Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Thượng đỉnh Mỹ-Trung: Ông Trump sẽ ‘xử’ Bắc Hàn?

Nguyễn Văn Khanh




Tổng Thống Donald Trump (trái) và Chủ Tịch Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago, Florida. (Hình: AP Photo/Alex Brandon)




Thượng đỉnh Mỹ-Trung: Ông Trump sẽ 'xử' Bắc Hàn?“Bắc Hàn và thương mại” là hai đề tài lớn nhất sẽ được Tổng Thống Donald Trump nói tới khi ngồi xuống bàn thảo với Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình.



Người tiết lộ điều này chính là nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, khi nói chuyện với các nhà báo tháp tùng ông trên chuyến bay từ Washington D.C. về khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, địa điểm tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Trung. 
Trong cuộc tiếp xúc kéo dài đúng 4 phút trên chiếc Air Force One, Tổng Thống Trump tin tưởng “tôi nghĩ Trung Quốc sẽ có phản ứng mạnh hơn đối với Bình Nhưỡng,” nhưng như tất cả những nhà lãnh đạo khác, ông bảo mọi người “chờ xem” những gì ông sẽ đạt được trong cuộc đàm phán đầu tiên với nhân vật đang nắm vai trò lãnh đạo đảng, nhà nước và quân đội Trung Quốc.



Trong những tuần lễ dẫn về Thượng Ðỉnh, hầu như ngày nào chuyện Bắc Hàn và vai trò của Trung Quốc cũng được Tổng Thống Trump và các giới chức cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ nói tới. Giữa Tháng Ba vừa rồi trước khi đến thăm Bắc Kinh, Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson cho hay “chính sách mềm mỏng” mà Washington áp dụng với Bình Nhưỡng trong 20 năm qua “không có hiệu quả,” cảnh báo thêm Hoa Kỳ không thể tiếp tục ngồi yên hay chần chừ được nữa, “tất cả mọi biện pháp đều được bàn tới, kể cả biện pháp quân sự.”



Nếu đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chính phủ Trump sẽ có chính sách cứng rắn hơn đối với Bắc Hàn, dấu hiệu này được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong những cuộc tiếp xúc chính thức cũng như bán chính thức sau đó. Về mặt chính thức, Thứ Hai đầu tuần này khi trả lời phỏng vấn, Tổng Thống Trump một mặt cho hay mong muốn Trung Quốc đùng thế lực chính trị của họ để thúc đẩy Bình Nhưỡng đến chỗ phải ngưng mọi hoạt động nhằm chế tạo võ khí nguyên tử, nhưng mặt khác, ông muốn cho thế giới biết rằng “nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Hàn, chúng tôi sẽ làm,” nhấn mạnh Washington “đủ sức để làm điều đó,” ngầm bảo khả năng quân sự của Hoa Kỳ vượt trội khả năng của Bình Nhưỡng.



Hai ngày sau đó, ngay sau khi Bắc Hàn bắn thử hỏa tiễn xuyên lục địa vào vùng biển Nhật Bản, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho phổ biến bản tuyên bố bày tỏ sự bực bội “Hoa Kỳ đã nói quá nhiều về Bắc Hàn rồi, chúng tôi không muốn bình luận gì thêm nữa.” Một viên chức cao cấp Tòa Bạch Ốc cũng lắc đầu bảo “chẳng còn gì để nói thêm về Bắc Hàn,” nhấn mạnh “tất cả mọi biện pháp ứng phó với Bình Nhưỡng đều được đặt trên bàn của tổng thống, chúng tôi đang chờ quyết định của vị tổng tư lệnh quân đội.”



Ðiều đó có thể hiểu là quân đội Hoa Kỳ đã sẵn sàng, chỉ còn chờ Tổng Thống Trump ra lệnh “xử” Bắc Hàn. Câu hỏi được đặt ra: liệu có thể làm được hay không?



“Làm thì có thể làm được, nhưng chẳng dễ,” theo ông Mark Schiffer, cựu nhân viên ngoại giao từng làm việc Bắc Hàn. Ông Schiffer giải thích Hoa Kỳ không thể tự mình quyết định mọi hành động đối với Bình Nhưỡng, bắt buộc phải được sự thỏa thuận của Nhật Bản và Nam Hàn, “tìm thỏa thuận của Tokyo chẳng dễ, vận động để được sự ủng hộ của Seoul là điều khó khăn hơn.” Hai lý do ông nêu ra “thứ nhất, người dân miền Nam không ưa thái độ của chính quyền miền Bắc, chẳng ai ưa lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, nhưng họ cũng không muốn thấy chiến tranh xảy ra, nhất là cuộc chiến đó lại do một nước khác khởi xướng.”



Bằng chứng được ông Schiffer đưa ra: “Bất kỳ mọi hoạt động quân sự nào có sự tham gia của Hoa Kỳ đều được sự ủng hộ của phía chính quyền, nhưng luôn luôn gặp sự phản đối từ phía dân chúng, do đó, đừng vội nghĩ rằng Tổng Thống Trump có thể tấn công quân sự Bắc Hàn,” nhắc lại nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra khắp nơi ở miền Nam “sau khi chính phủ Seoul đồng ý để Hoa Kỳ đặt hệ thống phòng thủ THAAD, nhằm bảo vệ Nam Hàn chống lại một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn mà miền Bắc có thể gây nên bất kỳ lúc nào,” chưa kể đến chuyện nếu Bắc Hàn phản công, “Nhật Bản và Nam Hàn là 2 nước sẽ bị thiệt thòi, chưa thể biết mức thiệt hại lớn nhỏ như thế nào.”



Ông Joel Wit, một chuyên gia khác về Bắc Hàn, lại nghĩ rằng nếu muốn “xử “ Bình Nhưỡng, “Tổng Thống Trump phải làm ngay trong tháng này.” Tại sao vậy? “Tháng tới, cử tri Nam Hàn đi bầu chọn tân tổng thống, được dự đoán sẽ đắc cử là ông Moon Jae-in, người chủ trương chính sách ngoại giao ôn hòa với Bắc Hàn.” Với đường hướng đó, chuyện tân tổng thống Nam Hàn gật đầu để Hoa Kỳ sử dụng biện pháp quân sự với Bình Nhưỡng là điều gần như chắc chắn sẽ không xảy ra.



Với một số chính trị gia và chuyên gia đang làm việc tại Washington D.C., Tổng Thống Trump tỏ ý muốn có phản ứng mạnh đối với Bình Nhưỡng, nhưng e rằng chính ông Trump cũng hiểu cần phải thực hiện một số biện pháp khác trước khi tính đến giải pháp quân sự.



Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Marco Rubio là một trong những người chủ trương đánh mạnh vào hệ thống tài chánh của Bắc Hàn, “áp dụng biện pháp thật nghiêm nhặt với những công ty, ngân hàng của Trung Quốc đang tiếp tay với chính quyền Bình Nhưỡng.” Theo tin phát xuất từ hành pháp, ý kiến này “được chính phủ Obama thực hiện nhưng không mạnh ở mức như mong đợi,” vì thế ngay lúc này, Tổng Thống Trump “có thể quyết định thi hành một cách cứng rắn hơn, làm tê liệt nguồn cung cấp tài chánh cho Bắc Hàn.” Người cung cấp tin này nói thêm “Tổng Thống Trump có thể nói thẳng điều này với Chủ Tịch Tập Cận Bình mà không sợ phản đối, vì chính Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thông qua những nghị quyết cho phép mọi quốc gia được quyền áp dụng biện pháp chế tài đối với Bình Nhưỡng.”



Gần đây, Bắc Kinh có đề nghị Hoa Kỳ và Nam Hàn ngưng những cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp, đánh đổi lấy việc Bắc Hàn đình chỉ kế hoạch chế tạo võ khí nguyên tử. Trong một bài viết phổ biến mới vài tuần trước đây, Cựu Thiếu Tướng Chun In-bum của Lục Quân Nam Hàn nói rằng điều này “chắc chắn sẽ được Chủ Tịch Tập Cận Bình nói với Tổng Thống Trump,” bảo thêm “ông Trump nên nói với ông Tập rằng đề nghị của Bắc Kinh sẽ được chấp thuận với điều kiện trước hết, Bình Nhưỡng phải chứng tỏ thiện chí của họ bằng hành động, kế đến là phải cho đoàn thanh tra quốc tế vào kiểm soát các cơ sở nguyên tử của họ.”



Với đề nghị đó, Tướng Chun In-bum viết tiếp, “ông Trump cho nhà lãnh đạo Trung Quốc và thế giới biết Hoa Kỳ luôn luôn cho Bắc Hàn cơ hội để nói chuyện hòa bình, và sau này chẳng ai có thể trách cứ ông khi ông sử dụng giải pháp quân sự với Bình Nhưỡng, khi Bình Nhưỡng không làm đúng những điều đã hứa.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét