Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

15758 - Làm sao chống lại một thế giới tràn ngập rác thải nhựa?


Ô nhiễm rác thải nhựa đang tàn phá các đại dương
Ô nhiễm rác thải nhựa đang tàn phá các đại dương Getty Images

Có thể nhiều độc giả đã đọc/nghe/xem không ít thì nhiều về rác thải nhựa và ô nhiễm môi trường từ nhựa, nhưng chưa có bộ phim nào tạo ra những hiệu ứng thị giác và tác động một cách mạnh mẽ cho người xem như bộ phim tài liệu A Plastic Ocean.
Bộ phim dài 102 phút từng phát sóng trên Netflix mang đến cho chúng ta những hình ảnh chân thực và trần trụi nhất về ô nhiễm rác thải nhựa đang tàn phá các đại dương như thế nào, đặc biệt là cho các loại động vật và sinh vật biển.
A Plastic Ocean là bộ phim của đạo diễn, nhà báo người Úc Craig Leeson. Ban đầu, ông không hề có ý định làm một bộ phim tài liệu về rác thải nhựa mà đơn giản chỉ là một chuyến phiêu lưu trên đại dương để quay phim về cá voi xanh, loài động vật lớn nhất trên hành tinh. Nhưng rồi từ đó, ông dần dần khám phá ra một sự thật đáng báo động khi tận mắt chứng kiến một lớp rác thải thựa dày trôi nổi giữa biển Ấn Độ Dương. Đó là lý do khiến ông chuyển hướng sang đề tài rác thải nhựa trên đại dương cho bộ phim tài liệu dài của mình.

Cùng với Tanya Streeter, một nhà hoạt động môi trường và thợ lặn tự do phá kỷ lục thế giới, Craig đã đi đến 20 địa điểm trên khắp thế giới trong suốt 4 năm trời để khám phá tình trạng mong manh của các đại dương và quay lại những hình ảnh về rác thải nhựa gây sốc đã tác động đến môi trường như thế nào mà hầu hết chúng ta đều không để ý đến. Tham gia cùng với Craig và Leeson, không thể không kể đến vai trò của Jo Ruxton, đồng đạo diễn của bộ phim, một chuyên gia về đại dương học của WWF Hồng Kông đã sẵn sàng rời bỏ công việc văn phòng trong vòng 4 năm, để cùng đoàn làm phim lăn lộn tất cả những điểm nóng về môi trường biển trên khắp thế giới.
A Plastic Ocean còn được bảo chứng với nguồn thông tin và những kiến giải từ các nhà khoa học, các nhà làm phim, học giả, doanh nhân, các nhà nghiên cứu môi trường và nhà báo. Tất cả họ đều cảnh báo về những sự thật về hậu quả của lối sống dùng đồ nhựa một lần trong thời đại tiêu dùng suốt nhiều thập kỷ qua đã tác động lớn đến môi trường toàn cầu và gây ra ô nhiễm nhựa cho các đại dương như thế nào. Nhưng hơn hết, họ còn đưa ra được các giải pháp, từ chính phủ cho đến các cá nhân có thể làm được để "giải cứu" đại dương và tạo ra một môi trường biển xanh và sạch hơn.
Bộ phim đã được chọn chiếu tại các hội nghị quốc tế trên khắp thế giới về môi trường, đặc biệt là tại Viện Smithsonian và Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, nơi có sự tham gia của cựu Tổng thống Barack Obama, các nhà nghiên cứu thiên nhiên hoang dã hay môi trường học nổi tiếng toàn cầu như David Attenborough, Sylvia Earle và Jane Goodall.
David Attenborough, dù cũng đã từng đề cập đến ô nhiễm nhựa trong các bộ phim tài liệu của ông như Blue Planet, đã nhận xét về A Plastic Ocean như sau: "Đây là một trong những bộ phim quan trọng nhất của thời đại chúng ta."
Nhận được nhiều đánh giá tích cực của giới phê bình và khán giả, A Plastic Ocean còn đạt 7 giải thưởng tại các liên hoan phim, trong đó có giải "Best of Festival" (Phim hay nhất) tại Liên hoan phim về Đại dương xanh năm 2017 và "Director's Choice Award" tại LHP Quốc tế Sedona.

Chúng ta sống trong một thế giới của nhựa?Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionChúng ta sống trong một thế giới của nhựa?

A Plastic Ocean cho chúng ta thấy một thế giới tràn ngập rác thải nhựa

Trong thời đại tiêu dùng nổi lên từ vài thập niên qua, sự tiện dụng luôn được đặt lên hàng đầu. Và điều đó đưa chúng ta sống trong một thế giới của nhựa. Túi nilon, chai nhựa, bàn chải đánh răng… và thậm chí quần áo được làm tự nhựa có khắp mọi cửa hàng, chợ, siêu thị.
Con người đã sản xuất nhựa hàng loạt từ những năm 1950. Thế giới sản xuất hàng trăm triệu tấn nhựa mỗi năm và số lượng chỉ tăng lên theo cấp số cộng. Hầu hết, chúng đều được sử dụng một lần và vứt đi, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ được tái chế. Phần lớn của số lượng nhựa sử dụng một lần này kết thúc ở các bãi rác khổng lồ trên khắp thế giới hoặc theo các dòng sông, suối trôi ra đại dương. Bộ phim của Craig đã mang lại những hình ảnh gây sốc, đặc biệt là những thành phố ven biển bị ô nhiễm nặng và các bãi rác đầy rác thải nhựa, nơi những đứa trẻ phải kiếm sống và mưu sinh trong môi trường độc hại đó. Bộ phim cũng quay được những hình ảnh đau lòng về các loại động vật biển bị tác động bởi ô nhiễm rác thải nhựa. Các nhà khoa học cho biết khoảng 90% các loài chim biển đã nuốt phải rác thải nhựa do chúng nhầm lẫn với thức ăn trôi nổi trên biển . Khi mổ bụng một con chim hải âu bị chết trên bờ biển, họ đã tìm thấy hơn 200 mảnh nhựa trong dạ dày của chúng. Rùa biển, hải cẩu, sư tử biển và rất nhiều loài động vật biển khác cũng chịu tác động từ ô nhiễm nhựa. Tác hại rõ nhất là hệ tiêu hóa của chúng bị ảnh hưởng và dần dần bị chết do không thể nạp được thức ăn vào dạ dày.
Nói không ngoa rằng, A Plastic Ocean cho chúng ta thấy một thế giới tràn ngập bởi rác rưởi.
Tác hại lâu dài của việc sử dụng nhựa
Nhựa được sử dụng rộng rãi khắp thế giới vì chúng bền và rẻ. Chúng có thể tồn tại hàng trăm năm mà không bị phân hủy hóa học. Tệ hại hơn, chúng trôi nổi ra đại dương và vỡ ra thành những hạt vi nhựa hiện hữu khắp nơi trong lòng đại dương. Các nhà khoa học ước tính rằng có hơn năm ngàn tỷ mảnh nhựa hiện đang trôi nổi trong các đại dương trên trái đất.
Dưới tác động của môi trường như ánh nắng mặt trời và nước mặn, nhựa phân rã thành những hạt vi nhựa (microplastic), hòa vào đại dương và có thể tích tụ chất độc. Khi tích tụ trong chuỗi thức ăn của các loài động vật biển, và cuối cùng là trên bàn ăn tối của chúng ta. Hạt vi nhựa trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng, vì gần một phần năm dân số thế giới phụ thuộc vào đại dương để có nguồn protein chính. Việc tiêu thụ hải sản bị ô nhiễm có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe bao gồm ung thư, các vấn đề về hệ thống miễn dịch và cả vấn đề khó mang thai ở phụ nữ. Chính chúng ta đang đầu độc chúng ta chứ không ai khác!
Một người phụ nữ sống ở vịnh Manila, Philippines đã chia sẻ trải nghiệm của chính mình. Khi còn bé, cô và những người bạn của mình bơi lội như những chú cá trong vịnh biển vì nước biển rất trong lành và sạch sẽ. Nhưng ngày nay, vịnh biển này tràn ngập rác thải nhựa. Cô từng chứng kiến rất nhiều người trong cộng đồng của mình nhiễm các căn bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa như hô hấp, ung thư và mang thai. Điều ước lớn nhất của cô bây giờ là những đứa con của cô lớn lên trong một môi trường trong sạch không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa.
WWF (Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên) cho biết: Rác nhựa đang hủy hoại các đại dương, đe dọa hơn 800 loài sinh vật và tiêu diệt/làm chết khoảng 100.000 động vật biển hàng năm.
Trong suốt vòng đời của mình, việc khai thác nguyên liệu, sản xuất, tiêu dùng nhựa, thiêu hủy và tái chế chúng thải ra gần 200 hóa chất độc hại cho sức khỏe con người, bao gồm 174 chất độc trong quá trình khai thác dầu mỏ; 10 phụ gia độc hại như phthalate, BPA và styren trong sản xuất nhựa; hàng chục chất độc như POP và PCB do quá trình phân rã và kết hợp giữa vi nhựa với các chất hữu cơ trong môi trường; dioxin và furan khi đốt rác nhựa, và kim loại nặng (tái chế nhựa).

Các loài động vật biển cũng xứng đáng để sống trong một đại dương xanh, sạchBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionCác loài động vật biển cũng xứng đáng để sống trong một đại dương xanh, sạch

Tương lai của nhựa & làm sao để giải cứu món "súp nhựa" trên đại dương?

Tất nhiên, điều khiến bộ phim này được đánh giá cao và đoạt các giải thưởng quốc tế, không chỉ là những hình ảnh, thông tin đáng báo động về ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ở đại dương, mà là các giải pháp để hạn chế sử dụng nhựa mà các nhà làm phim đã đưa ra. Hơn ai hết, họ hiểu rằng, khó có một giải pháp để thay đổi thói quen sử dụng nhựa trong xã hội tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua và không thể loại bỏ chúng hoàn toàn.
Bộ phim, qua các kiến giải của các nhà khoa học và xã hội học đã đưa ra các giải pháp khác nhau để giảm thiểu tác động của rác thải nhựa.
Cách tốt nhất là tránh các sản phẩm chứa nhựa càng nhiều càng tốt, đặc biệt là các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần và tái chế bất cứ thứ gì bạn có thể làm được. Điều này đòi hỏi sự chung tay của các chính quyền để khuyến khích việc tái chế của cộng đồng.
Đối với những loại nhựa không thể tái chế, công nghệ mới hiện nay đã được phát triển để chuyển đổi chúng thành nhiên liệu, mang lại tuổi thọ thứ hai cho những loại nhựa này.
Và hơn lúc nào hết, con người dần dần phải có ý thức và tránh xa văn hóa nhựa nếu không muốn trở thành nạn nhân của chính mình.
Các loài động vật biển cũng xứng đáng để sống trong một đại dương xanh, sạch chứ không phải là món súp nhựa nổi lềnh bềnh như hiện nay.
Rác thải nhựa ở Việt Nam
Có lẽ chưa bao giờ những báo động về ô nhiễm rác thải nhựa lại cấp thiết như bây giờ. Thế giới mỗi năm sản xuất trung bình khoảng 300 triệu tấn nhựa (plastic), trong đó có hàng tỉ chai nhựa và hơn 5 tỉ túi ni-lông.
Hầu hết chúng không bao giờ được tái chế và tồn tại gần như vĩnh viễn trên mặt đất hoặc trôi nổi trong các đại dương. Theo các dòng hải lưu, chúng trôi xuống tận Nam Cực và theo thời gian còn chìm sâu xuống tận đáy đại dương.
Góp phần vào cuộc khủng hoảng nhựa toàn cầu không thể không nhắc tới Việt Nam. Trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 41kg nhựa/năm. Tính ra gần 100 triệu dân thì ta sẽ có con số khủng khiếp như thế nào, nhất là phần lớn rác thải nhựa ở VN không được phân loại hoặc tái chế mà hầu hết chất đống trong những bãi rác hoặc thẳng tay vứt ra sông suối, biển. Việt Nam đứng thứ 5 trong số những quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất trên thế giới và tất nhiên cũng là một trong những nước ô nhiễm rác thải nhựa cao nhất của thế giới.
Hiện nhiều tổ chức ở Việt Nam đang lên tiếng báo động về vấn nạn rác thải nhựa, trong đó có giải pháp đánh thuế nặng các cơ sở sản xuất túi ni lông khó phân hủy. Tuy nhiên, quan trọng hơn là cần có các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về việc hạn chế và tiết giảm sử dụng túi ni lông một lần và sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường thay thế.
WWF Việt Nam gần đây cũng tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông, trong đó có việc tổ chức trại làm phim cho học sinh cấp 2 tại Hà Nội để nâng cao nhận thức cho các em nhỏ.
Lão Tử từng nói, "hành trình ngàn dặm luôn bắt đầu từ những bước chân đầu tiên". Và hơn bao giờ hết, Việt Nam cần những "bước chân đầu tiên" như vậy để chống lại cuộc xâm lấn của rác thải nhựa do con người gây ra trước khi quá muộn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét