Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

15743 - Ứng xử của chính quyền với giới phản biện có nên xem lại?

BBC 

Nhà báo Phạm Chí Dũng
Nhà báo Phạm Chí Dũng là Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, một hội không được chính quyền công nhận

Việt Nam có muốn quốc tế tiếp tục coi mình là một quốc gia đáng thân thiện trong mắt quốc tế hay không, nếu như nhà cầm quyền tiếp tục có các hành vi ứng xử như với các nhà phản biện, các cây bút độc lập như xảy ra mới đây với nhà báo, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ở TP. Hồ Chí Minh.
Ý kiến này được Tiến sỹ Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế, nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê Liên Hợp Quốc, đưa ra với BBC News Tiếng Việt tuần này từ New York, khi ông bình luận câu hỏi liệu có phải ông Phạm Chí Dũng đã thực sự 'chống nhà nước', như các cáo buộc được đưa ra khi chính quyền tiến hành lệnh bắt và khởi tố với cây bút độc lập và phản biện.
"Tôi chẳng thấy chống nhà nước gì cả. Giả dụ rất nhiều người viết như Phạm Chí Dũng, bản thân tôi cũng viết như vậy thôi, đưa ra những ý kiến để Việt Nam khá hơn, với tinh thần muốn Việt Nam khá hơn, một cách hòa bình.
"Và những việc mình đóng góp ý kiến cũng rất là hòa bình, thế thì Phạm Chí Dũng cũng vậy thôi. Bây giờ đối xử với Phạm Chí Dũng như vậy thì tất cả những người khác mà cùng ý kiến như Phạm Chí Dũng tự nhiên sẽ bị chính quyền Việt Nam coi như là kẻ thù hết."
Cho rằng trong chính sách đối nội và bang giao của Việt Nam thông qua cách thức ứng xử với giới phản biện, hay tranh đấu cho nhân quyền có 'mâu thuẫn', Tiến sỹ Vũ Quang Việt tiếp tục nêu quan ý kiến:
"Tôi nghĩ cái này chính là cái mâu thuẫn của Việt Nam, trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối phó với Trung Quốc chẳng hạn, thì nếu Việt Nam tiếp tục chính sách bắt, bỏ tù những người tranh đấu cho nhân quyền, càng ngày càng bóp chặt vấn đề tự do dân chủ của Việt Nam, thì đương nhiên dư luận thế giới sẽ coi Việt Nam cũng giống như là kẻ thù, cũng giống như với Trung Quốc thôi.
"Và nếu mà Trung Quốc có hành động gì mà có nguy hại cho Việt Nam, thì với cái nhìn của thế giới như vậy về Việt Nam, đương nhiên người ta sẽ rất là khó mà có thể đi ủng hộ Việt Nam. Người ta sẽ bảo 'mấy nước này cá mè một lứa', mà 'tranh nhau ăn thôi', thì cái đó là bất lợi cho Việt Nam.

Tiến sỹ Vũ Quang Việt
Image captionTiến sỹ Vũ Quang Việt từ New York, Hoa Kỳ đặt ra một số câu hỏi với chính quyền Việt Nam quanh vụ bắt và khởi tố cây bút và nhà phản biện Phạm Chí Dũng

"Việt Nam muốn bảo vệ được chủ quyền của mình, thì tôi nghĩ bắt buộc là phải nhân quyền hơn, phải dân chủ hơn, chứ còn nếu cũng 'cá mè một lứa' như Trung Quốc, thì dù đó là 'hai anh cộng sản' khác nhau mà thực sự nó là một, thế giới người ta nhìn như vậy.
"Như tôi lớn lên ở bên Mỹ, trong thời gian mà chiến tranh ở Việt Nam, tại sao có rất nhiều dân chúng người ta ủng hộ, nghĩa là đòi hỏi Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam ở bên Mỹ và đòi hỏi Hòa Bình? Tại vì người ta thấy đó là một cuộc đòi hỏi đúng đắn và rất nhiều trên thế giới ủng hộ, thành ra Mỹ gặp khó khăn trong thời gian như vậy.
"Thế bây giờ Việt Nam muốn đứng ở đâu? Nếu muốn chỉ gọi là đàn áp, tiếp tục một chế độ chuyên chế, áp bức nhân dân như hiện nay, thì tôi nghĩ rất là khó làm bạn với người khác.
"Và nếu làm bạn, thì người ta cũng giả vờ làm bạn thôi, để có một tí lợi, còn không thì đó là chuyện của các anh," Tiến sỹ Vũ Quang Việt nói với BBC hôm 26/11/2019.
Quan tâm quốc tế có đồng đều?
Còn tại Bàn tròn thứ Năm hôm 28/11, Tiến sỹ Bill Hayton, nhà nghiên cứu thành viên "Chatham House", một viện Think-tank (nghiên cứu chiến lược, chính sách) ở London, Anh quốc, nêu nhận định trực tiếp về vụ việc xảy ra với ông Phạm Chí Dũng và một số người khác, trong tương quan với quan hệ Mỹ - Việt:
"Tôi không nghĩ rằng có một phản ứng đồng nhất ở chính phủ Mỹ, ở khía cạnh là sứ quán ở Hà Nội có thể sẽ đến nói với chính phủ Việt Nam rằng tại sao lại có những vụ bắt giữ như vậy và phải tôn trọng nhân quyền v.v...

Tiến sỹ Bill HaytonBản quyền hình ảnhBBC/BÀN TRÒN THỨ NĂM
Image captionTiến sỹ Bill Hayton, nhà nghiên cứu từ Viện Think Tank Chamtham House, London, bình luận về thái độ và hành động của Mỹ liên quan tới vụ việc nhà báo Phạm Chí Dũng mới bị bắt

"Nhưng mà đối với chính phủ ở Washington D.C. của Tổng thống Donald Trump thì họ có những mối lo lắng, quan ngại khác và tôi không nghĩ rằng họ sẽ có sức ép gì lớn về nhân quyền với Việt Nam.
"Bởi vì đối với chính phủ của Donald Trump, ưu tiên của họ đó là họ nhìn Việt Nam trong sự cạnh tranh lớn hơn đối với Trung Quốc và thứ hai đó là họ nhìn Việt Nam về mặt thương mại là có thâm hụt thương mại rất là lớn đối với Hoa Kỳ.
"Thì đó là những lĩnh vực mà Donald Trump quan tâm hơn, hơn là số phận của những nhà báo độc lập. Vì thế tôi nghĩ rằng phản ứng của chính phủ Donald Trump đối với nhân quyền Việt Nam cũng sẽ chỉ là tương đối yên ắng, nhẹ nhàng thôi."
Còn từ Paris, nhà báo và nhà hoạt động công đoàn độc lập Tường An, nói với cuộc hội luận Bàn tròn:
"Theo tôi nghĩ làn sóng bắt bớ sẽ không ngừng ở đây đâu, nó sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, có một khán giả hỏi về vấn đề 'trao đổi' [những nhà hoạt động bị bắt đổi lấy thỏa thuận thương mại], thì tôi nghĩ nó sẽ không có vấn đề trao đổi như là với blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, hay là blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh v.v...
"Nhưng chúng ta biết rằng Việt Nam rất muốn Hiệp định thương mại EVFTA được phê chuẩn trong năm tới, bởi vì điều này đem lại rất nhiều lợi nhuận cho Việt Nam, nếu như vậy tôi xin được trích lời của bà Saskia Bricmont, một trong những thành viên của Ủy hội châu Âu trong vấn đề EVFTA, là một trong những người đã lên tiếng sớm nhất cho ông Phạm Chí Dũng.
"Bà nói rằng nếu Việt Nam muốn hiệp định này được phê chuẩn thì nên trả tự do cho tất cả những người tù nhân lương tâm, những người tù nhân đã bị bắt vì lên tiếng vì quyền tự do ngôn luận mà bắt đầu từ ông Phạm Chí Dũng."

Nhà báo Tường AnBản quyền hình ảnhBBC/BÀN TRÒN THỨ NĂM
Image captionNhà báo Tường An bình luận với chương trình hội luận Bàn tròn thứ Năm từ Paris

Nguyên nhân và xu thế?
Chia sẻ góc nhìn và cảm nhận từ Việt Nam, nhà báo tự do, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, nói với cuộc hội luận hôm 28/11:
"Đây là vấn đề mà tôi nghĩ là hình sự hóa quan hệ dân sự. Lâu nay ở Việt Nam dùng khái niệm này thì thường là để nói đến những vụ án kinh tế, những vụ tranh chấp kinh tế.
"Nhưng không bao giờ người ta động đến, dám động đến vấn đề chính trị. Cái dạng của ông Phạm Chí Dũng đây và của nhiều trường hợp khác, cũng như tôi trước đây, tôi có đó là một lĩnh vực thứ hai của hình sự hóa các quan hệ dân sự.
"Tại sao nói như thế thì tôi phải trở lại sự việc cách đây đúng một trăm năm, trong bản tám yêu sách của Hội những người An Nam yêu nước, trong đó, hội đó có ông Nguyễn Ái Quốc, đã gửi đến Hội nghị ở Versailles, thì có điểm thứ ba, thứ tư là đòi hỏi tự do báo chí và tự do lập hội.
"Thế nhưng cho đến bây giờ, đúng 100 năm, và người dân Việt Nam vẫn tiếp tục đòi hỏi và cũng không khác gì thời đó cả, và các nước văn minh khác, người ta cũng đòi hỏi Việt Nam phải như thế.
"Và cho đến ngày hôm qua, mới ngày hôm qua thôi (27/11), trên diễn đàn Quốc hội Việt Nam, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đã phải nói rằng Quốc hội luôn sẵn sàng thông qua Luật Biểu tình và Luật về Hội, thế nhưng mà phải đợi về phía Chính phủ phải trình văn bản đó.

Nhà báo tự do, Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu VinhBản quyền hình ảnhBBC/BÀN TRÒN THỨ NĂM
Image captionNhà báo tự do, Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đặt câu hỏi liệu có sự 'hình sự hóa' quan hệ dân sự qua vụ bắt nhà báo Phạm Chí Dũng hay không.

"Cái này cả mười mấy năm nay rồi, đó là luật về Hội, bản dự thảo ra và bàn thảo không biết bao nhiêu lần, đem ra Quốc hội, rồi cất đi.
"Thì chính việc này rất liên quan đến việc của ông Phạm Chí Dũng, khi những người hoạt động và có những bài vở như của ông Dũng như thế, rõ ràng là ông ấy làm theo cái mà Hiến pháp cho phép.
"Hiến pháp cho phép, nhưng chính quyền nước này không đưa ra luật mà cố "câu giờ", không đưa ra luật, để những người muốn khẳng định quyền của mình mà Hiến pháp cho phép, thì sẽ rơi vào một vòng lao lý.
"Đó là một cái rất đáng buồn và chính là một kiểu hình sự hóa các quan hệ dân sự mà trong tuyên bố mới đây của một số trí thức, nhân sỹ và nhiều người yêu nước về vấn đề ông Phạm Chí Dũng, và ký đưa lên mạng rồi, thì có nói đến điều rằng việc của ông Dũng mà nếu có một sự việc gì mà nhà nước không đồng ý và thấy sai, thì cứ hoặc là chấn chỉnh ông, hoặc là kiện ông ra tòa về dân sự.
"Tại sao lại hình sự hóa như thế?"

Kỹ sư Nguyễn Lân ThắngBản quyền hình ảnhBBC/BÀN TRÒN THỨ NĂM
Image captionKỹ sư Nguyễn Lân Thắng là một trong số khách mời tham gia Bàn tròn hội luận từ Hà Nội

Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, nêu bình luận với Bàn tròn về liệu có tín hiệu gì và khuynh hướng nào hay không qua vụ việc ông Phạm Chí Dũng bị bắt và khởi tố:
"Việc bắt bớ đã kéo dài rất lâu rồi và rất nhiều người bị bắt.
"Tôi cho rằng việc đó còn tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.
"Bởi vì bây giờ tình trạng của đất nước, tình trạng của chế độ đang cực kỳ nguy ngập.
"Cho nên việc bắt bớ những người bất đồng chính kiến, những người phản biện xã hội là một việc họ phải chữa cháy và họ buộc phải làm thôi.
"Nhưng mà nó sẽ không đảo ngược được tiến trình mà những khao khát của người dân đòi hỏi một chế độ, một nhà nước tự do, dân chủ mà sẽ còn tiếp diễn," nhà hoạt động xã hội dân sự này phát biểu.
Tự biết số phận và cái giá?
Ngay sau Bàn tròn, cũng từ Việt Nam, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, đồng chủ biên Tạp chí văn nghệ trên mạng, Văn Việt, thuộc Ban vận động thành lập Văn đoàn Việt Nam độc lập, bình luận với BBC:

Nhà thơ, dịch giả Hoàng HưngBản quyền hình ảnhBBC/BÀN TRÒN THỨ NĂM
Image captionNhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng từng là một tù nhân lương tâm trong giai đoạn từ 1982-1985, hiện ông là một người làm báo tự do

"Phạm Chí Dũng là một gương mặt tiêu biểu cho những người có quá khứ gắn bó sâu với Đảng Cộng sản nay "tỉnh ngộ", quyết "thoát Cộng" để mở đường cho một chế độ dân chủ thực sự (số người như thế ngày càng tăng mạnh); cũng tiêu biểu cho lớp trẻ VN dũng cảm dấn thân vào con đường đấu tranh cho lý tưởng mà mình vững tin (cũng ngày càng tăng mạnh).
"Hai điều ấy khiến anh trở thành một sự nguy hiểm hàng đầu cho chế độ, lúc nào cũng có thể bị bắt. Còn lý do anh bị bắt lúc này có thể là: một - vì những bài viết gần đây quá "sốc" (kiến nghị E.U. ngưng ký hiệp định thương mại với VN).
Và hai - là để "đối lại" với việc Quốc hội thông qua Luật Lao động cho quyền lập công đoàn tự do ở cơ sở (theo đúng đường lối "đu dây" của Đảng Cộng sản, chao bên này một cái thì phải chao ngược bên kia một cái). Chắc anh tự biết số phận và cái "giá" phải trả cho niềm tin và việc làm của mình. Chúc anh thân tâm vững mạnh trong mọi hoàn cảnh."
Tin cho hay, hôm thứ Năm tuần trước, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng đã bị bắt và khởi tố ở TP. Hồ Chí Minh:



"Một dấu hiệu rất đáng lo ngại cho chính quyền VN"

"Ngày 21/11/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Phạm Chí Dũng (sinh năm 1966; quê quán: tỉnh Đồng Tháp; thường trú tại 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam," một bản tin trên trang mạng của Bộ Công an Việt Nam cho hay.
"Thời gian qua, Phạm Chí Dũng đã có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm; tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự. Do đó, việc khởi tố để điều tra đối với Phạm Chí Dũng là rất cần thiết và đúng quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện lệnh bắt, khám xét đối với Phạm Chí Dũng được Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ," Bộ Công an tuyên bố.
Đây cũng là thông tin được Phòng Tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Công an thành phố này cùng ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét