Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

‘Ở tù 3 năm chớ bấy nhiêu’: Bộ Ngoại giao VN coi dân là gì vậy?



   Bà Trần Thị Lụa cùng 3 con. Courtesy of gofundme



Mới đây, từ vụ việc những người dân nghèo Việt phải vượt biên ra nước ngoài đã khiến phát lộ một bằng chứng không chỉ vô trách nhiệm mà còn đặc biệt nhẫn tâm của giới ngoại giao Việt Nam.

Từ trước đến nay, ngành công an Việt Nam vẫn mặc nhiên bị xem là thủ phạm số 1 trong các vụ đàn áp người hoạt động nhân quyền, đánh đập và áp chế người dân, bắt bớ tù đày và gây ra rất nhiều vụ “tự chết” trong đồn công an…
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt nam lại được tiếng như một khuôn mặt “sạch sẽ”, chuyên trách comple cà vạt để đàm phán nhân quyền với Mỹ và châu Âu tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc mà không dính dáng gì đến những hành vi đàn áp nhân quyền.



Nhưng mới đây, từ vụ việc những người dân nghèo Việt phải vượt biên ra nước ngoài đã khiến phát lộ một bằng chứng không chỉ vô trách nhiệm mà còn đặc biệt nhẫn tâm của giới ngoại giao Việt Nam.




‘Ở tù 3 năm chớ bấy nhiêu’



Theo thông tin của đài RFA, từ ngày mùng 2 Tết Âm lịch Đinh Dậu, 3 gia đình ở Bình Thuận gồm 18 người đã quyết định vượt biên lần thứ hai và hiện đang ở Trung tâm Giam giữ Nhập cư tại Indonesia. Trong đó có một số người dân đang chịu án tù vì vượt biên sang Úc hồi năm 2015 lại quyết định lên tàu một lần nữa cùng 15 người khác, trong đó có 12 trẻ em với quyết tâm thà chết trên biển chứ không hồi hương. Đây cũng là những người dân chịu hoàn cảnh đói khổ tận cùng và bị chính quyền Việt Nam đàn áp nặng nề. Nhóm 18 người khẩn thiết xin Chính phủ Indonesia đừng trả về Việt Nam. Sau vài ngày ăn ở tại khách sạn, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đến đưa nhóm 18 người về một căn nhà thuộc Bộ Di trú của Indonesia và Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) lo chi phí ăn ở cho họ. Ở đây được vài ngày, hai trong 18 người này là ông Nguyễn Long cùng người cháu trai tên Trần Ngọc Tuấn được chở lên Bộ Di trú. Một người vượt biên là bà Lụa đã kể lại cuộc trao đổi diễn ra tại đây:



“Họ đưa một người Việt Nam, nói rằng ‘Tôi là người thông dịch Việt Nam’. Anh đó nói với Nguyễn Long là chồng em như vầy ‘Nếu các anh ở đây có khó khăn gì thì các anh đi về lại Việt Nam, mua chiếc thuyền khác đi tiếp’. Chồng em, Nguyễn Long mới nói ‘Đi về Việt Nam để ở tù à?” Anh ta nói lại ‘Ở tù 3 năm chớ bấy nhiêu’. Sau đó anh Long nói rằng ‘Vậy anh đi về ở tù giùm tôi. Cộng sản đưa vào tù đánh đập như thế nào mà ông biểu tôi đi về Việt Nam? Dù có chết thì tôi cũng chết tại đây, chứ tôi không về Việt Nam’. Sau đó ông không nói gì nữa và Bộ Di trú chở quay về lại nhà nghỉ”.



Hai tuần sau đó, một người Việt Nam khác, giới thiệu tên Trần Văn Tăng là người thông dịch tiếng Việt được cảnh sát Indonesia thuê và khẳng định sẽ dịch đúng sự thật lời của cảnh sát cũng như của nhóm 18 người Việt này:



“Anh Tăng nói ‘cách đây 2 tuần lễ, các anh chị có gặp Đại sứ quán Việt Nam tại Bộ Di trú phải không?’ Em nói ‘Không, chúng tôi không gặp Đại sứ quán Việt Nam nhưng chúng tôi có gặp một ông thông dịch’. Anh Tăng có nói là ‘Không phải đâu, anh đó là Đại sứ quán Việt Nam đi xuống khuyên nhóm chị nên trở về Việt Nam; nhưng các chị dứt khoát không chịu về. Bây giờ tôi cũng đến đây nói với mấy chị rằng nếu có khó khăn gì thì mấy chị trở về Việt Nam đi’. Em trả lời anh Tăng rằng ‘Anh nghĩ làm sao mà nói ra những lời nói đó như vậy?’”.



Đến đây, chúng ta hãy quay lại với chuyến “hồi hương” bắt buộc năm 2015 mà những người tị nạn trên bị ép buộc, về những gì xảy ra với họ khi vừa đáp chuyến bay từ Úc trở về theo thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Australia rằng sẽ không trừng phạt những người vượt biên cũng như sẽ tạo công ăn việc làm cho họ.



Vừa bị đưa trở về Việt Nam, bà Lụa đã bị tống thẳng vào nhà giam ngay, nhốt 26 ngày, đánh đập lấy lời khai và sau đó được yêu cầu ký vào văn bản để được chở về nhà gặp chồng con. Bà Lụa nhắc lại: “Tôi xin văn bản mà khi chị bên Xuất nhập cảnh đứng trên máy bay nói ‘Chính phủ Việt Nam đã hứa rồi thì không bao giờ thất lời hứa’, mà bây giờ bắt tôi ở tù như vậy, oan cho tôi nên tôi không ký’. Khi đó 4 công an vô lôi em đi từ ở nhà em ra đường 200 mét rồi quăng em lên xe chở tù nhân, chở đi luôn. Sau đó, đánh đập em hộc máu rồi em bị ngất xỉu và em được chở đến bệnh viện’. Em mới nói (với anh Tăng) ‘Tôi ở tù rồi mới biết bị đánh đập như thế nào’”.



Không những vậy, thời gian bà Lụa được ở nhà để điều trị bệnh, bà còn chịu cảnh bị bêu danh tại địa phương qua các phương tiện truyền thông:



“Bôi xấu, bôi nhọ em trên đài. Sáng thì 5 đến 7 giờ sáng. Buổi trưa từ 11 đến 12 giờ trưa. Còn buổi chiều từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối. Nhà trường nào nhận các đứa bé (vượt biên theo gia đình) đều nhận thông tin bôi nhọ hết. Thông tin đó cũng đưa đến trước cửa nhà thông báo là vượt biên trái phép, bao nhiêu năm tù. Sau đó là ra tòa.”



Tại tòa, bà Lụa lên tiếng phản bác tội bị cáo buộc, nói rằng Chính phủ Việt Nam không giữ lời hứa tạo công ăn việc làm và cho con cái học hành. Nhưng ông Bùi Thanh Trúc làm bên thanh tra, nói ‘Cho mấy bà chết luôn chớ làm gì mà làm. Con bà đi học thì làm được gì. Không học được gì hết. Đừng nên đi học nữa’. Ông nói ‘Bà nói chừng nào thì cho bà chết chừng đấy. Rồi lôi em đi luôn.”



Bà Lụa cũng nhận tin từ gia đình cho hay công an địa phương và cấp tỉnh đến nhà ba mẹ chồng đọc thông báo và bắt ký vào biên bản:



“Người nhà em nói như vầy ‘Họ sẽ mời tất cả khu phố, tuyên truyền cho dân làng và mọi người biết chị Trần Thị Lụa là có án tù 30 tháng và chị Trần Thị Thanh Loan 36 tháng tù. Khi nào đất nước nào trả về lại Việt Nam thì sẽ tăng án lên, chị Trần Thị Lụa lên từ 15 đến 20 năm tù, còn chị Thanh Loan cũng từ 15 đến 20 năm tù. Chị Nguyễn Thị Phúc phạm tội lần thứ hai, tuy rằng án treo nhưng án của chị Phúc từ 10 đến 15 năm tù. Anh Nguyễn Long, chồng của chị Lụa mới đi lần đầu tiên làm tài công thì phải 15 năm tù. Nguyễn Tài và Nguyễn Thị Kim Nhung đều 10 đến 15 năm tù. Những trẻ em từ 17 tuổi trở xuống, trừ các em nhỏ 5-6 tuổi, còn lại tống vào tù hết’.


Với những dòng trần thuật đẫm nước mắt đau khổ của những người tị nạn trên, hẳn bạn đọc đã hình dung ra số phận của họ sẽ ra sao với lời an ủi “ở tù ba năm chứ bấy nhiêu” của đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét