Chúng ta được dạy và tin rằng từ săn bắn hái lượm đến nông nghiệp là bước tiến của văn minh nhân loại. Định cư và canh tác nông nghiệp là tiêu chí của sự tiến hóa lịch sử. Nhà nước là biểu hiện của xã hội văn minh. Những điều này sẽ bị thách thức nếu chúng ta nhìn sự tiến hóa của nhân loại từ một góc nhìn khác. Theo hướng này thì không chỉ có việc chúng ta thuần hóa cây trồng, vật nuôi, mà chính những cây con này đã “thuần hóa” con người, buộc con người phải lệ thuộc và phục vụ chúng. Theo hướng này, con người đã phải “trả giá” cho lựa chọn nông nghiệp, định cư và nhà nước thay vì săn bắn hái lượm. Vậy cái giá đó là gì?
Nông nghiệp
Homo Sapiens (người tinh khôn) xuất hiện cách nay khoảng 200,000 năm. Những người này ra khỏi châu Phi cách nay 60,000-70,000 năm. Cư dân nông nghiệp xuất hiện cách nay khoảng 10,000 năm, xã hội nông nghiệp xuất hiện cách nay khoảng 6,500 năm, và nhà nước ra đời cách nay 5,000 năm. Theo đó, thời gian làm nông nghiệp chỉ chiếm 3% toàn bộ quỹ thời gian của Homo Sapiens. Vào thời điểm bắt đầu nghề nông cách đây 10,000 năm, thế giới có khoảng 4 triệu Homo Sapiens, tất cả đều là cư dân săn bắn hái lượm, với nguồn thức ăn chính là 60-80% thu hái từ thực vật tự nhiên, còn lại là từ săn bắn và thu lượm thủy hải sản.
Trước khi có nông nghiệp, con người có quỹ thức ăn đa dạng, động thực vật, hoa quả, nấm… Thực đơn này đã thay đổi nghiêm trọng khi nông nghiệp xuất hiện, và nhanh chóng trở nên nghèo nàn khi có bằng chứng thuần dưỡng lúa mì, đại mạch, kê, lúa gạo, khoai tây, ngô… chủ yếu tại Tây Á, tây nam Trung Hoa, trung Mỹ, và Ethiopia. Mất khoảng 4,000 năm để chuyển hóa từ những cư dân nông nghiệp đầu tiên này thành xã hội nông nghiệp.
Tất cả các cây trồng, vật nuôi mà chúng ta có ngày nay đều là sản phẩm thuần hóa của các cư dân trong thời kỳ đá mới, trong đó có khoảng 15-20 loài lương thực. Con người hiện đại đã không thuần hóa được thêm bất cứ loài nào. Càng ngày danh sách này thậm chí càng thu hẹp lại. Sau 10 nghìn năm, lúa gạo, lúa mì, và ngô cung cấp 60% lượng calories cho con người. Nói cách khác, nông nghiệp đã giúp con người tiến hóa bằng cách biến chúng ta thành “gà”.
Thế còn gà đã làm gì chúng ta? Gà đã “giăng bẫy” con người và làm cho con người lệ thuộc vào chúng để tồn tại. Con người nghĩ rằng mình thuần hóa gà? Điều này mới chỉ đúng có một nửa. Gà phục vụ cho cuộc sống con người với trứng, thịt… nhưng chúng ta cũng biến mình thành người “phục vụ” của gà. Con người giúp gà tạo ra điều kiện sống lí tưởng mà trong tự nhiên chúng “mơ” cũng không thể tưởng tượng ra: có người dành công sức làm chuồng cho ở, có người bảo vệ, có người chăm sóc, có người kiếm thức ăn, làm ổ, tiêm vaccine, chữa bệnh, bổ sung vitamin, và giúp ấp trứng hộ. Ai là người đang thuần hóa ai? Ai biến bên kia thành kẻ phục vụ mình?
Tất cả cây trồng vật nuôi đã tham gia vào quá trình “thuần hóa” con người này. Những giống loài mà con người tạo ra cần chế độ chăm sóc đặc biệt, nước tưới, bảo vệ trước côn trùng… Thực tế con người trở nên “lệ thuộc” vào các cây trồng, vật nuôi này. Chúng “nhử” con người để con người phục vụ chúng, làm nhà cho chúng ở, làm cỏ, đắp đê, đào kênh mương… Lúa mì chẳng hạn, đã “dẫn dụ” con người bằng cách tạo ra một vài đặc điểm mà con người thích (hạt to, …) vì thế, mà con người hăng hái mang chúng đi khắp nơi, chặt phá rừng núi và các loài cây khác để cho chúng phát triển. Ngày nay, chúng bao phủ 870,000 dặm vuông diện tích Trái đất (tức 10 lần diện tích nước Anh). Trong lịch sử tự nhiên, chắc chắn không có loài nào cây nào thành công như lúa mì, ngô, lúa nước, khoai tây… cùng với chúng là số lượng hiện tại của một tỉ con cừu, một tỉ con lợn, hơn một tỉ động vật có sừng và 25 tỉ con gà.
Không phủ nhận canh tác nông nghiệp làm gia tăng lượng lương thực thu được, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chất lượng dinh dưỡng tốt hơn hay nó làm cho cuộc sống của con người thoải mái hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thời gian “đi làm” của cư dân săn bắn, hái lượm chỉ bằng một nửa so với cư dân nông nghiệp, và họ dành số thời gian còn lại “cho bản thân mình” chứ không phải cho các vật nuôi như cư dân nông nghiệp. Từ khi có nông nghiệp (hơn 10,000 năm qua), con người dành phần lớn thời gian, tâm sức vào các cây con này. Thay vì dành thời gian cho bản thân và giống loài của mình, con người dành tâm huyết để lai tạo các giống lúa, đắp đê, đào kênh mương, và hết năm này qua năm khác “trông trời, trông đất, trông mây” để lo cho mảnh ruộng hay chăm sóc đàn lợn. Phải chăng con người đã “lạc lối”?
Nghiêm trọng hơn, chính vì sự lựa chọn nông nghiệp này sẽ chi phối đến thể hình, nguồn gene, bệnh tật, cách thức tổ chức xã hội, định cư, quan hệ giữa người với người, và người với tự nhiên. Thực đơn nghèo nàn chắc chắn ảnh hưởng đến dinh dưỡng, đặc biệt làm cư dân lệ thuộc nhiều vào lương thực trở nên nhỏ yếu hơn. Bằng việc lựa chọn làm nông nghiệp, dựa vào một số lượng nhỏ cây trồng vật nuôi để duy trì cuộc sống, con người đang tự đẩy mình vào tình thế nguy hiểm, “đánh bạc với trời”. Những loại cây con được thuần hóa phần lớn không thể tồn tại tự nhiên nếu không được con người chăm sóc, và rất dễ bị tổn thương trước dịch bệnh, thiên tai, thay đổi môi trường. Điều này làm cho con người từ chỗ tự do săn bắn hái lượm, và các hoạt động phong phú chuyển sang tự trói mình một chỗ, dành cả ngày (và cả đời) đi đắp đê, đào mương, làm cỏ, dọn chuồng gà… Nông nghiệp cột chặt con người vào đất đai, vào một vài loài cây trồng vật nuôi, đánh mất đi các kỹ năng sinh tồn trong tự nhiên mà mất hàng triệu năm tiến hóa loài người mới tạo ra. Đó là một canh bạc. Khi canh tác nông nghiệp bị đe dọa bởi lụt lội, hạn hán, châu chấu… con người chắc chắn lâm vào nạn đói và các mối đe dọa sống còn khác.
Định cư, nhà nước và văn minh
Định cư luôn được coi là bằng chứng của tiến hóa tổ chức kinh tế-xã hội loài người. Việc định cư là hệ quả của việc hình thành nông nghiệp và xác lập nhà nước. Thực tế, con người đã đánh đổi tự do và “sự phóng khoáng” của người săn bắn hái lượm để lựa chọn cuộc sống “buồn tẻ” trong làng, để hưởng cuộc đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”:
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”.
Việc xác lập các khu định cư nông nghiệp được tin là ưu thế lớn đối với cuộc sống săn bắn hái lượm. Thực tế là dường như chúng mang lại nhiều “khổ đau” cho con người hơn là chúng ta tưởng. Một trong những “thảm họa” lớn nhất của nông nghiệp và định cư là dịch bệnh. Phần lớn các bệnh nguy hiểm nhất của loài người đến từ các vật nuôi, từ cúm gia cầm, dịch hạch, cho đến một danh sách dài các khách không mời như gián, chuột, bọ chét…. Làng mạc hay thành thị chính là căn cứ địa của dịch bệnh truyền nhiễm. Bệnh sởi chẳng hạn, có thể tồn tại liên tục trong các nhóm cư dân từ 100,000-200,000 người trở lên (cho đến khi chúng ta tìm ra vaccine). Lưu ý rằng những bệnh tật này chính là nguyên nhân thường xuyên gây ra hủy diệt các xã hội và nền văn minh tiền hiện đại.
Hệ quả thứ hai là chiến tranh. Chiến tranh không phải là sản phẩm độc quyền của con người hay xã hội nông nghiệp. Hai bầy sư tử gây chiến vì lãnh thổ và thức ăn. Tuy nhiên nông nghiệp và tập trung dân cư là “thiên đường” của chiến tranh và xung đột xã hội. Nông nghiệp làm tăng giá trị của đất đai, đồng cỏ… vì thế, chiến tranh giành lãnh thổ trở nên thường trực. Trên mảnh đất đó, con người cần nhân lực canh tác, vì thế bắt đầu ra đời các hình thái áp bức như nô lệ, tù binh. Điều này lí giải tại sao quan hệ áp bức đầu tiên trong lịch sử loài người là chế độ nô lệ. Các học giả như Anthony Reid, Victor Lieberman, James Scott lập luận rằng chiến tranh tiền hiện đại ở Đông Nam Á là nhắm đến bắt dân chứ không phải chiếm đất.
Nông nghiệp và định cư rõ ràng đã gây ra nhiều “khổ đau” cho con người. Điều này trở nên đặc biệt trầm trọng khi nhà nước xuất hiện. Nhà nước nhân rộng những “thảm họa” này lên nhiều lần. Phần lớn các nhà nước sơ kỳ đều dựa trên nông nghiệp. Thuế khóa, phu phen tạp dịch, binh dịch, hệ thống hành chính phức tạp… chính là hệ quả của việc các nhà nước này tìm cách kiểm soát dân chúng và thu tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp. Nhà nước, thông qua việc tập trung dân cư, đã mở rộng quy mô chiến tranh ở cấp độ chưa từng có trong lịch sử loài người. Đó chẳng phải là “khổ đau” của loài người do nông nghiệp và định cư gây ra? (điều này không có nghĩa là các nhóm săn bắn hái lượm không có chiến tranh).
Vì sao nông nghiệp, định cư và nhà nước thắng thế? Có thể ở những vùng đất hẹp, dân cư đông, các xã hội săn bắn hái lượm buộc phải tìm cách quay vòng đất đai, gia tăng lượng sản phẩm thu được trên diện tích nhỏ hẹp. Điều đó buộc con người chuyển sang làm nông nghiệp. Phải chăng đó là một lựa chọn bất đắc dĩ. Vì sao nông nghiệp thắng thế? Vì nó tạo ra nhiều calories hơn trên một đơn vị diện tích. Do đó dân số gia tăng nhanh hơn. Theo tính toán thì với cư dân làm nông nghiệp, chu kỳ sinh sản là 2-2,5 năm/ 1 lần sinh, so với 4 năm/ 1 lần sinh của dân săn bắn hái lượm. Theo thời gian, cư dân nông nghiệp áp đảo về số lượng so với cư dân săn bắn hái lượm. Chính lúc này, với sự xuất hiện của nhà nước và các học thuyết chính trị-xã hội do nhà nước bảo trợ, ý niệm rằng: nông nghiệp + nhà nước = văn minh ra đời.
Ai mới là người văn minh và người thông minh?
Trong tất cả các xã hội có nhà nước hơn 5,000 năm qua, con người được “dạy” rằng ai có nông nghiệp, định cư, nhà nước, chữ viết, luật pháp, tôn giáo là người văn minh. Dân du mục, dân miền núi, dân sa mạc, dân di cư trên biển… đều là thổ dân, man di, “người rừng”, “người biển”…
Người Hán coi bốn xung quanh họ là man, di, nhung, địch. Người Việt trong quá trình mở rộng đất đai cũng gọi những xung quanh, không có chữ Hán, giáo dục Nho giáo, không thực hành nghi lễ, nền hành chính, và trang phục giống như mình là man nhân, thổ nhân… trong khi tự gọi mình là “Hán nhân” (= người văn minh). Người Thái, người Khmer cũng có cái nhìn tương tự. Người Hy Lạp, người Roma gọi những người sống nơi các vùng biên của mình là dân man di. Nguồn gốc của từ này bắt đầu trong tiếng Hy Lạp cổ là “barbaroi”, phản ánh cách người Hy Lạp mô tả giọng nói “kỳ lạ” của dân vùng biên, “bar… bar…”.
Phải chăng có ruộng lúa, nhà nước, tôn giáo, chữ viết mới là văn minh? Câu trả lời có thể làm cho nhiều độc giả ngạc nhiên: không phải các dân du mục, dân miền núi không biết đến nhà nước, tôn giáo, chữ viết, thi cử, luật pháp… mà họ chủ động leo lên núi để “trốn” nhà nước, “trốn” văn minh. Mỗi khi nhà nước tiến thêm một bậc lên núi thì người Hmông, người Nùng lại lên cao thêm một bậc nữa, nhằm thoát ra ngoài tầm tay của nhà nước. Họ là những người chủ động chạy khỏi “văn minh” vì họ không muốn rơi vào thảm họa của nhà nước và định cư: như dịch bệnh, xung đột xã hội gay gắt, tổ chức thu thuế, bắt lính, gây ra chiến tranh giữa nhà nước, tôn giáo… Họ ý thức được rằng nhà nước ở đồng bằng là quá “cầu kỳ”, “phức tạp” với luật lệ, quan chế, thi cử… không linh hoạt và mất nhiều công sức để tổ chức. Chiến tranh, xung đột nổi dậy ở đồng bằng quá thảm khốc. Trong khi đó, văn học dân gian, quan hệ thân tộc, liên minh lỏng lẻo giúp họ xây dựng một cấu trúc xã hội linh hoạt, đơn giản, và cơ động. Họ cùng không muốn trói buộc khả năng sinh tồn của mình bằng cách lệ thuộc vào một nhóm nhỏ cây trồng, vật nuôi với tỉ lệ rủi ro cao (James Scott 2009).
Cuối cùng, góc nhìn này rõ ràng là đáng để tham khảo dù nhiều ý tưởng nêu ra ở đây với mục đích thúc đẩy những cách nghĩ khác về một câu chuyện đã trở nên quen thuộc. Sẽ rất dễ dàng để chỉ ra lợi ích của nông nghiệp, của nhà nước. Bài viết này hoàn toàn không có ý định khuyên độc giả rời bỏ nhà nước, rời bỏ thành phố, làng mạc để vào rừng sống cuộc đời săn bắn hái lượm. Viết những điều trên đây cũng không phải là để “ngợi ca” săn bắn hái lượm, lãng mạn hóa cuộc sống của dân du mục, cổ vũ cho du canh, du cư, hay hô hào thuyết vô chính phủ (anarchism). Bản thân tôi cũng không muốn làm thành viên của một bộ lạc du canh du cư, đồng thời cũng chưa có ý định thay đổi thực đơn lúa gạo, bánh mỳ hay thịt gà trong tương lai gần. Nông nghiệp, định cư, nhà nước đóng vai trò lớn trong tiến trình tiến hóa của loài người, là điều không thể phủ nhận. Điều quan trọng ở đây là nhận thức được rằng trong mỗi bước đi của nhân loại, lựa chọn một mô hình hay cách thức tổ chức xã hội nào đó, dù là một quyết định được cho là “hoàn hảo”, hay bước tiến vĩ đại đi chăng nữa, con người đều phải trả một cái giá nhất định. Ý thức điều này giúp chúng ta đưa ra được những lựa chọn đúng đắn cho tương lai của nhân loại.
“Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy”
Trần Đăng Khoa
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy”
Trần Đăng Khoa
Hình: Bản đồ các khu vực xuất hiện nông nghiệp sớm và niên đại (Neil Gower).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét