiệp Âu châu trước ngày 31 tháng Giêng năm 2020.
Thứ tám là thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tháng Ba năm 2018, Tổng thống Donald Trump tweet rằng “thương chiến là tốt và dễ thắng”. Những gì xảy ra sau đó không phải như thế. Sau bao nhiêu vòng đàm phán, đến ngày 11 tháng 10 năm nay, hai bên đã tạm đồng ý có thỏa thuận với nhau, nhưng những khác biệt chính yếu vẫn chưa giải quyết ổn thỏa gì cả. Do đó 2020 có thể là năm có nhiều hỗn loạn hơn nữa.
Kế tiếp là các cuộc di cư vĩ đại từ Trung Mỹ đến biên giới Hoa Kỳ mà hệ thống tại đây đã chịu không nổi trọng lực của vấn đề. Trung tâm của các cuộc tranh chấp pháp lý là những câu hỏi hóc búa về việc ai có thể xin tị nạn tại Hoa Kỳ.
Thứ sáu là căng thẳng bùng phát tại Vịnh Ba Tư (Persian Gulf). Những sự kiện diễn ra giữa năm nay ở eo biển Hormuz đưa đến vài cuộc đụng độ quân sự ở bình diện nhỏ giữa Hoa Kỳ, Iran và Saudi Arabia làm leo thang các lực lượng quân sự tại đây. Có khả năng 14 ngàn quân lính Hoa Kỳ sẽ được đưa đến Saudi Arabia vào cuối năm nay.
Kế đến là đại hỏa hoạn rừng Amazon. 80 ngàn vụ cháy trong năm 2019 là cao nhất trong một thập niên qua. Các khoa học gia phải cảnh báo rằng nạn phá rừng Amazon có thể đi đến tình trạng thảo nguyên mà sẽ “nhả hàng triệu tấn carbon lên bầu khí quyển”.
Thứ tư là Ấn Độ đã ôm lấy tinh thần dân tộc Ấn (Hindu nationalism), đặc biết qua chính sách hủy bỏ quyền tự trị của Kashmir vào tháng 8 năm nay mà họ đã hưởng độc lập và được ghi nhận trong hiến pháp Ấn Độ. Ngoài ra quốc hội Ấn cũng thông qua đạo luật gây nhiều tranh cãi mà qua đó tạo cơ hội cho người dân không theo đạo Hồi thuộc vùng Nam Á có thể trở thành công dân Ấn.
Kế tiếp là Hoa Kỳ chấm dứt ủng hộ lực lượng người Kurd tại Syria. Hành động này ngày càng được nhiều nước trên thế giới đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ là một đồng minh, đối tác có thể tin cậy được? Và nó đã làm cho các chuyên gia tranh luận với nhau về hệ quả của các chính sách đối ngoại bất nhất của Hoa Kỳ về sau.
Thứ hai là việc Hạ viện Hoa Kỳ đã thảo luận, tranh luận và thông qua hai điều luận tội đối với Tổng thống Trump vào ngày 18 tháng 12 vừa qua. Một là lạm dụng quyền lực để hỗ trợ ông trong chiến dịch tái tranh cử đối với đối thủ chính trị của mình. Hai là gây cản trở cho quốc hội bằng việc không cho các nhân viên Nhà Trắng điều trần và từ chối cung cấp các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra luận tội. Không rõ khi nào chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ gửi lên Thượng viện để tiến hành thủ tục luận tội ở đó, nhưng xác suất Đảng Cộng hòa bác bỏ nó là rất cao.
Trên hết là các cuộc biểu tình tại Hồng Kông kéo dài hơn sáu tháng qua. Lindsay gọi 2019 là “Năm Biểu tình” (The Year of Protests) mà Hồng Kông đã thu hút sự chú ý nhất trên toàn cầu. Ngoài Hồng Kông còn có biểu tình ở Algeria, Sudan, Chile, Lebanon, Iraq, Iran, Blivia, Ấn Độ, Nicaragua, Nga. Lindsay cũng có nhắc đến các biến cố tại Venezuela. Ngoài ra sự kiện bà Aung Sang Suu Kyi xuất hiện tại Tòa Công lý Quốc tế The Hague vào tháng 12 vừa qua phủ nhận rằng quân đội Miến Điện đã thi hành chính sách diệt chủng đối với người Rohingya đã làm cho nhiều người bất bình lên tiếng kêu gọi tước đi Giải Nobel Hòa bình trao cho bà trước đây.
Lindsay cũng liệt kê 10 cuộc bầu cử đáng quan sát vào năm tới 2020, trong đó có bầu cử lại Hội đồng Lập pháp Hồng Kông vào tháng 9 năm 2020 và bầu tử tổng thống Hoa Kỳ ngày 3 tháng 11 năm 2020.
Chủ nghĩa dân túy, dân tộc, bộ lạc và cường quyền đang gia tăng trong khi xu hướng dân chủ bị thoái lui. Đó là dấu hiệu đáng quan ngại trước khi kết thúc năm 2019. Tuy thế, người dân khắp nơi vẫn tiếp tục đứng lên bày tỏ nguyện vọng của mình dù có bị đàn áp dã man. Khi các chế độ cường quyền không thể, hay không còn khả năng, lừa gạt người dân hiệu quả nữa thì một vận mệnh mới sẽ đến với dân tộc đó. Nhưng dân chủ sẽ không đến một cách dễ dàng mà nó là một tiến trình tranh đấu không ngừng giữa thành phần cai trị và những người bị trị. Hy vọng năm 2020 sẽ là năm mà người dân trên khắp thế giới trau dồi khả năng làm chủ cuộc đời mình và tương lai đất nước của mình hơn năm trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét