Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/Getty Images
Xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức và xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai
đều là những vùng nông thôn thuần nông thuộc tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố
Hà Nội) và đều là những địa phương có truyền thống văn hóa lâu đời và lối sống ổn
định.
Từ khoảng chục năm trở lại đây, do những mâu thuẫn bất công
trong thực hiện dồn điền đổi thửa và nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, hai
nơi này đã trở thành những điểm nóng về khiếu tố kéo dài.
Sự việc người dân ở Đồng Tâm bắt nhốt cảnh sát cơ động liên
quan đến giải quyết khiếu kiện đất đai đang nhận được sự quan tâm chú ý của dư
luận. Để hiểu thêm về vụ này tôi xin cung cấp thông tin về vụ ở Xuân Dương mà
trực tiếp tôi tham gia để mọi người tham khảo.
Nhiều điểm giống nhau
Nguyên nhân chính dẫn đến khiếu tố kéo dài ở Xuân Dương là
việc người dân bị bất công trong phân chia ruộng. Những vi phạm trong quản lý sử
dụng đất đai mà huyện Thanh Oai đã có kết luận thanh tra chỉ ra một loạt sai phạm
giao cấp đất trái thẩm quyền của xã Xuân Dương.
Việc xử lý sai phạm sau thanh tra không rõ ràng cộng với
thái độ quan liêu hách dịch cửa quyền của tầng lớp cán bộ các cấp, sự yếu kém
năng lực và kém đạo đức công vụ khiến cho nguyện vọng chính đáng của người dân
không được đáp ứng.
Cũng đã xảy ra vụ án chống người thi hành công vụ mà ba người
dân bị xử tù do đã có hành vi xô đẩy níu kéo nhân viên công an xã và huyện. Nhiều
vụ người dân tập trung đông người đòi quyền lợi thì bị quy cho là gây rối trật
tự công cộng. Những vấn đề này y hệt với những gì xảy ra trong sự việc ở Đồng
Tâm.
Ý kiến người dân
Một yêu cầu của người dân là được giao đủ diện tích đất cho
mỗi hộ gia đình bằng với mức đất canh tác của họ trước khi dồn điền đổi thửa,
thay vì bị trừ đi mỗi sào 20,5 mét vuông để làm giao thông thủy lợi nội đồng.
Họ đưa ra ý kiến rằng trước dồn điền đổi thửa cánh đồng cũng
có bờ lớn bờ nhỏ, xe máy công nông vẫn đi được, nay dồn ô đổi thửa số ruộng ít
đi thì diện tích bờ cũ thừa đủ cho làm bờ mới, sao còn lấy đất ruộng của dân?
Theo số liệu do xã và huyện cung cấp thì diện tích đất ruộng bị lấy vào làm
giao thông thủy lợi dao động từ 85 nghìn đến 100 nghìn m2 tức là khoảng từ
8,5ha đến 10 ha, đây là con số không hề nhỏ.
Họ cũng cho rằng việc tranh thủ lấy bớt đất của dân khi dồn
điền đổi thửa là nhằm tạo lập quỹ đất công do chính quyền quản lý và hưởng lợi
với nhau ở đó. Nếu lấy đất ruộng làm giao thông nội đồng thì xin hỏi diện tích
đất bờ cũ, diện tích đất giao thông nội đồng cũ được đem đi đâu, dùng làm gì?
Đất không có chân nên không chạy đi đâu được, mà nó chỉ chuyển
mục đích sử dụng và chuyển chủ thể nắm quyền sử dụng. Lấy đất ruộng do người
dân sử dụng ra làm bờ là chuyển đất tư thành đất công, lấy ra không bồi thường
người dân không chịu.
Nếu nhà nước thu hồi vì bất cứ mục đích gì như an ninh quốc
phòng hay phát triển kinh tế xã hội cũng đều phải bồi thường. Tài sản gắn liền
với lợi ích của người dân, với truyền thống cần kiệm người dân hoàn toàn chính
đáng khi giữ gìn bảo vệ khối tài sản của mình. Thử hỏi tài sản của mình có ai lại
dễ để người khác lấy đi không?
Người dân cho rằng chính sách dồn điền đổi thửa là một chính
sách lớn, nhằm tạo lập một cơ cấu đồng đất thuận lợi để gia tăng hiệu quả canh
tác, người dân hoàn toàn ủng hộ. Vấn đề là cách làm ra sao?
Đây là chính sách lớn động chạm quyền lợi rộng khắp, cho nên
nhà nước hẳn thận trọng và cân nhắc trong việc thực thi sao cho đạt thành công
mà tránh những hệ quả phát sinh từ quá trình thực hiện. Do vậy hẳn nhà nước
không có ý tranh thủ lấy bớt đất của dân thông qua dồn điền đổi thửa.
Nếu nhà nước có ngầm ý lấy bớt đất của dân thông qua dồn điền
đổi thửa, hành vi này dù được đưa ra vì bất cứ mục đích lý do gì (như làm giao
thông nội đồng) cũng sẽ không lọt qua được tai mắt của ngàn vạn người dân,
chính sách này sẽ bị phản đối, sẽ thất bại giống như thất bại đã xảy ra tại xã
Xuân Dương, huyện Thanh Oai.
Người dân cho rằng nhà nước không vì ham lợi nhỏ mà làm hỏng
đi chính sách lớn, cho nên xác định rằng việc lấy bớt đất ruộng của người dân với
lý do làm giao thông nội đồng là toan tính lợi ích có tính địa phương của xã
Xuân Dương và huyện Thanh Oai chứ không phải là chủ trương của nhà nước trung
ương.
Họ cho rằng đây là toan tính thủ lợi thiển cận hẹp hòi của
chính quyền địa phương, việc làm đó không vì lợi ích chung của nhà nước, không
vì thành tựu chung của chính sách dồn điền đổi thửa. Xã Xuân Dương và huyện
Thanh Oai coi trọng tính toán quyền lợi của mình hơn là sự thành công chung của
chính sách quốc gia.
Ý kiến luật sư
Tôi được bà con cho biết họ đang canh tác trên phần diện
tích đất nông nghiệp mà địa phương dự định phân chia cho họ khi gắp thăm nhận
ruộng, nhưng vì còn đang khiếu tố cho nên mấy chục hộ dân cùng nhau canh tác tập
thể.
Trong điều kiện hiện tại thì đó cũng là một giải pháp tạm thời
chấp nhận được nhưng về lâu dài thì không đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các hộ
dân vì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng cho mỗi hộ gia
đình.
Nhiều hộ dân canh tác tập thể (hình minh họa)-Getty Images
Từ thực tế đó tôi đề nghị các cấp chính quyền cân nhắc tiếp
tục thực hiện hoàn tất việc phân chia ruộng cho các hộ nhưng giao đủ mà không lấy
bớt đất để làm giao thông thủy lợi nội đồng. Tính toán xem với diện tích quỹ đất
còn lại có thể giao đủ ruộng cho các hộ không, nếu không thì giữ nguyên hiện trạng
để bà con canh tác tập thể, tránh làm xấu hơn tình trạng hiện nay.
Đánh giá về người dân tôi thấy trước khi xảy ra việc dồn điền
đổi thửa họ đều là những người dân lao động chăm chỉ, vốn không có vi phạm pháp
luật. Với hơn 80 hộ dân và vài trăm nhân khẩu, đó là một số lượng công dân đông
đảo mà chính quyền có trách nhiệm chăm lo đảm bảo đời sống an sinh, nếu không sẽ
gây ra các vấn đề xã hội lớn cho địa phương.
Tôi cũng thấy các hộ dân đã cứng cỏi khi chịu đựng gian khó
đấu tranh khiếu nại kéo dài, họ là những người không dễ khuất phục bằng bạo lực.
Họ đòi hỏi lẽ phải và sự công bằng, ý kiến của họ xứng đáng được lắng nghe tiếp
thu.
Đánh giá về chính quyền thì tôi thấy, địa phương cũng có cái
sai như trong kết luận thanh tra đã nêu. Trong công vụ thì do hạn chế trình độ
năng lực cán bộ nên làm công tác dân vận không tốt, không thuyết phục được người
dân. Trong giải quyết công việc thì còn quan liêu cứng nhắc, không được khôn
khéo uyển chuyển, từ đó khiến cho chính quyền và người dân ngày càng xa nhau
không tìm được tiếng nói chung.
Tôi khuyến cáo rằng nên nhớ trong cộng đồng dân chúng với
hàng nghìn hàng vạn con người thì không phải ai cũng như ai, mà sẽ có những người
vượt trội hơn lên nhờ năng lực tri thức hiểu biết và sự quả cảm. Khi đó trước
những thay đổi do chính sách sẽ dẫn đến có những lối cư xử khác nhau, có người
cam chịu chấp nhận, có người kiên cường chống đối.
Đó là điều tất yếu về quần chúng mà những người làm chính
sách và thực thi công vụ cần tính lường đến để ứng xử cho phù hợp. Trong sự việc
của bà con ở thôn Trường Xuân, tuy người khiếu nại cho tới nay chỉ là thiểu số
ít ỏi nhưng với những gì họ đã cho thấy thì họ xứng đáng được một cách đối xử
khác.
Tôi khuyến nghị chính quyền các cấp nên cầu thị khiêm nhường,
cần nhìn ra những điểm còn thiếu khuyết của mình, để từ đó biết lắng nghe hơn,
lùi bước chấp nhận những yêu cầu chính đáng của người dân.
Tuy vậy, rốt cuộc bỏ qua sự thiệt chí chân thành, xã và huyện
vẫn tìm đủ mọi cách bất chấp để cô lập phân hóa buộc người dân phải tuân theo
chính sách của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét