Dạ cổ hoài lang - bản tình ca nổi
tiếng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) sẽ có thể bị cấm vĩnh viễn trên toàn
quốc và bất kỳ ai muốn hát lại, phổ biến tuyệt phẩm này sẽ phải thực hiện một
điều không tưởng: tìm cho được bản gốc của tác phẩm, với chữ ký của người quá cố.
Mà, không chỉ Dạ cổ hoài lang,
nhiều tác phẩm khác cũng có thể sẽ bị cấm vĩnh viễn trên toàn quốc cho đến khi tìm được bản gốc.
Tất nhiên, điều khủng khiếp trên
chưa xảy ra và có lẽ cũng sẽ không xảy ra. Nhưng, với những gì Cục trưởng Cục
Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) Nguyễn Đăng Chương trả lời truyền thông về việc cấm
vĩnh viễn trên toàn quốc năm ca khúc sáng tác trước 1975 thì đó chính là một khả
thể.
Theo ông Chương, các ca khúc Cánh
thiệp đầu xuân, Chuyện buồn ngày xuân, Con đường xưa em đi, Đừng gọi anh bằng
chú, Rừng xưa bị cấm do vi phạm bản quyền - bị sửa lời so với tác phẩm gốc. Những
ca khúc “sai lời so với bản gốc thì phải cấm lưu hành vĩnh viễn” - ông Chương
nói.
Chính từ đây, câu hỏi đã được đặt
ra: làm thế nào xác định được một tác phẩm là “bản gốc” và liệu Cục NTBD có xác
định được bản gốc của năm tác phẩm nêu trên không khi tuyên bố nó sai để cấm?
Lịch sử âm nhạc Việt Nam có một
giai đoạn mà những bản nhạc bướm, các tập sách nhạc rất thịnh hành. Nhưng ngay
cả trong trường hợp đó thì chúng vẫn không thể được Cục NTBD xem là bản gốc do
không có chữ ký của tác giả.
Thậm chí ngày nay, khi các tác phẩm
hầu hết được soạn trên phần mềm, lưu trữ trên máy tính thì việc có chữ ký lại
càng là yêu cầu kỳ quặc nếu không muốn nói là kiểu làm khó của cơ quan chức
năng.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết,
từ lâu anh đã không còn viết tay các tác phẩm của mình mà đều soạn trên máy
tính. Anh cũng không ký tên lên tác phẩm trừ trường hợp ca sĩ xin được sử dụng
và yêu cầu anh ký tên.
Đất nước đã trải qua nhiều năm
tháng chiến tranh, những bản nhạc viết tay - nguyên bản liệu còn được mấy nhạc
sĩ lưu giữ? Giờ đây, khi nhiều vị trong số họ đã qua đời thì chuyện yêu cầu họ
xác định bản nào trong số các dị bản là bản gốc như khi họ viết ra là điều hoàn
toàn bất khả.
Như trường hợp Dạ cổ hoài lang -
mãi đến nay thời điểm sáng tác của nó (sáng tác năm 1917, 1918 hay 1919) vẫn
còn gây tranh cãi. Trong số những bản Dạ cổ hoài lang đang lưu hành trên thị
trường, đang được các nghệ sĩ biểu diễn, rất nhiều dị bản đã được hát lên.
“Bảo kiếm sắc phán lên đàng” hay
“Báu kiếm”, “Báo kiếm”, “sắc phong”? “Luống trông tin nhạn” hay “tin bạn”, “tin
chàng”? “Đường dầu xa, ong bướm” hay như cố nhạc sĩ Trần Văn Khê chỉnh lý là “dầu
say ong bướm”? “Gan vàng lợt phai” hay “lạt phai”, “nhạt phai”?
So với bản Dạ cổ hoài lang được
xem là chuẩn tại khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở
Bạc Liêu, do UBND tỉnh Bạc Liêu công bố ngày 17/9/2010 theo quyết định số
2257/QĐ-UBND thì các dị bản trên đều vi phạm bản quyền và đương nhiên Dạ cổ
hoài lang phải bị dừng lưu hành vĩnh viễn trên toàn quốc.
Mà, kể cả bản “chuẩn” của UBND Bạc
Liêu có chắc là đúng so với những gì ông Sáu Lầu từng viết ra không khi ngày
nay ông đã qua đời, không thể trả lời là sai hay đúng?
Giữa lúc dư luận đang hoang mang
với quyết định của Cục NTBD, bà Kha Thị Đàng - phu nhân của cố nhạc sĩ Châu Kỳ
bất ngờ cho biết, cái mà Cục NTBD cho là dị bản, là sai so với bản gốc lại
chính là cái do đích thân nhạc sĩ Châu Kỳ sửa.
Theo đó, vì là một ca khúc sáng
tác trước 1975, trong thời điểm chiến tranh chia cắt nên một số chỗ trong tác
phẩm không còn phù hợp với thời bình. “Chiến trường anh bước đi” và “Nơi đây
phiên gác canh dài” đã được đích thân nhạc sĩ Châu Kỳ sửa thành “Lối mòn anh bước
đi” và “thao thức canh dài”.
Với tiết lộ này thì "chiến
trường" hay "phiên gác", "lối mòn" hay "thao thức"
cũng đều là bản gốc và đều không vi phạm bản quyền. Điều quan trọng nhất, như
bà Đàng cho biết, từ khi bản Con đường xưa em đi được Cục NTBD cấp phép lưu
hành rồi tạm dừng rồi cấm vĩnh viễn thì chưa có bất kỳ ai ở cơ quan quản lý văn
hóa tiếp xúc hay trao đổi với bà về tác phẩm này để xác minh tính chính xác của
bản gốc.
Cấm hay không cấm một tác phẩm là
thẩm quyền của cơ quan quản lý văn hóa. Nhưng cấm hay không cấm cũng cần một lý
do thỏa đáng, thuyết phục được khán giả lẫn người làm nghề, bởi nếu không thì sẽ
tạo ra một tiền lệ bất công vô cùng lớn đối với các tác phẩm khi chỉ có năm bài
hát bị cấm trong khi hàng ngàn bài khác thì không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét