Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Bài học về sự tha hóa của quyền lực của bà Aung San Suu Kyi hiện nay

Kami’s Blog



Bài viết "Aung San Suu Kyi: Anh hùng nhân quyền nay bị chỉ trích", của tác giả Fergal Keane đăng trên trang website BBC Vietnamese (goo.gl/oCCZnN) ngày 06/4/2017, là một bài viết nên đọc cho những người quan tâm về vấn đề chính trị nói chung. Nhất là những người đã và đang cổ vũ cho một Việt Nam có một thể chế chính trị phù hợp, theo sát các giá trị văn minh chung của nhân loại.

Theo tác giả Fergal Keane, cách đây khoảng 22 năm, một ngày đầu tháng Bảy năm 1995, Fergal Keane lần đầu đã gặp bà Aung San Suu Kyi, ông cho biết khi đó Aung San Suu Kyi còn là tù nhân chính trị mới tự do được vài ngày. Vẫn theo Fergal Keane cho biết, bà Aung San Suu Kyi  cho biết trước đấy bà vẫn  theo dõi các bài của Fergal Keane trên BBC World Service và bà rất muốn biết làm thế nào đảng ANC tại Nam Phi kết thúc chế độ apartheid. Theo Fergal Keane khi đó, bà Aung San Suu Kyi có sự háo hức, khao khát kiến thức về mọi thứ.

Bà Aung San Suu Kyi, người từng được giải Nobel Hòa bình năm 1991, và là người đã bị chính quyền quân nhân Myanmar giam lỏng tại gia 15 năm vì nỗ lực tranh đấu cho một nước Miến Điện dân chủ. Đồng thời Aung San Suu Kyi còn là chân dung và biểu tượng dân chủ toàn cầu trong vấn đề chống độc tài. Sự đấu tranh trên tinh thần bất bạo động một cách bền bỉ, cộng với sự hỗ trợ nhằm tạo các áp lực của cộng đồng quốc tế, đã buộc chính quyền quân nhân Myanmar phải lùi bước. Để rồi, ngày 8 tháng 11 năm 2015, Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ - NLD của bà Aung San Suu Kyi đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử tự do, khi giành được 126 ghế trong quốc hội. Tuy nhiên, hiến pháp Myanmar do quân đội soạn thảo năm 2008 cấm bà Suu Kyi làm tổng thống, vì thế bà đã trở thành cố vấn quốc gia Miến Điện, một chức vụ như bà cho rằng "đứng trên cả Tổng thống".

Lúc đó, lời tuyên bố của bà Aung San Suu Kyi với báo giới khi tự cho mình cái quyền "đứng trên cả Tổng thống" như vừa nêu trên, được dư luân nói chung đánh giá là một sự chà đạp thô bạo lên các chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền. Khi đó đã có không ít người đã đặt dấu hỏi nghi ngờ về bà Aung San Suu Kyi giữa lời nói và việc làm của bà trong giới hạn các giá trị, chuẩn mực của dân chủ.

Điều đáng ngạc nhiên là, trước đó vào tháng 3 năm 2012, trong 1 bài phát biểu chính thức trên truyền hình nhà nước Myanmar, Aung San Suu Kyi đã từng công khai vận động cải cách Hiến pháp năm 2008, loại bỏ các luật hạn chế, bảo vệ đầy đủ hơn quyền dân chủ của người dân, và yêu cầu thành lập tư pháp độc lập. Khi nhấn mạnh về sự đấu tranh cho dân chủ và tự do, bà Aung San Suu Kyi đã từng khẳng định, "Không phải quyền lực mà là sự sợ hãi làm cho người ta thối nát. Sợ mất quyền thế làm cho những kẻ đương quyền trở nên đồi bại, và sợ bị những kẻ quyền thế trừng phạt làm cho những người bị trị sai lạc".

Bà Aung San Suu Kyi, biểu tượng và chân dung dân chủ toàn cầu trong vấn đề chống độc tài trước đây mà chúng ta biết là như thế. Còn bây giờ thì sao?

Vẫn theo ký giả Fergal Keane cũng trong bài viết đã nêu nhận xét tiếp về bà Aung San Suu Kyi rằng: "Người phụ nữ tôi gặp tuần này ở Nay Pyi Taw năm 2017 rõ ràng đã thay đổi. Nữ anh hùng của cộng đồng nhân quyền nay bị cô lập trước nhiều người từng ủng hộ bà ở nước ngoài. Bà lo ngại truyền thông, ghét bỏ những nhà chỉ trích quốc tế, nay bà giống một chính khách sắt đá hơn là thần tượng toàn cầu được mọi thủ đô tôn vinh khi bà được tự do bảy năm trước."

Thế đấy, chính trị sẽ luôn là như thế.

Chắc chắn chỉ cách đây chưa lâu chúng ta có thể hình dung ra bà Aung San Suu Kyi, một thần tượng của giới đấu tranh dân chủ toàn cầu có thể tha hóa một cách nhanh chóng như thế. Đây không chỉ là lỗi riêng của bà Aung San Suu Kyi, mà là lỗi chung của các chính trị gia. Họ luôn nói một đằng - để lừa dối dân chúng, và làm một nẻo theo ý và có lợi nhất cho họ, cũng như tổ chức họ.

Do vậy, mục tiêu cao cả nhất của công cuộc đấu tranh vì dân chủ có lẽ sẽ không phải là, thay chế độ độc tài hiện tại bằng một chế độ độc tài khác. Vì như học giả Lord Acton cho rằng “Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối”. Điều đó cho thấy, một chính quyền dân cử như Myanmar của bà Aung San Suu Kyi cũng dễ dàng tự tha hóa và có lẽ sự tha hóa đó sẽ không có điểm dừng, nếu như không có một thiết chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực tương thích đủ mạnh. Rồi ở Việt Nam sẽ cũng diễn ra như thế, không khác gì.

Trở lại vấn đề chính trị Việt Nam nói chung và phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam hiện nay cũng vậy. Chính quyền cộng sản hiện nay lạm quyền một cách vô đối. cũng vì ở Việt Nam không có một thiết chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực cần thiết. Hầu như việc giám sát để điều chỉnh quyền lực không vì lợi ích chung, mà nó xuất phát từ sự tố cáo lẫn nhau trong cuộc chiến tranh chấp quyền lực giữa các phe, qua các tờ báo mà mỗi phe nắm giữ. Chính vì thế, công việc giám sát quyền lực luôn bị bỏ trống. Tuy nhiên việc này đã không được những người đấu tranh dân chủ chú trọng đúng mức.

Nguyên nhân cơ bản là do, như đã nói nhiều lần đa phần những người hoạt động xã hội hay đấu tranh thì chủ yếu là các hoạt động mang tính chất chống đối, song họ lại nhầm tưởng đó là họ đã và đang đấu tranh vì một tương lai dân chủ cho đất nước. Đa số trong số họ vẫn chưa hiểu được thế nào là tổ chức đối lập. Nói đúng ra, chúng ta đang thiếu các chính khách chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản nhất về khoa học chính trị. Mà họ - những người đấu tranh và các tổ chức chính trị hành động theo ngẫu hứng và xa rời các tiêu chí chính trị cơ bản nhất. Ví dụ như hành động dùng tiền bạc tài chính để duy trì ngọn lửa đấu tranh thay vì việc truyền thụ lý tưởng, lòng yêu nước thương nòi và chắc chắn họ sẽ mãi mãi sẽ không bao giờ thành công.  Họ không biết rằng, thực trạng đấu tranh dân chủ ở Việt Nam hiện nay hết tiền sẽ lập tức hết lửa, việc các hội nhóm hay cá nhân suốt ngày đấu tố lẫn nhau như hiện nay cũng xuất phát từ sự cạnh tranh về tài chính.

Đó chính là lý do cho đến hôm nay, một hệ thống chính trị đối lập cần thiết phải có vẫn chưa được hình thành để thực thi cái trọng trách của nó, đó là giám sát các hoạt động của nhà nước và đưa ra các giải pháp buộc chính quyền phải tự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp vì lợi ích của đất nước.

Và hãy tỉnh táo để thực hiện mục tiêu này nữa, chứ đừng chỉ đơn thuần là chống đối. Đơn giản muốn tiến về phía trước cần phải đi ít nhất bằng hai chân.

Để giải quyết bài toán kiểm soát quyền lực nhà nước, Lord Acton cũng từng chỉ ra rằng "Sự phân chia, không phải tập trung, mới là nền tảng của một chính quyền tốt". Điều này có liên quan đến vấn đề tập quyền và phân quyền, một nội dung lớn và tương đối quan trọng, để khi nào có thời gian xin sẽ được viết tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét