Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế Palm Beach,
Florida, ngày 13/04/2017.
REUTERS/Yuri Gripas
Khi ra lệnh tấn công Syria để đáp trả vụ chính quyền Damas sử
dụng vũ khí hoá học nhắm vào người dân, tân chủ nhân Nhà Trắng đánh dấu sự khác
biệt với người tiền nhiệm Obama. “Liệu Donald Trump thật sự muốn chiến tranh?”
: Câu hỏi được tuần báo Le Point đặt ra trong số 2326 (13/04/2017), cùng với
bài phân tích một số điểm thay đổi bất ngờ của tổng thống Mỹ Donald Trump từ
khi ông nhậm chức.
Thông tin tấn công Syria được đích thân ông Donald Trump
thông báo cho vị khách mời đặc biệt Trung Quốc Tập Cận Bình, lúc đó đang thưởng
thức món tráng miệng “bánh sôcôla ngon nhất mà chị (phóng viên của Fox
Business) chưa từng thấy bao giờ”. 59 tên lửa hành trình được phóng từ hai tầu
khu trục nhắm vào Syria. Chủ tịch Tập Cận Bình bất động khoảng 10 giây, sau đó
yêu cầu người phiên dịch nhắc lại. Ông Tập hiểu đó là một ngụ ý cảnh báo : Mục
tiêu tiếp theo có thể là Bắc Triều Tiên.
Là người luôn phản đối mọi can thiệp vào Syria và dường như
dửng dưng với số phận của Bachar Al Assad, tổng thống Trump bỗng nhiên quay ngoắt
180 độ. Từ một người theo chủ nghĩa biệt lập, không muốn là “sen đầm” của cả thế
giới, ông trở thành người theo khuynh hướng can thiệp. Thường xuyên chỉ trích
NATO và các đồng minh châu Âu, ông lại trở nên ôn hòa hơn từ khi vào Nhà Trắng.
Danh sách các “đe dọa” của ông Trump còn dài, như hồ sơ hạt nhân Iran, chuyển
trụ sở sứ quán Mỹ tại Jerusalem, rời khỏi thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ
Alena… thế nhưng, ông vẫn chưa làm gì cả.
Theo nhận xét của Philip Gordon, cựu cố vấn trong chính quyền
Obama, “cách hành động của ông Trump cho thấy ý định công bố bất kỳ quan điểm
nào, miễn là phù hợp với thời điểm đó và phục vụ lợi ích chặt chẽ của ông trong
ngắn hạn, nên ông ấy không cảm thấy chút đắn đo khi đổi ý”.
Tuần báo Le Point cho rằng ông Donald Trump từng “phá” các
quy ước hay nghi thức ngoại giao. Ông không đọc báo cáo của quan chức ngoại
giao, nên liên tục mắc sai lầm với các đồng minh, như cúp ngang điện thoại với
thủ tướng Úc, không bắt tay thủ tướng Đức trước các nhà báo…
Trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, ứng cử viên
Trump hứa làm cuộc cách mạng đối với chính sách đối ngoại. Nhưng khi đặt chân
vào Phòng Bầu Dục, ông phải dàn xếp theo thực tế.
Ví dụ cụ thể là trong cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan
Thái Anh Văn vào tháng 12/2016, tổng thống tân cử lúc đó cho rằng phải xem lại
chính sách một nước Trung Hoa duy nhất. Ngay lập tức, ông Tập Cận Bình tức giận
và từ chối nói chuyện. Cuối cùng, Nhà Trắng phải ra thông cáo chấp nhận yêu cầu
của Bắc Kinh. Tương tự với Nga, chính quyền tổng thống Trump buộc phải giữ khoảng
cách với điện Kremlin vì những cáo buộc Matxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng
thống Mỹ. Cuộc tấn công Syria dội thêm gáo nước lạnh vào quan hệ Washington và
Matxcơva.
Dù sao, theo Le Point, chính sách đối ngoại của Donald Trump
dần phù hợp với quy ước hơn. Vị cố vấn dân tuý Stephen Bannon bị gạt khỏi Hội Đồng
An Ninh Quốc Gia. Tướng Micheal Flynn, người cực đoan nhất trong Hội Đồng An
Ninh Quốc Gia, bị thay thế bằng tướng Herbert McMaster, người gần với đường lối
truyền thống của đảng Cộng Hòa và ủng hộ duy trì các quan hệ đồng minh và tự do
mậu dịch…
Những thay đổi của tổng thống Mỹ khiến các nhà ngoại giao
châu Âu an tâm hơn. Ông Donald Trump từng ủng hộ Brexit, nghi ngờ Liên Hiệp
Châu Âu, nhưng dưới sự ảnh hưởng của cố vấn Bannon. Dường như sự nghi kị bớt dần
đi vì thủ tướng Đức Angela Merkel cũng như nhiều lãnh đạo châu Âu khác đã bỏ
khá nhiều thời gian để ca ngợi với tổng thống Mỹ những giá trị của Liên Hiệp
Châu Âu.
Tuy nhiên, cảm giác không chắc chắn vẫn còn đó. Tổng thống Mỹ
sẽ giải quyết loạt khủng hoảng sắp diễn ra như thế nào, mà bắt đầu từ Bình Nhưỡng?
Vẫn giữ bản chất khoa trương, ông nói với Financial Times : “Nếu Trung Quốc
không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, chúng ra sẽ làm”. Nhưng làm như thế
nào, thì ông lại không đưa ra bình luận.
Syria : Liệu Trump đã vượt quá giới hạn?
Khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” không còn tính thời sự. Khi tấn
công vào một sân bay tại Syria, tổng thống Mỹ đảm nhận vai trò một nhà chỉ huy
quân sự, song cũng đối mặt với nguy cơ leo thang không kiểm soát được. Tuần báo
Courrier international tổng hợp nhận định từ một số báo quốc tế xung quanh sự
kiện này.
Theo tờ The Atlantic (Washington), khi đưa ra những quyết định
tấn công Syria, ông Trump có lẽ cảm thấy phải hành động để bảo vệ hình ảnh cứng
rắn của mình. Còn Matxcơva nên nắm lấy cơ hội Mỹ quay lại Syria để thoát khỏi
ngõ cụt tại đây, theo nhận định của một chuyên gia Đông Phương học trên tờ
Vedomosti (Matxcơva).
Khi cộng đồng quốc tế không còn yêu cầu tổng thống Bachar Al
Assad ra đi, Damas cho tiến hành tấn công hoá học thường dân, vì cho rằng sẽ
không bị trừng phạt như đã từng làm năm 2013 vì đã có Nga bảo trợ. Song với tờ
L’Orient-Le Jour (Beyrouth), Bachar Al Assad đã tính lầm. Hoa Kỳ ngay lập tức đổi
thái độ, lại đặt việc tổng thống Syria ra đi là ưu tiên hàng đầu. Còn Donald
Trump thì không ngần ngại gọi Bachar Al Assad là “kẻ sát nhân”.
Trưng câu dân ý : Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thách thức Liên Hiệp
Châu Âu
Ngày 16/04/2017, tổng thống Recep Tayipp Erdogan muốn người
dân Thổ Nhĩ Kỳ trao gần trọn quyền lực cho ông thông qua cuộc trưng cầu dân ý.
Liệu người dân có chiều theo ý muốn của vị tổng thống muốn đặt đất nước dưới chế
độ chuyên chế không ? Câu hỏi được tuần san L’Express đưa trên trang nhất
(12-18/04/2017) cùng với hàng tựa lớn : “Erdogan đe dọa châu Âu” và 21 trang
phóng sự, phân tích.
Theo L’Express, tổng thống Erdogan biết rõ ông đang níu kéo
Liên Hiệp Châu Âu bằng một sợi dây “nhạy cảm” về vấn đề tiếp nhận di dân và ông
khai thác tình hình này. Sau vụ đảo chính hụt ngày 15/07/2016, ông Erdogan đã
tiến hành hàng loạt thanh trừng lớn nhỏ nhắm vào các phe đối lập bất chấp sự bất
bình phẫn nộ của châu Âu. Ông không ngần ngại tấn công Hà Lan, thủ tướng Đức
Angela Merkel và nhiều nhà lãnh đạo khác để tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ngày
16/04.
Theo nhận định của chuyên gia Dorothée Schmid thuộc Viện
Nghiên Cứu Quốc Tế Pháp, “Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu có nguy cơ tan vỡ”. Còn cử tri
Thổ Nhĩ Kỳ chia thành hai phe rõ rệt : một bên là phe đối lập, còn bên kia là
những người vô cùng trung thành với đảng Công lý và Phát triển (AKP) đang cầm
quyền và ủng hộ nhiệt thành “đứa con của đất nước”. Tổng thống Erdogan có một lợi
thế vô cùng lớn là ông vượt qua từng cấp bậc để đạt đến chức vụ cao nhất hiện
nay.
Đặc phái viên của L’Express đến Istanbul, thủ đô trí thức của
Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, phe đối lập và xã hội dân sự cố đấu tranh chống sức ép
chính trị của tổng thống Erdogan. Từ bắt bớ đến đe dọa, cuộc đấu tranh rõ ràng
là bất cân sức. Theo phóng viên tuần báo, hình thức tra tấn lại được dùng đến
sau 10 năm bị loại bỏ. Trước nguy cơ chính quyền chuyên chế, rất nhiều thành
viên cộng đồng Do Thái thiểu số ở Istanbul bắt đầu rời Thổ Nhĩ Kỳ để đến Bồ Đào
Nha nương thân.
“Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia tố giác” là nhận định của đặc
phái viên tuần báo L’Obs. Vài ngày trước cuộc trưng cầu dân ý, lực lượng dân
phòng khu phố ủng phố hộ tổng thống Erdogan gieo rắc tâm trạng sợ hãi đối với
những người đối lập : như thành lập những nhóm có vũ khí ủng hộ đảng AKP của tổng
thống, tấn công tòa báo đối lập Huriyet và các nhà báo, hay phổ biến nhất là
hình thức tố giác, đến nỗi cảnh sát Ankara phải yêu cầu người dân ngừng gọi điện
vì bị quá tải.
Tâm trạng hoang mang của người Hoa tại Pháp
Cảnh sát Pháp vẫn đang điều tra hoàn cảnh dẫn đến việc một cảnh
sát Pháp bắn chết một công dân Trung Quốc vào cuối tháng 03/2017. Trước tình trạng
bạo lực, cộng đồng người Hoa tỏ ra hoang mang và cảm thấy bị bỏ rơi.
Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất được tuần báo
L’Express nhắc đến chính là rào cản ngôn ngữ, khó khăn trong việc khiến người
khác hiểu họ, thường dẫn đến hiểu lầm và bị “bắt nạt”. Cái chết của ông Lưu Thiếu
Nghiêu (Shaoyao Liu) chỉ là “giọt nước làm tràn ly” , vì từ nhiều năm người Hoa
tại Paris có cảm giác trở thành nạn nhân các vụ tấn công, cướp tài sản…
Cộng đồng người Hoa và người Pháp gốc Hoa, vốn được biết là
kín tiếng, gần như vô hình, cuối cùng cũng xuống đường ngày 20/06/2010, xuất
phát từ khu Belleville, để thể hiện nỗi bất bình của họ. Đúng một năm sau, ngày
19/06/2011, họ lại xuống đường để đòi được “quyền an toàn”.
Vẫn về chủ đề này, nguyệt san Le Monde Diplomatique có bài
nhận định “Người Pháp gốc Hoa, sự khẳng định của một cộng đồng”, cụ thể là cuộc
biểu tình tại Paris để đòi quyền “tự do, bình đẳng, bác ái và an ninh” năm 2016
sau vụ một thợ may gốc Hoa, Trương Thiếu Lâm (Zhang Chaolin), bị đánh dẫn đến tử
vong chỉ để cướp tài sản và cuối tháng 03/2017 là loạt bạo động sau vụ một cảnh
sát bắn chết Lưu Thiếu Nghiêu tại nhà riêng.
Nhiều ý kiến nghi ngờ Bắc Kinh đứng sau ủng hộ loạt bạo động
ở quận 19, nhưng đối với bà Vương Tư Mộng (Wang Simeng), hành động này chỉ đơn
giản là do “cộng đồng Hoa kiều tại Pháp đã đến lúc trưởng thành”. Theo giải
thích của nhà báo của tờ Huarenjie xuất bản bằng tiếng Tầu tại Paris, những người
đại diện cho thế hệ thứ hai đã hơn 30 tuổi ; họ biết đến hai cuộc biểu tình năm
2010 và 2011 và họ muốn “được coi là người Pháp hoàn toàn”. Họ đã tận dụng sự
phát triển của mạng xã hội để trao đổi, đồng thời vẫn nhận được sự ủng hộ của
thế hệ trước.
Hiện có khoảng 600.000 người gốc Hoa đang sống tại Pháp, chủ
yếu ở vùng Paris-Ile de France. Họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau :
may mặc, thương mại (nhà hàng, tiệm tạp hoá, thuốc lá…) ; các ngành nghề tự do
(luật sư, kiến trúc sư) ; sinh viên… Tuy nhiên, bên cạnh mặt thành công xã hội
và văn hoá, vẫn còn rất nhiều người làm việc chui, không giấy tờ, mà tác giả
bài báo cho rằng khó mà nắm được con số cụ thể.
Trào lưu roller bốn bánh trở lại
Âm hưởng của thập niên 1980 mang lại trào lưu roller bốn
bánh, từng được coi là biểu tượng phong cách thoáng. Tuần san l’Obs điểm qua sự
trở lại ngoạn mục của loại giầy trượt roller bốn bánh tại Pháp.
Vừa kết hợp thể thao với thời trang, trượt roller còn là lúc
để gia đình có những khoảng khắc giải trí cùng nhau. Nhiều thương hiệu nổi tiếng
như Yves Saint Laurent, Tommy Hilfiger, Moschino và Undiz không ngần ngại đưa
roller vào các quảng cáo để tạo phong cách.
Roller còn được gọi là “quad”, có bốn bánh xếp thành hai
hàng, trở thành một phụ kiện thời trang mới, gợi lại kỷ niệm những năm 1980 với
hình ảnh cô gái phục vụ trong những trạm drive-in ở Mỹ, lướt qua những chiếc xe
hơi để bán hàng.
Được Plimpton, một người Mỹ, thiết kế năm 1863, giầy trượt bốn
bánh lúc đầu chỉ được tầng lớp quý tộc sử dụng. Tại Pháp, làn sóng nổi tiếng đầu
tiên của roller bắt đầu từ năm 1876 nhờ tầng lớp tư sản Paris hay đi trượt
băng. Sau đó, giầy trượt bốn bánh trở thành trào lưu theo từng thời kỳ trước
khi trở nên phổ biến.
Vào cuối những năm 1990, loại giầy trượt bốn bánh bị roller
bánh dọc soán ngôi. Phải chờ 20 năm sau, nhờ trò chơi roller derby nổi tiếng mà
giầy trượt bốn bánh trở lại thị trường. Nhưng cú hích thật sự cho roller bốn
bánh là seri truyền hình Soy Luna được phát trên kênh Disney Channel, xoay
quanh câu chuyện của một cô bé Mêhicô 16 tuổi rất đam mê môn nhảy roller. Bộ
phim gây hiệu ứng ngay lập tức với các bé từ 6 đến 12 tuổi.
Chỉ riêng tại Pháp đã có 70.000 đôi roller được bán từ tháng
09/2016. Nhiều bậc phụ huynh tầm 30-40 tuổi, khi đưa con đi mua giầy trượt bốn
bánh, cuối cùng cũng chọn thêm cho mình một đôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét