Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Ngày 07/04/1963: Tito được bầu làm Tổng thống suốt đời






Nguồn: Tito is made president for life, History.com



Vào ngày này năm 1963, một hiến pháp mới của Nam Tư đã tuyên bố Tito là Tổng thống suốt đời của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Nam Tư mới được thành lập.

Trước đây từng được biết đến với cái tên Josip Broz, Tito sinh ra trong một gia đình nông dân đông con ở Croatia vào năm 1892. Lúc đó, Croatia vẫn là một phần của đế quốc Áo – Hung. Năm 1913, Broz gia nhập quân đội đế quốc. Sau khi Thế chiến I nổ ra, ông chiến đấu chống lại Serbia, và năm 1915 thì được gửi tới mặt trận Nga, nơi ông bị bắt. Trong trại tù, ông chuyển sang đi theo phe Bolshevik, sang năm 1917 thì tham gia Cách mạng Tháng Mười. Ông còn là thành viên của Hồng Quân trong suốt Nội chiến Nga. Năm 1920, ông trở về Croatia, khi đó đã được sáp nhập vào Vương quốc Nam Tư đa sắc tộc nhưng do người Serb thống trị.

Broz gia nhập Đảng Cộng sản Nam Tư (CPY) và đã hoạt động hiệu quả trước khi bị bắt giữ vì tội kích động chính trị vào năm 1928. Ra tù năm 1934, ông nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ CPY và lấy tên mới là Tito, vốn là bút danh ông từng dùng trong các hoạt động ngầm của Đảng. Ông đã tới Liên Xô để hợp tác với Comintern – Tổ chức Quốc tế Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo – và trong những năm 1937 – 1938, ông đã sống sót sau cuộc thanh trừng CPY của lãnh tụ Liên Xô, Joseph Stalin. Năm 1939, Tito trở thành Tổng Bí thư của CPY.

Năm 1941, lực lượng của phe Trục chiếm được Nam Tư, Tito và đảng cộng sản của mình nổi lên như những người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại phát xít. Năm 1944, quân đội Liên Xô giải phóng Nam Tư, và tháng 03/1945, Nguyên soái Tito được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ liên bang Nam Tư mới. Những người không theo cộng sản đã bị thanh trừng khỏi chính phủ.

Tháng 11/1945, Tito được bầu làm Thủ tướng Nam Tư trong một cuộc bầu cử giới hạn chỉ có ứng viên thuộc Mặt trận Giải phóng Dân tộc Cộng sản. Trong cùng tháng đó, Cộng hòa Liên bang Nhân dân Nam Tư (Federal People’s Republic of Yugoslavia) bao gồm các nước cộng hòa Balkan như Serbia, Croatia, Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Slovenia, và Macedonia, đã được tuyên bố thành lập theo một hiến pháp mới.

Dù các nước cộng hòa Nam Tư đã được trao quyền tự trị đối với một số vấn đề nhất định, Tito vẫn nắm giữ quyền lực tối cao và đã cai trị một cách độc tài, đàn áp những người chống đối mình. Ông sớm nảy sinh mâu thuẫn với Moskva, vốn không ủng hộ phong cách độc lập của ông, đặc biệt là trong các vấn đề đối ngoại. Đầu năm 1948, Joseph Stalin đã cố gắng thanh trừng lãnh đạo Nam Tư, nhưng Tito vẫn duy trì quyền lực, và cuối năm 1948, CPY đã bị trục xuất khỏi Cominform, Liên minh các đảng cộng sản Đông Âu.

Bị tách khỏi Liên Xô và các nước vệ tinh khác, Nam Tư đã quay sang phương Tây, vốn đang đề nghị viện trợ và hỗ trợ quân sự, gồm cả một liên kết không chính thức với NATO. Sau cái chết của Stalin vào năm 1953, quan hệ giữa Nam Tư và Liên Xô dần được cải thiện, nhưng Tito đã chỉ trích cuộc xâm lược của Liên Xô vào Hungary và Tiệp Khắc, và cố gắng phát triển các chính sách chung với những nước không liên kết với Mỹ hoặc Liên Xô, như Ai Cập và Ấn Độ.

Năm 1953, Tito được bầu làm Tổng thống Nam Tư và đã tái đắc cử nhiều lần cho đến năm 1963, khi nhiệm kỳ của ông trở thành không giới hạn. Dù Tito đã sử dụng lực lượng cảnh sát mật để thanh trừng các đối thủ chính trị, nhưng dân thường Nam Tư vẫn được hưởng nhiều tự do hơn người dân ở bất cứ nước cộng sản nào khác tại Đông Âu. Tito qua đời vào tháng 05/1980, chỉ vài ngày trước sinh nhật lần thứ 88 của mình.

Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản vào năm 1989, căng thẳng sắc tộc nổi lên, và năm 1991, Liên bang Nam Tư đã tan vỡ, chỉ còn Serbia và Montenegro hợp thành một nước gọi là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Nam Tư. Năm 1992, nội chiến bùng nổ trước nỗ lực của Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic nhằm giữ các khu vực người Serbia tại các nước cộng hòa khác nằm dưới sự cai trị của Nam Tư.

Tháng 03/1999, NATO bắt đầu cuộc không kích chống lại chế độ Milosevic nhằm chấm dứt nạn diệt chủng ở Kosovo và thực thi quyền tự trị của khu vực này. Tháng 10/2000, Milosevic bị lật đổ trong một cuộc cách mạng nhân dân. Sau đó, ông bị bắt và bị kết án vì tội ác chống lại loài người và diệt chủng. Milosevic qua đời vào ngày 11/03/2006, trong một nhà tù ở La Haye, trước khi phiên tòa xét xử ông kết thúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét